Pháp thoại “Thiết Lập Nền Tảng Đạo Đức” tại chùa Trúc Lâm Chicargo.

11/09/2019 10:27
Sau khi trở về Trúc Lâm, lễ Phật, lễ Tổ Thầy Trụ Trì cùng quý Phật tử mời Thầy Viện Chủ đi dạo, tham quan khung cảnh của Chicago. Nhìn sự biểu hiện của các nhà cao tằng, lối sống hối hả , làm việc của người dân. Sống trong một thế giới mà công việc liên tục thì làm sao chúng ta có chánh niệm, tỉnh thức trong tất cả các uy nghi: đi, đứng, nằm , ngồi. Nhìn dòng người đi trong sự hối hả, trong số đó có những người dân nơi đây, cũng có nhiều người giống như Thầy thì mấy ai ý thức được bước chân đi của mình.

Nhìn vào toà nhà cao, không đơn giản là chiều cao trên mặt đất mà chúng ta cũng thấy được chiều sâu tương ứng dưới mặt đất để thấy nền móng vững chãi nâng đỡ toà nhà.

Nếu nền móng không vững thì toà nhà sẽ bị sập, cho nên thấy mặt nổi chúng ta cũng phải thấy được mặt chìm của nó. Chúng ta có mặt trên đời cũng cần thiết lập một cái móng vững chắc. Đó là cái móng đạo đức, là lối sống, nhân phẩm của chúng ta… những cái này giúp chúng ta được vững chãi, bình yên. Hiểu pháp luật, văn hoá ứng xử, sống hoan hỷ, khoan thứ bao dung, hành trì theo lời dạy Đức Phật… đó là đạo đức.

Chúng ta đang ngồi trong Chùa Trúc Lâm này cao như thế nào thì bên dưới móng cũng thiết lâp như vậy? Một cái cây vươn mình lên thì gốc càng vững, tán càng to thì rễ càng sâu. Chúng ta trồng cây ăn trái, muốn cây tốt thì chúng ta cần phải tưới ở gốc,chính cái gốc nuôi thân rồi mới đơm hoa kết trái. Nhìn vào cây chúng ta biết được cây có tốt không, rễ có sâu không? Nội lực con người toát ra ở đạo đức trong mỗi chúng ta, vun bồi đạo đức, phẩm chất tốt tạo ra được năng lượng công đức, lối sống bình an hạnh phúc.

Ngồi dưới một cây vững chãi mình thấy hạnh phúc bình an, đi qua một cái cây bị mục thì thấy lo sợ, tránh né. Cũng vậy nương vào một người để sống chúng ta phải chọn người có đức. Chúng ta là người có đức độ, có phẩm chất thì người xung quanh hạnh phúc, bình an. Cái đức là cái bên trong, cái phước là cái bên ngoài. Nhìn vào cái cây bộ rễ nằm sâu là cái đức, nó vươn mình lên là cái phước. Phước nhiều đức mỏng giống như cái cây mục từ trong thân mục ra. Khi người có phước thì tạo đức, có đức vun bồi cho phước cho nên mỗi người cần có đức tích tụ trong lòng để sinh ra phước, phước tiếp tục tu đức chia sẻ cho cuộc đời này.

Trên phố có xe chạy, có  người qua kẻ lại nhưng bên dưới là những tầng hầm biết bao nhiêu người sinh hoạt, biết bao nhiêu sự kiện diễn ra. Cũng vậy, Tâm thức của chúng ta biểu hiện ra bên ngoài( hiện thức), ẩn ở bên trong(tàng thức), những cái biểu hiện ra ngoài là tâm thức của chúng ta. Một nụ cười tâm hoan hỉ, một cái trợn mắt làm tâm sân giận. Đây là sự biểu hiện của tâm, nhìn sự biểu hiện để ta biết được tâm nên gọi là hiện thức. Tàng thức là cái kho chứa tất cả nhận thức của chúng ta. Khi mắt tiếp xúc hình sắc đưa vào bên trong, tai nghe âm thanh, mũi ngửi, lưỡi nếm… đều đưa vào bên trong, không để mất bất cứ lúc nào.

Thầy ví dụ đây là một cái kho chúng ta đưa tất cả các tài sản: vàng, bạc, châu báu… thì gọi là kho báu; nhưng cũng cái kho này chúng ta bỏ vào rác bẩn, đồ phế thải, nilon túi nhựa….thì gọi là bãi rác. Trong này có đủ vàng bạc châu báu, rác phế thải thì gọi là tạp nham cho nên tất cả những gì chúng ta tiếp xúc với âm thanh, hình sắc bên ngoài đang tích tụ đưa vào bên trong. Ta tích tụ và đưa vào tâm như thế nào? Đối với sáu căn chúng ta phải có bộ lọc: nghe , nhìn, ngửi… phải bằng chánh niệm để đưa vào tâm thức những cái cần thiết. Nếu định lực chưa đủ thì cần nghe những gì để nuôi dưỡng thân tâm, định lực đã đủ mạnh khi nghe pháp thoại mặc dù bên ngoài có ai nói gì thì cũng không ảnh hưởng đến sự lắng nghe giáo pháp của mình. Tâm thức của mình có lý tưởng để đi, có bộ lọc để gạn những cái phiền toái không cho vào trong lòng.

Quá trình tu tập là quá trình không chỉ sửa thân, sữa miệng mà phải đem hết trong tâm thức ra điều chỉnh. Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, đánh giặc Nguyên Mông nhưng rồi đi tu thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là học trò của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Trần Nhân Tông đã hỏi Tuệ Trung về yếu chỉ tu tập của Thiền tông là gì?  Tuệ Trung đáp: Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc. Soi xét ngược lại trong tâm mình là bổn phận sự tu tập, không do cái bên ngoài mà có, có những hạt giống tích cực hay tiêu cực, hiểu biết thương yêu hay trách móc, ganh tỵ, giận hờn.. để mà chuyển hoá, quay về nhìn nhận tìm lại trong trái tim mình. Mình hay phán xét chuyện thiên hạ mà không phán xét lại chính mình, nhờ có sự thực tập giáo pháp nên biết chọn lọc đưa vào tâm những chất liệu hiểu biết thương yêu, bao dung độ lượng… Nhìn những cái xấu , cái dở của người khác để thấy mình may mắn không rơi vào những hoàn cảnh như vậy. Chúng ta là những con người đang trên con đường thực tập chuyển hoá, thay đổi tâm thức của mình , hoàn thiện chính bản thân mình cho tốt hơn. Hãy tu tập nhìn lại chính mình trước khi phán xét bất cứ một ai, hãy tháo bỏ những sự phân biệt đúng sai, tháo bỏ cặp kính màu để nhìn nhận như thật để thấy biết như thật. Chúng ta phải quay lại soi rõ tâm thức trong đó có chứa những hạt giống gì để tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển. Tâm đẹp thì biểu hiện ra tướng đẹp, những biểu hiện bên ngoài có được là do tâm an nhiên, không có lo âu, phiền muộn, sân giận, tị hiềm, không còn rác rến trong tâm. Hãy xông ướp chánh pháp bằng đời sống chánh niệm, bằng bước chân tỉnh thức, trái tim đầy ấp yêu thương, chăm sóc gốc rễ tâm linh, huyết thống cho thật tốt để toả ra năng lượng hiểu biết thương yêu đến mọi người.

Chúng ta sống có chánh niệm, nuôi dưỡng đức bên trong, trong chiều sâu tâm thức chúng ta nên gạn đục khơi trong để những hạt giống thiện lành đi vào bên trong, vứt bỏ những hạt giống không cần thiết ra ngoài, vứt bỏ những định kiến, tri giác sai lầm để ta trở thành con người tốt trên cuộc đời.

Trước đó ngày 07/08, thầy đã có buổi giao lưu với Phật tử Trúc Lâm cùng thầy trụ trì thích Thông Viên.

Phật tử được nghe thầy chia sẻ về quá trình tu tập, hành đạo ở Khánh An cũng như các Phật sự ở trong và ngoài nước. 

Quảng Thức 



Tin Tức Liên Quan