Tham vấn khóa tu “Sống Tỉnh Thức” lần thứ 43

12/11/2019 9:13
Chiều ngày 10/11/2019 trong buổi vấn đáp khóa tu “Sống Tỉnh Thức” lần thứ 43 tại Tu Viện Khánh An, các hành giả đã được Thầy giải đáp một số thắc mắc xoay quanh vấn đề tu học.

Phật tử An Đức đến từ Đồng Nai đã bày tỏ nỗi trăn trở của mình về phát ngôn của một ông tiến sĩ tôn giáo học, mong nhận được chia sẽ từ thầy?


 

Qua câu hỏi này, trước hết thầy cũng đã nói lại sơ lượt diễn biến vụ việc ông DND  làm dậy sóng truyền thông gần đây. Thầy đưa ra một câu chuyện vào thời đức Phật để đại chúng có thể hiểu được rằng những quan điểm không đồng tình với đạo Phật thì thời nào cũng có, kể cả thời đức Phật còn tại thế và cũng đã dẫn chứng ra lời dạy Phật. Qua đó thầy chia sẽ thêm: trước những sóng gió về niềm tin tôn giáo, việc đầu tiên là chúng ta cần phải bình thản trước những vấn đề khen chê hoặc nếu có tiếng nói thì phải hành xử cho thật đúng chuẩn mực của người Phật tử, cần phải nói bằng trái tim yêu thương, không sân hận.


Ông DND  là một người trí thức nhưng lại có những phát ngôn trịch thượng, bôi nhọ Tăng bảo gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật tử. Một người trí thức sẽ thừa biết điều này nhưng DND vẫn cố tình, hơn ai  hết khi ông là một người làm giáo dục. Mỗi người có một chuyên môn, DND làm sao có thể nói về thiền khi anh ấy không thực tập thiền? DND cũng đã đem cái nhìn lệch lạc của mình mà phán xét về sự kiện  đại lễ Vesak vừa qua. 

Là một MC chính trong đại lễ Vesak, thầy có đủ thẩm quyền để nhận định phát ngôn của DND là hoàn toàn trái sự thật. Không thể biết được DND đã hiểu về Phật pháp ở mức nào, nhưng rõ ràng ông ta đã không có thiện chí trong việc bình luận cũng như giảng giải về đạo Phật. 

Tâm ta thế nào thì sẽ duyên vào đó. Giáo pháp của Phật không phải là một hình thức chơi chữ hay diễn đạt ngôn từ mà là đến để mà thấy. Vì vậy đức Phật dạy: “Một trong những tâm ô nhiễm nhất của mình là thấy lỗi người khác”. Ngay cả những người đã đặt chân trên sân chùa mà còn chưa hiểu được chùa thì nói gì đến người đứng cách xa chùa trăm, nghìn km.

Là Phật tử, chúng ta hãy khoan thứ, bao dung nhiều hơn. Câu chuyện đã đến hồi kết, nỗi đau buồn  mà  cộng đồng Phật tử gánh chịu giờ nó đã quay về với nơi xuất phát. Có nghĩa là nỗi khổ đau lớn nhất không ai khác hơn chính là người gây ra tội lỗi, họ đang chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Không những vậy mà người thân của họ cũng đang rất khổ đau, đồng nghiệp, cơ quan của họ cũng đang bị ảnh hưởng. Ta hãy đem trái tim của người con Phật mà tiếp xử với đời để ta và người được thảnh thơi. Với một người biết thành tâm ăn năn hối cải về những gì mình gây ra thì tội sẽ tiêu nghiệp sẽ trừ. Mong rằng đây sẽ là bài học lớn cho vị ấy. Nếu một khoảnh khắc nào vị ấy ngộ ra mình nên làm gì, thầy cho rằng vị ấy nên làm những gì tốt đẹp nhất cho đạo Phật đó là thực tập Phật pháp, xiển dương Phật pháp. Khi đó công đức được tăng trưởng và như vậy cũng có nghĩa là vị ấy đang lấy lại uy tín và danh dự cho chính mình.

 

Một yếu tố tích cực trong việc này mà chúng ta cần phải nhìn nhận đó là khi một ai đó bị đụng đến niềm tin tôn giáo thì cũng đều rất khổ đau, thế cho nên ta cũng đừng tổn thương đến tôn giáo bạn về cái nhìn lệch lạc của ta.

 

Vấn đề thứ hai được đặt ra từ bạn Tuấn Vũ (TNV Tuổi trẻ Khánh An) đó là về vụ việc 39 người Việt Nam bị chết trong container. Thầy là một người thường xuyên hành đạo ở châu Âu, vậy cảm nhận của thầy thế nào?


 

Thầy trả lời: Đây là một câu chuyện đau lòng về vượt biên trái phép, hơn nữa lại là người Việt Nam chúng ta. Một số người Việt xem giấc mơ xuất ngoại như đến một thiên đường. Sau vụ việc xảy ra có một số ý kiến đồng cảm thương tâm, bên cạnh đó vẫn không ít những ý kiến trái chiều. Thầy đã từng xuất ngoại và hành đạo ở châu Âu vì thế thầy có có thể nhận định rằng thiên đường trong mơ thật sự không như chúng ta nghĩ. Chúng ta hãy tập bình tâm để hiểu sâu vào câu chuyện. Tât cả mọi chuyện đều nằm ở nhận thức. Chính vì nhận thức còn non nớt chưa chính chắn cho nên những nạn nhân kia đã nghe theo lời dẫn dụ của kẻ khác, phải bán đất, bán nhà, vay mượn,... cho nên cơ sự xảy ra. Ta hãy có cái nhìn cảm thông hơn, cũng chính vì quá cơ cực, nghèo khó mà họ đã nghĩ đến đường tắt. Chúng ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Bản thân thầy nếu được sinh ra và lớn lên tại một làng chài hay vùng sâu biên giới, không được ăn học, sống nghèo đói thì có lẽ cũng đã nghe theo người đi vượt biên. Qua câu chuyện trên để ta chiêm nghiệm lại và thấy được rằng mình quá hạnh phúc và phước đức. Đó còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Không có thiên đường nào chào đón chúng ta, thiên đường chỉ đến bằng thành quả chính đáng của sự lao động. Đừng nhìn hào quang của một cường quốc mà hãy nhìn sự lao nhọc của bà con chúng ta tại hải ngoại. 


Kết thúc một ngày tu, tất cả hành giả đồng hoan hỉ sau buổi tham vấn.

Tin: Minh Tuệ, Lệ Ánh, Ảnh: T. Lưu

 


Tin Tức Liên Quan