Pháp thoại “Nhiếp Chúng Bằng Tình Thương” tại Đạo tràng tu học Báo Ân, Orlando - Florida

26/08/2019 9:54
Sáng ngày 22/08/2019, sau những bước chân thiền hành trong khu rừng phía sau chùa cùng đại chúng, TT Thích Trí Chơn đã có thời pháp thoại gửi đến chư tôn đức Ni tại Đạo tràng tu học chùa Báo Ân, Orlando -Florida trong khóa tu mùa Vu Lan với chủ đề “Nhiếp chúng bằng tình thương”.

Những bước chân thiền hành buổi sáng đã nuôi dưỡng lòng biết ơn trong thầy, giúp thầy tiếp xúc được với đất Mỹ, quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt; và ngay trên trái đất duy nhất này thầy cũng tiếp xúc được với đất mẹ Việt Nam, thầm cảm ơn vô hạn chiếc nôi Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra con Lạc cháu Hồng. Qua bước chân thầy tiếp xúc được với cha mẹ ông bà và tiên tổ, thấy được tất cả chúng ta cùng ở trong cái bọc trăm trứng mà nơi đó có Lạc Long Quân, có mẹ Âu Cơ. Biết ơn vì một nền văn minh đã cho chúng ta biết thờ cha kính mẹ, biết dâng hương lễ lạy, biết thờ phụng tổ tiên. Tiếp tục mỗi bước chân an lạc thảnh thơi, thầy quán chiếu và đã thấy được một Ấn Độ cổ xưa, với hình ảnh của đức Thế Tôn cùng các vị thánh đệ tử trải bước trên mọi nẻo đường để mang ánh đạo đến muôn loài. Thầy còn cảm nhận được những bước chân chảy máu, sưng phù của Ni trưởng Kiều Đàm Di, còn có cả bước chân của 500 tì nữ đi theo người để cầu xuất gia tu học.

 

Tại đây, thầy nói về công hạnh của thánh mẫu Kiều Đàm Di, khi nhìn sâu vào hiện hữu của đức Thế Tôn, ta hãy biết bày tỏ niềm biết ơn vô hạn đến Ni trưởng kiều Đàm Di. Nếu không có người thì sẽ không có một Sĩ Đạt Ta mang trong lòng một tình thương lớn, vì ngài đã được nuôi nấng và bảo bọc trong tình thương vô hạn của Di mẫu từ thuở lọt lòng. Nếu như bằng những giọt sữa của mình, hay từng bát cháo và những khúc hát lời ru, người mẹ thế gian đã nuôi nấng Sĩ Đạt Ta khôn lớn, thì cho đến khi được gia nhập Tăng đoàn, Di mẫu đã được nuôi nấng trở lại bằng giọt sữa giáo pháp nhiệm mầu của đức Thế Tôn.













 

Điểm lại cuộc đời của Kiều Đàm Di để ngẫm lại chúng ta học được những gì. Điều thứ nhất, người là một bà mẹ vĩ đại, mặc dù đã có được người con máu mũ là Nan Đà nhưng cũng không vì vậy mà tình thương dành cho Sĩ Đạt Ta bị sứt mẻ. Điều thứ hai, người một lòng mến mộ đạo pháp, tôn kính Tam bảo, chịu bao nhiêu khó khăn thử thách để cầu thỉnh Thế Tôn cho Ni giới được gia nhập vào đoàn thể Tăng, hành trì miên mật giới luật mà đức Phật đã đề ra để bảo hộ Tăng đoàn. Điều thứ ba, ta học được hạnh của đại ái đạo là một người sống hết mực khiêm cung và thương yêu thế hệ trẻ. Người đã   trực tiếp học giáo pháp từ chính Thế Tôn tuyên thuyết để dạy lại cho hàng Ni chúng của mình. Hạnh nguyện của thánh Ni là thế, ta hãy tiếp nối người mà bảo ban, mà dạy dỗ chăm sóc cho đệ tử và thế hệ trẻ của mình bằng chính tình thương yêu đích thực. Thời nay, chúng ta đã bị ảnh hưởng rất nhiều về cái lễ của Nho giáo quá khắc khe, cho nên có những người đệ tử không dám đến gần thầy, không dám nói chuyện với thầy, gặp chuyện gì cũng không dám thưa với thầy mình, thầy trò không truyền thông, không tiếp xúc được với nhau. Hãy thay đổi tư duy từ chính nhãn hiệu làm thầy, làm anh cả, chị lớn để có thể mở lòng với thế hệ trẻ nhiều hơn. Đó là chúng ta tu, đó là chúng ta đang dần chuyển hóa cái bản ngã bên trong mình, đồng thời cũng là đang nuôi dưỡng tình thương và tâm ban đầu cho mình, cho những người tu trẻ.

 

Đọc kinh văn, chúng ta thấy được đức Phật có một nghệ thuật nuôi dạy chúng đệ tử rất hay. Các vị tân học sẽ được phân chia, chăm sóc tu học và bảo ban từ những vị thầy lớn. Mà ở đó, những người lớn sẽ chăm sóc đời sống tu học cho người nhỏ và người nhỏ sẽ chăm sóc cho người nhỏ hơn. Thời này ta gọi đó là y chỉ sư. Y chỉ sư là nương tựa vào một bậc thầy để hướng ta tu tập và hành đạo trên con đường của đức Thế Tôn. Đúng nghĩa của y chỉ sư là thăng tiến trên con đường đạo, là vững chải trên lộ trình giải thoát chứ không phải y chỉ để có được một ngôi chùa, mảnh đất,  địa vị, chức quyền từ một vị thầy lớn ban cho. Thậm chí, một vị thầy lớn lại cố y chỉ với một vị thầy lớn hơn chỉ vì  lý do chức vụ, danh lợi, bổng lộc. 

 

Trong kinh Thừa Tự Pháp, bài số 3 - kinh Trung bộ, đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, quý thầy hãy là những người thừa tự giáo pháp của Như Lai mà đừng thừa tự vật chất. Nếu quý thầy thừa tự giáo pháp của Như Lai mà không thừa tự của cải vật chất, chẳng những thế gian khen các thầy mà còn khen luôn cả thầy trò của ông Gotama là những người đi trên con đường chánh đạo, chỉ thừa tự giáo pháp mà không hề thừa tự của cải vật chất. Nhưng này các thầy, nếu các thầy chỉ biết thừa tự của cải vật chất mà không thừa tự giáo pháp, chẳng những người đời chê bai các ông mà con chê bai luôn cả thầy trò của ông Gotama là những người sống chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết thừa hưởng của cải vật chất.” Chúng ta nên nhìn lại để thấy rõ được mình trước những lời di huấn của đức Thế Tôn. Cho nên hình ảnh của bật đạo sư, giáo pháp của bật đạo sư nằm ngay nơi mỗi chúng ta. Thời nay đức Phật đã không còn, vì tưởng nhớ Phật cho nên ta đắp  tượng, vì tôn kính Pháp cho nên ta in kinh. Những vị thánh tăng cũng đã không còn, chúng ta chỉ là những kẻ phàm tăng, cho nên hình ảnh chiếc áo giải thoát của chư Tăng, chư Ni là đại diện cho Phật, cho Pháp. Chính chúng ta là người thừa hành Phật sự, là đại diện cho đức Thế Tôn đem lại ánh đạo đến với cuộc đời. Thế nếu chúng ta thực tập không tốt, thì chẳng những người đời chê bai mình mà còn chê bai luôn cả thế giới người tu. Nếu ta đang sống trong ngôi nhà của Như Lai, ta đang chịu ơn của thí chủ đàn na mà không hành trì giáo pháp thì chúng ta thật sự là người có lỗi lớn.





 

Điều cuối cùng thầy chia sẽ, chúng ta thọ ân thì phải biết báo ân. Thọ ân cha mẹ thì ta phải có hiếu với cha mẹ. Thọ ân Phật thì chúng ta phải biết hành trì tu tập làm sáng ánh đạo trên thế gian. Chúng ta thọ ân của đàn na thí chủ thì phải biết hóa độ thí chủ đàn na. Và hãy tu tập như thế nào để trở thành ruộng phước để tín thí mười phương gieo hạt giống lành vào trong thửa ruộng ấy. Đặc biệt là những người con Phật sống trên đất Mỹ, chúng ta không những chỉ đền ơn cho đồng bào, quê hương tổ quốc mà còn phải mang cả hạt giống từ bi của đức Phật cắm rễ vào trong lòng của những người bản xứ trên chính quê hương thứ hai của mình.

 

Tâm Minh Tuệ

Tin Tức Liên Quan