Bước chân của Thầy - Nụ cười của con

20/12/2023 8:31
Đền ơn Tam Bảo, truyền trì giáo pháp, phụng sự chúng sinh là chí nguyện người tu. Từ buổi đầu, vùng tuyết trắng thông xanh này, hình ảnh người tu thật hiếm, câu “Nam Mô Phật” còn chưa thốt ra được với những người chưa đủ duyên. Vậy mà hôm nay, những hạt giống thiện lành ấy đã đâm chồi nảy lộc ở chốn này. Có được vậy là nhờ công hạnh của thầy miệt mài suốt những tháng năm.

      Bước chân Thầy vân du khắp chốn, đến mỗi nơi làm tỉnh thức bao người khiến chúng con lòng thêm ngưỡng mộ, tôn kính. Con thấy mỗi bước chân ấy có dấu ấn của từ bi, có sự thanh thoát, toát ra đạo lực vững vàng. Có những lúc ngây ngô tự hỏi: Sao Thầy mình đi giảng liên tục mà pháp luôn mới, bao năm thuyết giáo mà nghĩa lý không trùng, còn mình nói vài câu đã hết vốn, buộc phải… lặp đi lặp lại(?). Rồi nghiệm ra, vì thầy giàu có giáo pháp. Pháp học thầy dư dã, pháp hành thầy dụng tâm trau dồi nên pháp giảng thầy phong phú. Giáo pháp được tuyên dương phải gia tâm rèn luyện, ôn tầm bối diệp để pháp hiện hữu trong lòng, từ đó mới lưu nhuận mà thăng hoa khi giảng nói, như tổ Linh Hựu dạy: Giáo lý chưa từng để lòng thì đạo huyền do đâu khế ngộ (Giáo lý vị thường thố hoài, huyền đạo vô nhân khế ngộ).




      Con sang đây hành đạo ở châu Âu này bắt đầu từ năm ngoái, duyên thuận duyên nghịch đều có, đối mặt với bất toại nguyện là chuyện dễ xảy ra. Nhưng con luôn lấy khó khăn làm pháp tu, xem nó như phép thử để hun đúc bản nguyện cho tâm phụng sự được giữ vững. Con luôn nhận thức rằng, khi nào trái tim Phật còn thắp sáng, lòng biết ơn Tam Bảo vẫn tròn đầy thì mọi thử thách đều có thể vượt qua. Cây đứng được là nhờ gốc rễ, dù bão giông cũng không dễ chuyển lay. Tâm vững chãi là nhờ chí nguyện, dù khó khăn vẫn nhất hướng bước qua. Đường đời gian nan khúc khuỷu, nẻo đạo trắc trở cũng không vừa. Đừng chùn lòng vì đường khó, nẻo quanh mà phải tự hỏi đôi chân ta có đủ vững để bước qua (?). Nếu kiên chí bền lòng, vững chãi đạo tâm thì dạo chơi trên dòng phiền não, vượt tuyết si mê là khả dĩ. Thầy hay nhắc nhở phải đón nhận các pháp như thật, như nó đang là mà không bám víu không không đối kháng. Tất cả mọi biểu hiện trong đời sống đều là pháp tu, thấy được pháp sẽ thấy được Như Lai. Đây như câu thiền ngữ cốt lõi cho con nương tựa, mỗi khi tâm lao xao máy động trước tám ngọn gió đời.




      Nghe mấy cô chú kể lại những ngày đầu mới sang, Thầy lấy nhà trọ làm chùa, lấy sạp bán hàng làm pháp tòa; chuyện cơm nước thì lúc ở trên xe khi ngoài quầy quán, Phật tử chỉ một vài chục người, theo đó là vô số chướng duyên. Giờ thì, chùa đã có nhiều, tăng, ni không thiếu, người biết đến đạo có tới con số vạn, thế mà thầy vẫn trung kiên một lòng vì đạo pháp, vì cộng đồng.

      Ngẫm lại, thấy mình nếm trải sự khắc nghiệt trên con đường phụng sự chẳng là bao mà có lúc đã thấy mỏi mệt. Nghĩ đến công hạnh của thầy con bỗng lấy lại nghị lực và nguyện nỗ lực theo bước chân thầy.

Tuệ Khai

Tin Tức Liên Quan