Tối giản là một Pháp môn

19/03/2019 4:22
Như cánh diều chao liệng giữa khoảng không kia. Bổng dưng mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Nó không nằm ở chỗ một hành trình lúc nào cũng chỉ gói gọn trong một chiếc balo. Mà dường như hành trình của Tâm cũng đã buông đi những gì nặng nề nhất.

"Tối giản" không chỉ tập trung vào khía cạnh vật chất, không sở hữu thật nhiều những điều kiện bên ngoài để đáp ứng cho "xu thế hoàn hảo" của xã hội hiện thời. Nhưng để có thể chạm tay vào lối sống tối giản một cách sâu sắc thì ta hoàn toàn có thể áp dụng cho công việc, các mối quan hệ và đặc biệt là đời sống tinh thần. Rất nhiều người lầm tưởng lối sống tối giản chỉ tập trung vào vấn đề vật chất, nhưng họ quên rằng cách sống nói lên nhiều về chất lượng cuộc sống. Một lối sống thiểu dục tri túc - biết đủ mà đức Phật đã dạy hoàn toàn là một pháp môn. 

Liệu ta có đủ thời gian để chăm sóc thân tâm khi quá chu toàn cho vẻ bề ngoài, những cái ta muốn chứ không hẳn những thứ ta cần. Kể cả công việc, ta cố gắng làm thật nhiều, đánh đổi cả thời gian, sức khỏe và gia đình chỉ để đạt đến một đỉnh điểm của tiền tài hay một đỉnh cao của địa vị. Hãy tối giản bằng việc loại bỏ những công việc dư thừa, những ham muốn cá nhân, những hoạt động không tốt cho sức khỏe, kể cả các mối quan hệ thiếu nuôi dưỡng và đặc biệt là cái "Tưởng" - cái tri giác sai lầm của ta. 

Tối giản tất tần tật những thứ kể trên, suy cho cùng cũng là để có được một cuộc sống chất lượng hơn. Làm nền tảng cho một tâm hồn nhẹ nhõm, rỗng rang vì không nắm giữ, không chất chứa. Chất lượng ấy được đo lường bằng sự bình an, thanh thản nội tâm. Thật không dễ dàng cho ai đó sống hoàn toàn đúng theo chủ nghĩa tối giản này. Hãy thử tối giản về những tư tưởng hằng ngày của ta. Đôi khi là cả một vấn đề. Cái "Tưởng" là cái không thể nào tưởng tượng được rằng nó sai lệch đến dường nào, không thể nào lường hết được những hậu quả của nó.

Sự có mặt của đạo Phật là "Thắp Sáng Cái Biết" trong mỗi chúng sinh. Giúp ta không bị lầm lạc đi vào trong các khổ. Khi cái thấy biết luôn biểu hiện bằng chánh niệm tỉnh thức thì dần dần cái Tưởng cũng được thu hẹp lại, cái tri giác sai lầm cũng bớt tai hại hơn. 

Ta hãy luôn thấp sáng cái biết nơi chính mình rằng, chất chứa quá nhiều cái Tưởng và vì nó là sai lầm cho nên ta phiền não. Một khi ta phiền não nghĩa là chánh niệm thiếu tinh chuyên. Hãy biết nhìn thật sâu và thực tập tối giản cái Tưởng nơi mình để tránh đi những cái hiểu và cái thấy sai lệch do mình vẽ vời ra. Cái thấy sai lệch về cuộc đời, về ta với người, về ta với ta và cái thấy sai lệch về giáo pháp thâm diệu của đức Thế Tôn. Hãy buông bỏ tri giác sai lầm của ta đi thì lúc đó mới có cơ hội thấy được sự thật về thực tại. Buông bỏ cái thấy nơi mình là tự mở cho mình cánh cửa để đi sâu tận đáy biển chân lý, hòa mình vào nhịp thở của lòng đại dương.

Hành trình trên mọi nẻo đường cuộc sống, ta đã mang vác quá nhiều, chẳng thể tối giản được mức tối đa để tấm thân này trở nên nhẹ nhõm. Điều đó phản ánh được câu trả lời cho một hành trình của tâm cũng còng kềnh như thế đấy


Cứ phó mặc cho thân - tâm còng kềnh mang vác, đến khi từ bỏ cõi đời này, tuy tro cốt chỉ vỏn vẹn trong một chiếc lọ nhưng sự chất chứa của ta là vô cùng tận. Thử hỏi rằng cảnh giới nào cho ta ? 

Suy cho cùng, khi buông bỏ được cái Tưởng về Thường - Vô Thường, Ngã - Vô Ngã, về Niết Bàn.... thì hành trình của Tâm được xem như đã hoàn toàn chinh phục nơi tận cùng đáy đại dương. 
Tâm Minh Tuệ

Tin Tức Liên Quan