Khổ và Sự Chuyển Hoá Khổ Đau

5/06/2021 7:40

Trong nền kinh tế phát triển ngày nay, chúng ta thấy vật chất máy móc tân tiến rất thông minh phục vụ con người. Những nền công nghệ hiện đại đã làm cho cuộc sống của con người trở nên bận rộn. Khi nền vật chất càng lên ngôi thì nền đạo đức lại càng trở nên xuống cấp. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó từ sự khủng hoảng tâm lý tuổi trẻ, sự bắn giết người, sự tranh chấp bạo loạn, kỳ thị chủng tộc màu da, niềm tin của con người mất dần với nhau. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng đến những tai nạn do thiên nhiên cháy rừng, thiên tai bão tiếp bão. Và nghiêm trọng hơn đó là cơn  đại dịch Covid 19 tàn phá loài người. Vì sao và vì sao? Phải chăng thiên nhiên hay có một đấng thần linh nào muốn gởi gắm thông điệp gì cho nhân loại. Không! Đó là tiếng chuông  “Vô Thường” cảnh tỉnh con người. Nó vang vọng trong kiếp người từ vô thỉ mà chẳng mấy ai lắng nghe. Dẫu có nghe thì cũng không đủ trí tuệ để tỉnh thức. Hơn 26 thế kỷ trước,  thái tử Tất Đạt Đa đã lắng nghe tiếng chuông đó. Trong một đêm tối, ngài đã vượt thành Ca tỳ La Vệ vào chốn thâm sơn, tìm đạo tu hành và Ngài đã chứng đạo, thành bậc giác ngộ hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.


 

    Ý thức vô thường:

    Dạo bốn cửa thành, thái tử nhìn thấy sự sinh, già, bệnh, chết, ngài tự hỏi lại chính mình “ ta rồi sẽ như thế ư?” “Vì sao lại như vậy?” Những giàu sang, phú quý, ngai vàng và cả phụ vương, vợ con, những người thân thương rồi thì cũng chịu chung cảnh vô thường và họ sẽ đi về đâu? Nhìn cảnh đớn đau của công chúa Da Du Đà La khi sinh La Hầu La, ngài nghĩ ngay đến mẹ là hoàng hậu MaYa năm xưa cũng đã hi sinh tính mạng để cho Ngài được có mặt trên cõi đời này. Sự khổ đau của sinh tử. Một nỗi niềm suy tư nhưng Phụ Vương Ngài, Người có cả thiên hạ nhưng không sao giúp được với sự đau khổ đó. Xin phụ vương “Làm sao cho con khoẻ mãi không đau? Làm sao cho con sống hoài không chết, và làm sao cho nhân loại hết khổ? Và rồi vua cha cũng phải bất lực. 

 

    Con đường đi tìm chân lý:

   Mang  trong mình nỗi u hoài cuộc sống, có phải tất cả những gì ta đang có rồi sẽ đưa đến hoại diệt. Trong đêm khuya thanh vắng, mọi người đang chìm sâu trong giấc ngủ, cảnh vật lặng im tắt lĩm đèn. Thái Tử đã nhìn mặt những người thân thương lần cuối rồi quyết định ra đi tìm chân lý cho cuộc đời, cứu khổ cho người thân cùng nhân loại. “Ngai vàng quyết tránh, tìm lối xuất gia”. Ngài sống ép xác khổ hạnh, nhịn ăn tuyệt thực. Ngâm mình dưới dòng sông băng lạnh nhưng vẫn không tìm ra đạo. Thái Tử đến bờ sông Ni Liên Thiền thả chiếc bát xuống sông “Ta nguyện đạt được giác ngộ, nếu lời nguyện thành sự  thật thì xin cho chiếc bát này trôi ngược dòng sông.” Và chiếc bát đã trôi ngược dòng nhằm nhắn nhủ chân lý phải đi ngược dòng thế gian. Làm sao từ một vị thái tử sống chưa một lần chịu khổ, nhưng ngài có thể cam chịu sự khổ hạnh tột cùng ? “Sáu năm khổ hạnh rừng già, bảy thất nghiêm tinh thiền toạ”. Và một sớm mai: “ Bồ đề thọ hạ hàng phục ma binh, dạ đỗ minh tinh đạo thành chánh giác”. Ngài đã tìm ra được chân lý, đó là nếp sống trung đạo, tránh hai cực đoan hành xác bản thân, cũng không sung sướng truỵ lạc. “Lạ thay, chúng sinh điều có Phật tánh nhưng lại làm cho nó u mê?” “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.” Ngài đã thấy kiếp nhân sinh là khổ, nguyên nhân gây khổ, sự diệt khổ, và con đường để giúp cho con người diệt khổ.



 

    Chúng ta ngày nay được thừa hưởng gia tài của Đức Phật để lại, đó chính là tấm bản đồ chỉ đường mà ngaì đã gian nan tìm cầu “Đường này đến sinh tử, đường này đến niết bàn, người có trí tuệ, phải ý thức rõ ràng.” Vậy chúng ta sẽ làm gì khi đứng trước những cơn đại dịch khủng hoảng của nhân loại ngày nay? Nếu 2,500 năm trước Thái Tử nhìn sâu vào hiện trạng sinh, lão, bệnh, tử mà sư thức vô thường. Cũng hình ảnh đó ngày nay, chúng ta có thể thấy được vô thường? Có tìm ra được nhân khổ và con đường để diệt khổ? Có phải chăng chúng ta đã quên lãng đi hay đang bận rộn với vật chất, danh vọng, tiền tài, mà không nghe được tiếng chuông “Vô thường” vẫn  mãi vang vọng. Trên thân ta sức khoẻ đang dần yếu hơn, người thân mỗi ngày một xa ta. Nhưng rồi chúng ta vẫn quên lãng và chạy theo vật chất và nền công nghệ đang hấp dẫn lôi cuốn. Chúng ta đã đáp ứng cho sự tham cầu bằng cách ủng hộ gián tiếp và vô tình tiếp tai  cho nạn phá rừng, xả rác, phung phí để làm hại thiên nhiên và môi trường sinh sống. Nếu ăn để sống chứ không phải sống để ăn thì mọi người sẽ không cần xa xỉ với những thứ tiện nghi không cần thiết. Chúng ta có thể trở về thực tập sâu sắc hơn về lời dạy của Đức Phật. Nếp sống bình dị, giản đơn và hoà hợp là rất cần thiết để xây dựng lại nền đạo đức và tương quan giữa môi trường và con người.

    Chúng ta hãy dung hoà lại nếp sống gia đình và thiết lập lại truyền thông với gia đình người thân để hiểu rõ bản thân mình hơn và giúp đỡ sẻ chia cho nhau. Điều cần thiết để sống trong nạn dịch Covid 19 này là giữ cho mình được bình an và vun đấp tình thương cho nhau.

    Những gì đang diễn ra hôm nay là minh chứng về thực chứng chân lý mà đức Phật đã  giác ngộ và  dạy lại cho con người.  Hãy cùng nhau thực tập bạn nhé.

   

    Florida, mùa Phật đản 2565 – 2021

 

 

    TNLH

 

Tin Tức Liên Quan