Phỏng vấn nghệ sĩ Mỹ Xuân và Giáo sư – Tiến Sĩ Lê Hồng Phước

1/06/2015 3:48
Ngày 30 tháng 05 năm 2015 nhằm ngày 14 tháng 04 năm Ất Mùi, tại Tu viện Khánh An đã tổ chức chương trình ca múa nhạc để phục vụ cho bà con Phật tử gần xa và cũng nhằm để cúng dường lên chư Phật nhân ngày Phật Đản PL 2559 – DL2015. Đặc biệt, trong chương trình ca múa nhạc lần này có sự hiện diện của nghệ sĩ cải lương Nguyễn Thị Tuyết Xuân, cô là một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng trong những thập niên bảy mươi.

Cô đã từng biểu diễn với cố nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga trong những vở diễn như Tiếng Trống Mê Linh… của đoàn cải lương Thanh Minh  –  Thanh Nga. Nghệ sĩ Mỹ Xuân đã quy y với Thầy viện chủ Thích Trí Chơn  – Tu viện Khánh An từ năm năm trước. Hiện nay cô đang định cư ở Pháp, nhân dịp về thăm quê hương, thăm Thầy Viện chủ cô đã nhận lời tham gia chương trình ca múa nhạc tại Tu viện. Cùng đi với cô là Giáo sư  – Tiến sĩ Lê Hồng Phước hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Xã hội và Nhân Văn TPHCM. Sau đây,  xin lược ghi một vài câu hỏi phỏng vấn đối với nghệ sĩ Mỹ Xuân và Giáo sư Phước.

Câu hỏi 1: Xin cô cho biết đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của mình và nhân duyên nào đã đưa cô đến với đạo Phật?

Trả lời: Cô tên Nguyễn Thị Tuyết Xuân, hiện đang định cư ở Pháp, cô năm nay được 65 tuổi. Cô đi hát từ hồi 13 tuổi. Bây giờ lớn lên cô mới hiểu một ít về Phật pháp. Lúc trước cô chỉ biết cha mẹ dạy ăn ở đạo đức hiền lành thôi chứ chưa hiểu gì nhiều về Phật pháp. Phải nói rằng cái duyên đầu tiên là cô được nghe bài giảng của sư phụ là Thầy Thích Trí Chơn, đó là bài giảng “Bến Yêu Thương”. Lúc đó thì cô cũng để trong tâm và chồng cô cũng để trong tâm là muốn gặp Thầy Trí Chơn để quy y, cả hai đều để trong tâm nhưng chưa nói ra. Và không biết là nhân duyên gì lúc hai vợ chồng ngồi tâm sự với nhau thì cả hai vợ chồng đều nói ra một lượt, cô nói  rằng: “Anh ơi, kỳ này em về Việt Nam thì em sẽ xin quy y với Thầy Thích Trí Chơn” còn chồng cô thì cũng nói rằng: “Trời ơi, anh cũng muốn như vậy nữa”, không biết tại sao lúc đó ý nghĩ của hai người lại trùng hợp với nhau như thế. Tâm nguyện của cô là cuối đời muốn làm một cái gì đó để đóng góp một chút về Phật pháp và cô muốn làm một chút gì đó để giúp đỡ cho những người không có đủ cơ duyên gặp được Phật pháp, những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Đó là tâm nguyện của cô, cô phải làm cho bằng được dù mình đã sáu mươi mấy tuổi rồi.

Cô có một đứa con gái ở bên Mỹ, cô cũng kêu con gái cô nghe bài giảng “Bến Yêu Thương” của sư phụ. Chính nhờ sự gieo duyên đầu tiên đó, mà bây giờ con của cô mỗi ngày nghe hai bài thuyết pháp và cuộc sống rất là an lạc.

DDD 2835

Thầy Viện Chủ chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ Mỹ Xuân - Pháp danh An Hoa và Giáo sư Lê Hồng Phước

Câu hỏi 2: Qua lời kể của cô thì được biết cô đã quy y với Thầy Thích Trí Chơn – Viện chủ Tu viện Khánh An. Vậy xin cô cho biết cảm nhận của cô như thế nào trước và sau khi quy y Tam Bảo?

Trả lời: Trước và sau khi quy y ngay trong tự thân của cô có sự thay đổi rất nhiều. Trước đó, cô nóng tánh lắm, ở nhà gia đình cô, anh Thanh Điền là người anh thứ sáu, chị Thanh Kim Huệ là chị dâu, thì cô là người nóng tánh nhất trong nhà, nhưng bù lại cô là người mực thước đâu ra đó rõ rãng (…cô cười). Lúc trước, cô nóng tánh nhưng giờ sự nóng tánh của cô giảm đi rất nhiều. Lúc trước, cô hay sân si nhiều thì bây giờ cô ít sân si hơn và lúc trước cô trói buộc nhiều thì bây giờ cô đã mở nhiều hơn. Cô sẽ cố gắng đi trên đường Phật dạy, mỗi ngày cô lạy 108 lạy để sám hối, vì cô biết vô tình hay cố ý gì đó trong mỗi động tác, lời nói hay ý nghĩ của mình đã gây nên tội. Có một lần chồng cô bệnh rất nặng, chồng cô đi không được, nói chuyện không được, viết không được, cô đã đi 108 chùa để cầu nguyện, cầu cho chồng cô thoát khỏi bệnh hiểm nghèo, lúc đó cô cũng không biết làm cách nào hết, chỉ nghe nói Đức Quán Âm Bồ Tát rất linh thiêng, thế là cô nguyện với ngài, nếu chồng con hết bệnh thì cho con nguyện xuống tóc để con tạ ơn, không ngờ Phật pháp thật mầu nhiệm. Bây giờ, chồng cô đã đi lại bình thường và có thể làm thơ nữa…Đó là những cái khác mà hồi trước mình chưa tu, chưa biết gì về Phật pháp, bây giờ nhìn lại thấy mình đã thay đổi rất nhiều.

Cẩu hỏi 3: Được biết lúc trước cô hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là hát cải lương và đờn ca tài tử, nhưng sau này cô đã qua định cư ở Pháp. Vậy xin cô cho biết khi ở Pháp cô có tiếp tục sự nghiệp ca hát cải lương và đờn ca tài tử nữa không ạ?

Trả lời: Khi định cư sang Pháp cô vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình và cô có gặp em Lê Hồng Phước, Phước là sinh viên qua Pháp lấy bằng tiến sĩ. Em Phước không phải là người trong nghề, nhưng em rất yêu bộ môn nghệ thuật hát cải lương, thành ra em đã kết hợp với cô để hát đờn ca tài tử. Ở Pháp cô cũng thường hay đi hát ở chùa. Cô đã thành lập ra hội đờn ca tài tử ở Pháp lấy tên là “Hội Về Nguồn” và cô làm chủ tịch hội. Mỗi tháng hội đờn ca tài tử hoạt động một lần, đó là chương trình đờn ca tài tử được thành lập đầu tiên ở Châu Âu. Phải nói rằng cô đã đem hết tâm huyết vào nghề nghiệp của mình, đó cũng chính là sự kính trọng nghề, vì đó là tổ nghiệp đã dẫn dắt con đường mình đi. Từ nghề này, cô đã giúp cho cha mẹ  vượt qua hết những khó khăn trong cuộc sống, ngày nay cô cũng lấy nghề của mình và tâm nguyện rằng nếu mình còn chút hơi sức nào đó thì cô sẵn sàng đóng góp để cho tất cả bà con được vui.

Câu hỏi 4. Lần này cô về Khánh An, trước là thăm Thầy, sau là để tham gia biểu diễn chương trình văn nghệ tại Tu viện nhằm cúng dường lên chư Phật nhân ngày lễ Phật Đản. Xin cô cho biết, cảm nhận của cô như thế bào khi về thăm Tu viện Khánh An lần này?

Trả lời: Về lần này, thật sự cô rất mừng, vì lúc trước khi cô quy y với Thầy thì chùa chưa làm xong, xung quanh toàn là sình đất không hà. Cô có mấy người bạn về đây, cô có gọi điện thoại cho mấy người bạn của cô để hỏi thăm Tu viện Khánh An giờ như thế nào rồi, thì mấy người bạn nói với cô rằng: “Chùa bây giờ đẹp lắm, uy nghi lắm”. Khi cô về thăm Thầy, nói thật là cô rất xúc động, xúc động vì cô thương sư phụ, cô biết sư phụ vất vả lắm. Có lần trong đại lễ Vesak, cô ở bên Pháp, có gọi về để hỏi thăm sư phụ, lúc đó sư phụ đang ở Hà Nội, đang làm MC cho chương trình đại lễ và cô thực sự rất mừng vì: thứ nhất, là sư phụ đã lo gần như hoàn chỉnh Tu viện, thứ hai là các Phật tử cũng có một nơi khang trang để tụng kinh niệm Phật, thứ ba là vẫn thấy sư phụ mình vẫn còn khỏe mạnh. Mà phải nói rằng, cô rất hãnh diện khi được làm đệ tử của sư phụ, và không biết tại sao khi người ta nhìn sư phụ thì nói rằng: “Sao thấy sư phụ mặt hiền quá”. Cô rất là vui, cô luôn theo dõi từng bước chân của sư phụ vì mình là đệ tử mà không biết gì hết thì cũng có lỗi quá.

 

image-d52e4dc235d98e483cbad999e70866bc2b8c8eeb43f9501fdc11e40346224dae-V

image-1cea116e8123948d04fffe1ed764ffd8690db96d54e030fa3d54b36ea90d69a8-V

Thầy Viện chủ tặng hoa cảm ơn và bằng cảm niệm công đức đến Nghệ sĩ Mỹ Xuân và Giáo sư Lê Hồng Phước

 

Sau đây là câu hỏi trao đổi với Giáo sư – Tiến Sĩ Lê Hồng Phước

Câu hỏi: Qua lời giới thiệu của cô Xuân, được biết anh là giáo sư, hiện đang dạy bộ môn Pháp văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng được biết, anh là người rất đam mê lĩnh vực ca hát, đặc biệt là hát cải lương và đờn ca tài tử. Xin Giáo sư cho biết đôi nét về sự nghiệp của mình và đứng trên lập trường là một nhà trí thức, Giáo sư có nhìn nhận như thế nào về đạo Phật và sự đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển của xã hội hiện nay?

Trả lời: Phước đang dạy ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 2010, Phước đi qua Pháp để tu nghiệp, do nhà nước mình gửi đi để lấy bằng Tiến sĩ lịch sử. Lần đó, Phước qua gặp cô Xuân, cảm thấy hai cô cháu rất hợp ý, nên mới ngõ lời xin đi hát cùng cô. Trước khi qua Pháp, bên đây Phước chỉ biết đờn ca tài tử chơi thôi. Ba Phước lúc ở quê là thầy đờn vọng cổ và từ nhỏ Phước đã tiếp xúc với đờn ca tài tử rồi, cho nên khi qua bên Pháp đi hát với cô Xuân nên thấy cũng không có gì lạ lẫm và trở ngại mấy. Ở Pari, Phước  gọi cô Xuân là sư phụ về cải lương, cô Xuân dắt đi hát, hát riết rồi ghiền. Phước ở bên đó 5 năm, đi hát với cô Xuân chừng bốn năm rưỡi. Khi về Việt nam cách đây chừng ba tháng thì bên đây cũng có nghệ sĩ gọi đi hát nhưng Phước không đi vì để tập trung dạy. Nhưng cũng chắc là cái duyên, cô Xuân về nước, cô rủ lên trên đây thăm Thầy, rồi nhận lời hát cho chương trình Phật Đản trên đây, đây là điểm hát thứ hai. Cách đây khoảng một tuần, Phước và cô Xuân hát ở nhà giáo sư Trần Văn Khê cho chương trình “Nhân Danh Cải Lương”. Ở bên Pháp, lúc đó Phước đóng vai Xa Nặc trong vở Thích Ca Tầm Đạo, thời gian sau hát Quân Âm Thị Kính, cô Hà Mỹ Xuân đóng Thị Kính, Phước đóng vai sư trụ trì. Bữa hát nhà giáo sư Trần Văn Khê tuần rồi Phước đóng vai A Nan, cũng là hát tại chùa. Đó là quá trình làm cải lương.

Chắc Phước cũng có cái duyên với nhà Phật, thật ra gia đình Phước là gốc Phật giáo. Nhưng nói về Phật giáo thì trong tất cả các đạo ở Việt Nam thì có lẽ Phật giáo là đạo mà gắn bó với văn hóa Việt Nam lâu đời nhất. Đặc biệt một điều nữa, văn hóa Phật giáo lại trùng hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam ở chỗ là người Việt Nam mình rất tôn kính ông bà, có thể nói đó là “đạo thờ cúng ông bà”, đó là truyền thống hiếu đạo của người Việt Nam và Phật giáo cũng thế, luôn đề cao chữ hiếu, hiếu là căn bản của người con Phật, nhìn vào người con ta thấy được một dòng họ tổ tiên hiện hữu trong người đó, con cháu chính là sự tiếp nối của ông bà tổ tiên của mình. Phật giáo đã đi đồng hành với xã hội Việt nam từ xưa tới giờ, từ trong đời thường cho tới khi có ngoại xâm và hình ảnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông là điều nói lên tất cả sự gắn bó của đạo Phật đối với con người Việt Nam.

Cho tới thời đại ngày nay, dù là chúng ta có nhiều tôn giáo khác nhau, nếu chúng ta chỉ dựa vào mặt số lượng có bao nhiêu tín đồ, tôn giáo này lớn, tôn giáo kia nhỏ, thì cái đó không chính xác. Mà nói riêng trong xã hội Việt Nam, chúng ta phải khẳng định rằng, tất cả các phần cấu thành nên văn hóa Việt nam thì văn hóa Phật giáo là phần lớn nhất. Tôi hay nói đùa với sinh viên, theo đạo nào tôi không biết, nhưng ra đường khi người ta chọc gì mình thì mình kêu “Trời, Phật ơi” chứ không phải kêu chúa ơi. Cái đó là truyền thống  rồi. Ngày nay cũng vậy, chúng ta thấy xã hội bộn bề, đủ thứ chuyện trên đời nào tranh đua, làm dữ dội lắm mới sống được nhưng nếu chúng ta có một chút Phật Pháp thì chúng ta sẽ sống rất là an nhàn. Đương nhiên người ta nói rằng “Nhân hư đạo bất hư”, đạo nào cũng tốt nhưng ta thấy rằng đạo Phật vô tình lại gắn liền với văn hóa của chúng ta hơn hết. Mà nếu chúng ta hiểu một chút Phật pháp thì tự nhiên chúng ta sống không lo âu, chúng ta không cầm lên mà chúng ta bỏ xuống. Và các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã nhận định đúng  mối quan hệ và tầm quan trọng của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam đó là: “Đạo nương đời để giáo hóa chúng sanh, đời nương đạo mới thoát qua bể khổ”. 

Pv: Trung Nhã

Tin Tức Liên Quan