PHÁP THOẠI “ÁNH TRĂNG THIÊNG LIÊNG” ĐÊM TRUNG THU

23/09/2021 9:02
Tối ngày 21/09/2021 (nhằm ngày rằm tháng tám năm Tân Sửu), Tăng thân Tu viện Khánh An đã tổ chức đêm Trung thu “Ánh trăng thiêng liêng”. Vì lý do dịch bệnh Covid đang diễn biến rất phức tạp, buổi lễ không có khách mời, không có các bé thiếu nhi nhưng vẫn diễn ra vô cùng ấm cúng và trang nghiêm.


Mở đầu chương trình là ca khúc “Thằng Cuội” với giai điệu tươi vui, thân thương được trình bày bởi tốp ca tăng thân Khánh An. Sau đó là lời chia sẻ từ chú Phật tử Khánh Toàn, tiết mục ngâm thơ của Phật tử Bùi Cường cũng đã khiến bầu không khí đêm trung thu thật lắng đọng đầy cảm xúc.


Cuối cùng, Thầy Viện chủ đã có vài lời đạo từ về ý nghĩa của đêm trăng đến với đại chúng.

Từ thuở hồng hoang khai sơn lập địa đến nay, biết bao lần trăng đã đi vào thơ ca, hội họa, văn chương và tất cả các lãnh vực trong cuộc sống kể cả Đạo Phật. Vì thế ánh trăng chứng kiến bao nỗi khổ, niềm vui, những lẽ thật trên cuộc đời. Dòng đời vẫn trôi và trăng vẫn thế, vẫn lặng lẽ nhìn đời, nhà thơ Nguyễn Bính đã viết:

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm


Trăng là thời gian và chùa là không gian. Không gian của làng quê Việt Nam là mái chùa gắn liền với tất cả văn hóa, đạo đức, những sự kiện buồn vui của con người, trăng gắn bó với tâm tư tình cảm của bao thế hệ và trăng đã đi vào ánh sáng tuệ giác biểu trưng cho đời sống tâm linh. Ai trong chúng ta dù là thiếu niên, hoa niên, trung niên hay lão niên thì cũng ít nhất một lần có những kỉ niệm đẹp với ánh trăng của làng quê. Ánh trăng cũng như một sự linh thiêng, màu nhiệm, ánh sáng của chân lý. Người xưa thường lấy ánh trăng làm chứng cho tâm tư, tình cảm, ước hẹn, giao thề.

Trong một lần nhớ cố hương, vào đêm trăng thu sáng tỏ, Lý Bạch đứng bên giếng nước ngẩng đầu ngắm ánh trăng, tức cảnh sinh tình viết ý thơ:

Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương


Sở dĩ con người mãi chìm đắm trong sự ràng buộc của sanh tử khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác, là do vắng mặt của ánh sáng tuệ giác. Và ánh trăng xuất hiện như là tia sáng của chân lý. Ánh sáng ấy trong Đạo Phật được nói đến với tên gọi là Trí tuệ .Trí tuệ ấy sẽ là ngọn hải đăng đưa người vượt qua biển mê, là ngọn đèn soi đường dẫn lối đưa hành giả đi vào đạo lộ giải thoát. Thế nhưng có mấy ai nhận biết được ánh sáng ấy. Trăng vẫn sáng nhưng tâm thức ta đầy một lớp sương nên không thể thấy được lẽ thật. Khi ta vượt khỏi mọi sự bám víu ấy chính là trạng thái siêu thoát tức là đã thể nhập cùng ánh trăng chân lí giữa bến miền an nhiên tịch tịnh vô biên.

Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt,
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.
Cổ nhân kim nhân nhược lưu thuỷ,
Cộng khan minh nguyệt giai như thử.

Ánh trăng là bất biến, là nhân chứng cho lẽ tử sinh, cho mọi sự vật hiện tượng ở đời.

Ánh trăng cũng đã len lỏi vào những câu thơ của Trần Thái Tông:

Thiên gian hữu thủy thiên giang nguyệt

Vạn lý vô vân vạn lý thiên

(Ngàn sông đáy nước trăng in khắp

​​Muôn dặm mây quang vẫn một trời.)



Như mặt trăng soi khắp mọi nơi hễ đâu có nước liền có bóng trăng hiện lên. Vậy ai có duyên đều được Phật độ, không hề phân biệt. Phật tính cũng như bầu trời u ám đầy mây đen che kín. Mây đen tan đi thì chỉ còn là cả một bầu trời trong sáng. Cũng như khi chúng sinh phá tan hết màn vô minh đi rồi thì giác tính hiện ra, thị hiện thành Phật.

Dù cho có muôn vạn dòng sông, muôn ngàn con suối thì ánh trăng chỉ có một mà thôi. Chỉ cần tâm người lắng xuống và không còn vọng động bởi những bùn lầy của nghiệp thức, của tham – sân – si thì ánh sáng của tâm trăng xuất hiện. Mặt hồ tâm lặng, trăng sẽ xuất hiện, ánh trăng đã soi khắp bốn bể năm châu, đã soi sáng cho Sa môn Gotama đêm thành đạo, ánh trăng đã chứng kiến lẽ tử sinh của cuộc đời. Ánh sáng đó đã soi rọi xuống Đức Thế Tôn, tăng đoàn của Đức Thế Tôn, soi rọi suốt chiều dài lịch sử của Đạo Phật Việt Nam và trên thế giới. Cho đến ngày nay, ánh trăng đã chiếu soi trên khắp năm châu. Nhìn trăng để thấy quê hương huyết thống, nơi chúng ta sinh ra và cũng từ ánh trăng thấy được quê hương tâm linh để từ đó chúng ta nhận chân con đường đúng đắn để bước đi. Dù cuộc đời vô thường, dù sinh già bệnh chết cũng đã có đường đi rồi, con đường ấy có ánh trăng sáng vằng vặc soi chiếu trên từng bước chân, ánh mắt và việc làm của chúng ta.




Trung thu là đêm trăng sáng vằng vặc, là cơ hội để chúng ta ngắm trăng, để chúng ta thấy được chân lý soi kim cổ, con đường mà bao thế hệ ông bà đã đi qua. Ánh trăng bất biến đó có mặt trong mỗi thế hệ con người, trong tâm ta, trong trí tuệ của ta, nếu không thấy trăng không phải vì trăng không có mà ấy là những áng mây mờ mờ ảo ảo, chỉ cần vén mây trăng sẽ hiện, chỉ cần mặt hồ tĩnh lặng trăng sẽ soi.


Những người con Phật hãy phủi đi lớp mây mờ che phủ tâm trí mình, đừng để phiền não nghiệp chướng lao xao vọng động lên tâm thức, để cho vầng trăng Phật sáng ngời trong tâm, khi ấy ta sẽ được hạnh phúc, bình yên.

Ngọc Ánh


Một số hình ảnh khác trong buổi lễ:






Tin Tức Liên Quan