Trong bài học hôm nay, Thầy nói về 3 phép quán cuối cùng trong phần quán thân là quán tứ đại, quán bất tịnh và quán tử thi.
1/ Quán tứ đại gồm có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong
đại. Trong cơ thể con người, địa đại là những chất rắn như tóc, răng, móng, xương,
gân. Thủy đại bao gồm máu, mủ, nước mắt, mồ hôi, đờm dãi. Hỏa đại chính là nhịp
sống bình thường với thân nhiệt 37oC. Phong đại là hơi thở vào, hơi thở ra và
nhịp tim con người.
Vạn vật sinh sống trên trái đất này tất cả đều không nằm ngoài quy luật tuần hoàn. Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nước từ dòng chảy ngầm trong lòng đất trôi ra sông biển, bay hơi tích tụ trên những đám mây rồi lại trở về lòng đất khi mưa xuống. Con người cũng vậy, xác thân mượn tạm tứ đại mà đến, hết một kiếp người rồi trả về tứ đại. Quy luật tuần hoàn của cuộc sống thế đấy, nó khiến những điều được – mất chỉ như gió thoảng. Nhưng con người thì vẫn cứ mãi u mê…Quán chiếu sâu sắc ta thấy thân thể ta chỉ vay mượn, không có gì là ta, là của ta. Chúng ta sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về với cát bụi mờ, vậy nên đừng để bản thân ràng buộc, chấp chặt bởi những điều vốn không thuộc về mình.
2/Quán bất tịnh. Dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến
đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt như tóc, lông,
móng, răng, da, thịt dính với xương, gân, xương các bộ phận, tủy trong ống
xương, thận, tim, gan, màng phổi, bao tử, buồng phổi, ruột già, ruột non, vật
thực mới, phân, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, nước mắt, mỡ
lỏng, nước miếng (bọt), nước mũi, nước nhớt trong các khớp xương, nước
tiểu.
Qua đó chúng ta thấy rằng, sự hình thành thân thể bao gồm những yếu tố bất tịnh, đi sâu vào các pháp hiện rõ vô thường, khổ, vô ngã. Quán chiếu sự thật của thân này là không sạch, vô thường, hư giả thì các trói buộc, chấp thủ, dính mắc tự khắc suy yếu và rơi rụng.
3/ Quán tử thi. Đây giai đoạn kết thúc của một kiếp
người. Sự băng hoại của một tử thi trải qua chín giai đoạn:
Giai đoạn 1: tử thi mới mất trương phình lên, tím tái.
Giai đoạn 2: tử thi rữa dần (dòi, mỡ, máu chảy ra, các tế
bào tan vỡ).
Giai đoạn 3: chỉ còn thịt, gân trong các khớp xương và
máu mủ.
Giai đoạn 4: còn xương và xương kết nối với nhau bằng gân
và ít thịt
Giai đoạn 5: máu không còn, thịt không còn, chỉ còn xương
và gân.
Giai đoạn 6: chỉ còn lại xương
Giai đoạn 7: thi thể hoàn toàn tiêu hết da thịt, chỉ còn
đống xương phơi bày trắng phau phau như vỏ xò.
Giai đoạn 8: các con vật đi ngang hất xương chỉ còn 1
đống rời rạc.
Giai đoạn 9: sau nhiều năm xương mục dần chỉ còn tro bụi.
Khi quán thân, hành giả hãy nên loại bỏ sự phân biệt đẹp
- xấu, già - trẻ, nam - nữ, thời gian - không gian,… mà chỉ biết đó là thân của
con người. Không gán bất kỳ một cái ngã vào tấm thân đó. Quán thân để thấy:
a/ Bản chất của sự vật hiện tượng là vô ngã. Chúng ta hay
chấp vào bản thân có một linh hồn thường hằng đang tồn tại. Thế nhưng, tựu
trung lại, đó chính là thức, là nghiệp (thiện - ác, tốt - xấu). Linh hồn là một
dạng thực thể nào đó không thay đổi được nhưng ngược lại thì nghiệp lực tuy
không có hình tướng cụ thể, không ai có thể trông thấy được, nhưng nó có sức
mạnh chi phối, cuốn hút, hấp dẫn lạ thường, nó có thể chuyển hóa được nhờ hành
trì tu tập.
Chấp ngã sẽ khiến ta có thêm ngã sở. Khổ đau bắt đầu từ
cái tôi, cái ngã của bản thân, chính cái danh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống mình.
Tham muốn càng nhiều thì tội lỗi càng phát sinh, càng gây ân oán, hận thù cho
nhau không có ngày thôi dứt. Vì thế, hãy gạn lọc thân tâm cho được trong
sáng, tốt đẹp, bớt tham sân si thì nỗi khổ, niềm đau sẽ chấm dứt, thôi không
còn theo ta nữa.
b/ Quán thân để thấy thân này vô thường, huyễn hoặc, mỗi sát na trôi qua là một sự chuyển dịch liên tục không ngừng. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy mạnh mẽ cầm ngọn đuốc mà rọi soi vạn vật, dùng trí tuệ để cắt đứt sợi dây ảo giác, mê lầm, vọng tưởng, từ đó ngã sở sẽ tan biến, những khổ đau, phiền não không còn chỗ nào ẩn náu.
Quán thân giúp ta ý thức rõ về thân thể,
để quán chiếu về sự vô thường của vạn vật mà có một
đời sống thanh thản, nhàn hạ hơn. Quán chiếu để thấy những sai lầm khi ta quá
chấp thủ, dính mắc, giúp ta bình tĩnh hơn khi đối diện với sự
chết. Bản thân không còn quá luyến tiếc xác thân này và cảm
thấy rất bình thản để ra đi. Tất cả có đến và có đi như gió hoàng hôn
đưa lá thu vàng về cùng cát bụi.
Kết thúc buổi học, Thầy tiếp tục hướng dẫn các hành giả
thực hành 45 phút tọa thiền, sau đó đại chúng cùng nhau
dùng cơm trong chánh niệm.
Tin: Lệ Ánh, Ảnh: T. Lưu
Một số hình ảnh ghi nhận được: