1 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

17/02/2022 10:59
Bài 1: Mai Rụng Làng Xưa


Khuya ngày 22/01/2022, khoảng 2 - 3 giờ sáng, tôi nhận được tin Sư ông Làng Mai đã ra đi. Tin không đến từ Huế hay Sài Gòn mà là ở nước ngoài. Đầu tiên là chị An Huệ ở Cộng hòa Séc, bác Quán Chiếu ở Đức, rồi Ni sư Liễu Hà ở Florida, sau đó là chị Tâm Hồng Philadelphia, Hoa Kỳ báo về. Mở trang langmai.org ra không thấy gì, tôi nhắn chị An Huệ, thông tin ở đâu thế, chị nói:  “Mấy thầy, cô bên này cho hay, cả châu Âu xôn xao hết đó thầy”. Đến sáng thì ni trưởng Như Minh gọi vào báo giờ nhập quan Sư ông. Tôi một lần nữa vào trang langmai.org, mở ra, hình ảnh vị thiền sư cầm ngọn nến truyền đăng sáng ngời, sáng lên dòng chữ “Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch”. Tôi chăm chú nhìn vào bức ảnh, vẳng bên tai khúc ca “Đến đi thong dong”. 




Tôi đã từng thọ học, từng gắn bó với nhiều bậc tôn đức lớn. Hai chữ “viên tịch” đi qua đời tôi khá nhiều và mỗi lần như vậy, sóng cảm xúc trỗi lên, mang theo những cung bậc hụt hẫng, ngậm ngùi, tiếc thương … ập mạnh vào. Thế nhưng hai chữ viên tịch hiện lên nơi ngọn đèn thiền kia đã không làm tôi vật vờ. Tôi ngồi yên thật lâu, lắng nghe hơi thở vào ra của mình, lắng nghe những cảm xúc, những tiếng nói của trái tim thổn thức về Sư ông. Những hình ảnh năm xưa hiện về - hình ảnh của những ngày được cùng Sư ông thiền tọa, thiền hành, uống trà, ăn cơm, nghe Sư ông nói chuyện, đi dạo, chụp hình chung … Đó là những khoảnh khắc bất tử như những nét son chói lọi đi qua đời tôi.

 

Một lần, tôi chắp tay lên ngực “Bạch Hoà thượng …”. Tôi chưa kịp nói thêm thì Ngài mở lời “Gọi Thầy được rồi, hòa với thượng gì”. Câu “Gọi Thầy được rồi” làm tôi chấn động. “Thầy được rồi”, gần gũi mà vẫn tôn kính, thiêng liêng mà rất tình người. Nó như một xác chứng tình thầy trò. Giây phút đó tôi “Bạch Thầy” và suốt những năm tháng sau này, gặp lại Ngài, mỗi khi thưa thỉnh tôi cũng vẫn “Bạch Thầy”. 

 

Người ta bảo Sư ông viên tịch là mất mát lớn nhưng tôi nghe lời Thầy dạy: “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”. Cái cảm giác mất Thầy rõ ràng ràng đó nhưng Thầy lại bảo “Tay thầy trong tay con”. Vậy nên, tôi không buồn đau khi Thầy về cõi vô sinh. Một lần nào đó thầy trò đã nắm tay nhau đi thật lâu bên Làng Mai nước Pháp. Bàn tay tôi vẫn còn ấm và bước chân thầy như vẫn còn nhịp theo từng hơi thở của tôi.

 

Buổi sáng thầy ra đi, tôi hướng tâm hoài niệm Thầy viết mấy dòng:

 

Người về thắp một bình minh

Khơi nguồn tuệ giác kết tình năm châu

Dấu chân trải khắp Á, Âu

Vẫn sau trước chiếc áo nâu quê nhà.

Giữa khuya gió thoảng hương xa 

Làng xưa rụng cánh mai hoa trước thềm

Dưới trăng vẳng tiếng chuông huyền 

Thiền sư dời gót qua miền vô sinh.

 


Giữa u tịch nơi làng xưa, dưới hiên Lắng Nghe, cánh mai đã rụng. Vâng, “Rụng cánh hoa mai vàng, chim chóc hót tiếng qua đời”. Chim chóc đã rộn rã khi bình minh còn chưa tỏ, hót khắp nơi, hót trên từng trang báo, trên từng cổng thông tin điện tử lớn nhỏ cả ở trong và ngoài nước. Người ta không ngớt đưa nóng những thông tin về thầy, cả về công hạnh lúc sinh tiền và những ngày tang lễ. Các hãng thông tấn đã dùng những ngôn từ hoa mỹ nhất, đưa ra những tuyên ngôn trác diệu nhất để tôn vinh thầy:

 

  • “Một thiền sư thuộc bậc thầy của pháp môn chánh niệm;
  • “Người đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo;
  • “Nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới;
  • “Người hướng dẫn nhân loại tìm đến con đường đúng đắn về đời sống hạnh phúc;
  • “Người có sức ảnh hưởng vượt xa cộng đồng tâm linh;
  • “Những lời dạy về hòa bình, lòng biết ơn và tinh thần phi bạo động của ông là chân lý vĩnh hằng
  • “Nhà kêu gọi hoà bình nổi tiếng nhất thế giới
  • “Một trong 13 thiền sư nổi tiếng trong suốt 2.500 năm qua;
  • “Một trong 25 thiên tài xứng đáng được dựng tượng đài ở Fox Square Park, Oakland, California
  • “Là một trong 60 vị anh hùng của châu Á vv …

 

Họ ca ngợi thầy từ quá khứ đến hiện tại, từ tây sang đông, xuyên  qua lịch sử đương đại, xuyên qua cả ý thức chính trị - lĩnh vực vốn rất nhạy cảm với hai chữ Nhất Hạnh. 

 

Ngày Thầy ra đi cũng là thời điểm tôi chuẩn bị lo giỗ tổ khai sơn tu viện rồi nhập thất như tâm đã nguyện. Sau một lúc suy nghĩ có ra Từ Hiếu dự tang không, tôi chọn sẽ tổ chức lễ tưởng niệm Thầy ngay ngày giỗ tổ Khánh An, rồi sau đó nhập thất ba tuần để dâng lên cúng Thầy. Tôi nghĩ, đây mới chính là sự tiếp xúc đích thực, là lúc đi gặp Thầy ý nghĩa nhất.



Sau ba tuần giữ tâm tĩnh lặng, sáng ngày trăng tròn tháng giêng năm nhâm dần, tôi ra Huế, được ni trưởng Như Minh, ni sư Huyền Tâm và ni sư Thuần Định đưa về tổ đình Từ Hiếu đảnh lễ giác linh Thầy. Bước vào thiền đường Trăng Rằm, trên cao kia, hình ảnh vị thiền sư dung mạo như vầng nguyệt, đang cầm ngọn đèn soi sáng thế gian, được thầy Pháp Ứng, thầy Từ Hải, thầy Pháp Tánh, thầy Pháp Xứ, thầy Pháp Hương … và nhiều thầy, cô khác cùng có mặt đón chào. Trông quí thầy cô ai cũng nhẹ nhàng, tươi nhuận như những cánh hồng đào và vàng mai đang tươi nở quanh Thầy. Tôi tiến vào dâng hương, đảnh lễ giác linh. Cái khoảnh khắc quỳ trước án hương, mảnh tang màu vàng được nâng lên trước ngực, tôi cảm nhận mắt dường như nhòa đi, đôi chân quỳ vững chãi mà sao như có gì đó sụp xuống. Bên hông tôi có tiếng thút thít; à, ni trưởng Như Minh đã không giấu được xúc động, đang chặm chặm đôi mắt đỏ hoe. Tiếng chuông thầy Pháp Tánh thỉnh lên như tiếng nói của chánh niệm, nhắc tôi lấy lại thăng bằng, đừng để cảm xúc chi phối.

 



Tưởng niệm xong, quí huynh đệ đưa qua thăm thất Lắng Nghe, nơi Thầy với những tháng ngày tịnh dưỡng và trút hơi thở cuối cùng tại đây, hình ảnh Thầy hiện lên giữa phòng với bức trúc chỉ, ánh đèn vàng sáng ra từ bức tranh làm ấm áp gian phòng. Mấy quyển sách nằm yên trên kệ, chiếc giường trải grap màu trắng mờ huơ hoác bóng thiền tăng. 



 

Vái chào Thầy rồi lặng lẽ bước ra, lồng lộng trời xanh gió thì thầm trên tán lá, ngọn cỏ lùm tre phất phơ tìm dấu cũ, vệt nắng chiều còn sáng một bình minh.

 

Trí Chơn

 

(Đọc tiếp bài 2: Nhất Hạnh Mà Vạn Hạnh)



Một số hình ảnh ghi nhận khác:



Tin Tức Liên Quan