NĂM CŨ QUA RỒI – TÂM THÁI MỚI

24/02/2024 5:43

Nhìn lại


Có những ngày, thân tâm cứ dã dượi, biếng lười. Cảm xúc cũng bấp bênh. Có những ngày tâm ý cứ rong ruổi khắp mọi nơi mà đánh rơi thực tại. Có những ngày, lòng này cứ xáo động, lăng xăng, chẳng một giây điềm tĩnh.


Đức Phật luôn dạy chúng đệ tử của mình ‘như thật biết’ những diễn biến nơi thân – nơi cảm giác – nơi tâm và sự vận hành của các pháp.


Khi không cởi mở với những bất ổn bên trong, bản thân mình cũng không đủ bao dung với những bất an của người khác.


Đời sống tu học là học cách tu.


Tuổi trẻ, đôi khi mình muốn lao đầu phụng sự, lao đầu học tập và phơi bày cái thấy – cái biết – cái thành quả cỏn con. Đôi khi, vì để chạy trốn những rối ren, mình chỉ muốn ẩn tàng không một ai tìm thấy.


Cả hai cái muốn trên, đều đánh mất sự quân bình. Một cái khiến tâm lắm sự lăng xăng. Một cái khiến tâm trở nên yếu hèn, thụ động.


Nhưng rồi, may thay những cái muốn bất ổn đã tự biết điểm dừng. Vì một mục tiêu duy nhất là chuyển hóa chúng thành một cái muốn chân chánh - vẹn cả đôi đường: Lợi mình - Lợi người, lợi số đông.



Bài học từ những lần học cách tu


Cái gì mà những bậc thức giả, hiền trí khen ngợi và tán thán, thì có chết cũng phải gìn giữ, nuôi dưỡng.


Cái gì mà những bậc thức giả, hiền trí khiển trách – bằng mọi cách phải chừa bỏ và chuyển hóa từng ngày.


Nếu đó không phải là bậc thức giả, hiền trí – họ có ca ngợi, cổ xúy cho những hành động phi chân lý, đạo đức – có chết cũng không được làm theo.


Rõ biết mình – rõ biết đâu là tâm hành thiện, đâu là tâm hành bất thiện để chủ động trong mọi hoàn cảnh mà không lệ thuộc vào bất kỳ ai. Không đảo điên trong cái bẫy của sợ hãi, của sự hài lòng đám đông.


Nỗi buồn sâu thẳm không hẳn là những giọt nước mắt. Niềm vui chân thật chưa hẳn là những trận cười hả hê.


Niềm vui của những người con – bước đầu hành theo lời Phật là sự dừng lại những buông lung để bắt đầu thực tập: nhận diện đơn thuần.


Niềm vui của những người hành theo lời Phật không phải là đi tìm niềm vui, mà chính là học cách an vui, học cách bình thản chấp nhận – chuyển hóa những bất toại nguyện trong đời.


Pháp của Phật là Pháp hành. Hành tới đâu, kết quả và lợi lạc liền hiện hữu ngay tại đó.


Khép mình nhưng không khép kín


‘Thầy chúng con đã nhập thất’ là dòng chữ biểu hiện một mùa xuân thực thụ đã về đối với huynh đệ Khánh An.


Thời gian Thầy nhập thất tuy ngắn ngủi, nhưng thành quả - hoa trái của sự khép mình ấy sẽ trải dài khắp nẻo Thầy đi. Thầy nhập thất bằng sự khép mình và sẽ ra thất bằng tình thần cởi mở: ‘lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người’ - (Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Tập 1, Đại tạng kinh Việt Nam).


Nhập thất là một sự khép mình. Khép mình nhưng không khép kín. Thay vào đó, là sự cởi mở. Cởi mở nhưng chẳng buông lung. Đó là điều mà Thầy đã thân giáo cho hàng hậu học của mình.


Cởi mở - cởi mở hành đạo thì Pháp của Phật mới mạnh mẽ bước vào lòng xã hội, mới luân chuyển dài lâu trong đời.


Khép mình - khép mình trong giới luật, trưởng dưỡng đạo tâm thì Pháp của Phật mới được vận hành đúng với chức năng và mục tiêu mà Ngài đã giáo huấn.


Năm cũ qua rồi, chỉ có thể sống thường trực với lời Phật đã dạy, chúng ta mới hình thành nơi mình một tâm thái mới – khép mình, khiêm cung, đầy rộng lượng, cởi mở, nhẹ nhàng và tự tại hơn...

 

Tuệ - Đăng

14.01.24

Tin Tức Liên Quan