Tuỳ thuận pháp con thấy mình bình an

18/06/2020 10:38
Có những cái chướng cảm thấy bức xúc đến trình thầy, thầy chỉ nói: “Pháp vốn là vậy. Cứ thản nhiên tùy thuận Pháp”. Àh, “Tuỳ thuận pháp”. Con chợt nhận ra Pháp vốn không có chướng, chỉ có lòng con chướng, con bỗng thấy mình bình an.


Biểu hiện giữa vô thường 

Truyền đạo khắp muôn phương 

Rong chơi miền tỉnh thức

Thực tại là quê hương.




Được trở về nương tựa bên Thầy cùng Tăng thân là một phước duyên lớn mà chúng con đã may mắn có được trong kiếp sống này.

 

Thức dậy mỗi sáng, Thầy trò cùng  thiền tọa, tụng kinh, sau đó ngồi thưởng trà trong nắng sớm, ngắm những bông hoa tươi mát, những chồi cây đang nảy lộc... ấy vậy mà bình an, hạnh phúc đến lạ thường.

 

Chúng con thuộc “thế hệ mới”, được đào tạo trong môi trường không mấy khắc khe như các bậc đi trước. Trong việc cầu học, Thầy chúng con cũng không câu nệ lắm; không nhứt thiết phải “Nhược thỉnh vấn Phật pháp nhân duyên, đương chỉnh y lễ bái, hiệp chưởng hồ quỳ”. Nhờ vậy nên chúng con có nhiều cơ hội được thân cận, được học nhiều điều bình dị, gần gũi mà vô cùng giá trị ứng dụng cho cái tu . Mỗi lần ở bên thầy là mỗi lần được học nhiều cái mới, rất mới. Chỉ cần Thầy nhìn vào vệt nắng hoặc đưa tay chỉ mấy cọng cỏ đong đưa là chúng con có ngay bài học. Thỉnh thoảng, Thầy chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hành đạo của thầy, lắm lúc phải chạm mặt với không ít gian lao, khó nhọc. Thầy nói, mỗi lần như vậy hãy tin rằng trên đầu mình có Tam Bảo và trong trái tim mình có chữ “vững tin”. Đời không có ngõ cụt chỉ vì ta không biết chọn hướng đi; không có chướng ngại chỉ vì ta không muốn vượt qua;  không có khó khăn chỉ vì ta không muốn lao nhọc.

 

Từ lời dạy của thầy, con có cảm nhận rằng chỉ cần có hướng đi thì ngay tức khắc con đường được khai mở, chỉ cần có ý chí vượt qua thì chướng ngại chỉ là cọng cỏ, viên đá; đừng ngại phí công,  tốn sức thì chắc chắn khó khăn nào cũng được hóa giải.  Một lòng với lý tưởng và kiên định với chí nguyện đã giúp Thầy trở thành là chính Thầy.

 




Đạo nghiệp của thầy,  không ít lời ra tiếng vào, khen cũng nhiều mà chê cũng không ít (oái ăm thay) nó xuất phát từ chính những người đệ tử, phật tử của mình. Những lúc như vậy chúng con hay quây quần bên thầy, cùng thầy cảm nhận cái đắng, chát, thơm, ngọt của chén trà đời. Thầy chỉ mỉm cười và thốt lên “Pháp nhiệm mầu quá con ạ”. Ai có đi trong băng tuyết mới hiểu được cái lạnh thấu xương. Nhưng có tuyết nào tụ mãi, có sương nào không tan: 

 

Trời còn để có hôm nay 

Tan sương đâu ngõ vén mây giữa trời. 

Hoa tàn mà lại thêm tươi

Trăng tàn mà lại hơn mười trăng xưa (Kiều). 

 

Phải đi qua bao khó nhọc ta mới chạm được thong dong, phải cho tan vỡ hết ra thì ta mới có được hội ngộ tuyệt vời. 

 

Trăng sao vẫn muôn thủa, mây vẫn trôi và hoa vẫn nở; Thầy vẫn ngồi đó lặng lẽ như hư không, như một phép mầu mà chúng con đang tận hưởng thở và cười.

 

Ai hiểu mình cũng được. Ai không hiểu mình cũng không sao. Có những cái chướng cảm thấy bức xúc đến trình thầy, thầy chỉ nói: “Pháp vốn là vậy. Cứ thản nhiên tùy thuận Pháp”.  Àh, “Tuỳ thuận pháp”. Con chợt nhận ra Pháp vốn không có chướng,  chỉ có lòng con chướng, con bỗng thấy mình bình an. 

 

Có những buổi Thầy tiếp chư vị tôn túc, chúng con may mắn được làm thị giả. Đây là cơ hội quý giá, là ân đức lớn với con. Nghe các ngài trò chuyện nhau mà ngồi hạnh phúc như đang tiếp nhận gia tài.

 

Hôm rồi, Ôn Thái Hoà từ Huế vào, Sài Gòn có đến Khánh An thăm thầy. Con may mắn được làm thị giả pha trà dâng cúng quý ngài. Đang trò chuyện với thầy,  bỗng dưng Ôn nghiêm khắc quay sang phía chúng con và chỉ thẳng vào mặt: “Mấy lũ trẻ này nè, toàn là những thứ vong ân, thiếu tôn kính Thầy, không tin nhân quả, đạo hạnh non kém mà chỉ muốn thể hiện. Các chú nếu cứ  sống vậy thì chỉ làm cho đạo Pháp suy vi thôi”. Ôn nói thêm: Con chó bị chủ đánh hoảng sợ chạy đi, nhưng rồi vẫn quay về, vẫn gặp chủ vẫy  đuôi mừng rỡ. Người tu các chú bây giờ, Thầy la một tiếng là bỏ đi không thèm nhìn lại, huynh đệ giận nhau  là cuốn gói ra đi không một lời chào. Các chú bây giờ là thế đấy!”. 




 

Vâng. Đó là tiếng nói của kinh nghiệm làm thầy, kinh nghiệm trụ trì. Con nghĩ, Ôn đã quá thấm với con đường làm thầy mà Ôn đã kinh qua. Vâng. Đó là tiếng hét  của tổ Lâm Tế, là cây gậy của thiền sư Đức Sơn ngày nào. Nhờ tiếng hét đó, cây gậy đó mà chư tiền tổ được vỡ cái ngu, phá được cái giận. Chúng con bây giờ chỉ biết lấy cái ngu, cái giận của mình để phản ứng lại thầy tổ, để rồi sự nghiệp Đạo Pháp trở nên trắng tay. Chúng con được sống trong “Đoàn” nhưng tập khí của “đàn”, của “lũ” còn quá nặng nề. Chúng con xứng đáng được gọi là “Lũ chúng bay”. 

 

Chúng con tôn kính Phật, tôn quý Pháp mà Phật ở đâu, Pháp ở chỗ nào chúng con không hề biết, không hề có sự tôn kính. Một người mà không biết nhờ đâu mà mình biết Phật, biết Pháp, nhờ đâu mà mình được đi trên con đường Đạo thì đừng bao giờ mở miệng nói tôn kính Tam Bảo.

 

Có những vị chán tu, bỏ chùa, con cứ nghĩ chắc là thầy giận lắm. Vậy mà, Thầy vẫn điềm nhiên “chờ cửa”: 

 

Các con cứ đi đi , khi nào mỏi mệt, bế tắc, khổ trầy đầu trầy vai thì hãy cứ quay về với thầy,  với huynh đệ. Tu viện vẫn luôn mở cửa chờ con. Nếu không có tình thương lớn, nếu không có lòng khoan dung và tình đạo pháp thì chắc không thể có được trái tim rộng mở như vậy được.

 

Tình thương ấy, sự bao dung ấy chỉ có thể là sự trải nghiệm khốn khó cùng với trái tim biết lắng nghe, biết hiểu thì mới có thể có được vậy. Con nguyện đi theo thầy học hạnh thầy. Kính dâng lên thầy món quà cao quý nhất đó là sự tu tập của con. 

 

Quảng Thức



Tin Tức Liên Quan