TP.HCM: “Văn hoá nghi lễ Phật giáo” cần có nghệ thuật, khoa học và hợp thời

25/12/2019 1:18
PSO – Sáng ngày 25/12, bước vào ngày học thứ 2 của khóa “Bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình Phật giáo” và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong Phật giáo”, TT.Thích Lệ Trang – Phó trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Nghi lễ Phật Giáo TP.HCM đã quang lâm chia sẽ đề tài “Văn hoá nghi lễ Phật giáo” đến các học viên tham dự khoá bồi dưỡng.

Trong bài thuyết giảng hơn 90 phút của mình, với kinh nghiệm và chuyên môn ở lĩnh vực nghi lễ qua nhiều năm hành đạo, theo quan điểm cá nhân, Thượng toạ đã định nghĩa về nghi lễ và văn hoá, cùng những nét tương quan của 2 lĩnh vực này.

Đầu tiên, Thượng toạ cho biết, dù nghi lễ hay văn hoá đều phải có sự đa dạng và nhất quán trong cách thực hiện, đó cũng là tiêu chí của Giáo hội đề ra cho các ban ngành trực thuộc. Thượng toạ cho rằng “Văn hoá là thể hiện cái đẹp”, vì thế người dẫn chương trình hay người sám chủ phải nhận biết cái đẹp, sống với cái đẹp, thể hiện nó một cách có tư duy, thì cái đẹp sẽ được hoà vào lời truyền đạt của chúng ta.

Văn hoá được biểu hiện ở mọi góc độ từ âm nhạc, nghi lễ, kiến trúc, hội hoạ, đời sống,… Từ một nền văn hiến 4000 năm của Việt Nam, thì tại mỗi vùng miền đều có nền văn hoá đặc trưng riêng biệt theo địa hình, lối sống, và phong tục. Vì thế, theo Thượng toạ, Văn hoá không phải thể hiện qua hình thức và sự hoa mỹ mà cốt lõi của Văn hoá là cách trình bày nội dung sâu sắc, dễ hiểu, hợp thời và có tính đại chúng.

Nói về nét đặc trưng của Văn hoá Việt Nam đó là sự bảo tồn, gìn giữ bản sắc dân tộc, hoà nhập và phát triển theo thời đại. Thượng toạ Trưởng Ban Nghi lễ Phật Giáo TP đã lấy ví dụ từ y phục của người tu sĩ Bắc tông, đó là sự kết hợp giữa Y Casa nguyên thuỷ và áo quan cung đình Việt tạo nên cho phù hợp với phong tục và khí hậu bản địa; các màu nâu, xám, vàng của chiếc y Phật giáo Việt Nam vừa thể hiện nét văn hoá dân tộc đặc thù, vừa tôn vinh sự thanh thoát, từ bi của người tu sĩ. Vì lẻ đó, chư Tổ mới khẳng định, Văn hoá Phật giáo Việt Nam chính là Văn hoá dân tộc.

Về sự tương quan ở 2 lĩnh vực nghi lễ và văn hoá, Thượng toạ cho biết Văn hoá là giải thích, Nghi lễ là hành động, mà hành động cần có nội dung và tôn chỉ. Khi chúng ta là một người dẫn lễ thì từng bước chân, từng lời nói phải có phong cách riêng, và khi tinh thần chúng ta sung mãn thì cách biểu đạt sẽ thể hiện được tính văn hoá tốt nhất.

Dịp này, Thượng toạ cũng nhắc nhở và khẳng định đến các học viên là những nhà nghiên cứu, giới trí thức Phật giáo trên thế giới đến với Việt Nam chúng ta không phải tìm sự phát triển, văn minh của đất nước; mà điều họ cần tìm là “phong thái đỉnh đạt của vị tu sĩ Việt Nam, và bài kinh, câu kệ, cũng như 1 thời khoá tu tập đậm chất Phật giáo Việt Nam, văn hoá Việt Nam”

Cuối buổi chia sẽ, các học viên cũng đặt nhưng câu hỏi xung quanh vấn đề Việt hoá ngôn ngữ và giữ gìn văn hoá Phật giáo dân tộc để nhờ sự giải thích từ Thượng toạ Trưởng Ban Nghi lễ Phật Giáo TP. Với kinh nghiệm về chuyên môn của mình, Thượng toạ rất đồng tình trong vấn đề Việt hoá ngôn ngữ trong nghi lễ và hành văn để các nội dung muốn diễn bày đến người nghe được dễ hiểu nhất.

Tuy nhiên, với nền văn hiến 4000 năm của dân tộc, Việt hoá ngôn ngữ hoàn toàn với tiếng La-tinh là đều chưa thật sự đúng nhất, vì dẫn đến sự mất gốc và bác bỏ văn hoá hàng ngàn năm của cha ông đã xây dựng nên, nhất là kho tàng văn học, kinh điển,…có giá trị lịch sử đều được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Riêng về lĩnh vực Nghi lễ, các câu từ Hán văn sẽ giúp người sám chủ xướng đúng nhịp trong các buổi hành lễ Phật giáo, giúp người nghe có cảm giác thân quen và tạo không gian buổi lễ được trang trọng.

Theo Phatsuonline.com


Tin Tức Liên Quan