Mọi sự, mọi vật trên thế gian này đều nương nhau mà có. Không một sự vật, hiện tượng nào có thể tồn tại độc lập và riêng lẻ được. Sống riêng lẻ, chúng ta sẽ không thể tồn tại. Vạn vật trên đời, cái này duyên cái kia, cái kia duyên cái nữa, nối tiếp không cùng cứ vậy mà sinh tồn.
Cuộc sống càng văn minh, hiện đại con người càng bận rộn, ít có cơ hội để được thảnh thơi. Có thể có người rất giàu có, rất quyền lực nhưng thật sự họ không có sự thảnh thơi và hạnh phúc. Cái đức lớn nhất của con người là khả năng sống có hạnh phúc. Chúng ta tự hỏi là mình đã thực sự có khả năng tạo dựng hạnh phúc hay chưa. Nếu câu trả lời là chưa, thì phải hỏi thêm tại sao ta chưa có khả năng đó. Tại vì, chúng ta đang bị những sợi dây lo lắng, giận hờn, ganh tỵ, sợ hãi, mặc cảm, si mê…trói buộc, đang bị những cái lồng của địa vị, danh vọng, tài sắc giam hãm mình.
Sống nhiều với tham sân si và chỉ để nuôi dưỡng những cái địa vị, danh vọng quyền hành nên sinh tâm buồn-vui, thương-ghét, thích-chán, ta-người.
Thật sự, chúng ta không có nhiều thời gian để ghét nhau. Cái giây phút mình ghét người kia cũng chính là giây phút mình bắt đầu ghét mình – vì “cái cục khổ ghét người” nó bắt đầu lớn dần trong mình, nó làm mình đau. Khi mình thương người, bằng tâm thương yêu không dính mắc, tức là mình đang chế tác chất hiệu hạnh phúc cho mình và cũng cho người. Nếu chúng ta thật sự thương người thì hạnh phúc bắt đầu lớn dần trong ta. Đức Phật không khổ đau là vì ngài không có một cái ngã và ngã sở, sống với tâm thương yêu vạn loại. Đời sống chẳng có bao lâu mà ngày nào cũng không tạo được hạnh phúc: đi không hạnh phúc, ngồi không hạnh phúc, ăn cơm cũng không hạnh phúc… Hôm nay sống không có hạnh phúc mà bảo tu hành để mai này sinh về cảnh giới an vui là điều không có. Hãy chiêm nghiệm mỗi ngày ta sống thế nào, phục vụ cho cái gì. Có phải, tiền tài, vật chất, danh lợi… nó làm ta chạy theo nó đến mỏi mòn. Lý ra, nó phải phục vụ cho mình thì ngược lại, mình bị nô lệ nó, để nó trói buộc, sai khiến mình. Nếu mình có tuệ giác như vậy thì mình có thể buông bỏ được, mình đang cởi trói dần và không buộc thêm những sợi dây ngũ dục vào mình nữa.
Thật là niềm hạnh phúc vô bờ. Sống cuộc đời mà vừa được Khánh (vui mừng) vừa được An nữa thì còn gì vui sướng hơn. Sư phụ vẫn thường dạy tụng kinh, ngồi thiền là tu. Nhưng chưa đủ. Phải tu trong từng bước chân, trong đi, đứng, nằm ngồi, nấu ăn, lao động chấp tác…Đó là tu, đó là thiền. Mỗi bước chân là thiền. Mỗi hơi thở là thiền. Được vậy, bước chân sẽ rất nhẹ nhàng, bước chân sẽ buông bỏ được những lo lắng, sầu muộn. Mỗi bước chân là mỗi đóa sen đem lại hỷ và lạc. Đó là bước chân mầu nhiệm nâng đỡ sự sống mầu nhiệm. Mỗi bước chân đi là cơ hội lớn để thực hành niệm và định. Mỗi bước chân là phép lạ, mỗi bước chân là trị liệu, là nuôi dưỡng niềm vui.
Có những giờ công phu khuya, không lên Phật đường tụng kinh, thầy hướng dẫn đại chúng thiền hành. Một đoàn áo nâu thẳng tắp rời cổng Tu viện, hướng ra gần bờ sông. Những bước chân nhẹ nhàng, thanh thoát bước giữa những cánh đồng cỏ, ngang qua xóm làng. Mỗi nhịp thở là một bước chân. Những cánh hoa dại còn đọng hơi sương phất phơ trong làn gió sớm. Đâu đó, tiếng gà trong đêm sương, tiếng chó sủa trong cô tịch. Những tâm hồn tỉnh lặng bước đi trong tỉnh lặng. Niềm hạnh phúc ngập tràn.
Ăn cơm cũng vậy, chúng ta được nuôi dưỡng không chỉ bằng thức ăn, mà còn được nuôi dưỡng bởi những nguồn năng lượng khác nữa: ăn trong niềm biết ơn vô hạn, ăn trong sự thảnh thơi để cảm nhận giá trị sự sống và ăn trong niềm hạnh phúc được bao bọc bởi tình huynh đệ. Chúng ta không cần ăn cho mau, cho xong để làm chuyện khác. Ăn mà không biết mình đang ăn. Miệng tuy ăn nhưng tâm lo nghĩ suy toan tính. Chúng ta đang ăn những hờn, giận, đau buồn. Ăn như vậy không có lợi gì cho sức khỏe cả. Ở Tu viện, quí thầy và quí chú được thực tập ăn trong chánh niệm. Ăn không nói chuyện, ăn như thế nào để có được sự thảnh thơi, niềm vui trong tình huynh đệ. Ý thức được rằng, được ngồi với nhau để ăn cơm là một đều hết sức là màu nhiệm và hy hữu.
Không chỉ có tụng kinh, tọa thiền, ăn cơm… là có sự thực tập thiền mà lao động chấp tác cũng là sự thực tập nuôi dưỡng thân tâm. Tại Tu viện, cứ mỗi chủ nhật hàng tuần là huynh đệ cùng nhau chấp tác, cùng làm việc với nhau đã tạo nên bầu không khí thật vui vẻ, ấm áp. Đây cũng chính là những giây phút tu tập, giúp cho huynh đệ gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và tạo dựng một nguồn năng lượng của đoàn thể, nguồn năng lượng của tình huynh đệ. Nguồn năng lượng này sẽ nuôi dưỡng ta, giúp ta chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau đang có trong ta.
Hãy sống với ý thức sâu sắc trong từng hơi thở, từng bước chân, từng muỗng cơm, từng lời nói, cử chỉ và hành động ta sẽ có thảnh thơi, ta sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm của sự sống và giá trị cuộc đời.
Bài: Trung Nhã, Trung Pháp.