2 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

18/02/2022 5:39
Bài 2: Nhất Hạnh Mà Vạn Hạnh


Thiền sư Nhất Hạnh đi vào cõi vô sinh đã để lại một khoảng trống lớn trong trái tim nhân loại. Một khoảng trống mà lòng tiếc thương, sự ngưỡng mộ và kính trọng không thể lấp đầy. Không biết bao nhiêu trăm năm nữa mới có được bậc thiền sư tương tự. Nói như ông Thomas Lyons (Giám đốc Văn phòng INL Việt Nam thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ) vào sáng ngày 29/01/2022 trước lễ trà tỳ: “Sự viên tịch của Thầy sẽ được khóc thương trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ” (Thay’s passing will be mourned throughout the world, but his passing will be especially felt in the United States).

 

Tôi nói nhân loại ở đây được hiểu là, từ người đứng đầu Liên hiệp quốc   cho tới nguyên thủ các cường quốc, từ những nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tới những tập đoàn kinh tế lớn nhất hành tinh, từ triết gia, chính khách cho tới những kênh truyền thông hàng đầu, từ hàng tỷ phú tới giới siêu sao; từ những thành phố được xem là thiên đàng của nhân loại cho tới những miền đổ nát vì chiến tranh, từ những quốc gia được mệnh danh là hạnh phúc nhất thế giới cho đến những vùng phân biệt chủng tộc, kỳ thị sắc dân … đều biết đến Thầy, ít nhiều có học và thực tập theo Thầy. 

Trong cuộc hành trình 96 năm đến với thế gian, Thầy hầu như dành trọn đạo nghiệp để Gieo Trồng Hạnh Phúc cho đời. Đến khi ra đi, hai chữ Nhất Hạnh được nhắc đến như một huyền thoại của thời đại.

 

Giữa đại ngàn B’Lao, người ta nhìn thấy thấp thoáng một thiền giả - biểu tượng của một trí thức Phật giáo thời đại - ngồi thưởng trà bên hiên Am Phương Bối ngắm Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng. Rồi cánh bướm ấy lướt qua Sài Gòn, mang theo tư tưởng Thanh niên Phụng sự Xã hội phủ kín các trang báo nổi tiếng chốn thành đô, thổi luồng gió mới Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng đến khắp các trường đại học lớn ở hòn ngọc Viễn Đông. Người ta cũng nhìn thấy Thầy ngồi thở và cười Bên Mé Rừng Còn Nở Rộ Hoa Mai miền quê nước Pháp, rồi một sớm Bước Chân An Lạc kia trải gót khắp năm châu. Từ những vùng thiếu áo thiếu cơm cho đến chiến địa mưa bom bão đạn, từ những nơi bão rú biển gầm vùi dập thuyền nhân cho đến núi trọc rừng khô vì sinh môi bị tàn phá đều nhận được Thông Điệp Tình Huynh Đệ của Thầy. Chiêm ngưỡng tôn dung Thầy người ta chỉ nhìn thấy một hạnh - hạnh của thầy tu, nhưng càng ngắm càng thấy bao la, càng nhìn càng thấy chói lòa, hóa ra không phải Nhất Hạnh mà có tới vạn hạnh. Không chỉ là thiền sư. Thầy còn là triết gia, thi sĩ, nhà văn hoá, nhà giáo dục, nhà sử học, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động cho hòa bình . . .; đâu đó người ta còn gán cho thầy là một chính khách. Chiếc áo tôn giáo dường như quá chật hẹp cho vị thế toàn mỹ của Thầy. Hạnh nguyện của Thầy đã làm thay đổi cái nhìn cố hữu rằng, tôn giáo thì cứ lo làm việc tôn giáo đi. Nếu như tôn giáo chỉ biết lo phục vụ cho tôn giáo thì đó là sự phục vụ yếm thế, khác nào một người chỉ biết lo cho cái nhà mình ở, cái giường mình nằm. Đó là self service, không mang ý nghĩa cống hiến, nó không có trong đạo Phật. Một sự phục vụ tích cực phải lan tỏa được hương sắc của đạo đức và tình thương cho đời. Đó là lý do tại sao thiền sư Nhất Hạnh đưa ra học thuyết “Đạo Phật Dấn Thân”. Đó là lý do tại sao “Như Lai xuất hiện ở đời vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người” (Aṅguttara Nikāya, P. Một Người).

 


Nhìn vào Làng Mai Pháp quốc, Làng Mai Thái Lan,  tu viện Bích Nham, Lộc Uyển, Mộc Lan, Thanh Sơn  (Hoa Kỳ), Viện Phật học ứng dụng châu Âu (Đức Quốc), Viện Phật học ứng dụng châu Á (Hồng Kông) v.v... người ta thấy Thầy là một thiền sư với hàng chục nghìn thiền sinh thọ học. Nhưng đâu chỉ vậy, những nơi mà chỉ có dấu chân của giới chính khách, thức giả hay tài phiệt như Quốc hội Anh, Quốc hội Ấn Độ, Quốc hội Hoa Kỳ, Quốc hội Cộng hòa Pháp, World Bank, tập đoàn Google, Yahoo hay các trường đại học tên tuổi như đại học Princeton, Cornell, Columbia,  Học viện Hành chính Quốc gia (Việt Nam) thậm chí nhà thờ, thánh đường … cũng trải thảm đón Thầy. Họ cần gì ở nơi Thầy? Có phải họ muốn có được Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, mong được Thầy trao cho Hạnh Phúc Cầm Tay, họ cần thể nghiệm Quyền Lực Đích Thực là gì, họ cần một Con Đường Chuyển Hoá để được Bình Yên Trong Gia Đình, họ cần một Đạo Phật Ngày Nay giúp họ Để Có Một Tương Lai . . . Họ nào cần đến những bài thuyết trình bằng một mớ kiến thức như dạng “bồi dưỡng nghiệp vụ”? Nếu chỉ đơn giản là vậy thì họ có thừa, không có nhu cầu thỉnh mời thiền sư. Họ cần một Trái Tim Của Bụt để có được Hơi Thở Nuôi Dưỡng Và Trị Liệu Thân Tâm thì đúng hơn. Họ muốn học và thực tập theo từng bước chân Thầy đi, bờ môi Thầy nói, ánh mắt Thầy nhìn, mỗi hành hoạt của Thầy đều có năng lượng của chánh niệm, tỉnh giác. Họ muốn được hướng dẫn, được thực tập Thiền Hành Yếu Chỉ để từ lãnh đạo đến nhân viên cùng Đi Như Một Dòng Sông trong mỗi phút giây.

 

Cỗ xe tiến hóa của nhân loại dường như quá nhuần nhuyễn với chân ga mà không có thói quen sử dụng chân phanh, tâm thức con người cứ như chiếc casette chỉ biết xài nút play mà không quen xài nút pause, hay stop Thầy giúp họ nếp sống Tĩnh Lặng. Nói đơn giản hơn, quà tặng Thầy mang đến cho con người chính là chánh niệm và tỉnh giác được biểu hiện bằng thân giáo và cả ý giáo chứ không chỉ ở khẩu giáo. Thế nên, thế giới phương Tây gọi Thầy là ông thầy của chánh niệm.

 

Trí Chơn 



(Bài 3: Chất liệu gì đã tạo nên tượng đài Nhất Hạnh tuyệt tác thiên thu)

Tin Tức Liên Quan