AV. Kính thưa Thượng Tọa, cho đến thời điểm này, bên cạnh những khó khăn,
đại dịch Covid19 đã mang lại những bài học gì đáng để chúng ta chiêm nghiệm?”
“Tháng đầu tiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán - Trung Quốc và lang truyền đến một số quốc gia, khi ấy xã hội Việt Nam đã bắt đầu lo lắng. Đến tháng thứ hai, dịch bệnh lan truyền đến một số nước Âu - Mỹ và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, lúc bấy giờ lòng người trở nên hoang mang. Bước sang tháng thứ 3, cộng đồng Việt Nam ý thức được tụ tập đông người là nguy cơ nhiễm bệnh cao nên đã giới hạn đi ra ngoài không cần thiết. Kể từ khi chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc ai ở nhà đó, không có lý do chính đáng không ra ngoài thì bà con ta càng nhận thức sâu sắc hơn. Con người đã bắt đầu đánh giá lại “cái gì mới là quý giá trong lúc này”. Mặt khác, sống với gia đình đã dần phục hồi tâm lý lo sợ sau nhiều tháng bão dịch hoành hành.
Đến giờ phút này thế giới vẫn đang ở trong tâm bão dịch, những thiệt hại về nhân mạng, suy thoái kinh tế và một số vấn đề kéo theo là không thể nói hết. Có một yếu tố tiềm tàng ít ai để ý đó chính là “dư chấn tâm lý”. Những lo sợ, phiền muộn, hoang mang đã làm cho tâm lý con người trở nên yếu ớt, tổn thương. Tuy vậy trong bối cảnh xã hội Việt Nam luôn có sự đùm bọc, an ủi, động viên nhau; hạnh phúc gia đình đầm ấm hơn. Từ đó nhận thức con người trở nên thay đổi một cách tích cực. Thứ nhất, con người nhận thức rằng, sức khỏe là thứ quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng tiền có ý nghĩa gì khi chẳng may một con virus chui vào trong buồng phổi. Thứ hai, đã lâu lắm rồi mình mới có cơ hội nhìn lại hình ảnh gia đình Việt Nam ngồi với nhau bên mâm cơm, nơi đó có vợ chồng, con cái. Thứ ba, đây là cơ hội để mọi người dừng lại việc kiếm tìm vật chất, trau dồi phẩm chất. Phẩm chất hơn bao giờ hết nó là chất liệu để nuôi dưỡng những giá trị đạo đức, nhân văn và quyết định hạnh phúc của một con người. Thứ tư, giờ phút này trẻ con đang được nuôi dưỡng bằng chính tình thương của cha mẹ. Thứ năm, qua cơn dư chấn tâm lý và qua những nỗi hoảng sợ, hoang mang, con người trở nên dí dỏm với những câu chuyện phát sinh trong đời sống. Nó truyền tải những thông điệp tích cực, yêu đời, ý tưởng mới trong mùa dịch giúp con người định nghĩa lại giá trị trong cuộc sống. Một khi không tìm được những thú vui bên ngoài, người ta bắt đầu trở về với niềm vui bên trong.
Trong hoàn cảnh khó luôn tiềm tàng những cái hay, cái mới để chúng ta
học hỏi. Thông thường, người ta hay bảo phải làm một cái gì đó, phải tạo ra một
sản phẩm nào đó để giúp ích cho đời mới gọi là người sống có ích.
Nhưng chưa bao giờ, việc mang đến lợi ích cho đất nước, cho xã hội lại dễ như
ngày hôm nay đó chính là ngồi yên một chỗ. Chỉ cần ngồi một chỗ, mình đã hoàn
thành sứ mệnh thiêng liêng. Đó là điều nhắc nhở, chỉ có quay về với chính mình,
nhờ năng lượng bên trong mỗi chúng ta mới tỏa sáng được tình thương đến với cuộc
sống này”.
AV. Những ngày qua, nhiều người cho rằng đó là khoảng lặng để chúng ta sống chậm lại, để biết yêu thương những gì mình đang có. Quan điểm của Thượng Tọa như thế nào?
"Người ta hay thấy giá trị của cái “có” mà không thấy được giá trị của cái “không”. Người ta chỉ thấy giá trị của cái “hữu hình” hình mà không thấy được giá trị của cái “vô hình”. Cuộc sống này đôi khi có những khoảng lặng, khoảng thời gian trống trải bao la lại mang đến nhiều điều tốt đẹp cho con người. Không gian mình đang sống đây được hiểu là không gian cùng chung sống, không phải chỉ có con người. Chúng ta đã chiếm giữ và giành giật không gian, chúng ta đã bóp nghẹt không gian quá nhiều đối với muôn loài. Giờ đây hãy nhường lại bớt không gian cho thiên nhiên. Đó là thông điệp của khoảng lặng trong thời gian qua đã đánh thức chúng ta. Một vấn đề nữa, chúng ta nghĩ rằng niềm vui là phải có âm thanh tiếng nói, nhưng ta quên rằng niềm vui tỉnh lặng mới là niềm vui tối thượng mà ở nơi đó chân giá trị của cuộc đời mới có mặt cho chúng ta. Chính tiếng ồn hiện nay là một nguy cơ của nhân loại, ô nhiễm tiếng ồn làm não người ta trở nên tê lì; những tiếng ồn được đo lường trong não làm con người ta trở nên chấn động ngang bằng sự hoảng sợ động đất. Vậy nên hãy sống trong không gian bình yên và tỉnh lặng để nuôi dưỡng tâm hồn của mình. Một khi tâm an thì thân sẽ khỏe, lúc này những giá trị tốt đẹp nhất sẽ luôn biểu hiện với chúng ta".
AV. Kính thưa TT, tín đồ Phật tử cũng đều là công dân vậy trong tình hình đại dịch như hiện nay, theo TT trách nhiệm của người công dân là cần phải làm gì?
"Là người đệ tử Phật, người có niềm tin vào
sự giải thoát, độ đời của đức Thế Tôn. Thứ nhất người Phật tử hãy để tâm quán
nguyện. Chúng ta đừng nghĩ cầu nguyện là một cái gì đó hảo huyền, mê tín dị đoan
không mang lại kết quả. Cầu nguyện là vận dụng nội lực để mong cho thành tựu
một cái gì đó. Cũng như một cậu học sinh đi thi, nếu không có ước nguyện thi đỗ
thì khó mà đổ đạt. Vậy thì, ước nguyện hay cầu nguyện là một lý tưởng cao đẹp
khởi từ tâm chúng ta. Tâm khởi hướng đến lý tưởng cao đẹp ta sẽ đạt được lý
tưởng cao đẹp, tâm ấy chiêu cảm bởi năng lượng thiện lành. Nếu như virus nhỏ bé
kia có khả năng lan tỏa toàn cầu thì năng lượng tâm của chúng ta cũng vậy.
Người Phật tử hãy biết gửi tâm yêu thương đến với chúng sanh vạn loài, đến
người ở gần, ở xa, đến người mình quen, không quen, gửi tâm từ đến với người
thương mình và cả những người chưa thương. Gửi tâm từ đến với tất cả các loài
chúng sinh... những loài hữu tình cho đến vô tình. Hãy đem tâm từ bi rãi khắp
muôn loài, giống như trái tim của một người mẹ không hề ngăn cách. Nếu chúng ta
biết rãi tâm từ như vậy thì thế giới xung quanh chúng ta là thế giới của yêu
thương. Bản thân chúng ta sẽ được nuôi dưỡng trong chính tâm từ đó. Song song,
người Phật tử cần phải sống ít muốn, biết đủ. Ngày nào ở nhà, mình đã vui với
thực phẩm, món ăn, đã sống quen với lối hưởng thụ thì giờ đây hãy thực tập sống
bằng phẩm chất chứ không bằng vật chất nữa. Càng giảm thiểu sinh mạng của chúng
sinh, càng nuôi lớn được đức từ bi bên trong mỗi chúng ta. Yếu tố tiếp theo, là
một công dân chúng ta cần phải tuân thủ những quy định của nhà nước đề ra
để cùng nhau sống trong sự bình yên nhất có thể trong cơn đại dịch này.
Hãy ở nhà, hãy yên thân. Ngày nào đó, chúng ta đã đánh mất mình, chỉ tìm kiếm
cái bên ngoài thì giờ đây là cơ hội tốt để nhìn lại và chăm sóc bản thân. Hơn
bao giờ hết thời điểm này là thời điểm quý giá để mình sống với hai chữ “tùy
duyên”. Cuối cùng, hầu như chúng ta ai cũng nằm lòng hai chữ “nhân quả”, vậy thì
con người cần phải ý thức được rằng tất mọi hậu quả đến với chúng ta đều có căn
nguyên, gốc rễ của nó. Không gì là ngẫu nhiên, kể cả dịch bệnh. Đây là do chính
con người tạo ra mà ta gọi đó là nghiệp báo. Trong nghiệp báo có “biệt nghiệp”
và “cộng nghiệp”, cộng nghiệp ở đây nghĩa là tất cả chúng ta trên địa cầu này
đang chịu cùng cảnh khổ dịch bệnh. Nhưng với biệt nghiệp, nghĩa là phước báu
mỗi người mỗi khác nhau cho nên có những sai khác. Vậy thì hãy nên tạo nhiều
thiện nghiệp để khổ đau bệnh tật không đến với chúng ta trong những lúc này”.
Tú Anh
Tin Tức Liên Quan
- Thượng tọa Thích Trí Chơn thừa chỉ thị Đại lão Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN dâng hương, hoa tưởng niệm Cố Phật tử Hoa Tâm - Vũ Thị Thư (13/03/2020 6:13)
- Thầy Thích Trí Chơn chia sẻ về lý tưởng đích thực của một người tu sĩ (12/02/2020 11:37)
- TP.Hồ Chí Minh: Long trọng khai mạc Lễ hội Văn hoá “Tết Đoàn viên” tại chùa Phổ Quang (24/01/2020 7:32)
- Ban Văn hoá Phật giáo TP.HCM: Một năm nhìn lại ( 7/01/2020 12:24)
- Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM nhìn lại một năm ( 6/01/2020 6:07)
- TP.HCM: Ban văn hoá kết hợp thiền trà và tổng kết Phật sự ( 6/01/2020 10:46)
- TP.HCM: Ban Văn hóa Trung ương tọa đàm khoa học “Nghệ thuật diễn thuyết xướng ngôn trong Phật giáo” (28/12/2019 9:06)
- TP. HCM: Những khoảnh khắc đáng nhớ sau Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn chương trình và tọa đàm “Nghệ thuật diễn thuyết trong lễ hội Phật giáo” (27/12/2019 10:43)
- TP.HCM: Bế giảng khoá bồi dưỡng MC và Tổng kết Phật sự của Ban văn hoá Trung ương (27/12/2019 10:38)
- Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ: “Chất liệu chính của người dẫn chương trình Phật giáo” (27/12/2019 1:34)