Theo Thầy Đến Miền Viễn Xứ (Bài 4)

31/10/2022 3:21
Trong thời gian ở Duseldorf, đoàn có chương trình đi thăm Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB). Viện toạ lạc tại thành phố Waldbröl thuộc miền Trung nước Đức do thầy Chân Pháp Ấn làm viện trưởng. Sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi xe, đoàn có mặt tại Viện. Nghe tin Thầy đi thăm EIAB, quý Phật tử Duseldorf xin tháp tùng có đến mười mấy người.

Vừa tới cổng con đã nhìn thấy hơn mười thầy cô đứng đợi đón Thầy và đoàn trong cái lạnh dưới 10 độ C. Khi Thầy vừa bước xuống xe, tất cả mọi người đều vái chào, trong khi chúng con đứng từ xa chắp tay búp sen cúi mình bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng. Tăng thân Viện Phật học đưa thầy và đoàn tiến vào trong, chủ khách hòa lẫn vào nhau nhẹ nhàng với những bước chân như đang thiền hành. Thỉnh thoảng Thầy đứng lại, ngắm cổng đá rồi tháp chuông, quí Thầy cô thì thuyết minh cơ duyên tạo dựng. Sau khi vào đảnh lễ Tam Bảo và giác linh Sư Ông, thầy Pháp Xả, thầy Pháp Thiên, thầy Pháp Lịch và rất đông quý thầy cô tăng thân đưa Thầy đi tham quan Viện Vô Ưu, chùa Đại Bi và khuôn viên Viện Phật học.


Thầy Pháp Xả người Hà Lan nhưng nói tiếng Việt khá giỏi. Thầy Khánh An nhắc lại câu chuyện 18 năm trước lúc sang Làng Mai năm 2004 với các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội bên nhà và đã gặp thầy Pháp Xả, hai thầy đã nhắc lại những chuyện xưa trong niềm vui đạo vị.

Khi đoàn vào bên trong Viện Vô Ưu, có gian phòng mà con rất cảm xúc. Đó là một gian phòng treo hàng mấy trăm trái tim bằng  bông vải với nhiều màu sắc rất đẹp. Thầy Pháp Xả chia sẻ đây là nơi tưởng niệm mấy trăm người khuyết tật đã qua đời, chiều mỗi ngày quí thầy cô đều có thời kinh thí thực để tỏ lòng tri ân và gian phòng này cũng là nơi để lan toả tình yêu thương.

Thầy Khánh An hỏi: Thế trái tim nào là của thầy Pháp Xả? Thầy cười rất tươi và nói: “Trái tim Pháp Xả nó ở trong lồng ngực và nó  cũng có mặt khắp muôn nơi. Một câu trả lời minh triết. Một tiếng “Ồ” thật lớn trước bao người!


Trong lúc đi tham quan thì thầy Viện trưởng Chân Pháp Ấn gọi về, Thầy nói do vì bận tổ chức khoá tu bên Áo nên không ở nhà tiếp kiến được thượng toạ Trí Chơn, huynh đệ Viện Phật học trong quá trình tiếp đón nếu có sơ suất mong thượng toạ hoan hỉ. Thầy nói: " suất lớn nhất của quí huynh đệ Viện Phật học là đón tiếp quá chu đáo. Tất cả mọi người đứng quanh đều cười.


Sau đó đoàn được đưa đến thăm chùa Đại Bi (chùa này chư ni ở) rồi dạo vườn, những cây táo, cây lê, cây mận trổ quả nặng trĩu cành. Quý sư cô hái dâng Thầy và tặng đoàn, tất cả cùng đứng ăn tự nhiên dưới tán cây trông ấm áp tình huynh đệ.


Buổi chiều sau giờ cơm trưa và thiền buông thư tăng thân Viện Phật học tổ chức thiền trà để tiếp Thầy. Có rất nhiều thầy cô và Phật tử đã phát biểu cảm tưởng. Có những sư cô đã bày tỏ lòng biết ơn Thầy, dẫu chưa gặp trực tiếp nhưng lúc còn là cư sĩ đã nghe pháp Thầy giảng trên mạng rồi phát tâm xuất gia. Có những thầy cô nhắc lại đã về dự khóa tu ở Khánh An từ nhiều năm trước vv...


Cuối buổi, tăng thân mời Thầy có lời sách tấn đại chúng. Thầy nói rất nhiều nhưng con chỉ nhớ vắn tắt: Người tu cần thực tập viên mãn hai chí nguyện, một là “Pháp môn xin nguyện học” và hai là “Ân nghĩa xin nguyện đền”. Nỗ lực công phu tu tập, đó là “pháp môn xin nguyện học”; đem giáo pháp truyền bá rộng rãi, nhất là giúp người bản xứ hiểu được Phật pháp đây mới đích thực là “Ân nghĩa xin nguyện đền”. Sự đền đáp ở đây là vừa đền đáp ân Đức Phật, ân thầy tổ nhưng cũng là đền đáp ân của quê hương thứ hai cưu mang, đùm bọc ta sinh sống, tu hành. Phát biểu xong thầy đọc cho đại chúng nghe bài thơ mà Thầy vừa cảm tác ngay trong lúc thiền trà, đại chúng ai cũng hoan hỉ.


Trước giờ chia tay, Thầy viết ra và trao bài thơ cho thầy Pháp Thiên, con tranh thủ xin chụp lại nên có được nội dung như dưới đây:

Nhân duyên hội ngộ được về đây

Hạnh phúc bình an phút giây này

Vô Ưu Phật viện trang nghiêm cảnh

Đại Bi thiền tự pháp đong đầy.

Xứ tuyết trời xanh mây lãng đãng

Áo nâu tâm sáng Phật hiện bày

Nghĩa đệ tình huynh xin gìn giữ

Ngôi nhà đạo pháp nguyện đắp xây.


Phật học Viện, ngày 17.09.2022

Trí Chơn

Đại diện Tăng thân Viện Phật học (con nhớ là một thầy người Đức) cũng tặng Thầy hai bức thư pháp. Thư pháp tiếng Đức là Ichbin Angekommen Ichbin JuHause (Con đã về, con đã tới) và bức thư pháp thứ hai là tiếng Việt, bài thơ:

Mát lòng nhờ những giọt không

Bỗng đâu thuyền đã sang sông đến bờ

Cát mềm bãi vắng nguyên xưa.


Cô An Phong một Phật tử đi cùng Thầy, cô mang theo những tác phẩm thư pháp của Sư ông Làng Mai nhưng để bày tỏ sự cung kính Thầy, cô đã không tặng khi ngồi xe hay hay ở nhà nghỉ mà dành để tặng Thầy ngay sau khi kết thúc buổi thiền trà.


Rời Viện Phật học cả đoàn về nhà nghỉ. Chị Nhung con bác Quán Chiếu nói đùa chiều nay về tới nhà là có cô Tấm chuẩn bị cơm nước nên đoàn ta về tắm rửa là có ngay thức ăn mà không cần phải nấu nướng.

Về tới nơi, có hai vợ chồng hớn hở ra chào đón Thầy. Họ vái chào rồi ôm Thầy thân mật, hoá ra là đệ tử của Thầy từ hơn bốn năm trước. Điều làm con thêm ngạc nhiên và kính ngưỡng là gia đình này đã có đức tin từ một tôn giáo khác. Vô tình trong một lần nghe pháp thoại của Thầy trên YouTube, anh chị như bắt gặp được con đường chánh pháp bấy lâu mong chờ. Một bài, hai bài rồi nhiều bài, những bài pháp cứ thấm dần rồi anh chị ao ước được gặp gỡ, đảnh lễ xin nương Thầy tu học. Nhiều năm sau đó anh chị liên tục theo dõi lịch hoằng pháp của thầy ở châu Âu để tìm cách đến gặp. Năm 2018, tại nhà bác Quán Chiếu, Duseldorf, sau khi nghe pháp xong, anh chị đến gặp Thầy bộc bạch tâm nguyện, thỉnh Thầy về tư gia làm lễ quy y và Thầy hoan hỉ nhận lời. Sau lễ qui y chồng có pháp danh là Khánh Đức Thông và vợ là An Đức Diệu. Anh chị có ba người con và cũng xin qui y. Kể từ đó họ trở thành những người con Phật.


Để tạo duyên lành giúp nhiều người đến với đạo Phật, anh chị đã mua hẳn một chiếc xe hơi chuyên đi làm công quả và chở những người muốn đi chùa tụng kinh, công quả nhưng không có phương tiện. Anh nói suốt cả ngày khi nghe tin Thầy đến anh hoan hỷ vô cùng. Chị thì cặm cụi bếp núc nấu ăn cho Thầy và đại chúng, trong khi anh thì mang máy móc ra kiểm tra để quay phim, chụp ảnh lúc Thầy giảng kinh.

Niềm chánh tín đến cao tột của gia đình có gốc rễ đức tin khác biết quay về nương tựa Tam Bảo cho con một bài học lớn về nuôi dưỡng đức tin, thấy mình hạnh phúc khi được đi trên con đường sáng.

Con tự hào vì mình cũng có con đường sáng để đi, con không còn lo sợ gì nữa. (còn nữa)

Lệ Mai

Một số hình ảnh ghi nhận:







Tin Tức Liên Quan