Thế Tôn, Ngài là bậc được thế gian tôn kính. Ngài được tôn sùng là Chánh Biến Tri (Người hiểu biết đúng tất cả các pháp), là Minh Hạnh Túc (Người có đủ trí tuệ và đức hạnh), là Thiện Thệ (Người đã khéo đi qua thế gian), là Thế Gian Giải (Người thấu hiểu thế giới), là Điều ngự Trượng phu (bậc có khả năng điều phục con người qui chánh), là Phật (bậc thức tỉnh giữa cuộc đời). Ngài còn được tôn xưng là đấng Như Lai, đấng Ứng Cúng, đấng Giác Ngộ, đấng Giải Thoát, đấng Đại Từ Bi…
Trời người
tôn kính Ngài, tán dương Ngài với biết bao đức hiệu, mỹ hiệu nói lên sự chứng
ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có danh hiệu nào tôn sùng Ngài là bậc
“giữ giới thanh tịnh”. Nếu chỉ nhìn Ngài như một người phẩm hạnh thanh cao, gìn
giữ giới đức thì rõ ràng là nhìn Ngài bằng ánh mắt rất phàm, chưa thực sự hiểu
một tí nào về Thế Tôn.
Đành rằng Thế
Tôn đã dứt tuyệt cái ác, ba nghiệp thuần tịnh, đoạn tận mọi phiền não thô và tế
(tiểu giới); Ngài khước từ mọi lợi dưỡng thế gian, sống đời thanh tịnh, giản dị,
tinh khiết vô nhiễm (trung giới); Ngài nuôi mạng chân chánh bằng hạnh khất thực
và tín thí hỷ cúng, không vì phục vụ theo thị hiếu của người đời (đại giới). Ấy
vậy mà khi có người tán thán Đức Thế Tôn là người giữ giới thanh tịnh Ngài đã
quở trách: “Chỉ hạng vô văn phàm phu mới tán thán giới hạnh của Như Lai”. Ngài
dạy thêm, chỉ những người thiểu trí, không rõ biết những ân đức to lớn của đức
Như Lai - Tịnh đức, Bi đức, và Trí đức - thì mới tán thán giới hạnh của Ngài.
Thế Tôn, Ngài đã chứng đạt ngũ uẩn pháp thân, đã thành tựu Vô thượng Thánh đạo thì không thể tán dương Ngài chỉ vì thanh tịnh giới hạnh. Ngài đã chứng đắc tuệ giác vô thượng mà không ai chứng được trên đời mới là điều nên tán thán. Ngài dạy: “Này các Tỷ kheo, có những pháp khác, sâu kín, khó thấu, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị chỉ những người trí mới nhận hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết. Và chính những pháp ấy những ai như thật chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến (Kinh Phạm Võng - Trường bộ I). Đây là điều mà bậc trí tán thán Thế Tôn. Chỉ khi nào đạt được trí tuệ vô lậu giải thoát, mới xuất ly sinh tử, mới hóa độ chúng sinh, mới được tôn sùng là Phật, là Thế Tôn.
Trong kinh Trạm
xe Ngài đưa ra lộ trình bảy điểm giúp hành giả đạt được tối thượng niết bàn.
Cũng như một người đi xe từ điểm A đến điểm B phải đi qua bảy trạm xe. Không đi
qua trạm xe thứ nhứt thì không thể qua được trạm xe thứ hai nói gì trạm xe thứ
bảy, nhưng nếu chỉ đứng lại ở trạm xe thứ nhất thì cũng không thể đi xa hơn.
“Giới thanh tịnh”
là trạm xe đầu tiên và “Vô thủ trước niết bàn” là trạm xe thứ bảy - đích đến. Một
người chỉ đứng lại ở giới thanh tịnh thì không thể thăng tiến trên lộ trình tu
tập để đạt thêm tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh…. nói gì đến tối thượng niết
bàn.
Là người có học
Phật, chúng con ý thức được một người đang tu giới rõ biết đây là người đang tu
giới, một người đang tu định, đang tu tuệ, rõ biết đây là người đang tu định,
đang tu tuệ. Đó là chánh tri kiến. Kính trọng người có giới là phát khởi thiện
tâm, là tùy hỷ tâm nhưng không vì vậy mà cuồng tín, tôn sùng thái quá. Năm xưa
cùng thời với Thế Tôn đã có hàng nghìn nghìn du sĩ sống lao khổ, tự khắc nghiệt
với chính mình, Ngài đã phê bình đó là người tà kiến đang đi trên mê lộ. Vậy mà
thời nay, chỉ với dáng vẻ thực hành nếp sống ly tham, thanh bần, tối giản nhưng
chúng con đã không có đủ chánh kiến, chánh tư duy tôn sùng ngang hàng với Đức
Thế Tôn. Chúng con còn gọi là “Phật tái thế”.
Chúng con
không nghĩ ra rằng nếu tôn sùng ai thái quá sẽ khiến vị ấy trở nên tự mãn “tưởng
mình là Phật rồi; từ đó tô bồi thêm bản ngã, lấy pháp mình đang hành cho là cứu
cánh, làm bít lấp lý tưởng, không còn khả năng đi xa hơn trên lộ trình tu định,
tu tuệ hướng đến giác ngộ.
Chúng con rõ
biết nếu thiếu căn bản kiến thức Phật học, chúng con sẽ không nhận thức được đường
lối tu hành, sẽ rơi vào lạc lối. Như vậy, tự thân chúng con còn tu tập sai nói
gì đến hướng dẫn người khác tu tập.
Chúng con
không đủ trí tuệ để lường trước hậu họa của việc nhào nặn một phàm nhân thành
thánh nhân, huống hồ dựng lên một “Phật tái thế” mà “tâm chúng sinh” thì sẽ mang bất hạnh cho đời
cho đạo đến nhường nào!
Tôn sùng một
người giữ giới (cũng chưa chắc đã có được “giới thể” nhờ thọ giới) ngang hàng Đức
Phật sẽ khiến quần chúng ngộ nhận những lời nói kia là “khuôn vàng thước ngọc”
và những việc làm kia là “ánh đuốc sáng ngời” rồi truyền rộng như kinh như điển
- dường như đã xảy ra rồi. Đây là mối họa cho đạo pháp khi tin Phật mà thiếu học
Phật để hiểu Phật, khiến đạo pháp suy vong.
Đức Thế Tôn
đã khuyến cáo chúng con “Tin ta mà không hiểu ta, đó là phỉ báng ta vậy!”. Ngài
cũng nhắc nhở thêm nếu chỉ nhìn sắc tướng, nghe âm thanh mà cho rằng đó là Phật,
là Thế tôn là rơi vào tà kiến, sẽ bị dẫn dắt vào con đường lầm. Người đó không
bao giờ thấy được Như Lai - Thế Tôn. (Nhược dĩ sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu
ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng kiến Như Lai - kinh Kim Cương).
Là một đông
cung thái tử ngồi trên ngai vàng, quyền lực cao tột, nắm cả giang sơn, có được
gia đình ấm êm hạnh phúc nhưng đức Thế Tôn đã bước xuống một cánh nhẹ nhàng đi
thẳng vào rừng để trở thành một tu sĩ ẩn dật. Ngài thực sự là một bậc xả ly, ly
tham, ly dục - Một sự từ bỏ vĩ đại - nhưng lúc bấy giờ Ngài cũng chỉ là một sa
môn Gotama chưa ai tôn sùng là Phật, là Thế Tôn.
Thiền sư Trúc
Lâm - Trần Nhân Tông cũng là bậc thánh tu khổ hạnh với tôn hiệu là Hương Vân đại
đầu đà. Cũng là bậc đế vương như Sĩ Đạt Ta năm xưa, nhưng Ngài từ bỏ địa vị thế
gian để cần cầu thứ địa vị vô thượng giải thoát; từ bỏ quyền lực giả tạm để cần
cầu thứ quyền lực vô song làm chủ được kiếp tử sinh; từ bỏ thứ tài sản vật chất
để cần cầu thứ tài sản vô giá trí tuệ giác ngộ nhưng sách sử cũng chỉ ghi Ngài
là tổ sư. Cho đến gần đây, thế gian mới tôn kính Ngài với tôn hiệu là “Phật
hoàng” (vị vua tu hành đắc đạo).
Thời nay, có
trường hợp có vẻ như là thực tập hạnh buông bỏ. Về sự tướng thì đúng là buông bỏ
tất cả nhưng cái bỏ tối trọng là cái “ngã” thì lại không bỏ được mà còn dựng
xây “thành trì bản ngã” to lớn thêm, vững chắc thêm; trong khi, cảnh giới giác
ngộ giải thoát không có bóng dáng của hữu ngã.
Lấy phàm nhân
đặt lên ngôi vị Phật quả rõ ràng là không hiểu Phật, không tôn kính Đức Phật.
Thương thay!
Trí Chơn
Tin Tức Liên Quan
- Ở yên ngồi vững! (13/07/2024 10:42)
- Bài 5: Thấy biết sâu sắc về hạnh tu và người tu I Thế Tôn - Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con ( 9/07/2024 5:12)
- Bài 4: Đạo quí cao tột - Đức đẹp vô cùng I Thế Tôn - Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con. ( 9/07/2024 5:08)
- Bài 3: Mái che hồn nước gặp bão dông I Thế Tôn - Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con (30/06/2024 8:43)
- Bài 2: Kiếp hư ảo và cuộc hơn thua I Thế Tôn - Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con (30/06/2024 8:37)
- Bài 1: Linh dược và độc dược I Thế Tôn - Ngài vẫn luôn có mặt cho chúng con (30/06/2024 8:35)
- Về đâu lữ khách (21/06/2024 8:54)
- NGUYỆN TRỌN ĐƯỜNG XUẤT SĨ (13/06/2024 1:15)
- Ân tình nguyện quy y (13/06/2024 12:52)
- Một Nụ Cười Lành (13/06/2024 12:51)