Không chờ ngày thiền sư viên tịch
ngay cả sinh thời, hành trạng của Thầy cũng có nhiều nghi vấn được đặt ra:
Thầy có làm chính trị không?
Tinh thần nhập thế của Thầy liệu
có bị thế nhập? chương trình cải cách Phật giáo theo hướng thầy vạch ra liệu có
đi theo vết xe của Phật giáo Nhật Bản để rồi phái “tân tăng Việt Nam” ra đời?
Uy tín của thầy ra sao khi không gầy dựng được tu viện Bát Nhã?
Đã là một thiền sư mà cuối đời,
nhiều năm ngồi xe lăn cho đến khi viên tịch … ? Cùng với rất nhiều nhiều câu hỏi
khác được xã hội xầm xì.
Nếu có một tu sĩ nào (kể cả các tôn giáo khác)
trên thế giới có thể bơi lội trong từng ngóc ngách cuộc đời, không quan ngại lập
trường chính trị, ý thức tôn giáo, màu da sắc tộc, chốn yên bình hay hiểm nguy,
nơi rừng sâu hay biển cả … đó chỉ có thể là thiền sư Nhất Hạnh.
Thập niên 60 của thế kỷ trước, xã hội Việt Nam rơi vào binh biến. Vì có chiến tranh nên có ước vọng hoà bình, muốn có hoà bình thì phải dấn thân. Thế là học thuyết “Đạo Phật dấn thân” xuất hiện, bóng dáng một thiền sư thấp thoáng trong không gian chính trị cũng bắt đầu từ đây.
Cộng sản miền Bắc thì với chiến dịch “táo bạo
- thần tốc” muốn thống nhất ba miền lập tức, không muốn quê hương bị chia cắt.
Việt Nam Cộng hoà (miền Nam) thì muốn chế độ được giữ yên dưới sự hậu thuẫn của
Hoa Kỳ. Trong khi đó, Thầy thì đứng lên kêu gọi hoà bình. Với Thầy đôi bên là
anh em, tất cả chỉ có thể đối thoại và thương thuyết, không thể kiến tạo hoà
bình bằng bom đạn. Lập trường tranh đấu cho hòa bình của Thầy là: kẻ thù ta là
cố chấp, tham vọng và bạo động mà không phải con người. Con người với con người
là anh em. Nếu biết chuyển hóa thì năng lượng sân giận kia sẽ trở thành hiểu biết
và thương yêu. Một quan điểm đi giữa hai làn đạn.
Từ các trường đại học cho đến truyền thông báo
chí, từ những buổi diễn thuyết cho đến những đợt cứu trợ miền Trung nơi nào Thầy
cũng chỉ kêu gọi hai chữ hoà bình. Kêu gọi trong nước chưa hiệu quả, Thầy bước
ra diễn đàn thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của Liên hiệp quốc, các tổ chức nhân
quyền và các nhà tư tưởng yêu chuộng hòa bình tiếp tục kêu gọi ủng hộ chấm dứt
chiến tranh Việt Nam. Một nhà tu mà cánh cửa quyền lực nào cũng bước vào, chính
khách nào cũng tiếp xúc thì nghi vấn ông thầy tu làm chính trị không phải là
không có lý do. Người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về việc Thầy thành lập Trường
thanh niên phụng sự xã hội, làm chủ các tờ báo, mở nhà xuất bản, khai mở dòng
tu mới Tiếp Hiện. . . có phải vì mục đích chính trị. Người cộng sản thì nghi ngờ
Thầy là CIA, bên quốc gia thì quy kết Thầy là người thân cộng. Cái “lối đi giữa”
đó đã khiến Thầy bị mắc kẹt luôn ở Hoa Kỳ thay vì chỉ đi có ba tháng kêu gọi
hoà bình. Để rồi, hộ chiếu của Thầy cũng bị vô hiệu phải xin tị nạn chính trị ở
Pháp.
Bên kia đã thế, bên này cũng không dễ dàng
hơn. Cho đến sau ngày thống nhất 1975, tất cả những tác phẩm mang tên Nhất Hạnh
đều “được” liệt vào sách cấm. Để được về quê nhà phải mất thêm 30 năm lưu vong,
trong đó gần 10 năm thương thuyết.
Nhưng cũng phải nói thêm, nếu không có những
năm tháng lưu vong thì cũng không có một Nhất Hạnh huyền thoại, không có chiếc
nón lá Việt Nam rợp mát trời Tây và tà áo nâu của Khương Tăng phấp phới miền
tuyết trắng. Cánh cửa quay về sập lại đã mở ra hướng đi mới rộng hơn. Thầy rời
vòng tay quê hương chữ S nằm uốn mình nghe sóng biển Đông để lấy bốn bể năm
châu làm quê hương bao la của mình. Ngày ra đi là đại sứ của hoà bình, ngày trở
về Thầy trở thành bậc đạo sư tâm linh của mười phương hải chúng với tôn danh bậc
thầy của chánh niệm. Một cái giá xứng đáng với niềm khát khao mang tên Hoà
Bình.
Người ta lại tiếp tục đặt câu hỏi chương trình
cải cách Phật giáo theo hướng Thầy vạch ra liệu có đi theo vết xe của Phật giáo
Nhật Bản để rồi phái “tân tăng Việt Nam” ra đời?
Nói đến dấn thân là nói đến nhập thế. Nhưng
quá nhập thế liệu có bị thế nhập? Người chữa lửa phải được trang bị đồ bảo hộ,
phương tiện cứu lửa, có khả năng chuyên môn và lòng nhiệt huyết để xông vào lửa.
Cũng vậy, người mang công hạnh bồ tát đi vào đời, được sự bảo hộ của giới luật,
có được chất liệu giáo pháp, có khả năng truyền bá và cháy bỏng tâm bồ đề với
chí nguyện hoằng pháp thì vạn sự ắt thành. Cuộc đời viên mãn của thiền sư là
câu trả lời rõ ràng cho tinh thần nhập thế của Thầy.
Ta biết cuối thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20,
đạo Phật Việt Nam vô cùng yếu ớt. Một mặt do suy yếu nội tại, nhưng mặt nghiêm
trọng hơn là người Pháp muốn xóa bỏ tôn giáo truyền thống của dân tộc, đây là
hình thức xóa bỏ văn hóa bản địa hữu hiệu nhất.
Sau hiệp định Genève -1954, gót giày người Pháp rút ra thì bàn tay người Mỹ thộp vào. Cái thời buổi nhiễu nhương thì xã hội làm gì có ổn định. Chiến tranh bùng lên thì trai trẻ nhập ngũ tòng quân, còn mấy người đi tu đâu mà đào với tạo. Nhà lãnh đạo tâm linh biết vận dụng vai trò cư sĩ để phát triển đạo pháp là thượng sách lúc này. Với tinh thần đó, thiền sư Nhất Hạnh đã lập ra dòng tu Tiếp Hiện. Mô hình này với đạo Phật thì mới mẻ nhưng Tin Lành giáo đã thực hiện từ xa xưa.
Theo cái nhìn phổ quát, nói đến chữ “tu” là
nói đến người xuất gia, ở chùa, cạo tóc. Nhiều người cùng tu trong một trú xứ,
một đoàn thể gọi là tăng già (Sangha). Còn “dòng tu” là từ mà các tôn giáo bạn
thường sử dụng hơn. Trong trường hợp này thiền sư thành lập “dòng tu Tiếp Hiện”
nhằm phát huy vai trò của người cư sĩ trong việc thực hành đạo pháp, phụng sự
xã hội. Cố nhiên cư sĩ thì có gia đình chồng vợ. Cái mô hình kiểu mới này khiến
quần chúng kể cả giới tăng sĩ đều thấy lạ lẫm, ngỡ ngàng. Nhìn vào một “dòng
tu”, một “đoàn thể” mà thấy thành viên là những người có tóc, có gia đình thì
rõ ràng là khác lạ. Trong cái nhìn cứ cho là “truyền thống” đi, người Phật tử
là chỉ đi chùa chứ không có ở trong “dòng tu” hay “đoàn thể” tu. Với dòng tu Tiếp
Hiện quá mới mẻ này, người ta bắt đầu nghi ngờ vị đạo sư sáng lập đang có
khuynh hướng thế tục hóa người tu. Và bắt đầu đưa ra phép so sánh, có phải đây
là mô hình của Phật giáo tân tăng không (một hệ phái Phật giáo tại Nhật Bản cho
phép tu sĩ có gia đình).
Trong một số bài giảng, Thầy có nhắc đến vai
trò nòng cốt của một số cư sĩ thời danh như Thiều Chửu, Tâm Minh - Lê Đình
Thám, Đoàn Trung Còn, Chánh Trí - Mai Thọ Truyền, Võ Đình Cường … là những Phật
tử gánh vác đạo pháp, các vị này còn đứng lớp giảng dạy, đào tạo tăng trẻ trong
các trường Phật học. Liệu đây có phải là hình ảnh tạo cảm hứng để thiền sư
thành lập dòng tu Tiếp Hiện?
Nên nhớ, dòng tu Tiếp Hiện thuở đầu được lập
ra (1966) chỉ dành cho cư sĩ. Sáu người được thọ giới tiếp hiện đầu tiên là Đỗ
Văn Khôn, Nguyễn Văn Phúc, Bùi Văn Thanh, Cao Ngọc Phượng, Phan Thị Mai và Phan Thúy Uyên. Trong số đó, cô Cao Ngọc Phượng
- tức ni trưởng Chân Không - xuất gia
vào năm 1988, là đệ tử xuất gia đầu tiên của Thầy. Bước qua thập niên 1990,
tăng đoàn xuất gia Làng Mai mới dần được hình thành. Thế nhưng không ít người
đã đồng hóa dòng tu Tiếp Hiện như một đoàn thể xuất gia (sangha) để rồi từ đó
ngộ nhận, xem nó như biến thể của hệ phái tân tăng (Nhật Bản). Từ đó có những
ngôn đàm phiến diện.
Một cách đơn giản hơn, nhìn dòng tu Tiếp Hiện
như tổ chức Gia đình Phật tử hiện nay thì mọi tri giác sai lầm khả dĩ được tháo
gỡ.
Trí
Chơn
(Bài 5: Bát Nhã Hoa Rơi)
Tin Tức Liên Quan
- Hỏa Quang Tam Muội (22/02/2022 8:33)
- 3 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (20/02/2022 9:22)
- 2 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (18/02/2022 5:39)
- HỒI TƯỞNG (18/02/2022 7:22)
- CHÀO NGÀY MỚI (18/02/2022 7:21)
- 1 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (17/02/2022 10:59)
- Xuân về trên khắp nẻo quê hương (31/01/2022 8:20)
- Sư Ông (23/01/2022 2:28)
- Mai Rụng Làng Xưa (22/01/2022 1:59)
- Kính Tiễn Sư Ông (22/01/2022 1:58)