Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (Bài 3)

19/10/2022 9:24
Sau 01 giờ đồng hồ ngồi máy bay từ Praha, đoàn có mặt tại sân bay Amsterdam. Xuống máy bay, đoàn được chị Thu đón rồi đưa đi bằng tàu cao tốc, mất khoảng 2 giờ thì đến thành phố Zwolle - Hà Lan.

Chị Thu (thứ 2 trái sang) đón đoàn tại nhà ga cao tốc TP Zwolle

Ở đây không phải là ngôi chùa mà là tư gia cô Nguyên Tâm. Như thông lệ, đến mỗi nơi việc đầu tiên là đoàn thực hiện nghi thức dâng hương cúng Phật và gia tiên. Có một bàn thờ được đặt ngay tại phòng khách đó là bàn thờ chú Nguyên Hòa phu quân cô Nguyên Tâm, chú mất cách nay chưa đầy một năm. Sau khi dâng hương tưởng niệm, Thầy đã kể những kỷ niệm được chú lái xe chở Thầy dạo quanh khắp các phố phường Hà Lan. Có lần chú chở cô sang tận Đức nghe Thầy giảng rồi sau đó chở Thầy về. Các anh chị Phật tử thì đứng xung quanh bàn thờ nói chuyện với tấm hình như với người còn sống. Con đứng đằng sau nghe mà thấy kính quý chú. Con hình dung chú đã sống trọn một cuộc đời rất đáng sống. Chú đã ra đi trong nụ cười, để lại biết bao tiếc thương của những giọt nước mắt đồng hương. Xin gửi niệm an lành kính nguyện chú sinh về cõi Phật.

Thầy an ủi cô Nguyên Tâm trước ban thờ chú Nguyên Hoà

Thầy nói chuyện với một nhóm Phật tử tại nhà cô Nguyên Tâm

 Chiều hôm đó, dù chỉ hơn 30 Phật tử đến thính Pháp, điều con nể phục là Phật tử nơi này quá quý trọng Thầy và tôn kính Pháp. Có những Phật tử cách xa hàng trăm km đến nghe thầy giảng chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ rồi về mà họ vẫn hoan hỉ. Nhất là có hai anh người Hà Lan không biết ảnh có nghe, hiểu hết lời Thầy giảng không nhưng con thấy hai anh rất là thành tâm, luôn chắp tay thành kính trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và ngồi chăm chú lắng nghe Thầy chia sẻ pháp thoại. Con thầm kính mộ họ. 

 

Chia tay Zwolle - Hà Lan, tiếp tục cuộc hành trình đến Dusselodof - Đức Quốc. Chào đón Thầy và đoàn tại sân ga có cô An Phong, hai người con là chị An Sa, anh An Đức, anh Minh và một số Phật tử. 

Phật tử Duseldorf đón Thầy và đoàn tại nhà ga

Một bài học lớn cho con được lập lại ở nơi này là sự trọng tình của Thầy đối với các Phật tử lão thành. Dầu ngồi tàu mấy tiếng, Thầy không về nhà nghỉ liền mà yêu cầu Phật tử đưa Thầy đến thăm hai vợ chồng bác Quán Chiếu và bác gái Nguyên Hải đang ở viện dưỡng lão. Ông ở tuổi 86 còn bà thì 80. Chị Nhung con của hai bác chờ sẵn bên ngoài, cổng vừa mở ra thì thấy ông cụ đã đẩy bà cụ ngồi trên chiếc xe lăn ra tới tận sân để đón Thầy. Thấy Thầy, bà đang ngồi trên xe lăn dang rộng hai tay với hai tiếng “Thầy ơi…”. Thầy thì đi vội đến ôm lấy bà. Con ngồi chiếc xe thứ hai đến muộn khoảng hơn một phút chứng kiến tình thương của một vị Thầy và ông bà lão ở độ tuổi cận địa viễn thiên mà lòng bùi ngùi xúc động khôn nguôi. Sau đó Thầy tự tay đẩy xe lăn, đưa bà vào đến tận phòng bà rồi phòng của ông. Trong phòng có bàn thờ Phật và gia tiên, Thầy thắp hương cầu nguyện.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại phòng của bà Nguyên Hải  ở Viện dưỡng lão

Tối hôm đó cả ông bà và các con đều quây quần bên Thầy bày tỏ đạo tình sau bao năm xa cách. Đêm về khuya, cả nhà ra về, riêng ông ở lại ngủ với thầy. Con cảm nhận tình thầy trò của gia đình này với Thầy thật là thiêng liêng khó sánh. 

 

Con quí ông ở chỗ, tuổi đã 86 nhưng trông còn khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn. Ông vừa là người tổ chức cho buổi pháp thoại của Thầy, đồng thời vừa phải chăm sóc bà. Tất nhiên là các con chăm sóc mẹ rất tốt nhưng dường như ông không yên tâm nên lúc nào cũng sát cánh bên bà từng miếng ăn, viên thuốc. Bà có nụ cười rất hiền từ, nhân hậu, lời nói nhẹ nhàng. Chỉ mới gặp lần đầu nhưng cảm thấy rất gần gũi, nhìn hình ảnh ông đẩy chiếc xe lăn cho bà trong viện dưỡng lão, nhìn các anh chị chăm sóc cho bà từng miếng cơm, ngụm nước, thay tả, từng li từng tí chúng con thật sự cảm động. Con thầm nghĩ, ở phương Tây này ít khi có được những hình ảnh mà cả gia đình anh, chị, em đều rất thương quý nhau và chăm sóc cho bà thật chu đáo đến thế. Những hình ảnh đó như bài pháp nhắc nhỡ chúng con về sự hiếu thảo, như Thầy thường dạy chỗ nào không có Phật thì ba mẹ là Phật của mình để phụng thờ. Ngẫm đến bà, con lại nhớ đến lời Thầy hay nhắc nhỡ chúng con đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ già, sẽ bệnh. Vậy nên hãy chuẩn bị hành trang gì cho cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

 

Hôm đoàn đi thăm Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) , con xúc động khi thấy bà tuy ngồi trên xe lăn vẫn xuống xe cố gắng nâng từng bước chân lên cầu thang để lên thiền đường đảnh lễ Phật và Sư ông khai sơn. Con hỏi bà có mệt không? Bà nói hôm nay hạnh phúc lắm con à. Bà rất tinh tấn, tham gia đầy đủ tất cả các thời khoá, dùng cơm chánh niệm, nghe chia sẻ Pháp đàm. 

Tình thương ông bà dành cho nhau làm chúng con thật tàm quí. Nó như bài học sách tấn chúng con phải cố gắng tinh tấn thực hành lời Phật dạy về tình thương yêu. Cuộc sống vô thường, già bệnh là điều không ai tránh khỏi. Sống với tinh thần lạc quan, biết chăm sóc nhau như ông bà sẽ thấy cuộc đời đẹp biết bao. Không tránh né sự thật, ông bà đã mỉm cười với cái già, cái bệnh và sống với chính nó, sống với hiện tại, thực tập chuyển hoá, kham nhẫn để vượt qua các khó khăn. Con hình dung ông bà đang tận hưởng vẻ tươi đẹp của đời và tận hưởng hoa trái của tình thương yêu.

Lễ Phật ở EIAB -  Ông luôn sát cánh bên bà

Ngôi trên chiếc xe thứ hai gồm chị Diệu Vân, em An Huệ và con, người lái là chị An Sa. Trên xe mấy chị em giao lưu, rồi quen dần và trở nên quý mến nhau. Con bất ngờ khi câu chuyện cứ mở ra dần và được biết mẹ chị An Sa - cô An Phong - lại là bạn học từ nhỏ với cô Hồ Thị An - Liên An, trong khi cô Liên An lại là người bạn vong niên kính quí của con. Đúng là trái đất còn nhỏ, nhân duyên không thể nghĩ bàn. Con thật hạnh phúc. Cho đến khi Thầy và đoàn rời Dusselodof với hơn 20 vị đưa ra sân bay thì cả hai ông bà cũng đều có mặt. Con cảm động vô cùng. 

 

Không chỉ có ông bà Quán Chiếu - Nguyên Hải ở Đức mà nhiều cụ ở khắp mọi nơi đều mong Thầy. Hôm sang Pháp, đến thăm nhà cô Diệu Hạnh, cô nói đối diện nhà cô có đôi vợ chồng già đã ngoài 80 là bác Quang Kiệt và bác gái là Hạnh, cả hai cứ ngóng trông từng ngày để được gặp Thầy. Cụ Quảng Lan thì đã 92 không thể đi được nữa, còn cụ Diệu Quả thì tuổi đã 96, con cụ (chị Diệu Nhân) cho biết cụ muốn gặp thầy ở chùa Tịnh Tâm nên chị sẽ chở mẹ đến nghe Thầy giảng.

Cụ Diệu Quả (96 tuổi) chụp ảnh kỷ niệm cùng Thầy tại chùa Tịnh Tâm

Ở Pháp, chúng con đến chùa Tịnh Tâm đảnh lễ Hoà thượng trụ trì. Tình cảnh diễn ra thật cảm động. Hoà thượng bị bệnh không phải lúc nào cũng tỉnh, vậy mà hôm đó Hoà thượng rất tỉnh ngồi đợi thật lâu, chúng con được ngồi chơi với Hoà thượng tầm 30 phút. 

Cô Diệu Hạnh cho biết Hoà thượng là cháu của Sư ông Trí Tịnh chùa Vạn Đức - Thủ Đức. Cô có dáng người nhỏ nhắn, rất giỏi, sống bên Pháp hơn 40 năm, ở một mình. Cô là Phật tử tín tâm và là người quán xuyến các công việc chùa Tịnh Tâm. Một tuần cô làm công quả, phụ hậu cần, sắp xếp công việc văn thư của chùa ... hết 5 ngày, chỉ về nhà nghỉ ngơi làm việc nhà 2 ngày. Tuổi đã 70 ngoài nhưng mỗi ngày cô phải đi xe ra phố, sau đó đi bộ tầm 10 phút, rồi ngồi tàu lửa hơn một tiếng mới đến chùa. Cô phụng sự Tam Bảo Tịnh Tâm  đến nay đã mấy mươi năm, con thật kính mộ tấm lòng của cô. Thầy sang lần này, cô xin Thầy được xuống tóc để báo ân hiếu nghĩa, hướng tâm về mẹ đã hơn 92 tuổi đang lâm bệnh tại Việt Nam. Tại Tịnh Tâm chúng con có hữu duyên gặp lại chị Diệu Phụng đã từng quen biết nhau, chị em mừng khôn xiết.

Hoà thượng ngồi giữa, cô Diệu Hạnh (áo vàng sọc trắng) và chị Diệu Phụng (áo khoát đen)

 Có một cụ bà nữa là cụ Võ Thị Nữ, PD Diệu Nghiêm, tuổi đã 82 và chồng là bác Minh Phước sống ở Toulouse cách Paris hơn 800 km. Hàng năm khi Thầy sang vợ chồng đều đáp chuyến bay đến gặp Thầy. Năm rồi bác Minh Phước bệnh rồi mất, bác gái thì yếu nên năm nay không đi Tịnh Tâm được. Bác nhờ Thầy gửi cho bác vài chục tấm ngọc bội, thế là Thầy giao cho con chịu trách nhiệm lo quà tặng cho bà. Nhờ vậy mà con được trò chuyện trực tiếp với bác Diệu Nghiêm. Từ tấm ngọc bội con mới được biết thêm câu một chuyện ý nghĩa mà cảm động làm sao.

Bác Diệu Nghiêm và bác Minh Phúc (áo xanh- đã mất) bên thầy năm 2018

Bác Diệu Nghiêm có gần 30 chục bà bạn già người Pháp và bác đã khuyên các cụ mỗi ngày phải niệm “A Di Đà Phật”. Ai niệm được sẽ có quà tặng từ một cao tăng ở Việt Nam gửi sang. Thế là các bà ai cũng niệm. Là người Pháp nên họ chỉ niệm lơ lớ thôi, nhưng khiến bác Diệu Nghiêm rất vui. Bác giục con “Gửi sớm đi LM ơi, các cụ già hết rồi, thời gian không còn nhiều đâu”. Mặc dù con đã mang theo chuyến đi này và đã gửi bưu điện nhưng quà chưa tới. May quá, em An Huệ nói Giác Minh vẫn còn, thế là hai chị em tranh thủ đi gửi tốc hành, mong quà tặng đến với bác sớm nhất. Hôm sau, con nhận một tin buồn, nhóm bạn già của cô đã mất một người mà họ vẫn chưa nhận được quà. Con nghe mà lặng cả người, ngồi khép đôi mắt lại thầm niệm Đức Phật cầu cho cụ được sinh về cảnh giới an lành dẫu còn chưa một lần gặp mặt.


Tình người gắn bó, tình đạo thâm giao, nhất là những cụ già trân quý Tam Bảo như hơi thở, gắn kết tình người như cháo cơm. Được học pháp, được tiếp xúc với đồng hương, đồng đạo xa xứ con học được nhiều bài học vô giá.

Xin nguyện khắc ghi. (còn nữa)


Lệ Mai 

 

Tin Tức Liên Quan