Triển lãm dấu ấn Phật giáo TP.HCM 40 năm phát triển, Đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt”

7/06/2022 1:54
Nhân Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN TP.HCM (1982-2022), Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ X, phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM về ý nghĩa các sự kiện sắp tới do Ban Văn hóa thực hiện, Thượng tọa Thích Trí Chơn cho biết:


TP.Hồ Chí Minh mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn trong tiến trình hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 9 tổ chức định hình GHPGVN trong đó có 7 tổ chức Giáo hội, hệ phái đều ra đời, có trụ sở tại Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh. Đó là chưa nói Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng được thành lập tại thành phố này. Nơi đây, nhiều bậc thượng tôn cao đức nắm giữ giềng mối đạo pháp suốt 40 năm qua của Giáo hội. Các thế hệ Tăng Ni trẻ của thành phố ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước đã hòa mình trong nhân dân xây dựng tuyến phòng thủ ở Hóc Môn, Củ Chi, Láng Le…, nhiều hợp tác xã mây - tre - lá do giới Phật giáo đứng ra thành lập góp phần xây dựng quê hương, kiến tạo xã hội mới.

Khi thành phố phát triển, kinh tế xã hội từng bước được cải thiện, Giáo hội chú trọng đến việc giáo dục đào tạo Tăng Ni, đưa ngôi chùa trở lại với vai trò là những trung tâm tu học, xây dựng các giá trị đạo đức, văn hoá, tâm linh cho đời sống một bộ phận nhân dân. Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2022-2027) đánh dấu một chặng đường bốn thập niên Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.

Với ý nghĩa đó, hai sự kiện Ban Văn hóa được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chỉ đạo thực hiện là: Triển lãm với chủ đề: “Phật giáo TP.Hồ Chí Minh bốn thập niên xây dựng và phát triển” sẽ được khai mạc vào lúc 7 giờ, ngày 12-6-2022 và chương trình đại nhạc hội với chủ đề: “Ánh đạo trong dòng sử Việt” được diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 18-6-2022 tại nhà hát Hòa Bình.

* Triển lãm lần này nhằm ghi lại cả một quá trình hình thành, phát triển xuyên suốt 40 năm của Giáo hội TP.HCM, Ban Văn hóa sẽ có điểm nhấn, nội dung đặc biệt nào nhằm thể hiện những nét đặc thù, sự trưởng thành của Phật giáo TP.HCM, thưa Thượng tọa?

- Khác với triển lãm năm 2021 nêu bật hoạt động của 24 Ban Trị sự Phật giáo quận huyện trực thuộc. triển lãm lần này, Trưởng lão Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Đại hội chỉ đạo phải nêu bật thành quả hoạt động của các ban trực thuộc Giáo hội Thành phố.

Với tinh thần đó, Ban Văn hóa triển lãm những bức ảnh nói lên thành tựu Phật sự với 10 mảng hoạt động bao gồm: Hành chính Giáo hội, Tăng sự, Nghi lễ, Giáo dục Phật giáo, Văn hóa, Hoằng pháp - Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện - xã hội, Đối ngoại, hoạt động của báo Giác Ngộ và Những ngôi chùa tiêu biểu với khoảng 400 bức ảnh.

Triển lãm cũng trưng bày 150 bức hình nghệ thuật đoạt giải (trong số 1.500 tác phẩm) trong cuộc thi: “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Ban văn hóa GHPGVN TPHCM, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM và chùa Giác Ngộ tổ chức vừa qua.

Bên cạnh triển lãm thành tựu của Giáo hội TP.HCM, được biết đêm đại nhạc hội tại Nhà hát Hòa Bình cũng được Ban Văn hóa tổ chức khá quy mô, sẽ phát hành 2.200 vé mời. Thượng tọa có thể cho biết về tầm vóc của đêm nhạc, sự đóng góp của các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình nhằm nêu bật được chủ đề mà Ban Tổ chức mong đợi?

- Với chủ đề “Ánh đạo trong dòng sử Việt”, chương trình muốn nói đến các giá trị văn hóa, đạo đức cốt lõi mà đạo Phật đã hiến tặng, tạo thành một thực thể tôn giáo cổ kính hòa mình trong dòng chảy của dân tộc suốt hàng nghìn năm qua cũng như trong thời đại ngày nay. Dự kiến ban đầu, đại nhạc hội sẽ tổ chức tại sân Việt Nam Quốc Tự nhằm thể hiện sức hiệu triệu mạnh mẽ và tính quần chúng sẽ lan tỏa xa. Tuy nhiên, do lo ngại thời tiết không ủng hộ nên Ban Tổ chức đã quyết định chuyển sang Nhà hát Hòa Bình. Tổ chức trong nhà hát sẽ ổn định về các yếu tố nghệ thuật sân khấu, bảo đảm về tầm vóc mà Ban Tổ chức dự kiến

Đại nhạc hội lần này do Ban Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM làm tổng đạo diễn; có năm công ty lớn chuyên trách về các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau để góp phần làm sinh động cho sự kiện này. Với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ ưu tú gồm các anh chị: Vân Khánh, Nguyên Vũ, Nguyễn Phi Hùng, Quang Hà, Cao Thái Sơn, Quách Tuấn Du, Đông Quân, Trường Kha và một số ca sĩ, nhóm nhạc khác; cùng với sự điều phối của Dẫn chương trình Thanh Bạch và Lâm Ánh Ngọc… Ban Tổ chức kỳ vọng đại nhạc hội sẽ thành công tốt đẹp nhằm chào mừng các sự kiện quan trọng của Giáo hội TP.HCM.

Triển lãm dấu ấn Phật giáo TP.HCM 40 năm phát triển, Đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt” ảnh 2

Triển lãm Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN (1981-2021) do Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự

* Là người chỉ đạo nghệ thuật, Thượng tọa định hướng nội dung chương trình đại nhạc hội như thế nào?

- Với 16 ca khúc bao gồm đơn ca, song ca và tốp ca kèm theo đó là phần phụ diễn của các vũ đoàn, chương trình sẽ hiến tặng khán thính giả các ca khúc với nội dung truyền tải tinh thần ca ngợi quê hương, đạo pháp và tình người.

Chương trình có ba chương gồm chương I: Ca ngợi Phật giáo thời vàng son Lý, Trần; chương II: Phật giáo trong thế kỷ 20 tranh đấu vì đạo pháp - dân tộc và chương III: Tôn vinh đạo pháp, mở rộng tình người.

* Đây có thể nói là chương trình đại nhạc hội chào mừng khá qui mô, Ban Văn hóa dự kiến sẽ có hình thức phát trình vé như thế nào nhằm đảm bảo thành công cho chương trình ý nghĩa này, thưa Thương tọa?

- Chương trình đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt” được Ban Văn hóa thực hiện với tâm nguyện cúng dường đại hội nên chỉ có vé mời. Các vị tôn túc và khách quý sẽ được Ban Tổ chức gởi vé mời đến trú xứ, cơ quan. Phật tử các giới sẽ nhận vé tại bốn điểm: Việt Nam Quốc Tự - trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (quận 10), Báo Giác Ngộ (quận 3), tổ đình Ấn Quang, chùa Giác Ngộ (quận 10) và tu viện Khánh An (quận 12).

Thời điểm nhận vé dự kiến là ngày 12-6-2022 sẽ được thông báo cụ thể trên báo Giác Ngộ, Phật sự online, Facebook chùa Giác Ngộ, tu viện Khánh An và các trang mạng của Phật giáo.

Đây là đại nhạc hội hoành tráng và tổ chức nghiêm túc. Tôi tin tưởng quý vị Phật tử nhận vé sẽ tham dự đông đủ. Tôi mong muốn không có trường hợp nhận vé rồi không dự sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chương trình.

Triển lãm dấu ấn Phật giáo TP.HCM 40 năm phát triển, Đại nhạc hội “Ánh đạo trong dòng sử Việt” ảnh 3

Các ca sĩ, nghệ sĩ sẽ tham gia biểu diễn tại đại nhạc hội được Ban Văn hóa tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình vào lúc 19 giờ ngày 18-6-2022

* Thượng tọa có những lưu ý, đặt kỳ vọng gì cho các sự kiện văn hóa sắp tới?

- Mọi hiện tượng cuộc sống dù trong Phật giáo hay ngoài xã hội đều ít nhiều mang theo các giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật, đó là dấu ấn của văn hóa. Sự kiện càng lớn thì dấu ấn văn hóa càng sâu đậm. Có những giai đoạn người ta ngộ nhận văn hóa là một cái gì đó mang tính hình thức và phong trào mà quên rằng văn hóa là sức sống, là hơi thở của một cộng đồng, một dân tộc, một nền văn minh, một truyền thống tôn giáo. Dân tộc Việt Nam, đạo Phật Việt Nam mãi mãi trường tồn không có gì khác hơn là nhờ sức sống văn hóa.

Chúng tôi mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Giáo hội đặc biệt quan tâm hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh như một thực dưỡng tinh thần nuôi dưỡng cộng đồng góp phần xây dựng xã hội, phát triển đất nước.

* Chân thành cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Giác Ngộ.

Tin Tức Liên Quan