Đã là giấc mơ thì nào có bền lâu. Sáng chưa hớp xong ngụm trà thì hoàng hôn đã phủ xuống. Mai xuân chưa kịp ngắm thì giá đông đã tàn. Trò chơi trốn tìm hôm nào khi đầu còn ba chỏm vậy mà nay đã đứng ở cửa già, cửa bệnh ngắm cửa lò thiêu. Nhanh làm sao và cũng ngắn làm sao!
Cái trò chơi trốn tìm thời thơ trẻ vui
quá. Kẻ chạy trốn vui mà người đi tìm cũng vui, tìm chưa được vui mà tìm được
rồi cũng vui. Còn cái trò chơi trốn tìm của người lớn sao khắc nghiệt quá. Mà cũng
ngộ, phải có người tìm thì mới có người trốn, không có người tìm thì trốn ai
đây. Vậy mà cũng có người trốn, trốn cả xã hội. Trốn đi đâu? Trốn trong khu
cách ly, trong bệnh viện, trốn vào lòng đất, trốn nơi lò thiêu, trốn trong hũ
cốt . . . Trốn ai? Thì Covid19 chứ ai.
Tôi hỏi Covid19 đi tìm có vui không.
Không có câu trả lời. Tôi hỏi hủ cốt chạy trốn có vui không. Không có câu trả
lời! Đã là trò chơi thì cả người chơi, kẻ xem đều có những cảm xúc buồn vui,
nhưng trong trường hợp này hỏi Covid19, hỏi hủ cốt có buồn, có vui không là câu
hỏi ngớ ngẩn. Câu hỏi đó dành để hỏi tôi, hỏi bạn, hỏi chúng ta, hỏi cả loài
người.
Tôi tin chắc bạn cũng sẽ có câu trả lời
rằng, Covid19 không chỉ khiến con người buồn rầu mà còn đau khổ. Nhưng, nếu nói
vậy thì trước khi có dịch chúng ta sống trong niềm vui, trong hạnh phúc?
Có phải vui vì không bị nhốt trong nhà,
mỗi ngày tha hồ tung tăng đi tìm kiếm những tài, sắc, lợi, danh? Có phải hạnh
phúc vì miệng không phải đeo khẩu trang, muốn ăn, muốn nói sao cũng được, tiếp
xúc đâu tùy thích mà không bị khoảng cách?
Những thay đổi nghịch ý tưởng như bị tổn
thương, nhưng nếu nhìn khách quan từ hai phía ta sẽ thấy được mặt kia với những
giá trị nhất định. Covid19 khiến cuộc sống bị đình trệ, mọi hoạt động bị tê
liệt hay do con người phóng đãng không biết dừng. Dịch bệnh làm đảo lộn mọi thứ
hay thiên nhiên đang điều chỉnh để cân bằng sinh môi?
Đã bao giờ ta thảnh thơi ngồi xuống tặng cho chính mình một nụ cười vui, thở có ý thức với chính hơi thở của mình đang vào ra, tâm sự với chính mình để hiểu thân đang muốn gì, tâm đang muốn gì hay cả một đời chỉ biết lao xao đi tìm kiếm những thứ ảo ảnh mà ta cứ ngỡ nó thuộc về mình. Lối sống vội, sống nhanh đã tạo thành thói quen truyền kiếp, khiến con người đánh mất những mầu nhiệm của thực tại. Thân đang ở nhà nhưng tâm đã chạy ra ngoài ngõ. Tay đang làm việc nơi công xưởng nhưng đầu lại nghĩ chiều nay ta sẽ đi hàng quán nào. Cái kiểu sống “Trong khi ta về lại nhớ ta đi” đã đẩy con người vào vòng lẫn quẩn, loanh quanh rồi điểm cuối là tiều tụy - “Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ”. Chỉ khi nào ý thức được thực tại hiện tiền thì khi đó con người mới được gọi là “biết sống”. Sống với hồi tưởng hoặc mộng mơ, đánh mất thực tại đó chỉ là … đang tập sống.
Có phải chiếc khẩu trang làm phiền lúc
nói, khi ăn, tiếp xúc với ai/ cái gì phải rửa tay sát khuẩn, đến nơi đông người
phải lưu ý khoảng cách. Bài học gì đây? Xin hãy chánh niệm, tỉnh giác với ba
nghiệp: hành động (khử khuẩn), lời nói (khẩu trang) và tâm ý (khoảng cách) luôn
giữ cho thanh tịnh.
Có những người liều mình trèo rào, trốn
cách ly chỉ vì quá thèm bát phở, lon bia. Có những người tụ tập bài bạc khi bị
bắt và kiểm tra thì hầu hết đều bị dương tính Covid19. Có những người nhiều
ngày chôn chân ở nhà nên tù túng, gắt gỏng, thậm chí bạo lực với người thân.
Một số người khác không trút được nỗi khổ ra ngoài nên ôm lấy buồn đau rồi dẫn
đến bế tắc, trầm cảm. Họ vô cùng đau khổ khi phải đối diện với chính mình như
đối diện một khoảng không vô định. Tại sao vậy? Đơn giản là bao tháng năm họ chỉ
sống với ngoại cảnh, với vật chất, với sự hưởng thụ nhằm thỏa mãn cảm xúc.
Càng chạy theo cái bên ngoài con người
càng trở nên xa cách với chính mình. Đạo đức xã hội dường như đang bị nghẹt thở
bởi áp lực phát triển kinh tế hưởng thụ. Các giá trị văn hóa, kể cả văn hóa tâm
linh khác nào lau sậy trước bão lũ lợi danh. Một người luôn nuôi dưỡng phẩm
chất tự thân thì thèm khát nào lay chuyển được họ. Một người luôn tu dưỡng đạo
đức nội tâm thì dù cảnh thế nào tâm vẫn an nhiên, làm gì có tù túng, gắt gỏng, bạo
lực hay bế tắc, trầm cảm.
Sống phải giãn cách, phải cách ly (dù an
bình) con người vẫn cảm thấy khó chịu, khổ đau, nhưng trớ trêu là giáp mặt với
hơn thua, thủ đoạn, thù hận, ganh đua thì lại bằng lòng, lại vui (!?). Con
người quá sợ hãi với dịch bệnh bởi sự lây nhiễm và tử vong, trong khi có những
loại covid tham sân, giả dối, gạt gẫm, xảo trá, lừa lọc đã giết chết tâm hồn
con người, giết chết xã hội mỗi phút giây thì lại không thấy nguy hiểm. Một khi
cái xấu được công khai thừa nhận, nó được xem như sự thật hiển nhiên thì đó là
tai họa của cuộc sống.
Sài Gòn là mảnh đất tứ phương tựu về để
lập kế sinh nhai, biết bao người đã thành đạt từ đây, nhưng dịch ập đến, người
ta sợ Sài Gòn đến nỗi phải tháo chạy về lại quê xưa. Đành rằng quê hương là nơi
trú ngụ an toàn. Mái tranh xưa, con suối nhỏ, líp cải sau vườn là niềm hạnh
phúc làng quê. Nhưng có một quê hương đích thực ta không phải mất thời gian di
chuyển, không phải tốn vé tàu, xe, không phải băng đèo vượt ải đó là quê hương
nội tâm.
Có phải quay về quê hương - nơi chôn
nhau cắt rốn - để tìm lại bình an? Vậy thì bạn ơi, không cần phải tìm về cái
sợi nhau được cắt khỏi rốn ngày mới chào đời. Chính lỗ rốn nơi bụng bạn mới là
dấu ấn sinh động, nó vẫn còn rõ nguyên đó để minh chứng hùng hồn cho sự kết nối
giữa ta và mẹ, giữa ta và quê hương dấu yêu. Hãy đặt tay sờ lên rốn để thấy mẹ
cha đang có mặt trong ta và quê hương cũng đang có mặt trong ta. Thay vì quay
về quê hương địa lý để tìm kiếm bình an, xin hãy quay về với hơi thở chánh niệm
của mình cho bình an có mặt. Chính hơi thở mới là quê hương nội tâm - điểm
nương tựa vững chãi nơi mỗi chúng ta.
Trước giờ ta không có bình an, không có
điểm tựa vững chãi chỉ vì ta đã quên lãng thân tâm. Những âm thanh, hình sắc
quyến rũ mắt tai; những hương thơm, vị ngọt làm ngất ngây mũi lưỡi; những mịn
màng, dễ chịu khiến say đắm thân, tâm để rồi tháng ngày nhọc công bám đeo, rượt
đuổi. Vậy nên, càng đi càng thấy xa, càng tìm càng thấy mệt. Cho đến một lúc
đêm tàn, rượu tỉnh mới giật mình nhìn lại để rồi chỉ thấy trống không, cô đơn,
hụt hẫng, thương xót cái xác vô hồn:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
(Kiều).
Thiền sư hoàng đế Trần Thái Tông trực
ngộ điều này nên đã dạy: con người do vì luôn sống bằng cảm xúc nên cứ mãi lênh
đênh làm khách phong trần. Ngày tháng không còn nhiều; già, bệnh, chết đã cận
kề mà “quê xưa” vẫn còn xa vạn dặm, chưa tỏ lối về:
Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.
(Tỷ trước chư hương, thiệt tham vị
Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thanh
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình).
Covid19 cực kỳ khôn ranh, con người biến
chế bao nhiêu vắcxin để đối trị thì nó cũng biến thể bấy nhiêu chủng loại
để đối kháng. Nó bắt con người phải thừa nhận nó, thừa nhận rằng không ai khác
hơn chính con người là chủ nhân đẻ ra nó.
Thấy Covid19 ác độc đó là chỉ thấy quả,
thấy rõ được bất thiện tâm, căn nguyên tạo nên covid mới là thấy nhân. Cũng như
qui kết làn khói xe là độc hại thì hãy đặt lại vấn đề xe do ai sản xuất,
cho ai sử dụng; thay vì qui kết khói công nghiệp làm ô nhiễm không khí thì hãy
đặt lại vấn đề công xưởng do ai xây, sản xuất hàng hoá cho ai tiêu dùng. Tôi
tin là bạn có câu trả lời này.
Đã bước qua năm thứ ba Covid19 dạo qua
kiếp người. Những mất mát đau thương ta đã chứng kiến. Tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ
các nhà khoa học đã phát minh, sáng chế vắcxin, thuốc đặc trị covid19. Tôi kính
trọng những thiên thần áo trắng, những tình nguyện viên ở tuyến đầu cứu bệnh,
cứu tử, những nhà chức trách với giải pháp phòng chống nhằm bảo toàn sức khỏe
và nhân mạng cùng biết bao tấm lòng chung tay góp sức đem lại bình an cho cuộc
đời. Song, tất cả đang là giải pháp đối phó. Chất liệu vàng để kiến tạo một thế
giới hòa bình, an lạc đó là:
Con người hãy xem cọng cỏ, nhánh cây,
dòng sông, bãi biển là hơi thở của chính mình; con cá dưới ao, con chim trên
trời, con thú trong rừng là những người bạn chí cốt của chính mình; đất, nước,
không khí … là tế bào, là mạch sống chính mình; và hơn hết hãy đối
xử giữa con người với con người như là thân nhân của nhau.
Giảm thiểu việc chế biến, sử dụng các
phương tiện đáp ứng nhu cầu cuộc sống có yếu tố hóa chất và rác thải công
nghiệp.
Cần minh định đâu là kinh tế sinh tồn,
đâu là kinh tế hưởng thụ, trên cơ sở đó cân nhắc để phát triển lĩnh vực nào là
trọng yếu.
Mọi người đều sống có ý thức trách nhiệm
với nhau về sản xuất và tiêu thụ; sống ít ham muốn, biết dừng lại.
Nói cách khác, trái đất là người mẹ duy
nhất của nhân loại và vạn vật. Tất cả những gì hiện hữu trên trái đất này đều
là anh, chị, em thân bằng quyến thuộc của ta. Mỗi người hãy sống tử tế với
chính mình và thương yêu, trân quí môi trường sống. Thực hiện được điều này đòi
hỏi phải có ý thức cá nhân, ý thức cộng đồng và ý thức toàn cầu. Tôi tin với
nếp sống này, covid (kể cả dòng họ covid, người thân covid, bạn bè covid) vẫn
sẽ có mặt với ta, cùng chung sống với ta nhưng là những người bạn lành, mà
không phải là kẻ sát nhân, thù oán để con người nhọc công loại bỏ, diệt trừ.
Con người hầu như đang chạy đua không
biết mệt mỏi để phát triển kinh tế, với mục đích là chăm lo việc “nuôi thân” và
các nhu cầu hưởng thụ mà không nghĩ tới nhu yếu cơ bản của kiếp người đó là
“nuôi tâm”. Mặt trái của con đường “nuôi thân” là chiến tranh, bạo
động, hận thù và chia rẻ. Con đường của “nuôi tâm” là con đường của hoà
bình, yêu thương, hàn gắn vết thương, khoan thứ …
Hướng về phía trước để mưu cầu hạnh phúc
nhưng đừng quên quay vào bên trong chính mình để thiết lập bình an.
Trí Chơn
Tin Tức Liên Quan
- Như Nó Đang Là (24/12/2021 6:41)
- Đẳng cấp nào cho nhau ( 2/11/2021 11:26)
- Dấu Mây (15/10/2021 5:58)
- Thương quá Sài Gòn (13/10/2021 12:27)
- Hãy Nhớ . . . (12/10/2021 9:38)
- Tiếng hát kia đã hun hút tận trời cao (12/10/2021 9:38)
- Lối quê xưa ( 7/10/2021 1:53)
- NHẸ GÓT TÂY PHƯƠNG ( 3/10/2021 2:17)
- LÒNG TỪ TOẢ SÁNG ( 3/10/2021 2:16)
- Hương Thiền Từ Tâm (11/08/2021 9:04)