Nỗi Lo Của Một Tấm Lòng

8/06/2021 6:43
Dịch lại bùng phát, Công ty cho nhân viên làm việc online. Tự thấy bản thân trong vùng an toàn, con về xin tá túc ở Tu viện, một mặt để kèm cập chú Khánh Đạo học online, một mặt cũng có thì giờ để tập tu và làm công quả nhân mùa chư tăng an cư.

Hôm rồi có nhóm Phật tử Bình Dương phát tâm giải cứu nông sản miền Tây, đã chở đến cúng dường Khánh An những ... 2 tấn khoai lang. Thầy Viện chủ phân công nhóm thầy Trung Lưu chở khoai đi cúng các chùa. Thầy dặn dò: “Các huynh đệ đi cúng dường phải mang 2 - 3 khẩu trang vào, nếu cần thiết mặc thêm ... áo mưa. Mặc dù trời nắng chang chang, thầy bảo phải mặc áo mưa để ... chống dịch. Chúng con nghe ai cũng túm tím cười. Trong khi đó nhóm thầy Trung Thắng thì xin nghỉ hành trì để phát tâm vào bếp chế biến ... khoai 7 món.

Hôm đó Khánh An có cả một đại tiệc với khoai lang luộc, khoai lang nướng, khoai lang trộn bột chiên, khoai lang nướng mè, khoai lang nấu chè, bánh khoai lang hấp nước dừa ... khắp nơi trên bàn ăn, dưới bếp một màu tím tím khoai lang.

Trưa hôm đó, sau giờ cơm, thầy khuyến tấn đại chúng mấy câu mà con nghe rất thấm. Con nghĩ đại chúng ai cũng ấn tượng, xem lời dạy của thầy như một bài học sâu sắc cho mình.

Thầy nói: Nếu như ta thiếu sáng tạo, sống không có linh hoạt với thực phẩm mỗi ngày thì, sáng khoai lang, trưa khoai lang, chiều khoai lang; hôm nay khoai lang, ngày mai khoai lang, ngày nữa khoai lang ... Người ấy sẽ thốt lên sao tôi khổ thế này, lẽ nào cứ sống mãi với ... khoai lang. Nhưng với một người nhạy bén, linh hoạt, uyển chuyển, biết sáng tạo thì món ăn sẽ trở nên phong phú. Chỉ là củ khoai lang đó thôi nhưng biết sáng chế, ta sẽ có được món cứng, món mềm, món nước, món khô, món mặn, món lạc, món chiên, món luộc ... Ở đời cũng vậy, tất cả mọi sự, mọi vật có trở nên giá trị hay không đều tùy thuộc trí sáng tạo vô giá của ta. Lời khuyến tấn của thầy vừa tán dương nhà bếp nhưng cũng gián tiếp dạy đại chúng về ... phép biến hoá trong đời.

Thầy nói thêm, hôm nay ăn khoai lang không biết huynh đệ có ngán không, chứ thời bao cấp, thế hệ của thầy quanh năm suốt tháng hết khoai lang lại khoai mì, hết khoai mì lại bo bo. Hôm nào có một bữa cơm trắng đó là đại tiệc. Nghe thầy nói xong, lòng con như chùn xuống vì cảm được cái khổ mà những bậc đi trước nếm trải. Con chợt suy nghiệm ra một điều “Có phải những người bước ra từ cái khổ, người ấy không còn sợ khổ nữa. Chính cái khổ đã hun đúc họ trở nên vững chải hơn, sâu sắc hơn”. Nhưng rồi con lại tự mỉm cười với suy nghĩ “Thầy ơi, do dịch bệnh nên nông sản ùn ứ, chứ thời nay khoai sắn là món thượng vị đấy, xã hội yên bình trở lại thì khoai lang, khoai mì nhảy vào khách sạn, nhà hàng cao cấp hết làm gì đến lượt giới bình dân chúng con hả thầy?”

Sau cơn mưa chiều, chúng con theo quý thầy tản bộ quanh vườn Phật và hồ Chuyển Hoá. Ngang qua khóm chuối trồng một góc cuối vườn, nhìn những bẹ chuối và lá héo úa nằm dưới gốc, con lại nhớ buổi trưa hai hôm trước, trên bàn có mâm ruột chuối trắng tinh trộn với rau thơm trông hấp dẫn, bắt mắt lắm! Đại chúng được một bữa ăn ngon. Vì dịch bùng phát nên đã 2 tuần rồi quý thầy, quý chú không được ra chợ khất thực rau củ. Thầy hỏi cô An Trung (cô phật tử nấu cơm) “Chuối này ở đâu vậy chị An Trung?”. Cô thưa: Dạ, chuối ở vườn Tu viện mình đó ạ. Thầy khen ngon, miệng mỉm cười rồi đi.


Hôm nay, trên bàn ăn lại bày món măng tươi trông còn hấp dẫn hơn món chuối hôm trước. Cái món mà nghe đâu thời xưa lúc còn làm tiểu ở phố Núi thầy thường dùng, vì trên vùng ấy đặc sản chỉ măng, măng và măng...

Trưa nay, cô An Trung như có gì đó trông háo hức chờ thầy. Cơm trưa vừa xong, cô đến thưa thầy: Hôm nay thầy ăn măng có ngon không? Có lẽ, lâu lắm rồi thầy mới ăn lại cái vị thân quen của thời thơ ấu. Thầy tươi cười nói: măng ngon lắm, mà ở đâu vậy chị? Cô An Trung hăm hở vẻ mặt tươi rói trả lời: Dạ thưa, măng này cắt ngoài vườn Phật mình đó. Thầy cười nhẹ, không nói gì, chỉ gật gật đầu rồi lại đi.

Chiều đến, chúng con được đi dạo quanh khu vườn cùng thầy. Nhìn hàng tre, khóm chuối khác với mọi hôm, thầy trầm ngâm! Vì biết rằng, những hôm trước mỗi lần nhìn thấy măng chồi khỏi mặt đất là thầy mừng lắm, tươi cười chỉ tay từng mầm nói: chú Hội nhìn những búp măng đã mọc kìa!



Sau mấy vòng dạo quanh, mấy thầy trò vào uống trà. Trông thầy trầm ngâm, con buộc miệng hỏi: Thầy ơi! Thầy buồn vì những cây chuối đã bị cắt, những mầm măng đã bị đào phải không ạ? Có phải tre chưa thành vườn, chuối chưa tạo khóm mà đã cắt khiến thầy không vui?

Hớp xong ngụm trà thầy thốt lời: cây chuối, mầm măng bị cắt không phải là nỗi buồn lớn mà là sự đói kém vì dịch bệnh Covid 19 bùng phát và kéo dài. Thầy nói tiếp “Tu viện mình còn có mầm măng chồi chuối, còn có cái ăn. Các chùa khác, những gia đình khó khăn, những người mỗi ngày sống bằng buôn gánh bán bưng, bằng gói xôi, tờ vé số... thì sống thế nào đây, chuối đâu mà cắt, măng đâu mà đào?”

À, thì ra là nỗi lo của một tấm lòng ...!!!

Từ nỗi lo của một tấm lòng nơi thầy khiến chúng con phải suy gẫm về cuộc sống. Con đã quá may mắn vì mỗi ngày không phải gánh từng gánh hàng rong, đi rao từng tờ vé số trong nắng sớm hay ngồi vá lốp xe, bán từng bó rau trong cảnh mưa chiều. Con có được gia đình ấm êm, nghề nghiệp ổn định, có được vậy một phần là năng lực nhưng phần lớn là nhờ phước duyên. Con tin là như vậy. Con tin người hưởng được phước là nhờ biết tạo phước. Con nguyện luôn nuôi dưỡng tâm thiện lành và không quên tạo phước. Con đã quá may mắn vì sớm hiểu được Phật pháp. Vì hiểu được Phật pháp nên con sống thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Trong thời buổi khó khăn, con người ta sống “thắt lưng buộc bụng”. Thực hành lời Phật dạy nên con không có thắt lưng buộc bụng. Cái lưng mà thắt lại nó nhức lắm, cái bụng mà buộc lại nó đau lắm. Sống theo giáo pháp con sống “ít muốn biết đủ”, bằng lòng với những gì mình đang có, luôn sống với ý thức “hãy thiếu một chút” để cảm nhận giá trị phẩm mình tạo ra, để đồng cảm với những người khốn khổ không có được. Con cảm ơn củ khoai, đọt chuối, mầm măng đã biểu hiện một bài pháp về lòng từ bi nơi Thầy.

Kim Tuyến

Tin Tức Liên Quan