Vào lúc 9g30, tại Pháp đường
Thấy và Biết, Thầy Viện chủ đã mang đến hội chúng tham dự khóa tu bài Pháp thoại
với chủ đề “Có Những Loại Ánh Sáng”.
Mở đầu Pháp thoại, Thầy chia sẻ: cho dù nơi đây là ban ngày, phía trời Âu là đêm tối thì tất cả nhân loại chỉ sống với một ánh mặt trời duy nhất. Tất cả các loài hữu tình và vô tình đều sống trong ánh sáng mặt trời duy nhất – ánh sáng đầu tiên mà con người bắt gặp. Hễ có mặt trời thì vươn mình, mặt trời xuống núi thì vạn loại cùng ngủ yên. Những cây hoa, những tán cây khi ở trong bóng mát cũng tự vươn mình để tìm ánh mặt trời. Cố nhiên, cũng có những loài cây sống trong mát, nhưng tuyệt đại đa số là phải có ánh nắng; mát không có nghĩa là không có ánh nắng, nhưng mát vẫn phải có sáng. Thầy nói, đại chúng đang ngồi tại Pháp đường là đang đón nhận ánh sáng, còn khi bước ra ngoài sân thì đón nhận ánh nắng. Ánh sáng mặt trời nuôi dưỡng chúng ta trong từng khoảnh khắc, từng phút giây và từng tế bào của ta đều được thắp sáng.
Một loại ánh sáng thứ hai
mà chúng ta tiếp xúc, đó chính là ánh sáng của mặt trăng. Nếu ánh sáng mặt trời
là ánh sáng tự nhiên, phản chiếu đến toàn thế giới thì chịu sự tương tác của
ánh sáng mặt trời mà từ đó ánh sáng mặt trăng được phản chiếu. Do vậy mà chúng
ta thấy ánh sáng của trăng mát mẻ, dịu dàng, không gay gắt, không sáng chói, mà
trong đêm thanh vắt, chúng ta thường cảm thụ về ánh trăng. Khác với mặt trời, mắt
chúng ta vẫn thấy, tâm hồn vẫn cảm nhận, nhưng cái thấy của mặt trăng cho chúng
ta cảm xúc nhiều hơn. Người của ngày hôm nay, không thấy được ánh trăng năm
xưa, nhưng ánh trăng ngày hôm nay được soi chiếu từ ngàn xưa. Nhìn thấy ánh
trăng qua cuộc đời thăng trầm với những cái buồn vui sướng khổ của chúng ta. Nếu
là người học Phật, chúng ta vẫn có quyền buồn vui sướng khổ với ánh trăng,
nhưng để cho tâm hồn được tĩnh lặng, ta vẫn có thể thấy được ánh trăng. “Thiên
giang hữu thủy thiên giang nguyệt/ Vạn lý vô vân vạn lý thiên”: Nếu có một
nghìn dòng sông thì sẽ có một nghìn ánh trăng xoay xuống. Nếu một ngàn dặm
không có mây thì ánh trăng sẽ sáng cả một bầu trời. Điều đó có nghĩa là chân lý
luôn luôn hiện diện và mặt trời trí tuệ vẫn luôn luôn có mặt ở trong ta. “Phật
là vầng trăng mát”. Mỗi người chúng ta có một vầng trăng mát mẻ dịu dàng bình
an trong tâm thức, chỉ là mây vô minh che lấp nên không thấy được ánh trăng mát
mẻ đó. Gió cuốn, mây tan, vầng trăng sẽ xuất hiện. Khi nào mà tâm tĩnh lặng, gạt
qua những buồn vui thì tự nhiên thấy tâm hồn yên ắng, nhẹ nhàng, thanh cao.
Thầy đề cập đến câu thành ngữ “có trăng quên đèn”, qua đó nhắc đến loại ánh sáng thứ ba đó chính là đèn. Từ thuở xa xưa chưa có gì, tiên tổ ông bà đã biết lấy hai cục đá chạm vào nhau để ra lửa, biết lấy cái thanh gỗ mài cho thật nóng để rồi khói lửa bốc lên. Từ đó mà có chiên, xào, nấu nướng và có rọi trong buổi tối. Qua đó thấy được, từ thời cổ đại người ta thấy được sự màu nhiệm của ánh lửa, ánh đèn và hình dung rằng đây là một vị thần – Thần Lửa để thờ. Ngọn lửa nuôi dưỡng sự sống, ngọn lửa thắp đuốc cho ta đi, ngọn lửa nuôi dưỡng tâm hồn và cũng từ đó mà văn thơ xuất hiện. “Cảo thơm lần giở trước đèn”, ngày xưa người ta sống trong ánh đèn nhiều hơn là ánh điện. Ánh nến chứng tri cho cái nghĩa tình và sự đùm bọc của gia đình thiêng liêng màu nhiệm qua mỗi bữa cơm sum họp. Ánh trăng đã soi sáng cuộc đời, ánh trăng đã soi sáng tình người. Ngọn đèn cũng đã thắp sáng tình người và tình gia đình huyết thống. Ánh đèn từ thuở bình minh của sự sống đã giúp chúng ta từ cái ăn đến cái học, từng cái sinh hoạt, và ngọn đèn trở thành biểu tượng của tâm linh. Khi người thầy truyền trao cho đệ tử được gọi là truyền đăng, truyền ngọn đèn tâm thức cho người sau. “Phú pháp truyền đăng” – là giao phó chánh pháp nhãn tạng, truyền cái ánh sáng tuệ giác của Đức Thế Tôn cho người sau. Thầy nói, sống mà không có ánh sáng, không có ngọn đèn thì không biết là con người sẽ đi về đâu. Khi mà bố mẹ giao một tài sản cho con, chưa nói lên gì cả. Có truyền đăng hay không, có giao ánh sáng, giao tuệ giác hay không còn là một chuyện khác nữa. Giao tài sản cho con mà con mình chưa cài đặt một tâm thức để quản lý tài sản thì trở thành một mối họa. Cho nên ánh sáng là một biểu tượng rất đẹp, mà ngọn đèn là cái linh thiêng, ngày xưa cũng như nay.
Những ánh sáng chúng ta vừa
cảm nhận, đó là ánh sáng của vật lý, ánh sáng của tự nhiên, cũng có thể là ánh
sáng nhân tạo, nhưng những ánh sáng này là điều chúng ta học. Thứ nhất, ánh
sáng của tri thức. Chúng ta phải học, phải có kiến thức, từ kiến thức cho chúng
ta nhận thức về cái đúng sai ở trên đời mà ứng xử cho thích hợp. Thiếu kiến thức,
sống chủ quan với cái của mình, tự cho mình là phải, nhưng cái đúng phải của
mình ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến tâm tư, quan hệ, đến cảm xúc của
người khác, ảnh hưởng đến tất cả những tình cảm, trí tuệ,... những cái của người
khác. Nó đánh mất mình và đánh mất những cái xung quanh. Thế nên ánh sáng của
kiến thức rất quan trọng, những cái cơ bản mà chúng ta phải biết, kiến thức tất
cả mọi lĩnh vực của cuộc sống.
“Học ăn, học nói, học
gói, học mở”. Con người ta uy tín do cái miệng, mà chết cũng do cái miệng, khỏe
cũng do cái miệng, bệnh cũng do cái miệng. “Họa tùng khẩu xuất” mà “bệnh tùng
khẩu nhập”. Thầy nhấn mạnh, chỉ có kiến thức mới dẫn lối đưa đường, giúp cho
chúng ta trở thành một người có nhân phẩm, nhân cách, đạo đức, văn hóa, lối sống.
Cho dù bạn là ai, bạn đứng ở trên đỉnh vinh quang nào, có sở hữu một cái tài sản
tầm cỡ cỡ nào, nó chưa nói lên gì cả. Những cái đó cần được điểm tô bằng các
giá trị của kiến thức về văn hóa và đạo đức, mà muốn vậy thì chúng ta phải học.
Những người càng học thì lại càng khiêm cung, bể học thì bao la, càng học thì
càng thấy mình bé nhỏ. Người không học thấy thế giới này chỉ có mình, cho nên
nhất định phải học. Kiến thức phổ quát là để ứng xử, để giao tế, xây dựng phẩm
chất của mình và kiến thức chuyên môn đó là nghề nghiệp, mình phải biết. Mỗi
người có một lĩnh vực khác nhau và chỉ có người đó mới am tường nắm rõ. Đừng thấy
cái lộ trình làm việc của người khác không theo cái của mình mà phê bình, chỉ
trích. Mỗi người có một khả năng chuyên môn và chúng ta phải tôn trọng kiến thức
của người đó. Xã hội luôn luôn phát triển và kiến thức của con người luôn luôn
đổi mới. Thầy nhắn nhủ đến các bậc làm cha mẹ, tuổi trẻ hiện nay kiến thức cao
rộng, tầm hiểu biết nhanh nhạy, học nhanh, cập nhật nhiều. Tuy vẫn có mặt trái,
nhưng vươn tầm hiểu biết hôm nay phải nói là tuổi trẻ; thế hệ dường như chúng
ta đã bắt đầu đi qua một chặng đường mà gọi là lỗi thời, nếu muốn bắt kịp thời
đại thì phải cập nhật kiến thức và hiểu biết. Đừng để sự hiểu biết lệch lạc,
thiếu chuẩn mực, không có điểm gặp nhau mà để muộn phiền xảy ra. Nhưng cho dù
kiến thức của cuộc đời này có rộng rãi, bao la đến đâu thì vẫn có tham sân si.
Đôi khi chính nó là nhân tố để làm cho ta tham sân si, tức tối, phiền, muộn, giận
hờn.
Thầy chỉ dạy, người học
Phật đi tìm cái tuệ giác của Đức Thế Tôn, học kiến thức Phật học, biến kiến thức
thành cái của mình để soi sáng tâm hồn của mình, nhận thức được bản chất và giá
trị của cuộc đời, thấy rõ được sự thật của nó là gì. Có nhiều loại ánh sáng,
nhưng đây là ánh sáng chúng ta cần học. Ánh sáng của Đạo Pháp. Chúng ta phải học
Phật thật giỏi, có thẩm quyền nói về đạo pháp, ứng dụng lời dạy của Đức Phật, đủ
để chiêm nghiệm rằng lời dạy đó như thế nào. Đừng không học Phật mà cứ nói chuyện
đạo Pháp, không học Phật mà nói chuyện chùa chiền, tu hành. Pháp của Phật, Pháp
học, Pháp hành rồi Pháp thành. Phải học Phật để tìm hiểu lời dạy của Đức Phật, ứng
dụng lời dạy để đem lại lợi ích cho mình, cho gia đình, xã hội và thế gian này.
Chỉ có học Phật, chúng ta mới giải quyết được tham sân si, thấy rõ được ta là
ai, có mặt trên đời để làm gì và ta sống như thế nào để cho có giá trị.
Tất cả sự sự vật vật trên thế gian đều diệt sinh sinh diệt. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy, dù sống 100 năm mà không thấy được pháp sinh diệt, không bằng người sống 01 ngày mà thấy được pháp sinh diệt. Pháp sinh diệt là Pháp luôn luôn biến đổi không ngừng, Khổng Tử gọi là dịch biến. Tâm thức này cũng thế luôn luôn sinh diệt. Pháp sinh diệt là cái thấy đầu tiên và cái thấy này chỉ có học Phật và phải chiêm nghiệm. Giống như một cái cơn sóng bắt đầu thành, lên trên đỉnh là trụ, rớt xuống là hoại và nó tiêu tán là không. Cũng vậy, không chờ hoa héo mình mới thấy sinh diệt, mà nó đang sinh diệt trong từng khoảnh khắc.
Và cái thấy thứ hai, tiếp
tục thực tập và ứng dụng lời dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta sẽ chiêm nghiệm cuộc
đời này đích thực nó là gì. Tu tập là để thấy cho được lẽ thật, thấy cho được
pháp sinh diệt mà có được an lạc. Bởi lẽ, khuynh hướng của chúng ta là trốn khổ
tìm vui, chối bỏ khổ đau để tìm hạnh phúc. Đức Phật nói bản chất của cuộc đời
này là khổ, chúng ta sống trên cuộc đời này là sống trong cái khổ, đó là sự thật,
cần thấy để giải hóa, thay đổi và sống với nó. Tu để thấy được pháp sanh diệt,
tu để thấy được lẽ thật của cuộc đời. Thấy được tất cả các pháp đều do duyên
sinh không thật có. Chúng ta sống thiếu tuệ giác tu tập, thiếu thực tập giáo
pháp sẽ rơi vào sự ngộ nhận, hiểu biết sai lầm không phù hợp với chân lý. Chúng
ta là người học Phật, tin nhân quả luân hồi, nghiệp báo, không có một cái gì để
gọi là an bài hay là tạo dựng mà các pháp đều do duyên sinh. Đạt được cái trí
tuệ tối thượng mà người học Phật thực tập, đó chính là trí tuệ Bát Nhã, thấy được
thực tướng của năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức là không có, nhờ vậy mà thoát được
tất cả các khổ nạn. Hầu như chúng ta đều sống trong thế giới hiện tượng thống với
cái biết của mình, vì bám chắc vào cái biết nên mờ nhạt đi cái thấy. Chính cái
biết làm cho ta trồi sụt cảm xúc tham sân sướng khổ buồn vui.
Cuối lời, Thầy nhắn nhủ đại
chúng: Học Phật rồi hãy luôn luôn chánh niệm, ghi nhận những gì đang thấy, biết,
sống với sự thật sinh diệt luôn luôn hiện hữu, sống với chân lý Tứ đế và sống với
pháp duyên sinh. Đó chính là sống bằng tuệ giác của người học Phật, sống bằng
ngọn nến chính chúng ta. Có thể chúng ta mù ánh mắt nhưng tâm ta sáng ngời,
không bị chi phối bởi cuộc đời, đó là thấy như thật, thấy như chơn, thấy rõ được
bản chất của cuộc đời, đó là ánh sáng chúng ta cần học, cần khai khác nằm trong
mỗi chúng ta chứ không phải tìm kiếm đâu xa xôi, là ánh sáng tối hậu mà chúng
ta cần thực tập cho đạt được.
Vào lúc 11 giờ, thời Pháp
âm khép lại đầy phúc lạc, qua lời giảng yêm thức từ Thầy, đại chúng có cho mình
cái hiểu sâu sắc hơn về những loại ánh sáng, từ đó vận dụng bài học từ đạo một
cách lợi lạc hơn vào đời sống.
Khánh Ngân
Tin Tức Liên Quan
- Hơn 500 thiền sinh trở về tu viện tham dự khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 87 (12/11/2024 1:25)
- Ngày đầu tiên trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 87 (12/11/2024 1:25)
- Pháp thoại "CÓ NHỮNG BÃO GIÔNG" | Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 11:02)
- Tổng hợp hình ảnh các thời khóa sinh hoạt trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 10:57)
- Thuyết trình 5 giới trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 10:52)
- Hơn 100 thiền sinh trở về ghi danh ngày đầu tiên khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 86 (13/10/2024 10:47)
- Tổng hợp các hoạt động sinh hoạt tu học trong khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 85 ( 4/10/2024 12:26)
- Pháp thoại "Vầng nguyệt buồn và ánh trăng tỉnh thức" | Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 85 ( 4/10/2024 12:15)
- Pháp thoại "Thấy lầm đưa đến khổ đau" (23/08/2024 11:04)
- Ôn tụng 5 giới và Sinh hoạt thiền ca I Khóa tu Sống Tỉnh Thức lần thứ 84 (23/08/2024 11:00)