Tiếc nuối một thời

13/04/2019 4:57
Cơn mưa đầu mùa bất chợt ập xuống, tôi vội vàng dẫn xe vào vỉa hè trú tạm. Nhìn những hạt mưa rơi ký, ức lại ùa về…

Cũng đầu mùa mưa năm ấy, cái thuở chân ướt chân ráo bước vào đời; xa quê hương, xa gia đình để rồi lưu lại trên mãnh đất phồn hoa này.

Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo ở miền Trung, nơi mà người ta hay ví “chó ăn đá, gà ăn muối”. 

Nhớ hồi mới vào Sài Gòn, thấy phố phường nhộn nhịp, độ thị phồn hoa, xe cộ tấp nập...  tất cả đều lạ lẫm với tôi. Về tôn giáo, tôi không phân biệt được chùa và nhà thờ để làm gì? Thế mà nhân duyên đến với tôi cũng kỳ thú lắm!  Mười mấy tuổi tôi đã lấy tên người khác để đủ tuổi đi làm. Ban ngày làm ở xí nghiệp, tối đến tôi đi học. Tôi thường mang tập đến nơi làm việc để học bài lúc rảnh. Nơi tôi làm có một chị bạn thường hay đi chùa. Ngồi gần, cứ nghĩ chị cũng giống tôi mang bài đi để học, nhưng trông chị có vẻ giấu giấu chứ không để hẳn ra ngoài. Liếc nhìn, tôi thấy chữ được chữ mất, gì mà toàn ... Dạ  Đa Dạ Đa ... Ủa, bài học gì kỳ vậy, sao cứ Dạ Đa Dạ Đa nhiều quá! Láy láy, lặp lặp hoài. Gì vậy ta? Phân vân một hồi lâu, tôi ... liều hỏi: Chị ơi! Chị đọc gì vậy? Chị nói:  “Chú Đại Bi”. Là gì hả chị. Đây là kinh Phật đấy em. Lại càng không hiểu,  Kinh là gì, Chú  là gì? Tôi hỏi suốt... chị bảo, thôi để chị dẫn em đi chùa tụng kinh cho biết, chứ  hỏi thế này làm sao chị giải thích.

Thế là từ đó, mỗi khi rảnh, tôi theo chị lên chùa công quả và tụng kinh. Được tiếp xúc với quí  thầy, quý cô tôi mừng lắm! Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thấy người tu. Ngôi chùa tôi đến đó là chùa ni. Ni trưởng trụ trì - Thầy tôi - với dáng đi nhẹ nhàng, thanh thoát; từng cử chỉ, hành động, lời nói sao mà thong dong quá, khiến tôi muốn tìm hiểu và học theo. 

Thực ra, cái bài chú “Dạ đa, dạ đa...” kia đã gõ óc tò mò để tôi đi chùa, nhưng ấn tượng để tôi bén duyên Phật pháp đó là hình ảnh của thầy. Không tâm sự cùng ai, tôi âm thầm nuôi chí nguyện. Khoảng một năm sau tôi xin thầy cho xuất gia. Thầy bảo: “Con mời ba, mẹ đến để thầy nói chuyện”. -Thưa thầy! Ba má con còn ở quê, gia đình con từ nào đến giờ có biết đi chùa là gì mà mời đến. Con đi xuất gia thì tự con trốn gia đình mà đi, chẳng ai cho con đi tu đâu thầy ạ. Trầm ngâm lúc sau thầy nói: Con đợi thêm thời gian nữa, con về thưa với ba mẹ, ba mẹ không cho con cố gắng thuyết phục nghe con. Vậy là không được à! Thôi thì nuôi chí nguyện tiếp, biết làm sao bây giờ.

Một năm nữa lại trôi qua, tôi thuộc hết tất cả các thời kinh mà người xuất gia tụng hằng ngày. Với bao suy nghĩ, tôi quyết định tiếp tục xin thầy, thấy có vẻ ý chí tôi mạnh mẽ thầy bảo thôi con lên chùa ở luôn thời gian xem gia đình con thế nào. Thời gian đó tôi ở nhờ nhà người quen, mấy anh em tôi ở Sài Gòn nhưng mỗi người một nơi, để tiện việc học và làm. Tôi chính thức ở chùa được một tuần mấy anh tôi lại lên gặp thầy, trông hầm hố lắm. Tôi biết mấy anh cũng không hiểu gì về đạo, lại thường nói người tu có làm được gì, ăn không ngồi rồi, theo làm chi. Tôi giải thích những suy nghĩ đó cho gia đình hiểu nhưng đều vô giá trị. Có lúc các anh tôi nhỏ giọng nói “Nếu em mà đi tu thì tụi anh không còn gặp được em nữa…, và không thể nào nhìn em bằng cái đầu không tóc…”  Ngày nào cũng vậy, hễ hết giờ làm việc là các anh lại đến chùa làm ầm ĩ. Thấy không ổn tôi xin thầy gửi tôi đến một ngôi chùa khác để gia đình lắng xuống. Thầy lại gửi tôi đi.

Bấy giờ gia đình tôi lại càng làm dữ, mấy anh tôi hăm dọa và có những lời xúc phạm đến Đạo, đến Thầy. Thế là Thầy lại nhắn “Thôi về đi con”. (Sau này tôi mới biết Thầy cũng nói chuyện về chí nguyện của tôi với gia đình tôi và cũng khuyên mấy anh tôi nhiều lắm nhưng không được).

Thời gian thấp thoáng đưa thoi, ngẫm lại đã hai mươi mấy năm. Cái thời ý chí xuất gia quá kiên cường mà không thực hiện được, để rồi  bao năm qua lúc buồn, vui cũng đều hối tiếc. Phải chi ngày đó tôi mạnh mẽ thuyết phục được gia đình, phải chi ngày đó tôi giữ vững chí nguyện, phải chi ngày đó tôi không yếu lòng với ai, phải chi ngày đó…, phải chi, phải chi…… còn rất nhiều phải chi nữa…. thật sự tôi hối tiếc lắm lắm...

 

5016ea821d584bde4c5384da5357cfad64b2b3bb 640 426

 

Nhiều năm qua, Thầy không còn trên cõi đời này nữa. Tôi  chơi vơi như mất phương hướng giữa biển đời sướng - khổ, buồn - vui. Nhưng rồi, cơ duyên thật lạ, thầy tôi và thầy KA là chỗ thâm giao, đạo bạn. Tôi biết thầy KA từ những năm thầy bắt đầu giảng Pháp, rồi tổ chức khóa tu, tôi thường về tham dự. Mỗi pháp thoại của thầy, với tôi là hành trang mang theo để sống. Những bài pháp đã giúp tôi chuyển hóa có kết quả. Tôi dần nhận ra, trong tôi đã có được chất liệu hỷ xả, sống yêu thương, hiểu rõ nhân quả; nội tâm vắng dần (chỉ vắng dần thôi) muộn phiền, ganh ghét, tỵ hiềm,  tật đố… 

Sự dịu kỳ sẽ đến với những người có niềm tin. Cái duyên trong đạo Phật thật tuyệt làm sao. Vào một hôm, anh tôi trò chuyện với người bạn hàng xóm cùng quê. Anh tôi nghe người bạn ấy nói về hoạt động của một ông thầy tu trong phong trào thanh niên những thập niên 1990. Kể thì rất nhiều nhưng người bạn ấy chỉ đúc kết một câu: “Thầy ấy là đại biểu tham gia đại hội Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tham luận của thầy ấy được dư luận thanh niên đánh giá là “quả bom trong hội trường”. 

Nghe nói thế anh tôi lại càng tò mò tìm hiểu về thầy (Điều này tôi chắc chắn thầy không biết đến). 

Một hôm, anh tìm đến tôi hỏi:

Em có biết thầy KA không? 

Chuyện gì mà lại quan tâm đến thầy này? - Tôi  hỏi. 

Hôm nào em đưa anh đến chùa đó thăm thầy được không? - Anh nói trông rất  thành thật và mong chờ sự trả lời từ tôi. 

Tôi mừng trong lòng vì thấy anh mình đã xoay chiều - Một người mà năm nào đó đã  ngăn cản tôi đi chùa, cấm đoán tôi xuất gia và miệt thị một vị thầy chỉ vì cho tôi ở chùa. Nay tự nhiên anh có ý muốn đến chùa. Đây là điều tôi hằng mong ước. Tôi và anh về chùa nhưng thiếu duyên không gặp được thầy. Nhưng đó lại là điều hay. Đôi khi cái thiếu duyên lại là thắng duyên. Về nhà anh bắt đầu tìm hiểu Đạo Phật qua các bài  giảng của thầy trên YouTube. Tôi cảm nhận những pháp thoại của thầy đã giúp trái tim anh mềm ra. Anh bắt đầu có niềm tin Phật. Anh ngưỡng mộ thầy. Anh rủ cả gia đình bên nhà vợ đi chùa. Anh xin đĩa thầy giảng gửi về quê cho ba má…. Biết lạy Phật, biết ăn chay, biết ngồi thiền, biết cúng dường. Giờ ngẫm  lại thấy mình không được đi tu nhưng cái được là cả gia đình đều hiểu đạo. Tôi vui mừng khôn xiết, vì biết rằng những lần quỳ dưới đài Quán Thế Âm nguyện cầu xin cho gia đình con sớm quay về bờ giác. Giờ thì hoa trái đã trổ. 

 

46

 

Mưa ngừng rơi cũng là lúc đèn đường xuất hiện, dòng người hối hả vội vàng về với chốn bình yên. Xa xa, hình bóng của một chiếc áo lam thước tha nhẹ nhàng trên xe bus bước xuống. Tôi thèm được mặc chiếc áo như thế. Nếu cho tôi được lựa chọn lần nữa thì tôi vẫn chọn đến con đường xuất gia.

Diệu Tuyết

Tin Tức Liên Quan