TÂM MỚI ĐƯỜNG XƯA

18/10/2023 9:53
Nối tiếp chuyến hành trình về xứ Bắc, huynh đệ chúng con có dịp được viếng thăm và tìm hiểu những ngôi chùa cổ. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tại đây chúng con còn được tiếp xúc với nền văn hóa tâm linh Phật giáo tự bao đời.



Thấp thoáng nơi sườn núi, bao bọc bởi hồ nước mênh mông và những dãy núi đá - quần thể chùa Bái Đính hiện ra với nhiều công trình đồ sộ giữa lòng thiên nhiên. Quần thể chùa có hai khu chính là khu chùa cổ và khu chùa mới, được xây dựng vào năm 2003. Bước vào cổng tam quan, dọc theo hành lang là nơi thờ các vị A La Hán, rồi đến khu vực chính như: điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế,... Tuy từng nét điêu khắc trên mái điện, trần nhà, cột đình luôn nằm im trong trạng thái tĩnh nhưng chúng con vẫn thấy được cái động của những câu chuyện lịch sử hào hùng. Nó chứa đựng hồn thiêng sông núi của đạo Pháp đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.

 


Lên chùa Bái Đính cổ, lắng nghe câu chuyện về ngài Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không, huynh đệ chúng con như được sống lại theo dòng lịch sử. Đây là cả hành trình của người thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã xứ Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh Tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Ngài như đang hiện hữu sống động trong tâm khảm chúng con. Hễ ở đâu có đau khổ, thì ở đó hình bóng của người tu sĩ khoác áo nâu sòng xuất hiện. Quý Ngài đã không ngần ngại mang hành trang đạo lực của mình để cứu giúp quần sanh. Cái chí tu hành cùng tâm đạo rộng lớn là bài pháp sâu sắc mà chúng con được học từ chính chư vị liệt vị Tổ sư.

 


Hơn 1000 năm trôi qua, ngôi chùa Bái Đính đã để lại nhiều di sản đẳng cấp, làm nên những kỉ lục trong nước và quốc tế. Nhưng dưới con mắt thiền, thứ di sản cao quý nhất không được định đoạt bằng những chất liệu cao sang, đồ sộ mà chính là di sản tâm linh được làm bằng chất liệu của sự giải thoát.

 

Tạm biệt một “Hạ Long trên cạn”, đoàn xe lăn bánh hướng về đất Quảng Ninh. Buổi sáng chớm thu, tiết trời Yên Tử thật nhẹ nhàng, huynh đệ chúng con an nhiên từng bước. Chúng con đã ghé thăm quần thể di tích chùa Hoa Yên - nơi đức vua Trần Nhân Tông xuất gia trở thành thiền sư, sau lấy hiệu Trúc Lâm Đầu Đà; chùa Một Mái - nơi đại sĩ đọc kinh, soạn sách; chùa Bảo Sái; chùa Vân Tiêu - nơi truyền đăng cho nhị tổ Pháp Loa,... Và đi trên đường tùng mà ngày nào Đại sĩ cho trồng, chúng con có cơ hội nhìn lại thật sâu dòng chảy của đạo Phật ngang qua cuộc đời của một vị vua-Phật khai sáng dòng thiền Việt Nam. Niềm kính phục của con trò được bày tỏ khi hồi tưởng lại hình ảnh đức vua Trần từ bỏ ngai vàng cao quý, không động tới hương sắc trần thế để quyết chí tìm con đường vượt thoát cho mình và cho cả thần dân.

 


Chúng con mãi khắc ghi hình bóng của một “người ngồi thành thị nết dụng sơn lâm” - nét ung dung thảnh thơi hiển lộ tính giác ngộ nơi Ngài - một vị vua ngay giữa kinh thành ngày ấy. Sự từ bỏ vĩ đại không phải là để trốn tránh việc nước - sự đời, mà là chọn sứ mệnh cao lớn hơn bằng cách trở thành người tu sĩ. Chúng con ý thức rằng, Trúc Lâm Đại sĩ vẫn luôn đồng hành cùng sức sống của cả dân tộc, ngang qua đời sống tâm linh mà chúng con được tiếp nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ Ngài. Tinh thần “ở đời vui đạo hãy tùy duyên” của Đại sĩ, giúp chúng con quán chiếu để không bị đắm chìm vào bất cứ thái cực nào, thay vào đó là tùy môi trường mà có sự thích ứng phù hợp. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ làm rạng ngời phẩm chất đời sống của một bậc Tổ sư khai sáng dòng thiền Việt Nam.

 

Từng bậc thang lên nơi thờ chư Tổ, huynh đệ chúng con cảm nhận được tinh thần, lẽ sống vì đạo và lý tưởng tu hành của quý Ngài. Cho dù rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh không mấy thơm thảo nhưng cái chí cầu đạo, sống chết vì đạo thì vẫn luôn rực sáng ở các bậc chân nhân.

 


Dưới cái nắng chói nơi “đệ nhất linh sơn”, lớp cỏ rêu xanh kia giờ đã úa vàng. Hàng trúc đan vào nhau và cứ thế đung đưa như thể chào mời huynh đệ chúng con hướng về Thiên Trúc Tự (chùa Đồng) - ngôi chùa nằm cao nhất ở dãy Yên Tử. Đến nơi, đặt bàn tay lên ngực, chú niệm theo hơi thở với từng tiếng đập của trái tim, chúng con cảm nhận sâu sắc được sự tương tức giữa mình và Đại sĩ Trúc Lâm. Đây là tiếng gọi thổn thức của những đứa trẻ như được trở về với ngôi nhà tâm linh của mình, ngỡ đã xa cách từ lâu.

 


Nhờ sự quán niệm tiếp nối, huynh đệ chúng con thấy chư Tổ đang có trong mình. Nghĩ về quý Ngài, chúng con khởi lên niềm biết ơn vô hạn, vì nhờ chư tiền bối đã gầy công gìn giữ mà chúng con mới có được ngôi nhà tâm linh vững chãi và làm nơi nương tựa đến ngày hôm nay. Nếu biết sống bằng chất liệu hiểu biết và thương yêu tức là chúng con đã thực hiện thành công sự nghiệp của chư Tổ trao truyền.

 

Con là sự tiếp nối

Của Phật và Tổ sư

Những hạt giống từ bi

Hiểu biết và thảnh thơi

Ðã trao truyền cho con

Con xin nguyện gìn giữ

Tưới tẩm và nuôi lớn.

 


Chúng con ý thức được rằng trên con đường tu tập, chính sự khó khăn, thử thách là chất liệu để chúng con có thể vươn xa hơn trên đường đạo. Nếu không rèn luyện, hun đức một lý tưởng tu hành bền chắc thì chúng con sẽ dễ kiệt quệ hay thất bại bởi sự thụt lùi của chính mình. Bởi thế, nghịch duyên là nhân duyên tối thượng để chúng con chạm đến hạnh phúc chân thực. Nhìn hình ảnh chư vị Tổ sư đem ánh đạo vào đời, huynh đệ chúng con như được tiếp sáng thêm ngọn lửa của đức tin để con đường tu tập ngày thêm dũng mãnh. Để có thể tiếp nối sự nghiệp cao thượng của chư Phật, chư Tổ thì chúng con luôn tự nhủ cần phải tinh tấn tu tập, khép mình trong giới luật, định tĩnh trong nội tâm bằng cách hằng nhìn lại mình mỗi ngày đã có bước tiến gì chưa trong sự tu học. Đây mới là tặng phẩm cao quý nhất chúng con có thể dâng cúng lên chư Phật và chư vị Tổ sư.

 

Tuệ Tâm


Một số hình ảnh ghi nhận khác:



Tin Tức Liên Quan