Chánh niệm tỉnh giác sẽ thoát khỏi khổ đau

28/12/2016 4:26

“Tầm là nhân nơi hý luận và duyên nơi hý luận, từ nơi hý luận mà phát sanh, do hý luận mà có. Nếu khống có hý luận thì không có tầm. Do tầm mà có dục, do dục có yêu và không yêu. Do yêu và không yêu có bỏn sẻn ganh tị mà sanh ra dao gậy, đấu tranh thù nghịch, dua nịnh dối trá, nói dối, nói hai lưỡi, trong tâm sanh ra vô lượng pháp bất thiện. Như vậy toàn khối khổ đau này phát sinh.” (Kinh Thích Vấn – Trung A Hàm, Tuệ Sỹ dịch)
Trong kinh Thích Vấn, đức Phật đã trình bài nguồn gốc của khổ đau và tranh chấp trong xã hội. Nội dung kinh được tìm thấy trong kinh Đế Thích Sở Vấn, Trường Bộ Kinh, (HT. Thích Minh Châu dịch). Đức Phật dùng nguyên lý duyên khởi để giải thích cho Thiên đế Thích các yếu tố làm phát sinh tranh chấp trong xã hội bắt đầu từ hí luận vọng tưởng, tầm, dục, đến ái tắng, gánh tị, bỏn xẻn từ đó sanh ra đấu tranh thù nghịch.
Mô thức duyên khởi Phật trình bày cho biết mọi vật phát sinh tương quan theo điều kiện, duyên ở đây không phải là một động từ, không có vật gì sanh ra vật gì, các pháp tùy thuộc nhau mà phát sinh. Khi có cái này, cái kia phát sanh, với sự phát sanh của cái này cái kia phát sanh, khi cái này không có cái kia không phát sanh, với sự chấm dứt của cái này cái kia chấm dứt. Tức là tùy thuộc nơi vô minh mà có hành, tùy thuộc nơi hành có thức... Đó là sự phát sanh của toàn khối đau khổ này. Trong kinh Tương Ưng, một Bà la môn hỏi Phật cái gì sinh ra thọ, Phật yên lặng không trả lời. Vị Bà la môn lại cầu xin Phật trả lời, Phật dạy: “Này Bà la môn, câu hỏi của ông không hợp lý, Như Lai không trả lời. Như lai không nói cái gì sinh ra thọ, Như lai chỉ nói "với điều kiện gì thì thọ phát sinh.” Cho nên trong kinh, những câu hỏi siêu hình mà các ngoại đạo đặt ra, Phật không trả lời. Lý do là những câu hỏi đó không đúng với thực tế, với chân lý vũ trụ nhân sinh. Phật chỉ nói những gì đúng với sự thật, chân lý của pháp giới này.
Khi dòng tư tưởng tiếp xúc với đối tượng bị kích động bởi mạn, ái, kiến thì đó gọi là hý luận vọng tưởng. Vòng tư tưởng khởi lên do mạn, ái, kiến sẽ phát sinh cái tưởng về mình, người và có sự vật. Vì có vọng tưởng nên mình cho rằng có sự vật ở ngoài, cho rằng sự vật bên ngoài là sở hữu hay không thuộc quyền sở hữu của mình. Nếu suy nghĩ cho kỹ thì tưởng nằm ở nội tâm mình, sự vật hay hình ảnh được xác định bởi suy nghĩ của mình thì không thể nằm ngoài mình được, vốn từ tâm mà phát sinh. Khi đã có nhân ngã bị chi phối bởi mạn, ái, kiến thì sẽ có sự tầm cầu, khi tầm cầu chắc chắn sẽ có dục, khi có dục thì sẽ có sự ưa ghét, có ưa ghét sẽ có tật san, khi có tật san thì sẽ có đấu tranh và khổ đau sẽ xuất hiện. Đó là một vòng lẩn quẩn, một khối khổ đau không bao giờ dứt.
Trong kinh Phật dạy rất nhiều phương pháp để diệt trừ tận gốc khổ đau. Tựu trung không nằm ngoài Niệm, Định và Tuệ. Trước khi có Niệm, Định và Tuệ, ta phải nói tới Chánh Kiến, Chánh Kiến sẽ đưa đến Niệm, Định và Tuệ. Trong Trung Bộ kinh Phật định nghĩa : “Khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng riêng và tướng chung, những nguyên nhân gì khiến tham, sân, si khởi lên ta diệt trừ nguyên nhân đó, tai nghe tiếng..., mũi ngửi hương... thì được gọi là chánh kiến”. Khi có chánh kiến sẽ đưa ta đến chánh niệm, tỉnh giác.
Muốn tạo tác thì phải tác ý, có hai loại tác ý: tác ý bị kích động bởi ái và thủ, bị nghiệp lực chi phối và dẫn đi; tác ý với chánh niệm, tỉnh giác dẫn đến chủ động về nghiệp. Khi ta bị động, bị chi phối của nghiệp mà gốc là ái, thủ, hữu sẽ khiến mình lẫn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử. Phật luôn trong trận thái chánh niệm, tỉnh giác. Chánh niệm cũng chính là xả ly, xả ly để diệt trừ tham ưu ở đời. Phật không nắm lấy bất cứ thứ gì do duyên khởi và làm chủ được ba nghiệp của mình nên Ngài đạt được tự tại với các Pháp và làm chủ được đời sống của mình. Chúng sanh thì luôn bị chi phối bởi nghiệp, nhân quả. Phật luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác nên Phật tự tại với nhân quả.
Trong kinh, Ngài A Nan tán thán sự hy hữu của Phật, Phật dạy: “Hy hữu của Như Lai là khi cảm thọ sinh lên, khi cảm thọ diệt mất Như Lai đều biết”. Bậc giác ngộ luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác, còn chúng ta luôn không biết sự sinh diệt của cảm xúc, vì không biết nên bị cuốn theo cảm xúc và tràn ngập khổ đau. Phật luôn nhắc đi, nhắc lại nhiều lần qua nhiều bài kinh: “Người có trí luôn chuyên tâm quán sát và sửa đổi hành vi của mình để giải thoát”. Luôn ý thức những nguy hiểm, lôi cuốn của dục lạc để xuất ly khỏi nó để được giải thoát. Nếu hiểu được như thế ta mới trân trọng giới luật của Phật, hành trì một cách thỏa mái không gò bó và không khinh thường một chi tiết nhỏ nhặt nào của giới luật.
Trong kinh Niệm Xứ, từ “Niệm Xứ” trong tiếng Pali là Satipaṭṭhana, nếu tra về nguyên nghĩa có nghĩa là yên định hay tịnh chỉ, tức là tịnh chỉ đối với thân, thọ, tâm, pháp. Tức là tập chánh niệm tỉnh giác, phòng hộ căn môn, khi tâm tiếp xúc với ngoại cảnh luôn giữ tâm mình ý nghĩ chân chánh phù hợp với giải thoát, giữ tâm không khởi lên tham sân si. Khi tâm xuất ly và chánh niệm, tỉnh giác thì nội tâm sẽ đạt trạng thái bình yên không còn hý luận vọng tưởng. Khi tâm đạt trạng thái tịch diệt đó chính là Định. Trong trạng thái tịch diệt và bình lặng đó bất cứ cái gì xuất hiện ta đều thấy biết nhưng không nắm giữ và xả ly tất cả. Lúc vua Trần Thái Tông bỏ ngôi vua, trốn lên núi tu gặp quốc sư Phù Vân, quốc sư khuyên: “Trong núi không có Phật, Phật ở trong tâm, lặng lẽ mà biết đó là chân Phật”. Câu nói này của quốc sư cũng mang ý nghĩa như trên, tức là luôn “rõ biết”, tỉnh giác.
Vì Phật luôn chánh niệm, tỉnh giác nên cũng được gọi là Chánh Biến Tri, biết toàn bộ một cách đúng đắn. Chánh biến Tri nhờ vô trước, tức là không nắm bắt, cảnh khởi lên Như Lai biết, cảnh diệt Như Lai biết nhưng không nắm bắt nên Như Lai chủ động được tất cả. Vô sở trước thì sẽ có tịnh lạc. Cái lạc không nắm bắt. Hiện tại lạc trú là không bám vào ba cõi. Năm uẩn tự nó chưa có giá trị gì, có thể tạm ví dụ để dễ hiểu, năm uẩn như là một hàm số F(x). Hàm số F(x) tự nó chưa xác định một giá trị gì, nó chỉ cho một giá trị nhất định khi tiếp nhận một giá trị x1, x2... Cũng như thế khi Ngũ uẩn bị tác động bởi ái, thủ, hữu thì được gọi là ngũ thủ uẩn, một khối khổ đau, bị vô thường chi phối. Điều đó cho thấy tùy theo cái mà ta tiếp nhận sẽ hình thành nên hoàn cảnh sống của mỗi chúng ta. Nếu tiếp nhận tham, sân, si thì tự thân chúng ta sẽ chuốt lấy khổ đau, tuyệt vọng. Đó là ta đang tiếp hạt giống của ma và ta sẽ thành ma. Nếu tiếp nhận từ bi, trí tuệ, buông bỏ, bố thí… thì sẽ hạnh phúc an lạc, chúng ta đang tiếp nhận hạt giống Phật và ta sẽ thành Phật. Cho nên người thông minh cần chọn yếu tố để tiếp nhận, muốn dứt khổ đau thì phải theo lời dạy của Phật, những gì Phật dạy bỏ thì nên từ bỏ. Trường Bộ kinh Phật dạy: “Này các Tỳ kheo có ba đều là chướng ngại cho sự tu tập đó là: tiền tài, danh vọng và lợi dưỡng. Người thế gian cho đó là lạc nhưng Như Lai đã từ bỏ cái lạc như phân đó rồi”. Vận hành của vũ trụ nhân sinh vốn là như vậy. Phật là người nói ra chân lý, là người chỉ đường cho chúng ta, đi hay không là tùy ở mỗi người. Các pháp vốn linh hoạt và biến hóa, khi mê do sự chấp trước thì thành chúng sanh. Khi ngộ thì thành Phật và pháp pháp trở nên diệu dụng và nằm trong tay mình.
Nguồn gốc của khổ đau là do vô minh, vọng tưởng từ đó sinh ra ái, thủ, hữu. Hạnh phúc hay đau khổ là hai mặt đối lập của đời sống của một chúng sinh. Phật dạy ta cần phải vượt qua hạnh phúc và khổ đau để đạt đến trạng thái tịnh lạc của Chư Phật. Phật dạy: “Ai có khả năng vượt qua hạnh phúc khổ đau thì người đó chính là Như Lai”. Thiền sư Ajahn Chah nói: “Đức Phật dạy ba pháp tu học Giới, Định, Tuệ nhưng không phải là tinh hoa của Phật giáo. Tinh hoa của Phật giáo là an lạc và trạng thái an lạc này phát sinh từ sự thấu triệt thực tướng của vạn Pháp. Phật dạy chúng ta không làm đều ác và làm những đều thiện. Nhưng khi đều ác đã lánh xa và đều thiện đã vững chắc ổn định thì ta phải buông bỏ luôn đều thiện, tức là làm việc thiện mà không dính mắc vào việc thiện. Người đời chúng ta không thích đau khổ, chúng ta muốn hạnh phúc. Tuy nhiên trong thực tế, hạnh phúc chỉ là hình thức vi tế của khổ đau. Đau khổ tự nó là hình thức thô kệch. Quí vị có thể ví hạnh phúc và khổ đau như đầu và đuôi của con rắn. Đầu rắn là đau khổ, đuôi là hạnh phúc. Cái đầu của con rắn thật sự là nguy hiểm nó có nọc độc. Nếu quý vị sờ đụng ắt nó cắn ngay tức khắc. Nhưng không chỉ cái đầu nếu quý vị chỉ nắm cái đuôi thôi nó cũng quay đầu lại cắn quý vị y hệt như vậy, bởi đầu và đuôi cả hai đều thuộc con rắn. Cùng như thế cả hai, hạnh phúc và đau khổ, vui thích và sầu muộn đều cùng cha cùng mẹ phát xuất từ một nguồn gốc là lòng ham muốn, mê hoặc sai đắm trong ái dục. Do đó trong lúc thọ hưởng hạnh phúc, tâm của quý vị không an lạc. Tâm thật sự là không an lạc!”.
Do đó, muốn chấm dứt tranh chấp, mâu thuẩn khổ đau thì không thể nào khác hơn là đi con đường của chư Phật đã đi, mà đầu tiên là phải bắt đầu từ giới luật hay phạm hạnh, như trong Kinh Tương Ưng Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, chừng nào còn bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc thì thân này còn được tập khởi lên. Này các Tỳ Kheo! Vì sao vô minh ấy kẻ ngu chưa từ bỏ được, khát ái ấy kẻ ngu chưa tận diệt được? Này các Tỳ kheo là vì kẻ ngu chưa thực hành phạm hạnh một cách chân chánh để đoạn diệt khổ đau. Vì thế, ta nói rằng khi thân này đứt đoạn kẻ ngu đi đến thân khác, nó không thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết...thất vọng, không giải thoát khỏi khổ đau.”
Trung Nhã

Tin Tức Liên Quan