Pháp thoại “Biển cả yêu thương” đêm rằm tháng giêng tại Tu viện Khánh An

9/02/2020 5:48
Tối ngày rằm tháng giêng năm Canh Tý (8/2/2020) tại Phật đường tỉnh thức, Thầy Viện chủ đã có bài giảng nói về lòng từ bi, thương yêu giữa con người với con người trong tình hình đại dịch Corona hiện nay với bài pháp mang tên: “Biển cả yêu thương”. Những ngày gần đây, báo chí trên thế giới liên tục đưa tin về đại dịch tại Vũ Hán, nhiều quốc gia đã gát qua những bất đồng quan điểm với Trung Quốc, cùng chung lo diệt bệnh corona đang hoành hành.

Trên những thùng hàng viện trợ Nhật gửi tặng đến tỉnh Hồ Bắc, có dòng chữ, những khẩu hiệu, biểu ngữ với tinh thần cổ vũ Trung Quốc luôn xuất hiện khắp mọi nơi: “Sơn xuyên dị vực, Phong nguyệt đồng thiên”. 

Sông núi tuy khác nhau nhưng trăng gió cùng chung bầu trời. Sở dĩ có điều này là bắt nguồn từ một câu chuyện về giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Trung Quốc cách đây hơn 1,300 năm. Cụ thể vào thế kỷ VIII, vua Nhật cử người đến Trung Quốc học Phật pháp và Nhật đã tặng cho nhà Đường gần 1,000 chiếc áo cà sa trên đó có thêu 16 chữ “Sơn xuyên dị vực, Phong nguyệt đồng thiên, Ký chư Phật tử, Nguyện kết lại duyên”. 

Cảm động trước hành động đẹp ấy, nhà sư nổi tiếng Trung Quốc lúc bấy giờ là Giám Chân thiền sư đã đến Nhật Bản truyền bá Phật pháp, đánh dấu một trong những sự kiện mang tính biểu tượng trong giao lưu văn hóa Trung - Nhật.



Trong sự giác ngộ của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, ánh sáng vô lượng ấy đã bắt đầu từ Tây Trúc truyền bá đến Đông Độ sang Việt Nam, Nhật Bản và khắp các nơi trên thế giới, suốt nhiều nghìn năm qua, xương của các vị tổ sư đã rải trắng khắp các rừng núi, máu của các vị thiền sư, các bậc cao tăng đã thấm đỏ biển cả để mang ánh sáng đạo pháp đến cho chúng sinh muôn loài. 

Dù khác biệt về biên cương, hải đảo, văn hoá, lịch sử nhưng tấm lòng của người con Phật luôn vượt ra khỏi thành quách, phá được thông hào gắn kết tình cảm, tình người lại với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều thiện, tích cực, con người luôn chung lòng để vượt qua cơn đại dịch thì đâu đó vẫn còn tồn tại những con sâu phá hoại, những con tim khô héo tình thương, không có tấm lòng từ bi đã gây phiền, khổ, bất an cho xã hội. Trong lúc dịch bệnh đang lây lang, đã có những người tạo tin giả  tung ra gây hoang mang trong lòng dư luận, hay việc đầu cơ tích trữ những mặt hàng thiết yếu và nâng giá hàng hoá để trục lợi cho bản thân.



Ngày xưa, trong bài Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi có viết 2 câu:

          Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân 

          Quân điếu phạt trước lo trừ bạo 

Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là yêu nước, thương dân, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhân là tình thương, là sự bao dung;  nghĩa là việc làm đúng. Mỗi việc mình làm hãy xem tác động đến xã hội có thể hiện được  tình thương,  việc làm vậy có đúng hay không? Đâu phải vì danh lợi thị phi mà làm đảo lộn cuộc sống. Thầy dẫn bài kệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông:

          Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

          Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn.

          Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

          Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Trần Nhân Tông đã nhìn danh lợi thị phi chẳng khác nào hơi rơi buổi sớm, mưa rụng về đêm. 

Khi hoa đã tàn , mưa đã tạnh, núi trở nên vắng lặng, thì một tiếng chim báo hiệu mùa xuân sắp hết: Quy luật sinh diệt tất yếu của thế giới vô thường là như vậy, trên dòng chảy vô thường đó, con người chỉ có thể đạt tới sự an lạc tự tại khi hiểu rõ chân tướng của nó, thuận theo nó, như nước chảy mây trôi… cho đến khi nào ta bỏ được hai chữ danh vọng thì khi ấy ta sẽ đạt được Niết Bàn tịnh lạc ngay trong kiếp sống này.

Tất cả những gì ta tạo tác, ta làm hôm nay chính ta sẽ là người mang kết quả ấy, cuối thời pháp, Thầy mong đại chúng luôn luôn nuôi dưỡng tâm từ bi, hiểu được lẽ đời, lắng nghe tiếng nói cuộc đời, sống biết tha thứ, chia sẻ nhường nhịn lẫn nhau, cùng khổ, cùng vui để thế giới luôn đại đồng, mãi hoà bình, an lạc.



Tin: Ngọc Ánh, Ảnh: Trường Nguyễn


Một số hình ảnh ghi nhận được:















Tin Tức Liên Quan