Có những ngày ta đã quá bản lĩnh dám buông bỏ những trang giáo lý cao siêu hay những công việc trói buộc phải hoàn thành, để vô tình chạm trán với sự bình yên. Cơn mưa đi qua làm sáng cả khu vườn, vẫn như mọi khi mấy thầy trò cùng nhau dạo bước. Thầy hay bảo: “Dạo một vòng là có cả một nồi canh rau cho cả đại chúng dùng”. Tôi nào biết, mọc ven đường là những loài rau dân dã tự nhiên đã từng nuôi giữ một thời đẹp đẽ trong lòng chú tiểu năm xưa - Thầy tôi hôm nay. Cọng rau làm sống dậy một thời, hôm nay tôi được nhìn thấy sư chú trẻ ngày xưa trong một hình thái mới. Tuổi thơ tôi như lứa tuổi này không có những ngày phải tự hái rau, chỉ thật sung sướng vui đùa rồi ăn cơm mẹ nấu. Thích thú làm sao khi được nghe thầy nói rau mà mấy thầy trò đang hái đây là “dền cơm”. Họ nhà dền còn có dền đỏ, rồi dền gai nữa. Những cái tên nghe sao thật lạ. Dạo chưa hết một vòng mà đã có một rổ rau, nào dền cơm, rau muống, đọt nhãn lồng, cải bẹ xanh, rau mọc một cách tự nhiên, không trồng, không trỉa. Bên bờ hồ, dưới gốc me thầy trò ngồi lặt rau, ôi sao quen thuộc quá. Quen là vì kể từ cái thuở hồng hoang, thầy trò ta chưa bao giờ cách biệt. Ai nào ngờ đến những thứ quá đổi bình thường như bụi rau muống, rậm nhãn lồng hay rãi rác những cây dền cơm mà thường ngày chẳng mấy ai ngó ngàn tới lại là nhịp cầu kết nối yêu thương. Những thứ hạnh phúc dung dị, tưởng chừng như tầm thường đó lại trở nên phi thường, là đề tài gửi gắm tình thương của Thầy đến những người con nhỏ. Thế mới nói rằng cuộc đời không phụ bạt, cho dù trên sỏi đá xà bần, ta vẫn dễ dàng thưởng thức được vị ngọt lành của “bát canh rau”.
Mỗi chiều, thầy chỉ uống cốc bột nhưng chiều nay, thầy bảo thầy muốn ăn bát canh rau. Sau một hồi dạo quanh bờ hồ, trên bàn ăn đã có bát canh bốc hơi nóng hổi, thầy trò ăn trong chánh niệm, thỉnh thoảng nhìn nhau mỉm cười, khiến bát canh thêm ngọt.
Giữa cuộc sống xô bồ, bát canh tạp tàn đã dần bị quên lãng. Nào ngờ đâu, vào chùa, tôi được trở về tiếp xúc với những gì nguyên sơ nhất từ chính thầy mình.
Trong thời đại này, mà tôi nghĩ thời đại nào cũng vậy thôi, cái lễ giáo đã khiến thầy trò trở nên cách biệt quá. Có nơi nào mà thầy ngồi với những người đệ tử mình bên chén trà ấm nồng vị pháp lúc mờ sớm; có nơi nào mà thầy cùng trò bước những bước thật thảnh thơi khi chiều buông, rồi dạo vườn chỉ đệ tử cách quấn lá chuối, lá tre làm kèn thổi tete, rồi cùng nô đùa với trái banh trên thảm cỏ ...
Hạnh phúc của những người con trong một mái chùa là vậy đó. Để thấy rằng, cái tình của thầy không bao giờ là riêng lẻ. Một người vô sự sẽ không phải vì đổ lỗi cho Phật sự đa đoan mà đánh mất sự có mặt của mình cho đệ tử. Thầy luôn có đó, chỉ cần đến với thầy bằng tấm lòng rộng mở thì cái mà ta nhận được là bao bài pháp không lời. Đó là gì nếu không phải xuất phát từ tình thương bạn nhỉ. Đâu đó, có những người đệ tử khao khát được sự có mặt của thầy mình, dù chỉ trong bữa cơm đã vô cùng là khó khăn. Đi tu có thầy cũng như ở nhà có cha mẹ, thầy có đó để làm gì nếu không phải là học hỏi, là chăm sóc, là thương yêu.
Nếu như Thế Tôn đang sống trong thời đại chúng ta, tôi tin chắc rằng Ngài cũng sẽ cùng tôn giả Anan hay ngài La Hầu La và các vị đệ tử nhỏ của Ngài gửi những thông điệp thật giản đơn mà sâu sắc hơn những gì mà con người thường hay tưởng, cũng có thể là qua một bát canh rau. Bát canh rau dại quá tầm thường mà lại nuôi lớn được tình thương. Trong khi nhan nhãn các bảng hiệu rau xanh, rau sạch, rau vườn lại ẩn tàng một sự thật bất lương chỉ vì lợi nhuận.
Bát canh rau chiều nay, như một lẽ trả thù dễ thương cho công thức đối đãi của hiện thời giữa tình người với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa đồng nghiệp, bạn bè, hay hẳn là sự truyền thông giữa thầy trò và tình huynh đệ. Hơn thế nữa bát canh rau còn hiển hiện cho một quy luật sinh tồn giữa loài người với thiên nhiên.
Ai ơi, giả nếu đã quá mệt mỏi rồi, hãy cứ về với cái hạnh phúc của một sơ tâm. Cái sơ tâm ban đầu của bạn là gì vậy hả? Hạnh phúc thuở nào của mình
là gì bạn có
nhớ không?
Bản chất của bát
canh rau không phân biệt người dùng,
mà chỉ có người dùng phân biệt bát canh rau.
Tâm Minh Tuệ
Tin Tức Liên Quan
- Mùa Thương ( 6/07/2019 6:41)
- Gửi em trong tôi (22/06/2019 9:01)
- Lời khuyên của Đức Phật vào đề Văn chuyên lớp 10 Đại học Sư phạm TP HCM ( 7/06/2019 3:42)
- Trong veo cơn mưa đầu hạ ( 4/06/2019 2:19)
- Tháng tư về . . . lòng con nhớ Phật! ( 8/05/2019 3:08)
- Tiếc nuối một thời (13/04/2019 4:57)
- Mưa về ( 4/04/2019 1:49)
- Thư kính gửi Đức Thế Tôn (30/03/2019 9:04)
- Nét đẹp sớm mai (27/03/2019 7:21)
- Tiếng chuông tỉnh thức (24/03/2019 9:45)