Sau khi ổn định thiền sinh và dùng sáng, hội chúng được Thầy Quảng Thức và quí thầy cô giáo thọ hướng dẫn thiền hành, thiền tọa và ôn tụng năm giới quý báu.
Pháp thoại sáng nay được Thầy viện chủ giảng vơi chủ đề Như Lai Gọi Về với ngẫu hứng qua bài thơ của thi nhân Bùi Giáng:
“Người từ vô tận tái sinh
Đi qua trần thế mang tình nhân gian
Rồi từ giấc mộng vừa tan
Quê hương một độ bàng hoàng ra đi
Ngày về bạc tóc hài nhi
Nắng chiều rủ xuống thầm thì trên vai
Giã từ giấc mộng Thiên Thai
Vô biên ngày ấy Như Lai gọi về”
Thế là bài pháp được Thầy giảng giải trong suốt buổi xuyên qua khổ thơ tám câu này.
Nói về Thiên Thai, Thầy giói thiệu đây là nơi Trí Giả đại sư hành Đạo và lập nên Thiên Thai tông, lấy Kinh Pháp Hoa làm nền tảng chủ đạo. Đây còn có một điển tích của tiên gia. Thầy kể về chuyện hai thầy thuốc Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán nhân tiết Đoan Ngọ vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối, tao ngộ hai tiên nữ Giáng Tiên và Ngọc Kiều, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Hai tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa. Thầy nhấn mạnh dù ở tiên giới, song sự lạc thú chốn bồng lai cũng không thể làm con người hạnh phúc viên mãn được.
Thầy phân tích hai câu thơ đầu: “Người từ vô tận tái sinh / Đi qua trần thế mang tình nhân gian”. Thầy nói rằng, Chư Phật, Bồ tát, Chư vị Tổ sư cũng đi vào nhân gian nhưng các vị không bị vướng vào nhân gian tình lụy; ngược lại, các vị đến với nhân gian bằng tuệ giác và tình thương lớn của chư Phật, giúp chúng sanh thoát khổ. Chúng ta thì đi vào trần thế lại bị vướng vào tình nhân gian, tình như lửa đốt, tình như tiếng sét giữa thinh không, chính cái tình nhân gian này đã đưa chúng ta trôi lăn, xoay vần trong sáu nẻo sanh tử.
“Rồi từ giấc mộng vừa tan / Quê hương một độ bàng hoàng ra đi”. Thầy nói, cái tình nhân gian đó vốn chỉ là huyễn mộng, thoáng có, thoáng không, vì là huyễn mộng nên chúng ta đang sống như người trong mộng, chúng ta đang sống trong mộng ái tình, tiền tài và danh lợi, có rồi lại muốn có thêm, mất rồi thì cất công tìm kiếm, quả thực, chúng ta đang tìm kiếm huyễn mộng, để rồi đến khi đến khi tàn mộng, thì bất giác “Quê hương một độ bàng hoàng ra đi”, thật vậy, chúng ta ra đi để bước vào cuộc chơi sanh tử mới, sáu nẻo đường đau khổ mà tưởng vui.
Để rồi “Ngày về bạc tóc hài nhi / Nắng chiều rủ xuống thầm thì trên vai”, Thầy giảng, sự khổ đau sanh tử đã làm cho tha nhân mệt nhoài, mà đến cuối đời tâm ta vẫn hoài như đứa trẻ, chưa chịu lớn lên, chưa chịu hiểu biết, đến tuổi xế chiều như hoàng hôn hiu hắt thì mới biết là đường tử sanh ta còn hoài chưa dứt.
Vô thường đến đi không hẹn trước, khi ngộ được lí này thì chúng ta mới nhận được chân giá trị của sanh tử, để mạnh dạn mà rằng: “Giã từ giác mộng Thiên Thai / Vô biên ngày ấy Như Lai gọi về”. Thầy dạy, tỉnh mộng rồi thì cõi tiên cũng không cần nữa, bởi vì cõi tiên cũng là huyễn mộng, chẳng qua là cơn mộng dài nên ta dại xem là thật. Tỉnh mộng rồi thì giấc mộng ngắn, dài đều như nhau, ta nào còn tham đắm; để rồi từ trong “Vô biên ngày ấy Như Lai gọi về”, Như Lai là bản tánh sẵn có trong mỗi chúng ta. Như Lai gọi về là về với bản tánh chân thật của chúng ta, không cần tìm hạnh phúc đâu xa nữa, hạnh phúc ở tại chính mình rồi.
Qua hai câu kết này, thầy dạy, chúng ta phải biết nương tựa vào chính mình, nương tựa cái giác tánh sẵn có trong mình, đó là nương tựa chân chánh nhất.
Pháp thoại khép lại trong niềm hoan hỷ của hội chúng, bài pháp giúp hội chúng vừa học thơ cũng như vừa học đạo, trí tuệ thế gian lẫn xuất thế gian đều hội đủ qua bài pháp của Thầy.
Kết thúc thời pháp, hội chúng dùng cơm chánh niệm và buông thư.
Trong cơn mưa lát đát buổi chiều, Đại chúng tiếp tục thời tọa thiền thứ 03 và dự pháp đàm. Trong pháp đàm, Thầy Viện chủ đã tận tình giả đáp những câu hỏi của hội chúng như làm thế nào để hướng dẫn gia đình, người thân cùng mình học đạo – đây là trăn trở của Phật tử Chúc Hạnh. Thầy chia sẻ rằng, tâm lí chúng ta hay mong cầu nhiều thứ, nếu trong khả năng thì có thể được nhưng nếu vượt quá giới hạn thì không nên, ở đây, Thầy tán thán sự tu tập nhưng cũng khuyên hành giả nên tùy duyên, mình phải không ngừng thay đổi mình, hoàn thiện mình, đến lúc nhân duyên hội đủ thì mình sẽ thay đổi được những người xung quanh mình. Thầy cũng chia sẻ về việc ăn chay và sát sanh. Thầy dạy, ăn chay rất tốt, ngay cả những người không theo Đạo Phật họ vẫn ăn chay để dưỡng sinh và bảo vệ môi trường thì những người con Phật càng nên ăn chay để nuôi dưỡng từ tâm của mình. Còn nếu như hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép, Thầy khuyên nên ăn uống tùy duyên nhưng không được sát sanh, vì sát sanh là phạm vào ngũ giới mà Đức Phật răn dạy người Phật tử tại gia.
Pháp thoại kết thúc cũng là lúc bế mạc khoá tu. Hội chúng dùng chiều tại tu viện rồi ra về.
Trung Pháp – Trung Nhân
Một số hình ảnh trong khóa tu:
Tin Tức Liên Quan
- Một ngày hành đạo của Đại sư Drikung Kyabogon Chetsang Rinpoche tại Tu viện Khánh An (16/05/2017 12:58)
- Tăng thân Tu viện Khánh An tổ chức lễ hội đốt nên hoa đăng (14/05/2017 2:26)
- Pháp thoại nhân ngày Khánh đản Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni (10/05/2017 9:55)
- NUÔI DƯỠNG TÌNH HUYNH ĐỆ ( 3/05/2017 5:20)
- SUY TƯ HẠNH PHÚC THEO TINH THẦN ĐẠO PHẬT ( 2/05/2017 1:18)
- LẮNG NGHE CHÂN THẬT (11/04/2017 10:02)
- TÂN ĐẠI SỨ VIỆT NAM TẠI CH. BA LAN THĂM CHÙA NHÂN HOÀ (27/03/2017 5:17)
- Pháp thoại về con gà nhân xuân Đinh dậu (11/02/2017 2:51)
- Những tấm lòng xuân về với Khánh An ( 1/02/2017 1:06)
- Đêm Sám hối cuối năm Bính thân (12/01/2017 2:22)