Niệm ân thầy tổ

24/01/2019 3:21

Tục ngữ ta có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ người đào giếng” đã trở nên quen thuộc với người dân Việt qua bao đời nay.

Niệm ân thầy tổ là bài học giáo dục về nhân cách làm người,  thể hiện sâu sắc truyền thống “quy nguyên”,  luôn trân trọng và biết ơn những người đi trước. Vì thế mỗi độ xuân về vào ngày 22/12 âm lịch chư Tôn đức tăng ni cùng hàng trăm Phật tử gần xa cùng hội tụ về Tu viện Khánh An-Quận 12 để tưởng niệm ngày lễ tưởng niệm Trí Hiền - Người đã khai sơn tu viện từ năm 1905.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa nhỏ nằm trong vùng đất giữa ngã ba sông Sài Gòn - một chiến khu đã từng ghi dấu lịch sử thời kháng Pháp vệ quốc vào những năm đầu thế kỷ 20; nay đã là Trung tâm Thiền tập Khánh An. Đến đây, rất nhiều người nghĩ là ngôi tu viện mang một phong cách kiến trúc đậm chất Thiền vị của xứ sở hoa Anh Đào. Nhưng trò chuyện với thầy Viện chủ thì thầy cho biết, kiến trúc Khánh An mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Á Đông, thấp thoáng một chút Hàn, một chút  Nhật,  mà đậm nhất vẫn là kiến trúc văn hóa chùa Việt thủa nào mà ta đã lãng quên.

Ngược dòng lịch sử, An Phú Đông xưa kia còn có tên “Làng An Cư” là vùng đất cù lao, cỏ sậy um tùm, “muốn sang thì phải lụy đò”; cuộc sống thời chiến gặp rất nhiều khốn khó, cơm không đủ ăn, áo chưa đủ mặc, nước sạch không đủ uống. Vậy mà, từ 113 năm trước,  có một vị Sư đã không ngại nghịch cảnh, mang tâm nguyện đem đạo vào đời dựng tại đây một am tranh để tu tập và lấy tên Khánh An. Chứng kiến cảnh quê hương bị bom cày, đạn xới; bao giọt nước mắt chia ly,  con xa mẹ, vợ xa chồng, cốt nhục chia lìa ... ngài đã đón nhận những chí sĩ yêu nước miền Trung bất bình với triều nhà Nguyễn quá nhu nhược trước người Pháp  về đồn trú tại nơi này để kháng Pháp. Đó là thiền sư Trí Hiền (1887-1942).

Bằng tuệ giác (Trí) và lòng bi mẫn (Hiền), Ngài đã mang ánh sáng của chư Phật xoa dịu nổi đau thương mất mát và thắp sáng ngọn đèn tâm cho người dân nơi đây để thấy rằng bản chất của các Pháp là biến đổi, là vô thường trong vòng luân hồi sinh tử. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật đã dạy:

“Người hiền bỏ tất cả,

Người lành không bàn dục,

Dầu cảm thọ lạc khổ,

Bậc trí không vui buồn…

Không trí tuệ, không thiền,

Không thiền, không trí tuệ.

Người có thiền có tuệ,

Nhất định gần Niết-Bàn”.

Dòng thời gian trôi qua trên một trăm năm kể từ khi ngôi Khánh An được khai sinh cùng với cuộc sống của những người dân lao động chân chất bình dị nơi vùng đất cù lao này. Cuộc sống dù có nhiều thăng trầm đổi thay  nhưng tinh thần quên thân vì đạo của Sư tổ vẫn còn truyền thừa, để giờ đây chúng ta được chở che, bảo bộc trong tuệ giác và từ bi, đức hạnh và tài trí của Ngài. Đạo lực của ngài đã chiêu cảm được tín tâm của người con Phật; bao nghiệp chướng của chúng sanh trong vô minh bởi tham sân si nay nương nhờ hồng ân Tam bảo để quay về nương tựa. Thân tứ đại của Ngài nay không còn nhưng tinh thần đạo Pháp của ngài vẫn luôn sống mãi, là ánh đuốc chân như soi sáng hàng hậu học bước đi vững chải trên con đường giác ngộ.

Bốn Ân lớn là cội nguồn đạo lý, là nên tảng  góp phần xây dựng một đất nước hòa bình, ấm no và giàu đẹp trên tinh thần “Tốt Đời-Đẹp Đạo”.

Tết đến xuân về, đối người con Phật là dịp để mọi người đoàn viên, trao lời yêu thương, chia sẻ giáo Pháp, tìm về cái nôi tâm linh trong giây phút hiện tại.

Đã bao mùa xuân đến và đi qua mái hiên Khánh An, thấp thoáng nơi hàng tùng, hàng  trúc bóng người khai sáng, hình ảnh chư tổ ngày xưa bình dị với chiếc áo nâu đậm màu đất mẹ vẫn được tiếp nối - truyền thừa. 

 Thế hệ hôm nay, dù chúng con chưa một lần được gặp Ngài, nhưng những hành giả tu viện Khánh An vẫn nghe trong thinh âm huyền diệu như có lời Người vọng về sau mỗi thời khóa tu và được nhìn thấy ánh mắt “Hiền” đầy lòng bi mẫn và “Trí” tuệ cao thâm đạo Pháp của Người trong quán niệm. Những bước chân hành đạo của các bậc tôn đức hôm nay sẽ tiếp nối đại nguyện của Ngài trên bước đường hoằng Pháp lợi sinh.

Là người con Phật, thiết nghĩ không ai mà không nhớ ơn Tam Bảo, nhớ ơn Thầy Tổ vì đó chính là một trong tứ trọng ân mà bất cứ người con Phật nào dù xuất gia hay tại gia cũng đều phải khắc ghi. Riêng con từng nhắc với lòng mình, nếu như không có chí nguyện cao cả tìm con đường giải thoát của thái tử Tất Đạt Đa năm xưa thì làm sao hôm nay chúng ta có thể vào trong ngôi nhà Chánh Pháp của Đức Thế tôn, được nghe Pháp từ những lời dạy quý báu của Ngài để lại cách đây gần 2.600 năm; nếu không có các vị Sư Tổ khai sinh chốn thiền môn thì làm sao những sứ giả Như Lai hôm nay có thể kiến tạo được Tam Bảo thế gian. 

Trong thời khắc giao mùa bước sang năm Kỷ Hợi 2019 gần kề; xin Sư tổ hãy thảnh thơi trong gió xuân nơi khu vườn tháp năm xưa. Khánh An nay đã được khoác lên mình một chiếc áo mới bằng chất liệu “Sống Tỉnh thức”; nơi có những ánh mắt và nụ cười hồn nhiên của các em thơ được quý thầy giáo thọ chỉ dạy đã biết tìm về nương tựa ba ngôi báu; nơi có những bước chân thiền hành của Tăng đoàn an trú mỗi sớm mai; nơi có những vòng tay nhân ái sẻ chia trong tình tăng thân và đạo hữu; nơi vẫn còn vọng lại trong thinh không lời dạy bảo của Ngài. Ôi! hạnh phúc gì bằng khi những người con Phật hôm nay trên khắp mọi miền đất nước được trở về Khánh An trong niềm tôn kính và an lạc trước Phật đài thành tâm niệm ân Sư Tổ;

Ngài đã xây nên những viên gạch đầu tiên tạo nền mống vững chắc cho một ngôi chùa nhỏ, để hôm nay những viên gạch nối tiếp dần vươn cao dưới ánh mặt trời tỉnh thức, mang đến cho đời và cho đạo một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật văn hóa tâm linh mà ẩn bên trong là một làn điệu ca dao thuần Việt:

Trong đầm gì đẹp bằng Sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng;

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Sau 113 năm sống trong đạo Pháp, ngôi Khánh An năm xưa tựa như búp Sen hồng vươn lên từng ngày, đến hôm nay những cánh hoa thanh lương đã tỏa ngát hương den cho đời-cho đạo và trở thành bến đỗ bình yên của những người con Phật khắp nơi trong và ngoài nước mỗi khi tìm về “Tu Viện Khánh An -Quận 12”; một Trung tâm Thiền tập để “Hiểu và Thương”.

Nguyễn Hưng-Minh Trí

Tin Tức Liên Quan