Mấy hôm trước, Bình gửi cho chị một tin nhắn kèm mặt cười: ‘Em là Tuệ An’ – với mái đầu tròn, không còn sợi tóc. Một cái tên mới trong ngôi nhà giáo pháp được Sư Phụ trao cho em.
Gia đình chị rất đông con nhiều cháu, độ tuổi nào cũng có. Cháu ruột là đã bảy bé, tính cả con cháu trong nhà thì trên dưới cũng hai mươi. Ở độ tuổi trạc cháu chị, tuổi nổi loạn của những cô cậu thiếu niên mới lớn, biết đi chùa đã là quý. Nhưng quý hơn hết, em lại chọn khép mình trong một môi trường với những quy củ thiền môn. Điều này, ai mà không quý! Ai mà không thương!
Ở nhà, chị hay chơi với các cháu. Về chùa có các em nên cũng đỡ nhớ phần nào tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ. Lúc ở Khánh An, Khải và Minh Anh là hai người bạn nhỏ thân thiết với chị. Khi qua đây, chị lại làm quen được mấy bạn nhỏ nữa là Hiền, Hậu và Nhiên - Ba chú tiểu. Quý Sư cô đặt cho chị và mấy chú cái tên vui vui là Nhóm F4. Trong số mấy bạn nhỏ ấy, Bình có phần đứng đắn hơn. Qua nhiều lần hai chị em tâm sự, chị cảm nhận nơi Bình là một tâm hồn già dặn, khác hẳn với tính cách e dè, sợ sệt mà mọi người thường trông thấy ở em.
Thế
nhưng, trong biển sinh tử trầm luân này, mình đâu thể nào lấy tuổi tác ra để
làm thước đo - thế nào là một người trưởng thành, phải không em? Sư chú Tuệ An,
Khánh Đạo, hay em Hiền, em Hậu, em Nhiên,… tuy tuổi còn rất nhỏ nhưng biết đâu
sau này lại là những người làm rạng ngời Đạo Pháp – Thiền phong? Đọc bài Kinh
Tuổi Trẻ thuộc Tương Ưng Bộ Tập 1 do Hòa thượng Minh Châu dịch, chị em mình có
thể thấy rõ lời dạy của Đức Thế Tôn:
-
Có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì họ trẻ.
Thế nào là bốn?
1.
Sát-đế-lỵ trẻ tuổi - không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.
2.
Con rắn trẻ tuổi – không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì nó là trẻ.
3.
Ngọn lửa trẻ tuổi – không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì nó là trẻ.
4. Tỷ-kheo trẻ tuổi - không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.
Mấy
chị em mình đều là những người tu trẻ. Qua lời dạy này của Đức Phật, mình học
được gì em nhỉ? Có phải mình cần tương kính nhau không? Một nơi mà Phàm - Thánh
đồng cư trụ, chị em mình càng không được phép xem thường một ai. Không được
phép xem thường tánh Phật bên trong mỗi người. Kính nhau đã đành, song chúng ta
cần phải vượt qua những chướng ngại hiển nhiên của một kiếp người… Chướng ngại
– dính mắc của một cái tôi. Chướng ngại này được biểu hiện qua rất nhiều hình
thái khác nhau. Chúng muôn hình vạn trạng. Chướng ngại – dính mắc trong cảm
xúc. Dính mắc trong lối sống, sinh hoạt. Dính mắc trong hoàn cảnh. Dính mắc giữa
người với người. Dính mắc trong mất mát, bất toại nguyện và dính mắc trong cả
những cái thấy, cái thành tựu của chính mình…
Tất
cả những dính mắc này, chướng ngại mình đến với sự giải thoát.
Mình không giải thoát hoàn toàn, nhưng hoàn toàn có thể giải thoát – từng chút, từng chút một.
Không biết, em có đang dính mắc điều gì không? Và đã cởi mở được những gì? Còn chị, cởi mở chưa được bao nhiêu và dính mắc vẫn rất nhiều. Nhưng đời tu mình, thú vị. Mình có nhiều cơ hội và thì giờ để đối diện với những lên xuống bập bềnh trong tâm. Nhưng cơ hội và thì giờ này chỉ có mặt khi mình chủ động cho phép nó. Ý chị là mình cần những khoảng lặng. Để những khoảng lặng ấy trở thành thì giờ và cơ hội cho mình làm bạn với nội tâm. Chị thấy, trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần bớt dính mắc là mình đã cởi mở bớt rất nhiều những hệ lụy về sau.
Hôm bữa, em có kể chị nghe về ý nghĩa Pháp danh Sư Phụ đặt và em rất thích Pháp danh Tuệ An của mình. Mỗi Pháp danh là một cái duyên đối với người lãnh thọ, với từng ý nghĩa riêng được Thầy tổ gửi gắm sự kỳ vọng và niềm tin yêu. Năm 2017 khi tiếp nhận Năm Giới Tân Tu ở Làng Mai Thái Lan, có một điều chị rất thích là trước ngày Quy Y, mình sẽ nhận một tờ giấy để viết ra những lời nguyện. Quý Thầy, quý Sư cô sẽ dựa vào những lời nguyện ấy mà đặt cho mình một Pháp danh. Để khi ai gọi Pháp danh mình, là một lần mình được nhắc nhở về lời nguyện và tưới tẩm những hạt giống Bồ-đề. Thế nên, Pháp danh có thể là đường hướng và kỳ vọng mà Thầy tổ mình giao phó. Pháp danh cũng có thể là tâm nguyện của mình duyên với nhau mà thành, em nhỉ.
Ngày
đó, Sư cô Hạ Nghiêm đã thay mặt Sư Ông đặt cho chị Pháp danh là Tâm Minh Tuệ.
Trung Tuệ là Pháp danh Sư Phụ cho chị lúc xuất gia. Chị nguyện, sẽ lấy sự không
dính mắc làm đối tượng tu tập. Còn em? Không dính mắc là Trung Đạo. Trí Tuệ - lại
là lý tưởng không phải của riêng ai, mà là sự nghiệp của tất cả chúng ta – những
hành giả đệ tử Phật. Ai cũng cần phải trạch pháp, để vạch ra con đường phù hợp
nhất cho tự thân. Chị mong Tuệ An sẽ luôn vững chải trên con đường này. Và hãy
sống trọn vẹn với Pháp môn - mà em cảm nhận chúng có thể đem lại sự chuyển hóa
tích cực nơi mình.
Tuệ
như sao sáng ngời đêm tối
An
như đá tảng giữa cuồng phong
Gửi
Sư em Tuệ An
Chị
Tuệ
Tin Tức Liên Quan
- Ngày vía bồ tát Quán Thế Âm xuất gia: 'Cảm thông sẽ trút bỏ được phiền muộn' ( 3/11/2023 2:16)
- Còn Mãi Nụ Cười ( 1/11/2023 8:22)
- Chuyến Hành Hương Về Đất Bắc (18/10/2023 10:08)
- TÂM MỚI ĐƯỜNG XƯA (18/10/2023 9:53)
- Xứ Anh Đào Khuất Bóng Thiền Tăng (14/09/2023 8:58)
- Theo Thầy Hành Đạo (14/09/2023 8:46)
- Cảm xúc trong buổi lễ Thượng Bảng Thiền Viện Khánh An - Đức quốc ( 5/09/2023 6:03)
- Thư gửi Bố thương nhớ của con! (29/08/2023 12:44)
- Noi gương Đức Phật báo hiếu song đường (29/08/2023 12:41)
- CẢM NIỆM VU LAN (28/08/2023 9:32)