Nhằm chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường sống và quan trọng là thể hiện tấm lòng Từ bi của người con Phật; trong những ngày xuân 2019 tại tu viện Khánh An quận 12 phối hợp cùng với trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) và WildAid Việt Nam phát động chiến dịch truyền thông sáng tạo nhằm kêu gọi mọi người hãy bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp với tên gọi “Không tạo thống khổ-Ấy là cứu độ”.
Chiến dịch đã lấy hình ảnh chủ đạo là mô hình của 3 loài động vật hoang dã bao gồm Tê giác bị cắt sừng, Tê tê bị lột vảy, Voi bị cưa ngà đang bị chảy máu, tất cả hình tượng được mô phỏng giống như thực trạng của các loài này bị săn bắt trong tự nhiên. Thật không khỏi xúc động khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những con vật này trong tư thế đang quỳ gối trước tượng Ngài Quán Thế Âm Tự Tại nơi vườn Quan Âm - Khánh An với một ánh mắt hết sức thảm thiết, van xin như để cầu cứu ngài che chở bảo vệ trước cơn tuyệt vọng do vấn nạn săn bắn các loài này đã lên đến mức báo động trong những năm gần đây, từ đó kêu gọi mọi người hãy dừng ngay nhu cầu mua bán, tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ các loài động vật nguy cấp này bằng một thông điệp “Không có người mua-Không còn kẻ giết”.
Trong thời gian qua trên các thông tin báo đài đã có rất nhiều những bài viết như gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng hàng ngàn loài động vật hoang dã đang đứng trên bờ tuyệt chủng. Có những loài đã từng có mặt trên trái đất hàng triệu, hàng ngàn con thì nay đã vĩnh viễn biến khỏi hành tinh với một tốc độ chóng mặt. Các nhà khoa học ước tính rằng tốc độ tuyệt chủng hiện thời cao hơn 1000 lần so với tốc độ bình thường chỉ bởi một yếu tố. Điều gì đã gây ra tốc độ tuyệt chủng tăng nhanh đến thế? Câu trả lời đơn giản nhưng đáng lo ngại là “con người”. Theo số liệu thống kê từ CHANGE VN (tên tiếng Anh: Center of Hands on Actions and Networking for Growth and Environment)
➢Loài Tê giác chỉ còn khoảng 28.000 con, có một số loài gần như tuyệt chủng (Javan và Sumatran). Nam Phi có khoảng 20.000 con tê giác trắng phương Nam nhưng khoảng 1.000 con bị giết mỗi năm vì sừng của chúng. Ước tính số lượng tê giác hiện tại theo loài / phân loài:
Tê giác Javan: ít hơn 70
Tê giác Sumatran: ít hơn 100
Tê giác Ấn Độ một sừng: 3.500
Tê giác đen: 5.200
Tê giác trắng phương Bắc: 2
Tê giác trắng phương Nam: 20.000
➢Loài Tê tê là loài động vật có vú, sống về đêm và có tập tính cuộn tròn thành một quả bóng khi bị đe dọa. Chúng hiếm khi được nhìn thấy trong tự nhiên và rất khó để nuôi nhốt. Tuy nhiên, tê tê đã trở thành động vật bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, ước tính với 100.000 cá thể mỗi năm trên khắp châu Phi và châu Á. Thịt tê tê được xem là một món ăn nhậu ưa chuộng nhất ở Trung Quốc và Việt Nam, trong khi đó, vảy và bào thai của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị các bệnh từ viêm khớp đến ung thư.
➢Loài Voi trong vòng 10 năm trở lại đây, thế giới đã mất đi hàng trăm ngàn con voi, làm cho quần thể voi hiện tại xuống chỉ còn 420.000 con, chỉ bằng 1/3 con số 1,2 triệu con vào năm 1979. Chỉ riêng Tanzania đã mất đi 65.000 con voi trong 5 năm từ 2009-2015, thể hiện một sự sụt giảm 60% quần thể. Những con voi rừng ở Trung Phi bị sụt giảm mạnh đến 65% do nạn săn trộm từ năm 2002 đến 2013, dẫn đến 95% rừng của Cộng hòa Dân chủ Congo không có voi.
Những số liệu thu được không khỏi dấy lên sự lo ngại của các nhà khoa học về một đợt "tuyệt chủng hàng loạt" diễn ra trên toàn cầu - sự kiện giống như hồi xưa khủng long đã tuyệt chủng và biến mất khỏi Trái Đất. Không chỉ tàn phá về môi trường sống mà nạn săn bắt trộm cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng động vật hoang dã.
Với một vài thông tin trên cũng đã nói lên phần nào bởi sự vô minh của “cái tôi” và “cái tham” của con người đã dẫn đến hành động sát hại những loài vật (chúng sanh) một cách không thương tiếc nhằm mang lại nhu cầu hưởng thụ cá nhân trên sự đau đớn từ thân xác của loài vật khác mà không nghĩ đến những hậu quả không lường sau đó như nạn đốt phá rừng săn bắt thú gây lũ rừng, làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên động vật quý hiếm…
Chiến dịch “Không tạo thống khổ - Ấy là cứu độ” do CHANGE và WildAid Việt Nam phối hợp tổ chức đã mang một ý nghĩa nhân văn rất lớn trên tinh thần “Tốt đạo - Đẹp đời” cho các hành giã và khách du xuân tại một số ngôi chùa, mở đầu chiến dịch khai mạc tại Chùa Vĩnh Nghiêm (28/1), Pháp viện Minh Đăng Quang - Tp.HCM (từ 30/1 đến 11/2), Tu viện Khánh An - quận 12 (từ 12/2 đến 18/2 và 28/2 – 3/3), chùa Tây Thiên -Vĩnh Phúc (từ 22/2 đến 24/2) và cuối cùng trở lại Chùa Vĩnh Nghiêm (từ 4/3 đến 10/3 kết thúc chiến dịch).
Đầu năm 2019, chiến dịch đặt tượng các loài động vật trước nguy cơ tuyệt chủng tại các chùa ngoài mục đích giáo dục và nâng cao ý thức cho con người về sự nguy cấp của các loài động vật sắp tuyệt chủng, đồng thời khơi dậy lòng bi mẫn cho những người con Phật thực hành tu tập giới không sát sanh không riêng đối với loài Tê giác, Voi hay Tê tê… mà hãy cứu mạng cho tất cả chúng sanh vạn loại trên khắp hành tinh này, đừng vì những lời đồn thổi vô căn cứ mà đẩy những loài vật đáng thương này đến bờ vực tuyệt chủng; hãy cùng phát tâm Từ Bi theo hạnh của Bồ tát Quán thế Âm cứu độ chúng sanh bằng cách nói “Không” với những sản phẩm từ động vật hoang dã “KHÔNG CÓ NGƯỜI MUA - KHÔNG CÒN KẺ GIẾT”
Hình ảnh của những con vật hoang dã đang đau đớn, cầu cứu đáng thương kia sẽ làm rung động và thức tỉnh những trái tim và những đôi mắt xuân cho tất cả mọi người nơi miền Tịnh độ trong mùa xuân miên viễn 2019 này. “Mở mắt nhìn thật sâu để thưởng lãm cảnh xuân; Khép đôi mắt thật lâu để cảm nhận tâm xuân” (Thầy Trí Chơn).
Nguyễn Hưng-Minh Trí
Tin Tức Liên Quan
- Tâm Xuân (10/02/2019 2:10)
- Hồn xuân trong thư pháp Việt ( 9/02/2019 6:41)
- Lên chùa Từ Hiếu cầu sức khỏe cho thiền sư Thích Nhất Hạnh ( 6/02/2019 8:26)
- Hương Xuân Trong Cửa Thiền! ( 6/02/2019 4:34)
- Hương vị ngày tết ( 6/02/2019 4:23)
- Tết... ( 3/02/2019 9:32)
- Tâm xuân sáng ngời ( 3/02/2019 6:33)
- Xuân của mẹ ( 2/02/2019 5:35)
- Thay lời cảm ơn ( 1/02/2019 10:04)
- Khách quí đến chúc tết thầy Trí Chơn ( 1/02/2019 6:20)