Noi gương Đức Phật báo hiếu song đường

29/08/2023 12:41
Đức Thế Tôn sau khi thành tựu Thánh quả Chánh đẳng Chánh giác, trong mùa an cư thứ hai Ngài đã trở về hoàng cung thăm viếng, chia sẻ phương pháp tu tập đến với Vua Cha, Di Mẫu cũng như tất cả quần thần. Nhờ vào sự thực tập giáo pháp Đức Thế Tôn chỉ dạy, Đức vua Tịnh Phạn đã đặt những bước chân đâu tiên của mình vào dòng Thánh. Vào mùa an cư thứ năm, vua cha thuận vô thường – từ bỏ báo thân, Đức Phật đã có mặt cho vua cha vào những giờ phút quan trọng nhất cuộc đời, ngài đã khai thị cho vua cha về lý vô thường cũng như nói lên những công hạnh mà Ngài đã thành tựu. Nhờ vậy mà Đức Vu Tịnh Phạn đã chứng quả thánh trước lúc lâm chung.


   Đối với Thánh mẫu Maya, sau 7 ngày hạ sanh thái tử, mẫu hậu mãn phần;  vì lòng hiếu kính mà Ngài cũng đã lên tận cỏi trời Đâu Suất để thuyết Vi Diệu Pháp độ mẹ. Còn Di mẫu Kiều Đàm, tuy không có công hạ sinh, nhưng lại có công rất lớn trong việc nuôi dưỡng từ khi Đức Phật còn bé cho đến lúc trưởng thành, ngài đã hóa độ Di mẫu bằng cách cho Người gia nhập vào Tăng đoàn, trải qua quá trình tu tập Di Mẫu cũng đã thành tựu quả Thánh quả Alahan.

 

   Chúng con tin chắc rằng, Đức Phật là một người con chí hiếu – là một người con đại hiếu trên thế gian này. Rời xa gia đình tầm đạo, nhưng Đức Phật không quên các đấng sanh thành, Ngài đã báo hiếu cha mẹ bằng chính giáo pháp và sự hi sinh của mình – không có gì cao quý hơn là việc cứu độ cha mẹ thoát khỏi sinh tử luân hồi. Trong kinh điển, chúng con thấy Thế Tôn luôn đề cao chữ hiếu, chính vì vậy có thể nói Đạo Phật là đạo hiếu. Ngang qua Kinh sách, chúng con cũng thấy được rằng, những vị đại đệ tử Phật nổi bậc chí hiếu như tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên… Bắt nguồn từ ý nghĩa cao đẹp đó, trải dài qua hàng ngàn năm lịch sử - Vu Lan Báo Hiếu đã trở thành Đại lễ truyền thống vào ngày rằm tháng 7 hằng năm.

 

   Trong Kinh Tăng nhất A-hàm Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng Chánh pháp cần phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo. Khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí nếu cha mẹ xan tham. Khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện nếu cha mẹ theo điều ác. Khuyến khích cha mẹ trở về với Chánh Kiến, nếu cha mẹ theo tà kiến. Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với Chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai.”

 


   Là một người con Phật, chúng con ý thức rằng tự thân chúng con cần phải tu tập và chuyển hóa như thế nào để có thể vừa tu cho bản thân con mà còn tu cho cả gia đình huyết thống. Cha mẹ là những người có trọng trách giáo dưỡng chúng con trong hiện tại, chúng con là những người có trọng trách đem theo những hạt giống tốt lành của ông bà cha mẹ đi về tương lai. Ngang qua sự thực tập quán chiếu, chúng con thấy được sự liên hệ sâu sắc giữa chúng con với ông bà cha mẹ. Sự liên hệ này không phải những ràng buộc bởi vật chất danh vọng thế gian mà là sự liên hệ trong từng hơi thở tâm linh và trong từng kiếp sống. Con có thể là một đứa trẻ không cha, con có thể là một đứa trẻ không mẹ, con cũng có thể là một đứa trẻ không mẹ lẫn cha. Điều này tuy có đau thương nhưng chưa là bất hạnh – bất hạnh là khi chúng con trở thành một kẻ vô tâm, chỉ biết sống trong hận thù hay tự mãn mà không nhớ đến cội, đến nguồn – không thừa nhận tổ, nhận tông.  

 

Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn

 

   Đã là con người thì chúng con không thể nào - không có tông, có tổ. Đã là con Phật thì chúng con không thể nào không thực tập báo hiếu mẹ cha. Năm tháng trôi qua, những vết vô thường đã hằng sâu trên đôi mi của mẹ. Những vết vô thường cũng đã rút cạn dần sức sống của cha. Rồi sẽ có một ngày, con hỏi mẹ cha đâu? Và nếu nhìn thật sâu thì mẹ cha luôn có trong con ngang qua từng hơi thở, ngang qua từng tế bào đang sinh diệt - từng phút từng giây.

 

Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con

 

   Chúng con ý thức được rằng sự liên hệ giữa cha mẹ và con cháu cũng giống như một cây xanh có cùng lá, cùng cành. Cây xanh được chăm bón tốn thì nãy nở sinh sôi, đem bóng mát cho đời. Cây xanh mà thiếu điều kiện phát triển thì khó lòng nâng đỡ sự sống của những cành, những lá trên cây. Chúng con là những chiếc lá, cành cây được cha mẹ cưu mang dưỡng nuôi bằng bộ rễ ăn sâu vào lòng đất. Bổn phận của chiếc lá cành cây - chúng con cũng phải quang hợp để nuôi dưỡng cha mẹ, con cháu và cội nguồn của tất cả chúng ta.

 

   Gia đình huyết thống đã cho con sự sống, hình hài. Gia đình tâm linh đã chỉ cho con thấy được đâu là tình yêu thương đích thực – đâu là tối thượng trong việc báo hiếu song thân. Dù giờ đây, chúng con có là ông này – bà nọ, có là chủ là tớ, hoặc có là ai trong xã hội này, thì chúng con vẫn là con của cha và mẹ. Dù có thấy hoặc có thừa nhận hay không thì chúng con cũng không thể chói cải sự thật rằng ‘con người có tổ có tông’. Phước lắm thay, khi được trở thành một người con Phật – trở thành một người con sống tỉnh thức, để chúng con biết cách sống thiện lành, yêu thương, phụng dưỡng, đền đáp công ơn cha mẹ - tiên tổ của mình một cách đúng nghĩa hơn. Chúng con ý thức được rằng:

 

Được cung phụng mẹ cha

Yêu thương gia đình mình

Được hành nghề thích hợp

Là phước đức lớn nhất

 

Trung Tuệ

Tin Tức Liên Quan