Pháp thoại Khoá tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 17: Bốn Nguyên Tắc Giảng Pháp

24/07/2017 2:51
Đức Phật sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, với thánh quả A La Hán – Nhất thiết trí mà Người đã đạt được, Người tràn đầy pháp hỷ khi biết rằng, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, từ nay không còn tái sanh nữa. Cần biết rằng, đạo quả mà Ngài có được là do sự tích lũy các Ba la mật trong quá trình hành minh sát từ vô lượng kiếp, Ngài là đấng A La Hán có trí tuệ siêu việt nhất trong các bậc A La Hán, chúng ta gọi Người là Đấng Giác Ngộ hay là Phật. Trong những tháng ngày thuyết pháp độ sanh, biết được căn tánh chúng sanh không đồng và khó có thể tiếp nhận giáo pháp một cách trực ngộ nên Người đã phương tiện quyền xảo trong giảng dạy để dẫn chúng sanh li mê khai ngộ, hay nói cách khác là thấy rõ Bốn chân lí cuộc đời “ Khổ, tập, diệt, đạo”. Sự phương tiện đó được gọi là khế lí, khế cơ, khế xứ và khế thời. Hiểu được ý nghĩa quan trọng của bốn nguyên tắc này, nên trong bài Pháp thoại tại khóa tu “Sống tỉnh thức” lần thứ 17 (Ngày 23/7/2017) của Thượng tọa Giảng sư Thích Quảng Thiện, Thầy đã chia sẽ lại với đại chúng như một cách hoằng pháp đưa Đạo Phật ứng dụng vào đời.

Đầu tiên, Thầy giảng về “khế lí”. Thầy nói, khế lí là nói đúng chân lí, nói đúng thực tại. Thực tại tối hậu ở đây là thấu rõ tứ đế, biết được bản chất của cuộc đời. Thầy khuyên Phật tử tại gia phải biết giữ được trạng thái cân bằng các mối quan hệ trong đời sống nhưng không nên bám chấp mà ngược lại nên học cách xả li. Thầy kể, trong đời sống có những người vì ái và chấp thủ nênbị vô minh chi phối dẫn đến đau khổ, muốn dứt nhưng không dứt ra được, “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, Thầy dẫn truyện Kiều để làm rõ ý.

DSC 8864
Tiếp đến là “khế cơ”, Thầy nói, giảng pháp thì phải đúng người, đúng đối tượng, như bác sĩ xem bệnh rồi cho thuốc, Giáo Pháp của Đức Phật cũng tùy người mà nói cho phù hợp. Thầy dẫn trong kinh Pháp Hoa với đại ý rằng, như cây lớn, cành lớn, lá lớn; cây vừa, cành vừa, lá vừa; và cây nhỏ, cành nhỏ, lá nhỏ; Giáo Pháp của Đức Thế Tôn như cơn mưa và những hạng cây đó tùy từng khả năng mà hấp thụ khác nhau. Cho nên, Thầy nhấn mạnh, yếu tố khế cơ rất quan trọng nếu áp dụng không tốt sẽ dẫn đến kết quả không như ý. Trong thời Đức Phật cũng vậy, Ngài là người rất thiện xảo trong việc quán xét căn tánh của chúng sanh, nên các đệ tử của Ngài sau khi học pháp và nhận được một đề tài thiền cho riêng mình để hành trì, chẳng bao lâu, đệ tử của Ngài đều thành tựu. Như vậy, cũng đủ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của yếu tố khế cơ là lớn đến thế nào rồi.

DSC 8874
Thứ ba, là khế thời. Thầy nói, khế thời là phải phù hợp với thời gian, rộng hơn là phù hợp với thời đại. Phật pháp phải tùy vào thời gian khác nhau mà có sự giảng dạy, hoằng pháp khác nhau.

DSC 8867
Thứ tư là khế xứ, là tùy vào xứ sở mỗi nơi mà Giáo Pháp phải tùy nghi mà truyền bá. Đó là lí do mà Thầy chia sẻ với hội chúng với cùng một chủ đề Thầy có thể nói ở mỗi hoàn cảnh,mỗi khác nhau. Thời Phật còn tại thế cũng vậy, Đức Phật chủ trương, chư Tăng hoằng hóa ở đâu thì phải dùng tiếng nói ở đó mà giảng dạy và phải tôn trọng tập quán và pháp luật của địa phương đó.

DSC 8880
Thầy kết thúc Pháp thoại trong tiếng cười tràn đầy của hội chúng.

DSC 8865
Cũng trong chiều cùng ngày, Ban tổ chức khóa tu “Hoa phượng đỏ” đã thân tình tổ chức lễ bế mạc sau gần ba ngày tu học. Ban tổ chức đã có lời cảm ơn chân thành đến Thầy viện chủ và quý giáo thọ sư đã tận tình hướng dẫn cũng như chăm sóc chu đáo các thiền sinh đa phần là ở độ tuổi học trò. Trong buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã trao thưởng cho những tác phẩm tiêu biểu nhất trong buổi vẽ tranh ngày hôm trước. Thay mặt Tu viện, Thầy viện chủ cũng đã có lời cảm ơn đến sự tận tình và nổ lực của quý Thầy, quý Sư cô cũng như các thiền sinh đã góp phần tạo nên thành công cho khóa tu lần này.
Vậy là, khóa tu “Hoa phượng đỏ” đã kết thúc sau gần ba ngày tu tập với nhiều chuyển hóa tích cực cũng như để lại nhiều lưu luyến cho mỗi thiền sinh.
Trung Nhân, Trung Lưu

Tin Tức Liên Quan