Tọa đàm: "Phật giáo và vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên”

15/10/2019 8:42
Tối 13/10/2019 (nhằm 15/09/Kỷ Hợi), tại phim trường Phatsuonline, chương trình Phật giáo và đời sống lần 06 với chủ đề: “Phật giáo và vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên” được diễn ra. Hai vị khách mời là TT. Thích Trí Chơn, UV Hội đồng Trị sự, Phó Ban văn hóa TƯ GHPGVN và chị Nguyễn Ngọc Như Thảo nhà bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, qua sự điều phối của MC. Phương Uyên.

Trong chương trình này, Thầy nói rằng chúng ta hầu như không ai ý thức được mối tương quan giữa con người và thế giới tự nhiên. Ta thường hay quan niệm thân này là của mình nên chỉ bảo vệ chính bản thân mà không quan tâm đến mọi người xung quanh. Trong Kinh Tạp A Hàm, Đức Phật từng dạy: “Nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh” nghĩa là cái này có thì cái kia có, cái này sinh  thì cái kia sinh tức là mối quan hệ tương tức của những sự vật cộng tồn. Tất cả các pháp đều sinh diệt và tồn tại trong sự hỗ tương liên hệ rất mật thiết không có pháp (hiện tượng) nào có thể tồn tại độc lập và tuyệt đối.

Động vật, những chúng sinh vì nghiệp báo tuy khác biệt về hình hài với con người nhưng chúng cũng có tình cảm và xúc cảm, cũng cần được tự do, được sinh sống và phát triển trong hòa bình. Cho dù phải mang bất kì một hình thái nào thì chúng cũng có những trí năng và tình cảm riêng, chính vì thế chúng biết bảo vệ con, quyến luyến với người nuôi hay mang ơn kẻ cứu mạng chúng. Do tính cộng sinh trên cùng một tinh cầu nên Đức Phật khuyên đệ tử hãy dùng lòng từ đối với mọi loài, tôn trọng sự sống, bảo vệ sự công bình. Ngày nay, trên một số nước tiến bộ, có những hiệp hội bảo vệ động vật nói chung và động vật hoang dã nói riêng như tổ chức “Tuổi trẻ yêu thương động vật” ở Đức là một điển hình, nơi đây đã giáo dục các cháu thiếu nhi biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc các loài vật, giúp các em có nhiều bài học của tình thương, lòng nhân ái. Đó là quyền của động vật được sống như sự sống của loài người. Thầy cũng đưa ra lời khuyên, để bảo vệ môi trường sống, có một việc làm vô cùng đơn giản là ăn chay. Chỉ cần thêm một người ăn chay thì sẽ cứu được 6 – 10 người chết đói. Trách nhiệm hạn chế sự nóng lên toàn cầu không còn là trách nhiệm của một cá nhân mà đây là nhiệm vụ của cả nhân loại.

Các hoạt động khóa tu tuổi trẻ tại các tự viện ngày nay cũng bắt đầu giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải. Việc làm này cũng đã gây hiệu ứng tốt đẹp không chỉ trong khu vực mà toàn thể xã hội. Thầy cũng nói thêm ngày 6/9/2019 mới đây, Thượng tọa Tổng Thư Ký Thích Đức Thiện là người đã ký quyết định công văn 248 của HĐTS GHPGVN, kêu gọi Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính Phủ và Phong trào của Bộ Tài Nguyên Môi Trường về Chống rác thải nhựabằng những việc làm thiết thực cũng như có những chỉ đạo về Bảo vệ môi trường đến Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành đã và đang hưởng ứng rất tích cực.

Nguyễn Ngọc Như Thảo, tuy là một cô gái tuổi còn rất trẻ nhưng đầy nội lực và có tình yêu thương vô cùng rộng lớn. Cô gái dám một mình đến Châu Phi để viết lên cuộc hành trình của riêng mình, đó là hành trình “Lắng nghe thiên nhiên, giải cứu động vật hoang dã”. Vì sao Như Thảo lại có nghị lực đến như vậy? Theo cô, ai cũng có vai trò riêng trong cuộc sống. Từ nhỏ cô đã có tình thương bao la với các loài thú và cũng hay tham gia các hoạt động xã hội. Đến khi lớn lên, không may mắn, cô lại mắc phải căn bệnh quái ác - ung thư - thế nhưng nhờ lòng tin cùng nghị lực mạnh mẽ và có lẽ cũng nhờ tâm từ bi, cô đã vượt qua được căn bệnh này để có được một Như Thảo như ngày hôm nay. Qua những chuyến đi thực địa tại Châu Phi, cô nhận thấy rằng nạn săn bắn động vật hoang dã đang đến hồi báo động, những con vật như tê giác đã bị con người tàn sát một cách dã man, vô nhân để lấy đi chiếc sừng mà chính ta cho rằng nó có thể chữa được bách bệnh. Thế nhưng, thực chất, sừng tê giác cũng chỉ là chất sừng keratin giống như móng tay, móng chân và tóc người, hoàn toàn không có khả năng chữa bệnh nan y như lời đồn thổi. Vì vậy, Như Thảo tha thiết kêu gọi mọi người hãy chấm dứt những hành động sát hại các loài động vật hoang dã đã và đang tuyệt chủng này (tê giác tại Việt Nam đã tuyệt chủng từ năm 2010) vì sự thiếu hiểu biết của bản thân. Mỗi người trong chúng ta hãy là một nhân tố nhỏ trong việc bảo vệ hành tinh xanh để quả địa cầu luôn là ngôi nhà chung xinh đẹp cho mỗi chúng sinh.

Buổi tọa đàm kết thúc. Mong rằng, đây sẽ là thông điệp cấp bách và thiết thực nhất mà cả ekip chương trình muốn lan tỏa đến cộng đồng nhằm giúp mọi người ý thức hơn về những việc làm của chính bản thân mình trong đời sống hằng ngày nhằm kiến lập một thế giới hòa bình, thịnh vượng với tâm từ bi, tương thân tương ái chung tay trợ giúp lẫn nhau trong việc bảo vệ mọi loài sinh vật đang sinh sống trên quả đất này.

Ngọc Ánh



Tin Tức Liên Quan