Buổi tối, trước khi về phòng, đoàn được thông báo sáng hôm sau sẽ có giờ tĩnh tọa tại chùa Từ Nghiêm (hay Cam Lộ gì đó tôi không nhớ). Khoảng 3 - 4 giờ sáng, đoàn Giáo hội tản bộ từ nơi nghỉ đến thiền đường. Đoạn đường khá xa thầy Pháp Ấn có ý định đưa xe đến đón nhưng Hòa thượng Trí Quảng bảo đại chúng đi thế nào thì đoàn đi như vậy cho vui. Không gian tĩnh lặng, sương sớm nhẹ rơi, không một tiếng nói, tiếng ồn, dù có đến hàng trăm bóng áo nâu mờ chuyển trong sương. Phút giây ảo diệu.
Thiền ca trước giờ thiền hành
Thiền hành
Giây phút thiền hành.
Tản bộ bên mé rừng
Thưởng trà sau khi thiền hành, được Thầy gọi lên ngồi kế bên Ngài
Thưởng trà
bên mé rừng sau khi thiền hành
Giờ thiền tọa sáng hôm đó, Thầy hướng dẫn hội chúng chủ đề: “Chăm sóc em bé 5 tuổi trong mỗi chúng ta”. Tôi ngồi nghe trông lạ lắm, vì chưa bao giờ thực tập pháp thiền như vậy cả, sao lại chăm sóc em bé trong ta, em bé nào trong đó. Thuở làm tiểu, tôi có thói quen cứ dở chân lên là… chạy, mỗi lần như vậy, bổn sư tôi “phanh lại” bằng cách bắt ngồi kiết già trong một góc chùa, với câu… thiền ngữ: “Ngồi xuống xó này, nhìn vào chóp mũi đi con!”. Thiền tập đến với tôi trong những ngày đầu đời là vậy đó. Lớn lên, theo học thiền với Hòa thượng Minh Châu trên Vạn Hạnh, rồi những khóa an cư kiết hạ học với Hòa thượng Thanh Kiểm ở Vĩnh Nghiêm cũng chưa nghe dạng thiền ôm ấp em bé như vậy. Ngay cả khi học kinh A Hàm với Thiền sư Thanh Từ, thấp thoáng đâu đó ngài có nhắc đến thiền nhưng cũng đâu có nghe cái kiểu thiền lạ lẫm vậy. Cho đến sau này học, thực tập rồi đọc thêm thêm sách của Thầy, tôi mới dần hiểu ra. “Em bé” trong ta, đó là nội kết được tạo ra giữa ta với cha mẹ, ông bà, thầy tổ, đệ huynh hoặc những người xung quanh. Đó là một thương tổn lâu ngày mà ta cứ nuôi mãi trong lòng với tâm hiềm hận, từ đó ta cay đắng, nghiệt ngã với nó (mà thực ra là cay đắng với chính ta), không biết ôm ấp, chuyển hóa nó. Mỗi khi “em bé” ấy trỗi lên, ta có khuynh hướng chối bỏ nó, không muốn nó hiện hữu trong ta. Nhưng làm sao có thể chối bỏ, có thể tách nó ra khỏi ta, trong khi nó ở trong ta, nó chính là ta. Cách tốt nhất là hãy nhận diện, chăm sóc cơn giận, cơn khổ đó với tình thương yêu đích thực như chăm sóc em bé. Thực tập như vậy, “em bé” kia sẽ ngoan ngoãn hơn, không còn ngang tàng, bướng bỉnh làm khổ ta nữa. Ngày nào “em bé” còn buồn tủi, còn cáu kỉnh thì khi đó ta còn bất an, bất hạnh. Nuôi dưỡng khổ đau bên trong chính là chế tác năng lượng tiêu cực trong ta. Chăm sóc, nâng niu tâm buồn giận như chăm sóc em bé chính là chuyển hóa tiêu cực thành năng lượng tích cực, làm tươi mới tâm hồn mỗi ngày.
Sau giờ thiền tọa là pháp thoại của Thầy. Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Thiện Bình và Hòa thượng Phước Đường được bố trí ngồi trên 3 chiếc ghế để sát tường, Hòa thượng Bảo Nghiêm và tôi ngồi cùng đại chúng thính pháp. Pháp thoại hôm đó, Thầy giảng khá dài, tôi không nhớ hết nội dung, chỉ nhớ có đoạn Thầy so sánh sự dị biệt trong một vài điểm giữa các bộ phái Phật giáo sơ kỳ như Nhứt thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), Kinh lượng bộ (Sautrāntika), Đồng diệp bộ (Tāmraparṇīya)… Được ngồi hàng đầu cùng với Hòa thượng Bảo Nghiêm, Hòa thượng Chí Mậu, Thượng tọa Minh Tuấn… song tôi vẫn đưa mắt nhìn quanh pháp hội với sự ngạc nhiên thú vị, thính chúng là người bản xứ với hàng trăm vị đến từ các nước phương Tây (ủa, xứ họ mà sao gọi là đến) kể cả xuất gia và cư sĩ. Có những hành giả là linh mục với chiếc áo choàng trắng trên mình mỗi ngày đều hành thiền, nghe pháp, ăn cơm trong im lặng. Trông họ rất thân thiện và không có gì khác biệt ngoài chiếc áo. Lúc này tôi mới dần nhận ra cái nghệ thuật hoằng pháp đỉnh cao của Thầy nơi xứ sở văn hóa nhà thờ. Thầy có được cái đức nhiếp chúng kỳ lạ, cứ chậm rãi thuyết, nhẹ nhàng thoại. Thầy nói như chỉ để Thầy nghe, ấy vậy mà cả hội chúng ngồi bất động hớp từng lời của Thầy. Nhìn những vị linh mục, trông họ lắng nghe Thầy giảng rất thành tâm, khẩn thiết.
Thính pháp.
Hội chúng trước giờ thính pháp.
Nhiều thiền sinh là linh mục đang thính pháp.
Trong giờ quá đường.
Có thể nói, một vị thầy tâm linh chăm sóc những trái tim bồ đề trong một trú xứ đã là vất vả; đưa những người bất tín về với đạo càng khó hơn, huống là những người đã có truyền thống tôn giáo, vốn sẵn niềm tin tự nội. Họ không chỉ là con chiên mà là những linh mục, vậy mà pháp thoại của Thầy cứ như một lực hút, khiến họ chăm chú lắng nghe, cúi đầu tín thọ. Ai sẽ làm được điều này nếu không phải là Thiền sư Nhất Hạnh (?). Trong pháp thoại có những lúc như không hài lòng về phương pháp truyền dạy của một số pháp sư, linh mục, Thầy giảng nghe rất đanh. Tôi cho là sẽ có người không đồng tình nhưng cũng khó để phản bác - trung ngôn nghịch nhĩ. Thầy phê phán những pháp sư trong đạo Phật và cả những linh mục truyền giáo trong đức tin Ky Tô: “Mấy thầy thì chỉ biết khuyên Phật tử “niệm Phật, niệm Phật” để mai về Cực lạc, còn các linh mục thì chỉ biết hướng dẫn con chiên “tin Chúa, tin Chúa” để chết lên Thiên đàng trong khi con người ta đang bế tắt với những đống khổ đau chất chồng. Thay vì hướng dẫn họ chuyển hóa, trị liệu cái hiện tại thì các thầy, các cha lại hướng họ “đầu tư” cho tương lai. Pháp vốn là “thiết thực hiện tại, đến để mà thấy”, ngay trong phút giây hiện tại mà không cảm được nguồn an lạc thì làm sao có được bình an cho ngày mai”…
Kỷ niệm với một thiền sinh là linh mục.
Với tôi, những ngày ở quê nhà được nghe pháp của Thầy qua những băng cassette cũ mèm, nhão nhoẹt, nay được tận mắt nghe… liveshow thật là đã. Trong lúc nghe pháp, để thể hiện là một… phóng viên, tôi không quên tác nghiệp, cứ 10 - 15 phút lại cầm máy lên bấm bấm vài tấm hình. Thầy không có phản ứng gì, trong chúng cũng không ai nhắc tôi điều gì. Cho đến sau này tôi mới biết Thầy không thích chụp hình trong lúc giảng. Năm 2013, một lần Thầy đang cho pháp thoại ở Làng Mai Thái Lan, bỗng ánh sáng flash lóe lên, một tiếng “rắc” phát ra từ chiếc máy chụp ảnh, thế là Thầy dừng lại thật lâu, không giảng nữa. May quá lúc đó không phải là tôi.
Những ngày tu học tại Làng thật ý nghĩa, mới lạ. Cho đến khi gặp Thầy tôi mới học được pháp thiền hành. Những ngày tháng cắp sách đến trường, tôi được hiểu đó là “Học”, khi về đến chùa tụng kinh, lễ bái đó là “Hành”. Cái học và cái hành thời đó thật là vạn trùng xa cách. Hình ảnh quen thuộc về một giáo thọ sư trong tôi là một hòa thượng, thượng tọa ngồi ghế được đặt trên bục giảng, phía trước có chiếc bàn giống như dạng bàn giáo viên thời đi học phổ thông. Vị giáo thọ sư được hiểu là vị truyền trao kiến thức còn học tăng là người tiếp nhận kiến thức. Trong khi ở Làng Mai (cố nhiên chỉ có vài ngày) tôi học được từ Thầy phong thái một thiền tăng uy nghiêm, đĩnh đạc. Không ngồi ghế, Thầy kiết già, lưng thẳng như bức tường trên chiếc bồ đoàn ở giữa pháp toà. Trước pháp thoại bao giờ cũng được thỉnh lên ba tiếng chuông để đại chúng “Lắng lòng nghe lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”. Trong pháp thoại sau vài chục phút trước khi chuyển đoạn, Thầy dừng lại 15 - 20 giây, chuông được thỉnh lên, và đại chúng có cơ hội quay về với hơi thở, nhiếp tâm chánh niệm. Pháp hành ứng dụng ngay trong pháp học. Gọi là ngồi nghe pháp nhưng giây phút đó đã là nếm trải pháp, sống với pháp.
Phong thái thiền sư trên pháp tòa.
Dù chỉ vài ngày ở Làng, thời gian tu tập tại đây đã
giúp tôi học được nhiều điều bổ ích, có thêm kỹ năng linh hoạt, bổ sung vào vốn
tu. Cái vốn tu được trau dồi, hun đúc từ một đạo Phật truyền thống kết hợp với
pháp môn sinh động ở nơi Thầy, từ đó chế tác niềm vui tự nội trong công phu
hành trì, vận dụng hài hòa phương pháp hành đạo trong bối cảnh khi mà cái chất
thực trong đời sống hiện thực đang mất dần chân thực, cái chất đạo trong nếp
sống chánh đạo cũng dần xa lý đạo.
Trí Chơn
(Bài 15: Một “Trật Tự” Như Bị Phá Vỡ Trong Tôi)
Tin Tức Liên Quan
- 13 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 4/04/2022 9:24)
- Cho ngày tháng trôi đi ... ( 1/04/2022 7:33)
- 12 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (29/03/2022 7:58)
- 11 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (24/03/2022 4:27)
- 10 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (19/03/2022 3:09)
- 9 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (14/03/2022 3:54)
- 8 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (11/03/2022 6:16)
- 7 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 6/03/2022 1:45)
- 6 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 4/03/2022 3:39)
- 5 I Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (26/02/2022 8:44)