Ngày vía bồ tát Quán Thế Âm xuất gia: 'Cảm thông sẽ trút bỏ được phiền muộn'

3/11/2023 2:16
Ngày 19.9 âm lịch hôm nay là ngày vía bồ tát Quán Thế Âm xuất gia. Bồ tát Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, phát đại nguyện thực hiện từ bi cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh.

Hình ảnh bồ tát Quán Thế Âm không còn xa lạ gì với phật tử và những người mến mộ đạo Phật. Bồ tát Quán Thế Âm quen thuộc với Phật giáo Á đông, các nước Phật giáo đại thừa nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

 

Bồ tát Quán Thế Âm là ai?

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, viện chủ tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM) cho biết ở Việt Nam, dường như chùa nào cũng có thờ bồ tát Quán Thế Âm. Một số chùa thờ Quán Thế Âm ở khu vực sân để phật tử đi qua đi lại chiêm bái, lễ lạy, cầu nguyện.

 

Tượng bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Xá Lợi (Q.3)

Điển hình chúng ta có thể thấy ở chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3), bồ tát Quán Thế Âm được thờ ở ngoài, nhiều người trên đường đi làm ngang qua thường dừng chân lễ lạy. Chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) cũng có khu vực thờ Quán Thế Âm ở ngay giữa sân lớn, nhiều người đi chùa dừng trước tượng ngài cầu nguyện, phóng sinh.

 

Còn ở tu viện Khánh An, ngoài tượng bồ tát Quán Thế Âm ở khu vực trước, người đến chùa còn có thể thấy tượng bồ tát ở phía sau, bức tượng được thầy Trí Chơn giới thiệu với Phật tử là bồ tát Quán Tự Tự.

 

"Tượng bồ tát Quán Thế Âm hầu như các chùa có một mặc định bồ tát Quán Thế Âm đứng một tay cầm nhành dương liễu, một tay cầm bình cam lộ rưới xuống thế gian, hình ảnh đó gọi là Quan Âm cứu khổ. Bức tượng ở phía sau tu viện Khánh An bồ tát ngồi tâm thế tự tại, thảnh thơi nên gọi là bồ tát Quán Tự Tại. Như vậy, bồ tát Quán Thế Âm cũng chính là Quán Tự Tại", thượng tọa Trí Chơn giải thích.

 

Tượng bồ tát Quán Tự Tại ở tu viện Khánh An

Bồ tát Quán Thế Âm luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ từ chúng sinh. Ngài mang lòng từ bi, nhân ái, vị tha để cứu tất cả mọi người. Vì vậy, đến ngày này, các chùa thường có buổi lễ, sau đó là bài giảng pháp của những người xuất gia để nhắc nhở mọi người phải biết yêu thương bản thân và mọi người xung quanh.

 

Thượng tọa giải thích, Quán Thế Âm là quán chiếu, lắng nghe tiếng kêu thầm kín, thiết tha từ sâu trong tâm khảm chúng sanh ở thế gian để thị hiện cứu khổ. Ngài đến để đem an lạc, từ bi tâm vô lượng ban rãi cho mọi loài. Ngài như người mẹ hiền với lòng thương yêu vô bờ bến và có đầy đủ năng lực, luôn dang rộng vòng tay để đón lấy những người con thương yêu đang lúc bất hạnh khổ đau, lầm đường lạc lối. Nơi nào trong khắp mười phương thế giới có tiếng đau khổ kêu cầu thì ngài liền ứng hiện cứu giúp.

 

Tượng bồ tát Quán Thế Âm ở các chùa thường gặp là tượng ngài đứng cầm bình cam lộ rưới xuống thế gian, hình ảnh đó gọi là Quan Âm cứu khổ

"Tự tại là thong dong, thảnh thơi, tự do, không trói buộc. Nhìn hình tượng bồ tát cũng là bài học để mỗi người thực tập theo hạnh nguyện của bồ tát, thân tự tại như bồ tát tự tại và tâm thảnh thơi như bồ tát thảnh thơi. Sống thảnh thơi, tự tại an nhiên thì nơi đó ta có bình yên, hạnh phúc, ở nơi đó bồ tát luôn có mặt bên chúng ta", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.

 

Hằng năm phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía bồ tát Quán Thế Âm trong các ngày âm lịch 19.2, 19.6 và 19.9 (đều vào âm lịch). Trong đó:

 

Ngày 19.2 là ngày vía Quán Thế Âm đản sanh

Ngày 19.6 ngày là vía Quán Thế Âm thành đạo

Ngày 19.9 là ngày vía Quán Thế Âm xuất gia

 

"Trị liệu" phiền muộn, khổ đau thế nào?

Theo viện chủ tu viện Khánh An, sống ở trên cuộc đời này, mỗi người dù hoàn cảnh khác giàu - nghèo, già - trẻ… đều có những nỗi khổ riêng. Ngày Đức Phật vừa chứng đạo quả, ngài đã nói dù bạn là ai, bạn sống ở nơi nào thì khổ là chất liệu không thể thiếu ở mỗi chúng ta, bản chất của cuộc đời là khổ.


Người dân đi lễ bái tượng bồ tát Quán Thế Âm sáng 19.9 âm lịch tại chùa Xá Lợi

Ngài cũng chỉ ra nguyên nhân khổ, hướng dẫn cho mọi người con đường thực tập đến chấm dứt khổ đó. Vậy chúng ta phải "trị liệu" những nỗi khổ này thế nào?

 

Thượng tọa Trí Chơn cho rằng, mỗi người cần có cái nhìn tích cực, thuận theo quy luật của cuộc sống. "Chúng ta nên có cách nhìn tích cực trong cuộc đời, hãy nghĩ rằng bạn có thể nhìn ánh sáng ở cuối đường khi mình bước qua bóng tối, khúc đường quanh co. Khi thấy cuộc đời bế tắc, đen tối, thấy không còn lối đi nữa… đó là do bạn, chứ không phải do cuộc đời. Chuyện gì cũng có giải pháp. Chúng ta nên sống tích cực, bản lĩnh để biết nhìn nhận thực tế và vượt qua. Chỉ cần dừng lại nhìn xuống là bạn sẽ thấy còn nhiều người khổ hơn mình. Từ bi hỷ xả là 4 viên thuốc bồ tát Quán Thế Âm cho mình để vượt qua những điều phiền muộn này", vị thượng tọa nói.

 

Phật tử tu viện Khánh An sau buổi lễ ngày vía bồ tát

Do đó, viện chủ tu viện Khánh An cho rằng, mỗi người cần lắng nghe bằng chính tiếng nói của trái tim mình, bằng tất cả lòng chân thành, cảm thông và thấu hiểu sẽ giúp trút bỏ được những phiền muộn, lo âu.

 

"Xã hội hiện đại đã khiến con người tự cô lập mình thành những ốc đảo, dù chúng ta có thể kết nối, liên lạc khắp mọi nơi trên thế giới thế nhưng sự cô đơn và bế tắc trong tâm hồn con người ngày càng gia tăng. Vì thế, thực tập hạnh lắng nghe có thể chuyển hóa và trị liệu những "căn bệnh" này, giúp con người xích lại gần nhau, hiểu và thương nhau hơn. Đó cũng chính là giọt nước cam lồ mà bồ tát Quán Thế Âm muốn ban rải cho tất cả muôn loài", thượng tọa Trí Chơn chia sẻ.

 

Vũ Phượng/ Báo Thanh Niên

Tin Tức Liên Quan