10 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

19/03/2022 3:09
Bài 10: Một “Cuộc Điện Thoại Chơi”

     Những năm đầu thế kỷ 21, tôi làm trợ lý cho Hòa thượng Thích Trí Quảng. Thầy trò trong một lần ngồi xe đi hoằng pháp, Hòa thượng quay sang hỏi tôi:

Con có muốn đi Pháp với thầy không?

• Dạ có ạ - Tôi sáng mắt lên thưa - Thầy đi hội nghị quốc tế hay đi hoằng pháp ạ?

• Không, đi dự lễ khánh thành bảo tháp cố Hòa thượng Thiện Châu, trụ trì chùa Trúc Lâm, Paris. Nếu đi thì thầy sẽ báo Thượng tọa (lúc bấy giờ) Thiện Nhơn đưa tên con vào danh sách đoàn.

     Vai trò lãnh đạo của Hòa thượng Thích Trí Quảng lúc bấy giờ là Trưởng ban Hoằng Pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội TP.HCM và Tổng biên tập báo Giác Ngộ. Vậy nên những Phật sự của Hòa thượng tôi đều có mặt với vai trò một trợ lý như: sắp xếp lịch trình hoằng pháp ba miền trong những mùa an cư hay Ngài đi thuyết giảng các tỉnh, làm công tác tổ chức của báo Giác Ngộ và thường xuyên có mặt ở văn phòng Giáo hội làm công tác văn thư. Có những chuyến đi dài ngày khắp các tỉnh  sông nước Cửu Long, có những lúc vượt núi băng ngàn qua các tỉnh Tây nguyên, cũng có những khi ngồi máy bay đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc, đặc biệt những chuyến bay dài như Pháp quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…  mỗi chuyến đi như vậy tôi được gần gũi và học hỏi rất nhiều điều từ Ngài. Dù trên máy bay hay trên ô tô thì việc đầu tiên của Hòa thượng là tụng một thời kinh rồi sau đó mới nói chuyện. Mỗi khi sai việc gì Hòa thượng hay hỏi Có muốn làm không”, Có muốn đi không”, Ngài không bao giờ áp đặt phải làm” dù việc nhỏ nhất. Những ngày cuối tuần, thầy trò cùng nhau về núi Thị Vải ở lại. Tối đến, Hòa thượng khép cửa rất sớm và 03 giờ sáng là đã dậy đốt trầm, trì kinh, sau đó uống trà. Cái cảm giác thầy trò ngồi với chung trà nóng, hương trầm thơm nghe gió rít đầu non, lành lạnh sương sớm tôi vẫn còn nhớ mãi tới giờ.


Làm trợ lý lúc Hòa thượng Trí Quảng tiếp đoàn Phật giáo Nhật Bản 
tại văn phòng Giáo hội TP. HCM – 2000

     Sau khi Hòa thượng đưa tên tôi vào danh sách đoàn đi Pháp không lâu thì tôi nhận được cuộc gọi của lãnh đạo Giáo hội, không phải Hòa thượng Thiện Nhơn mà là Hòa thượng Hiển Pháp: Thầy TC rảnh không, chiều nay qua đây chơi!”. Hòa thượng Hiển Pháp một bậc thầy tôi rất tôn kính. Từ thuở ngài còn ở chùa Pháp Hải quận 6 tôi đã thường xuyên thăm viếng, cho đến khi ngài về Xá Lợi, rồi trụ trì chùa Hưng Phước tôi vẫn tới lui, thân cận. Nhất là kể từ khi trụ sở Giáo hội - thiền viện Quảng Đức - được tiếp quản từ Trung ương Đoàn, trong lúc chưa thiết lập văn phòng, tôi là người được phân công về trông coi trụ sở suốt gần một năm. Hòa thượng lúc bấy giờ làm Chánh văn phòng Giáo hội nên cứ một vài ngày là tôi phải qua báo cáo tình hình trông coi cơ sở, do vậy mà thâm tình thầy trò thắm thiết hơn. Thỉnh thoảng có việc, Hòa thượng vẫn gọi tôi qua đây chơi” nhưng cuộc gọi chơi” của ngài chiều hôm đó được xem là dấu ấn nhớ đời. Dấu ấn đó đã tạo nên sự kiện đình đám cho cả xã hội và cho giới Phật giáo chỉ mấy tháng sau đó. Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, báo chí trong và ngoài nước đã đổ xô đưa tin.


Thiền viện Quảng Đức - Trụ sở Giáo hội lúc chưa xây dựng

     Thiền thất của Hòa thượng nằm trên tầng 1, phía bên phải chùa Hưng Phước, tôi vào hầu trà Hòa thượng. Sau mấy câu thầy trò thăm hỏi nhau, Hòa thượng nói: Kỳ này TC đi với thầy Trí Quảng qua Pháp dự khánh thành tháp thầy Thiện Châu ở Trúc Lâm, sau đó xuống Làng Mai thăm thầy Nhất Hạnh. Danh sách đoàn có tên con, Thầy đã gửi qua Pháp để làm thư mời rồi, chắc vài hôm nữa gửi về”. Tôi mở lời thưa: Bạch Hòa thượng, con chỉ nghe Hòa thượng Trưởng ban con nói đi Pháp dự lễ khánh thành tháp Hòa thượng Thiện Châu thôi ạ”. Hòa thượng vui vẻ nói, thì “nhân sự tùng sự” con ạ.


Cùng Hòa thượng Hiển Pháp tại Đại hội Phật giáo toàn quốc - Hà Nội - 1997

     Hòa thượng Thiện Châu, viện chủ Thiền viện Trúc Lâm - Paris, là vị giáo phẩm duy nhất ở hải ngoại là Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN. Thiền viện được xây dựng vào những năm cui của thập niên 1970. Trên danh nghĩa chuyến đi, đoàn Giáo hội sang Pháp dự lễ khánh thành tháp cố Hòa thượng Thiện Châu; đồng thời, cũng để hòa giải một số vấn đề về tình hình mâu thuẫn nội bộ Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp. Còn câu chuyện đi Làng Mai là không nêu trong chuyến đi. Giáo hội sang hội kiến Thiền sư Nhất Hạnh như là chuyến thăm ngoại giao. Cho đến khi đoàn quay về Việt Nam thì Hòa thượng Thích Hiển Pháp vi vai trò Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương mới chính thức viết thư mời Thiền sư về thăm quê. Bức thư (công văn thì đúng hơn) được viết ngày 19/11/2004, nội dung có đoạn: Chúng tôi xin gửi đến Hòa thượng (Nhất Hạnh) thư này và kính mời Hòa thượng cùng phái đoàn về thăm Việt Nam vào đầu năm 2005, Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam hy vọng chuyến về thăm quê hương lần này của Hòa thượng và phái đoàn là dịp hội ngộ, để bày tỏ mối liên hệ thân hữu cùng trao đổi ý kiến về tình hình Phật sự, việc tu tập và truyền bá chánh pháp làm lợi lạc quần sinh”. Mười một ngày sau, 30/11 Thiền sư Nhất Hạnh có thư phúc đáp: Chúng tôi rất mong chuyến viếng thăm này của đạo tràng Mai Thôn có thể đóng góp một phần rất khiêm nhượng trong công việc xây dựng và bồi đắp thêm tình huynh đệ trong đại gia đình Phật giáo của tất cả chúng ta”. Cố nhiên, trước đó - vào khoảng tháng 8, thầy Pháp Ấn và thầy Pháp Vinh đã về Việt Nam đảnh lễ các bậc tôn đức lãnh đạo Giáo hội cũng như nhiều lần trao đổi với các nhà chức trách để có được kết quả chuyến về quê của Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai vào đầu năm 2005 như đã chứng kiến.


     Trong danh sách đoàn có Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Thiện Bình, Hòa thượng Bảo Nghiêm, Hòa thượng Đức Thanh và tôi. Phút chót Hòa thượng Đức Thanh không đi. Hòa thượng Bảo Nghiêm thì làm thủ tục visa ngoài Hà Nội, còn các bậc tôn túc phía Nam thì làm ở lãnh sự quán Pháp tại Sài Gòn. Chịu trách nhiệm lo thủ tục cho đoàn, lòng rất háo hức để được đi Pháp nhưng tâm trạng cũng rất hồi hộp vì việc xin visa khó khăn. Chị Khanh, một người làm việc trong một công ty bảo hiểm, chỉ bán bảo hiểm cho đoàn thôi nhưng chị cũng rất tích cực giúp lo thủ tục visa cho đoàn.



Đoàn Giáo hội ngồi chờ ở sân bay

     Hồ sơ được nộp lên lãnh sự quán Cộng hòa Pháp tại TP.HCM, mặc dù có sự giới thiệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội và Sở Ngoại vụ TP.HCM kết quả cũng không có động tĩnh gì.

      Vé máy bay đặt ngày 2/10/2004, trong khi ngày 1/10 tôi và chị Khanh đã ngồi trước lãnh sự quán Pháp từ trưa, rồi đến chiều trong mong đợi. Mãi đến cuối giờ chiều thì một tùy viên lãnh sự mới ra báo Mời ông bà sáng mai đến nhận kết quả”. Chị Khanh nhìn qua tôi với ánh mắt trầm tư. Hai chữ “kết quả” ông tùy viên lãnh sự nói vẫn chưa đảm bảo là có visa hay không. Đến gần trưa hôm sau thì chị Khanh gọi tôi nói: visa rồi thầy ạ”. Nghĩa là cầm visa trong tay buổi trưa thì tối máy bay cất cánh.


Trí Chơn

(Bài 11:  Những Ngày Ở Trúc Lâm Paris)

Tin Tức Liên Quan