Chuyến Hành Hương Về Đất Bắc

18/10/2023 10:08
Đã về lại Sài Gòn và làm việc được hơn mười ngày nay, nhưng ấn tượng về chuyến hành hương xứ Bắc vẫn còn in đậm trong con như mới ngày hôm qua.


Đây là chuyến đi ý nghĩa mang nhiều dấu ấn kỉ niệm nhất đối với cá nhân con nói riêng và huynh đệ Khánh An nói chung. 

 

Một nhóm huynh đệ có đủ tỳ kheo, sa di và cả tập sự xuất gia mang theo chuyến đi nghĩa tình đầm  ấm, không khí trong đoàn thân mật thấm đẫm tình đệ huynh. Nghĩa tình nayf đã nuôi dưỡng huynh đệ chúng con không cảm thấy mệt mỏi khi phải di chuyển bằng xe trên những chặng đường rất dài trong suốt chuyến đi.

 

Đặt chân xuống sân bay Thọ xuân - Thanh hóa, cảnh vật và con người của đất Bắc đã thực sự cho chúng con cảm giác sảng khoái lạ thường. Một không khí thu man mác với cảnh vật hữu tình, cảnh quang sinh động của thiên nhiên, dấu  tích của một vùng đất anh hùng đã run lên trong con nhiều cung bậc cảm xúc.

 

Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số cả nước. Đây là một trong những vùng đất sinh sống đầu tiên của người Việt cổ. Trên chuyến xe để trở về chùa cổ Khánh An - Thiên vương, được bác tài xế tên Thương Trọng, người địa phương đã kể khá rành mạch về tiểu sử chùa. Chùa Thiên Vương hay còn gọi là chùa Rú thuộc địa phận xã Quang Lộc,  Hậu Lộc, Thanh Hóa. Trước kia là xã Tây Sơn thuộc tổng Liên Cừ, sau đổi thành xã Quang Lộc với 8 làng, trong đó có một làng gọi là làng Rú. 

 

Chùa Thiên Vương được xây dựng từ thế kỷ X. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Chùa đã bị tàn phá qua thời gian, không còn giữ được kiến trúc cũ chỉ là gian nhà nhỏ làm chùa và nhà tiền chế khoảng 200 m mới vừa dựng không lâu. 

 


Đón tiếp chúng con là Thầy Trung Bằng, phó Trụ trì chùa cùng rất đông bà con phật tử đã chờ sẵn. Trong không khí ấm áp, chúng con như được trở về nhà, về ngôi chùa mà chính Thầy  chúng con làm trụ trì hơn 1 năm nay. Tại nơi đây, đoàn được bố trí chỗ ở, sinh hoạt, ăn uống thật chu đáo.

 

Buối chiều, mỗi người trên tay cầm chiếc nón lá đi thưởng thức gió biển, bãi  Sầm Sơn vốn nổi tiếng đất Thanh. Chúng  con được tắm mình trong dòng nước mát, nặng tình của biển, hữu tình và lãng mạn.

 


Sau giờ cơm tối, đại chúng lễ Phật, tụng kinh và sinh hoạt đạo pháp cùng với bà con Phật tử, dưới sự điều phối của hai sư huynh  Trung Bằng và Trung Thắng… trong không khí ấm cúng.

Sau một ngày đêm sinh hoạt ở Khánh An- Thiên Vương, chúng con tạm biệt chùa, chia tay sư huynh  Trung Bằng và bà con Phật tử, dẫu thời gian ở đây không lâu,  phút chia tay vẫn khiến  lòng xốn xan bịn rịn với những lời chúc tụng, hứa hẹn chân thành và cảm động.

 

Rời Thiên Vương- Thanh Hóa bon bon đến Tràng An - Bái Đính, Ninh Bình.

Tràng An non nước cố đô

Dòng sông huyền ảo xa mờ phiêu linh

Núi non hồ nước hữu tình

Động thiêng thạch nhũ hiện hình Như Lai.

 

Những hình ảnh ''đáy nước in trời'', những chùa chiền thanh tịch nhuốm màu thời gian ở Ninh Bình mỗi ngày lại hiện ra trước mắt, nơi hội tụ của tinh hoa đất trời!

 

Chúng con đến Tràng An khi cảnh quang buổi sáng mới bắt đầu, vẻ đẹp Tràng An tôn lên một bức tranh đẹp của vùng ''vịnh Hạ Long trên cạn''. Tràng An không chỉ đẹp ở phong cảnh thiên nhiên và bề dày lịch sử mà còn độc đáo và ấn tượng bởi cách là chèo thuyền qua những ngọn núi đá vôi cao sừng sững và len lỏi ở những hang động trong lòng núi đá. 

 


Mái chèo bắt đầu đẩy thuyền dần trôi theo con nước uốn lượn ôm lấy những dãy núi đá vôi. Mỗi hang có một vẻ đẹp riêng, huyền bí và cuốn hút. Có hang tối om và trần hang thấp tới mức ngồi trên thuyền phải cúi người để không đụng đầu. Có những hang đã có điện, soi rõ những thạch nhũ lung linh thả xuống vòm hang. Điều thú vị ở những hang động tại Tràng An là mỗi khi thuyền ra khỏi cửa hang như đưa ta vào một thế giới khác với một bức tranh thiên nhiên khác, khiến ta chỉ có thể trầm trồ thán phục bàn tay nhào nặn của đất trời thiên nhiên.

 

Chùa Bái Đính, ngôi Chùa nằm trên dãy núi Tràng An vốn có lịch sử hơn 1000 năm. Theo chị hướng dẫn viên, ''Bái'' có nghĩa là lễ bái, còn “Đính'' nghĩa là đỉnh. Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Phật thánh ở trên cao. Quần thể chùa Bái Đính tọa lạc trên sườn núi, nằm ẩn mình giữa núi rừng xanh, được quy hoạch và xây dựng theo một tổng thể thống nhất theo kiến trúc phương đông, tạo nên sự đồ sộ khiến bất kỳ vị khách nào ghé thăm cũng phải trầm trồ.

 


Chùa Bái Đính non cao mây biếc

Làn sương trôi quyện tiếng chuông ngân

Gập ghềnh cao thấp bước chân

Cửa từ bi mãi non ngần cõi trong…

 

Các công trình ở chùa Bái Đính- nơi nào cũng đẹp và cổ kính, ấn tượng nhất với tòa bảo tháp  cao 100m. Đây chính là nơi trưng bày xá lợi Phật được thỉnh về từ Ấn Độ và cũng là nơi có thể ngắm trọn vẹn quần thể chùa Bái Đính từ trên cao. Chùa Bái Đính hiện ra như thực như mơ, huyền diệu khắp không gian. Mái chùa cong cong màu nâu sẫm, tiếng chuông ngân vang, tiếng kinh kệ, mùi của núi rừng, mùi của nhang thơm… tất cả như hòa nguyện vào nhau tạo nên một vẻ đẹp bình yên khiến người ta cảm thấy tĩnh tâm lại sau những xô bồ của cuộc mưu sinh. Huynh đệ chúng con thật hạnh phúc khi được có nhau trong cảm giác thú vị này.

 

Chia tay Ninh Bình, đoàn tiếp tục hành trình về Yên Tử, đoàn được nghỉ tại làng Nương - dưới chân núi.

 

Theo một trợ duyên lớn, ngay sáng hôm sau, được ăn uống đủ đầy và chuẩn bị mọi thứ cần thiết, chúng con được cơ hội trở về Yên Tử – vùng đất tổ linh thiêng của Phật giáo Việt Nam.

Trúc mọc đầy rừng, măng nhọn hoắt,

Gió lao xao, lá phơ phất đầu ghềnh

Dốc dựng đứng chênh vênh ngang vách núi,

Tiếng người hoà tiếng trúc hoá câu Kinh.

 



Núi thiêng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên – Mông. Sau khi chiến thắng, đức vua đã từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trở về Yên Tử, là trở về nơi đất Tổ, Người tu chúng con tìm được sự thanh tịnh và thả hồn vào một không gian phù vân đậm chất thiền – Yên Tử không chỉ là trung tâm Phật giáo quan trọng, đánh dấu sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm, mà còn là chiếc nôi của văn hóa, lịch sử, tâm linh người Việt, là một danh lam thắng cảnh thiêng liêng, một địa linh cho mọi người chiêm bái.


Ngày cuối của hành trình, điểm đến của đoàn là vịnh Hạ long. Vịnh Hạ Long được công nhận là một trong mười Vịnh biển đẹp nhất thế giới. Nơi đây là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa không gian rộng lớn của bầu trời, cái mênh mang, bao la của sông nước là phông nền cho hàng nghìn đảo đá tạo nên một chấm phá nghệ thuật tuyệt diệu. Một rừng đảo đá với những hình thù khác nhau như có bàn tay sắp đặt cố tình của tạo hoá khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn của con người.

Kết thúc chuyến hành hương, mọi người trở về với bao vương vấn không nỡ rời xa vì chưa bao giờ là đủ cho một giấc mơ tâm linh thanh thiết. Hình ảnh gốc tùng ngàn năm đã chết vẫn đứng sững giữa trời giữa núi Yên Tử, ngàn năm tưởng chừng như vĩnh cửu khi bao thế hệ người đến và đi mà nó vẫn còn đó, thế nhưng quy luật “không có gì là vĩnh cửu” vẫn mãi là vĩnh cửu. Chúng ta còn ham muốn gì để trong cuộc đời ngắn ngủi này vùi trong khổ đau, và còn kịp nhận ra lúc cần rủ bỏ mọi thứ để lắng lòng lại tu dưỡng chân tâm? Đâu đó sau lưng còn vang vọng:  Như cánh chim ngóng trời lồng lộng, Bao giờ hết tơ vương?

 


Chúng con cám ơn Thầy - Người đã trợ duyên cho chúng con có chuyến đi trở về đất Bắc, để thăm chùa Thiên Vương – một chi nhánh của Tu viện Khánh An, chiêm bái Phật tích, Thánh tích, học hỏi và quay về gạn lọc thân tâm, tiếp tục tu học, nơi Tu Viện Khánh An – tiếp tục nương nhờ bóng Sư phụ trên con đường tu nhân học đạo.

 

Thích Tâm Hùng 

Tin Tức Liên Quan