Công trình được hoàn thành là nhờ sự phát tâm công đức của Phật tử mười phương, nhưng cũng cần phải kể đến sự đóng góp công sức từ những người thợ xây đang làm việc vất vả. Dưới cái nắng chang chang, oi bức của mùa hè, mồ hôi nhễ nhại, những người thợ vẫn âm thầm làm việc để cho khu Tăng xá được sớm đưa vào sử dụng.
Những người thợ có nước da rám nắng, làm việc vất vả, nhưng dường như trong họ luôn chứa chan những tình cảm và đời sống nội tâm thật sâu sắc. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe lời tâm sự của những trái tim có vẻ như thô kệch, nói về cuộc sống của mình. Những con người nhìn bề ngoài trông “sương gió dặm trường” và già trước tuổi nhưng trong tâm họ luôn chứa chan những cảm xúc dạt dào và triết lý sống hết sức sâu sắc, những triết lý không xuất phát từ kinh điển mà xuất phát từ những trải nghiệm của cuộc sống.
Tiếp xúc với chú Năm, chú là người trực tiếp quản lý và coi sóc công trình. Chú trầm ngâm tâm sự: “Cái nghề xây dựng gắn bó với chú từ hồi còn trẻ. Chú nay cũng đã năm mươi sáu tuổi. Ngẫm lại, thấy mình cũng lớn tuổi rồi, không biết còn gắn bó với nó bao lâu nữa. Năm 2008, chú vào làm tại Tu viện Khánh An. Đây cũng là lúc Tu viện mới khởi công. Cũng như những công trình khác, cứ làm một thời gian rồi ra đi. Nhưng không hiểu sao, tại đây cứ làm, cứ làm, rồi làm luôn tới giờ. Từng miếng ngói, viên gạch, cục đá…ở Tu viện như đã gắn bó với chú, bây giờ nhắc đến chỗ nào của công trình xây dựng, chú đều biết hết cả. Làm ở Tu viện đã để lại cho chú rất nhiều kỷ niệm, nhất là được làm việc với Thầy Viện chủ. Thầy rất kỹ tính và thẳng thắn. Những khi không hài lòng, thầy nói thẳng. Đôi khi cũng hơi buồn. Nhưng nghĩ lại những điều thầy nói đều rất đúng, vì thầy muốn cho công trình được tốt hơn. Cũng vì thầy biết nhiều về kiến trúc, mỹ thuật xây dựng chùa cảnh nên nhờ vậy mà chú có thêm nhiều kinh nghiệm khi xây dựng chùa chiền. Đặc biệt chú phải nể Thầy một đều là, Thầy bận rất nhiều việc mà vẫn luôn theo sát công trình. Những kiến trúc của Tu viện là do Thầy tự thiết kế lấy rồi đưa cho thợ làm. Xong công trình này rồi, không biết Thầy có làm công trình nào nữa không. Mà nếu có thì không biết tới lúc đó chú có còn sức để phục vụ cho Thầy không. Nhưng thôi kệ, tới đâu hay tới đó, lo nhiều chi cho mệt” - Chú Năm cười.
Còn đối với anh Hiến, người thợ hồ cũng đang làm việc tại công trình. Làm việc cực nhọc, vất vả nhưng khi nói chuyện, lúc nào chú cũng nở nụ cười thật tươi. Chú tâm sự: “Cuộc sống của những người thợ hồ, nhìn lên chẳng bằng ai mà nhìn xuống cũng chẳng bằng người. Chữ nghĩa thì học chẳng được bao nhiêu, quần áo lúc nào cũng lem luốt. Người có trình độ đem trí lực, kiến thức ra để kiếm sống, còn chú học hành không được nhiều thì phải lấy sức mình ra cày mà sống. Cái nghề thợ hồ này nó vất vả lắm, trời nắng hay mưa gì cũng phải làm. Không làm thì không có ăn. Những lúc cơ thể mệt mỏi cũng gắng mà đi làm, nếu không làm thì vợ con mình biết lấy gì mà sống. Đôi khi nằm nghĩ lại, thấy sống bằng nghề thợ hồ, làm ngày nào ăn hết ngày đó. Không có dư mà còn thiếu hụt nữa. Khi về già, không còn sức nữa thì biết lấy gì sống đây. Nghĩ tới mà thấy buồn, nhưng thôi kệ, tới đâu hay tới đó, chứ biết làm gì khác hơn được. Trước đây, khi làm những nơi khác, có những lúc làm mà lòng lại lo, lo vì không biết cuối tuần chủ thầu có trả tiền công cho mình không nữa. Mà không lo sao được, cả nhà đều trông vào tiền công của mình. Có chỗ làm bị cai thầu mắng chửi. Anh em làm chung đôi lúc bất đồng điều gì đó thì chửi lộn, đánh nhau tím mày, tím mặt. Chú là người nghèo nhưng cái chú có được là lòng tự trọng, chú không thể đánh mất nó.
Làm tại Tu viện cũng gần được tám năm, khi Khánh An bắt đầu khởi công. Lúc đó, chùa còn hoang sơ lắm, cỏ mộc um tùm, mương rãnh thì tùm lum. Làm ở chùa thì phải ăn chay, những ngày đầu thấy xót ruột, mau đói, nhưng ăn riết rồi cũng quen, giờ thấy ăn chay ngon lắm. Làm ở đây không cần phải lo chuyện ăn ở. Tu viện lo hết, được ăn uống ngày ba bữa, quí thầy ăn gì thì mình ăn đó. Làm ở ngoài đời, tới tháng phải lo tiền nhà trọ, tiền điện, nước, lo nhiều thứ lắm, nên ăn không ngon mà ngủ cũng chẳng được ngon. Thậm chí làm xong, chủ thầu còn khất nay, khất mai không chịu trả tiền công. Khổ lắm.
Làm ở đây, nói thật là lương có thấp hơn ở ngoài một tí nhưng ổn định – ổn định về nơi ăn, chốn ở, sức khỏe, nhất là lương cuối tuần chưa bao giờ. . . bị khất (cười). Suy ngẫm thấy, Tu viện là do bá tánh cúng dường để xây, nên cũng có những khó khăn nhất định. Một mặt lo cho chúng tăng ăn học, một mặt lo vận hành những hoạt động của Tu viện rồi lại còn lo xây cất nữa. Chú chỉ là thợ hồ thôi nhưng thấy ai góp được chút gì để xây dựng mình cũng thấy mừng.
Chú Hải, người mới vào làm việc ở đây khoảng 1 tháng cũng tâm sự thêm: bao nhiêu năm làm ngành hồ, chưa bao giờ có được giấc ngủ yên bình như ở Khánh An. Được mấy thầy cho trà uống nên sáng ra ngồi nhâm nhi, nghe chim hót. Tối đến nghe kinh, thật nhẹ nhàng. Những công trình khác đêm về, mấy anh thợ trẻ tụ tập bài bạc, ăn nhậu, rồi la lối, cãi vã, có khi đánh nhau, mình sợ bị “lạc đạn” phải ôm màn gối chạy. Tối ngủ không yên, sáng cũng không có sức để làm. Thật mệt!
Anh Tài, một người thợ hồ gắn với công trình kể từ lúc mới móc cụt sình đầu tiên làm móng xây dựng, nói: Điều ấn tượng nhất của con là sự mầu nhiệm của Phật pháp. Cách đây khoảng 5 năm, có lần thầy đi kiểm tra công trình, đứng trên 2 chồng giàn giáo (cao khoảng 3, 5 mét), chẳng may thanh gỗ bị gãy, thầy rơi từ trên xuống, con nhìn mà…. đứng tim. Nhưng lạ thay, không bị ngã nghiêng, ngã nhào, thầy rớt ... đứng. Mọi người chạy đến thì thầy từ trong giàn giáo bước ra, chỉ nói một câu: Phật độ, rồi cười như không có gì.
Cuộc sống có nhiều vất vả, lo toan nhưng “mình nghĩ mọi việc đơn giản thì nó đơn giản, chỉ cần mình thấy hạnh phúc thì nó hạnh phúc”.Vâng, câu nói đơn giản của một người thợ hồ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Có phải đây là bí quyết để chúng ta sống có hạnh phúc, “Sống đơn giản chúng ta sẽ hạnh phúc”.
Và suy ngẫm cho kỹ, công việc nào cũng quang trọng. Không thể nói lao động chân tay lại kém quang trọng hơn lao động trí óc. Mọi thứ trên đời đều nương nhau mà tồn tại. Nếu hiểu được như thế thì chúng ta thấy mọi sự, mọi việc đều bình đẳng và chúng ta sẽ trân quý và thương mọi người nhiều hơn, cuộc sống của mình sẽ đầy ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
KA, ngày đổ móng nhà Tăng, 27/05/2015
Minh Thuấn.
Tin Tức Liên Quan
- Chương trình khám bệnh Cúng dường Phật đản PL. 2559 kết thúc tốt đẹp (25/05/2015 12:07)
- Chương trình khám bệnh từ thiện cúng dường Phật đản 2559 (24/05/2015 7:14)
- Tu viện Khánh An khởi công xây dựng Tăng đường Thảnh Thơi ( 6/05/2015 5:03)
- Có công chấp tác, có ngày đi chơi ( 3/05/2015 6:43)
- Sống cho sâu sắc và thảnh thơi ( 3/05/2015 5:15)
- Tăng Nhân - Cuộc đời là sự hiến tặng (24/04/2015 2:52)
- Tu Viện Khánh An tổ chức lễ thế phát xuất gia cho hai thiện nam tử ( 8/04/2015 4:38)
- Tu viện Khánh An tổ chức Trung thu cho trẻ em khó khăn (28/01/2015 9:04)