9 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

14/03/2022 3:54
Bài 9: Có Những Cơ Duyên

     Những tháng ngày tu học ở tổ đình Vĩnh Nghiêm, quý thầy trong Ban Duy na đều đi du học ở Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ,… tôi ở nhà nên được hòa thượng viện chủ phân công làm Chánh Duy na, chăm lo việc điều chúng và chấp tác. Niềm hạnh phúc hơn với tôi là được hòa thượng đặt niềm tin, giao việc soạn văn bản và điều phối chương trình các sự kiện lễ hội tại tổ đình. Hầu hết các bậc tôn trưởng trong sơn môn viên tịch, tôi đều được phân công soạn thảo tiểu sử và điếu văn tưởng niệm của tông môn. Có những văn bản mà chúng đệ tử (của bậc tôn túc viên tịch) đã được soạn trước thì hòa thượng đưa tôi xem và “nhờ thầy bổ khuyết”. Tiểu sử tổ Vĩnh Nghiêm - Thanh Hanh, tôi hình dung là văn bản “bất di bất dịch”, nhưng sau khi soạn vài tiểu sử của các tôn đức viên tịch, hòa thượng tỏ ra hài lòng và đã đưa tôi tiểu sử của Tổ và bảo: “Thầy hiệu đính lại tiểu sử Tổ giúp tôi nhé”. Còn những sự kiện lễ hội như an cư, tạ pháp, giỗ tổ… tôi là người được phân công tổ chức chương trình. 



Những ngày tháng tu học ở Vĩnh Nghiêm

 

     Có lần, hòa thượng gọi tôi bảo “Chùa mình chuẩn bị trao học bổng “Hiểu và Thương” cho học sinh nghèo hiếu học, thầy sắp xếp điều phối chương trình nhé”. Nghe từ “Hiểu và Thương” tôi thấy thấp thoáng bóng dáng vị thiền sư bên Pháp nhưng chỉ cúi đầu dạ vâng mà không dám hỏi thêm. Vì là người xây dựng kịch bản cho lễ trao học bổng nên phải tìm hiểu kỹ “gốc gác” của chương trình, tôi tìm đến sư bà Tịnh Nguyện, sư bà Lưu Phong để tham vấn thì được biết quĩ học bỗng “Hiểu và Thương” do Làng Mai tại trợ giúp trẻ em nghèo hiếu học. Biết đây là chương trình khá nhạy cảm nên tôi chuẩn bị kịch bản khá kỹ, thậm chí sử dụng ngôn từ thật khéo để tránh… đụng chạm. Nhưng không hiểu sao một vài hôm sau gặp tôi, hòa thượng cười rồi dạy:  “Chương trình trao học bổng hủy rồi thầy nhé”.

      Trong nhóm Phật tử công quả có một chị gọi là chị Mười. Chị có mặt  không chỉ ở Vĩnh Nghiêm mà Ấn Quang, Việt Nam Quốc Tự và một số chùa khác chị cũng thường xuyên lui tới. Cho đến năm 1996 chị tặng tôi khoa cúng thượng tọa Minh Phát do hòa thượng Huyền Quang soạn, trang trong ghi “Phật tử Giác Trí cúng dường”. Lúc đó tôi mới biết chị có pháp danh là Giác Trí. Mỗi lần đến, chị gí cho tôi một xấp giấy, nào là tài liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tài liệu của Tăng đoàn bảo vệ chính pháp rồi cả bản tin của Phòng thông tin Phật giáo quốc tế của ông Võ Văn Ái ở Hải ngoại, cố nhiên có cả tài liệu, sách báo nói về thiền sư Nhất Hạnh. Hồi đó vô tư lắm, ai cho gì cũng lấy, thấy gì cũng đọc. Có lần chị tặng tôi tập hồ sơ thiền sư viết về tiến trình hình thành và phát triển gia đình Phật tử Việt Nam, thế là tôi về đọc ngấu nghiến. Nhờ tác phẩm ấy mà tôi mới hiểu kỹ hơn lịch sử hình thành gia đình Phật tử Việt Nam. Trong một cuộc họp chuyên đề về gia đình Phật tử tổ chức tại văn phòng Ban Trị sự Giáo hội thành phố tôi phát biểu vanh vách về Gia đình Phật tử Việt Nam, hòa thượng Minh Thành (lúc bây giờ là Trưởng ban hướng dẫn Phật tử thành phố) thích quá nên phân công tôi làm Chánh Thư ký ban hướng dẫn. Khoảng giữa thập niên 1990, tôi làm Cố vấn Giáo hạnh Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm, cũng từ tác phẩm này mà trong một pháp thoại tôi đã nói say sưa về lịch sử hình thành, Bác Nhuận Pháp - Tôn Thất Liệu, vị gia trưởng lão thành ngạc nhiên hỏi: “Sao thầy biết về Gia đình Phật tử kỹ vậy”. Hồi đó sách vở, tài liệu khan hiếm, đâu như bây giờ muốn tìm hiểu điều gì chỉ cần tra cứu trên Google. Tôi cười nói: “Mới có được bộ tài liệu của thiền sư Nhất Hạnh”. Thế là mỗi lần gặp thầy cố vấn, bác gia trưởng hay đề cập đến vị thiền sư lưu vong. Thầy Minh Lực người ở phòng kế tôi, thấy chị Mười cứ vào ra nên mỉm cười nhắc khéo “hết sức cẩn thận nhé”. Tôi thì cứ nghĩ thẩy nhắc cẩn thận việc phụ nữ vào phòng, nhưng sau đó mới “ngộ” ra điều thẩy nhắc là cẩn thận với việc… “chính chị chính em”.


Cùng HT. Thích Minh Thành, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TP. HCM - 1992



Cư sĩ Nhuận Pháp - Tôn Thất Liệu (áo trắng bên trái) khánh tuế hòa thượng Vĩnh Nghiêm và thầy Cố vấn giáo hạnh - 1995




 Chị Mười người thứ 2, trái sang


     Nhẹ nhàng hơn thì có sư cô Nguyên Thảo đệ tử Hòa thượng Kiến Tánh ở Đồng Nai, thỉnh thoảng cô mang đến vài xấp giấy photo về văn thơ, có khi là vài băng cassette về những bài giảng, bài thơ của Thầy. Những băng cassette cô gửi, tôi hình dung là nó đã được chuyền qua tay không biết bao nhiêu người rồi, vì âm thanh nó nhão đến không thể nghe được nữa, vậy mà vẫn cứ nghe và thích thú làm sao. Sau này cô hoàn tục, thuê nhà ở Phú Nhuận, có gia đình, sinh được hai con và làm giáo viên dạy anh văn.

     Khoảng năm 2017 - 18, có mấy Phật tử đến thăm Khánh An, giới thiệu là đệ tử Sư ông Làng Mai. Trong số 3 vị đến thăm, người thứ nhất là cô Nguyễn Phạm Kim, pháp danh Tâm Hướng Thiện, người thứ hai pháp danh là Chân Hỷ Hạnh, và người thứ 3 đi cùng là chị tên Phùng. Chị Hỷ Hạnh và chị Phùng ít nói trong khi cô Tâm Hướng Thiện thì cởi mở, bình dị, trò chuyện rất tự nhiên. Cô giới thiệu mới từ Mỹ về và nơi đầu tiên đến thăm là tu viện Khánh An. Ở bên đó chỉ nghe pháp qua youtube và nhìn thấy Khánh An qua mạng, mong một lần về thăm người, thăm cảnh. Cô cũng nói rất nhiều về thiền sư Nhất Hạnh thời trẻ và kể về những người thân của thiền sư nữa. Cái phong cách biểu hiện như là một thành viên gia đình chứ không phải Phật tử theo Thầy tu học. Tôi mở lời hỏi vậy cô theo Sư ông từ nhỏ à, sao biết nhiều, biết kỹ sư ông vậy? Cô mỉm cười: Dạ, con là em dâu của Sư ông ạ. Thế là cô kể những ngày tháng thanh xuân của mình, niềm hạnh phúc được về làm dâu gia đình Sư ông và cũng từ đó mà cô biết được đạo.



Cô Tâm Hướng Thiện, chị Chân Hỷ Hạnh và chị Phùng tại TV. Khánh An 


     Cô kể thêm, Thầy có ông anh tên Nguyễn Đình Nho, xuất gia đạo hiệu là Giải Thích, sau này lớn tuổi về tu ở chùa Hưng Quốc, quận 11, đã viên tịch cách nay khoảng 10 năm. Một người anh kế tên là Nguyễn Đình An. Thiền sư chính là Nguyễn Đình Lang, sau đó đổi thành Nguyễn Xuân Bảo. Người cô theo về làm vợ là  em trai út của Thầy tên Nguyễn Đình Song. Kể từ khi biết nhau, tôi và cô thường xuyên liên lạc thăm hỏi nhau.



 Tại sân bay Chicago

     Mùa thu năm 2019 tôi sang Mỹ, có 3 ngày ở chùa Trúc Lâm, chùa do thầy Thông Viên trụ trì. Vừa đáp máy bay xuống phi trường, ra khỏi sân bay, bất ngờ tôi nhìn thấy cô ra tận nơi đón cùng với thầy Thông Viên và một số Phật tử.

     Những ngày hành đạo ở chùa Trúc Lâm, sau những thời pháp, giờ hành trì, thầy Thông Viên đưa đi tôi tham quan vòng quanh Chicago, có cô đi cùng. Chúng tôi đã đi dạo quanh khắp các công viên nổi tiếng như Cloud Gate, Millennium, Oakwood Beach… Dẫu là đi chơi, cô lúc nào cũng mặc chiếc áo tràng lam trên người. Tôi nói cô xếp áo tràng lại mặc thường phục đi dạo cho thoải mái, áo tràng là khi nào hành lễ mới mặc. Cô trả lời: “Con mặc để người ta biết mình là Phật tử thầy ạ”. Câu nói khiến tôi ngưỡng mộ. Khi tôi chia tay với quí Phật tử Chicago để đi đến chùa Phước Hải - North Carolina, cô mới mở lời: “Thưa thầy con có người cháu sống ở North Carolina, biết thầy qua chùa Phước Hải nên con cũng đã lấy vé để đi chuyến bay cùng thầy, vừa theo thầy nghe pháp và cũng để thăm cô cháu ở đây”.  Tôi cầm tay cô mà xúc động không nói được điều gì!   



Cùng thầy Thông Viên và Cô Tâm Hướng Thiện tại  Millennium, Chicago 



Tại Oakwood Beach 



Trung tâm Chicago


Ni sư Minh Nghiêm trụ trì chùa Phước Hải đón tại sân bay North Carolina


     Cuộc đời có những điều diễn ra thật thú vị, nhân duyên cứ như sắp đặt. Tôi đâu nghĩ tác phẩm nói về lịch sử hình thành gia đình Phật tử Việt Nam do thiền sư soạn mà tôi có được đã trở thành “giáo án” để tôi giảng dạy Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm và sau đó tham gia Ban Hướng dẫn Phật tử thành phố, làm sao có thể nghĩ mình thân với người em dâu của thiền sư để rồi hiểu khá nhiều gia phong của Thầy.

Trí Chơn

( Bài 10: Một “Cuộc Điện Thoại Chơi” )

Tin Tức Liên Quan