Vào một buổi sáng, có lẻ là buổi gần cuối, đại chúng được thực tập thiền hành. Các thiền giả bắt đầu tập trung đến một khoảng sân rộng. Những phút đầu tiên lác đác 5 - 3 người, rồi 10 - 20 người, số lượng người cứ theo đó đông dần, quây thành vòng tròn. Khi lượng người có mặt tương đối đông, những khúc thiền ca bắt đầu được cất lên. Tôi nhớ người bắt nhịp đầu tiên là Ni trưởng Chân Không, sau đó là quí thầy cô khác. Không ai làm nhạc trưởng cả. Cứ bài hát vừa xong thì hết thầy này đến cô kia bắt lên, thế là cùng hát.
Thiền ca trước giờ thiền hành.
Thiền hành.
Sau
vài khúc hát, Thiền sư xuất hiện rồi hướng dẫn đại chúng thiền hành. Giờ thiền
hành không bị bó buộc trong khuôn khổ phẩm trật lớn nhỏ, cũng không phải xếp hàng
theo thứ đệ tăng tục phân minh. Khi Thầy cất bước thì những người đứng kế nối gót
theo. Lạ quá, một “trật tự kỹ cương” thiền môn bị phá vỡ
trong tôi. Nếp sinh hoạt ở những ngôi chùa truyền thống
bên nhà không có thiền hành mà chỉ có kinh hành. Kinh hành là nghi thức được thực
hiện trong mỗi thời công phu sáng hoặc tối, thường là trong mùa
an cư kiết hạ. Sau khi tụng hết bài kinh chính trong khóa lễ, tất cả hội chúng
đồng đứng lên niệm Phật. Khi hiệu Phật đầu tiên được xướng lên cũng là lúc
vị chủ lễ bước chân theo nhịp điệu tiếng khánh, tiếng mõ. Tiếp theo đó, mỗi người
theo hạ lạp của mình thứ đệ cất bước, nhỏ không được đi trước, đi phải có lớp
lang, không được đi lệch hàng. Nhưng ở đây thì không phải vậy, bất luận tăng
hay ni, lớn hay nhỏ ai trước sau gì… cũng được. Đoạn đường thiền hành khá dài,
có lúc băng qua những tán cây, có khi ngang qua con suối róc rách, có đoạn chân
bước mềm mại trên thảm cỏ xanh. Thú thật là tôi lúc đó cũng chẳng
có chánh niệm, tỉnh giác gì, cứ hết nhìn trước rồi lại nhìn ngang theo dõi bước
chân Thầy đi và những thiền giả quanh mình. Khoảng hơn một giờ đồng hồ, đến một
khoảng đất rộng, bên mé rừng thì đoàn dừng lại, tất cả cùng ngồi xuống, quây quần
bên nhau trong nắng sớm. Những tách trà nóng được quí thầy cô thị giả chuẩn bị trước
mang ra mời. Cái tâm lý được gần gũi Thầy, ngồi bên Thầy luôn chờ chực trong lòng
nhưng quanh Thầy là các vị lớn, tôi muốn chen vào nhưng nào có dám. Không biết
do đọc được tư tưởng của mình hay yêu thích người tu trẻ, Thầy hướng mắt về phía
tôi rồi gọi: “Thầy TC lại ngồi đây cho vui chứ”. Một lần nữa tên tôi được Thầy
gọi lên. Từ phía sau, tôi cúi người bước nhẹ tới. Thầy đưa tay nhịp nhịp xuống đất
như bảo tôi ngồi vào vị trí Thầy chỉ. Thế là tôi ngồi giữa bậc đạo sư của Làng
Mai và Hoà thượng trưởng đoàn Trung ương Giáo hội. Tại đây Thầy lập lại câu
hỏi ngày hôm trước trong thất Ngồi Yên: “Làm báo Giác Ngộ có vui không?”. Tôi rón
rén nhìn sang Hoà thượng Tổng Biên tập (Thích Trí Quảng) rồi trả lời “Dạ, vui ạ!”.
Vẫn là câu thiền ngữ kia: “Hãy là tiếng nói của Giác
Ngộ nhé”. Tôi chắp tay cúi đầu…
Lần
đầu tiên qua Pháp như muốn khám phá miền đất mới, sau giờ thảnh thơi uống
trà bên mé rừng, tất cả cùng nhau trở về. Trên đường đi mọi người
được trò chuyện với nhau mà không phải giữ sự im lặng như lúc thiền
hành. Có một đoạn đi chung với hòa thượng Phước Đường, tôi mở lời thưa: “Bạch Hòa
thượng quanh Làng Mai có những di tích gì ấn tượng không?”. Thực sự là hỏi cho
biết chứ không có ý định đi tham quan. Bởi vì quanh Làng là núi rừng biết đâu mà
đi. Mặt khác mình là khách sao dám đòi hỏi đưa đi nơi này chốn kia. Tôi không
biết là hòa thượng có trao đổi với thầy Pháp Ấn không nhưng đến chiều thì cả đoàn
lại được thầy đưa đi tham quan.
Hòa
thượng Phước Đường là người hiền hậu, dễ gần. Tôi và hòa thượng đã biết nhau và
gặp nhau nhiều lần. Mỗi lần về Sài Gòn, hòa thượng đều đến báo Giác Ngộ đặt báo.
Hoà thượng luôn đặt số lượng lớn để biếu Phật tử. Mỗi lần phòng phát hành báo cáo
cước phí gửi bưu phẩm cho Trúc Lâm - Paris là mỗi lần tôi chạnh
lòng. Tiền báo không đắt mà cước phí vận chuyển thì cao cả chục
lần tiền báo, khoản này hòa thượng phải chịu. Có lần hòa
thượng nói nghe mà cảm động: “Thầy biết không mỗi lần báo gửi sang,
Phật tử Trúc Lâm đọc lui đọc tới, họ cầm nhàu cả tờ báo. Báo tiếng Việt bên đó
đã không có mà thông tin phật sự bên nhà lại càng
hiếm vậy nên phật tử quý tờ báo này lắm”.
Cùng với Hòa thượng Phước Đường bên tháp Chuông Làng Mai
Với thầy Pháp Ấn thì thời gian ở Làng, mỗi ngày huynh đệ đều gặp và thỉnh thoảng vẫn hay trò chuyện. Trong câu chuyện thầy cũng có đề cập đến sự tương tác giữa đại sứ quán Việt Nam tại Pháp với Làng Mai. Một lần nào đó thiền sư có kể các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã từng về Làng để dự khóa tu. Tôi chỉ nghe và biết vậy. Cho đến khi trò chuyện với thầy Pháp Ấn thì thầy mới thổ lộ thêm: “Nhiều năm trước các cán bộ Đại sứ quán đã đến Làng Mai mấy lần để thương thuyết việc Sư ông về Việt Nam. Mỗi lần đến họ đều ở lại đôi ngày tham dự khoá tu cùng đại chúng sau đó mới vào gặp Sư ông”. Tôi có một “kỷ niệm” ở Làng nghĩ mà buồn cười. Thuở đó, tôi có cuốn sổ tay, đi đâu thấy gì hay cần ghi nhớ thì hay note lại. Ngày tiễn biệt, thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Độ, thầy Chỉnh Độ… đưa đoàn ra đến tận nhà ga. Cho đến khi kiểm tra hành lý thì tôi mới sực nhớ là cuốn sổ tay đã để quên ở lại Làng. Lúc bấy giờ rời Làng khá xa, đâu thể quay lại nên tôi nhờ thầy Pháp Ấn chuyển về Việt Nam giùm. Thầy cười hoan hỉ: “Không sao thầy TC cho cho xin địa chỉ đi”. Vài tuần sau, cuốn sổ tay nằm lại trong tay tôi.
Đoàn chư tôn đức Giáo hội bên tòa thành cổ
Buổi
chiều hôm đó, thầy và một số thầy cô đưa đoàn Giáo hội đi tham quan một số nơi,
có những lâu đài cổ kính ngàn năm, cũng có những ngôi nhà thờ cỏ cây hoang dại
mọc cao gần tới mái, có vẻ như không có người ở nhưng chuông vẫn đổ mỗi sáng
chiều. Tôi thắc mắc điều này thì thầy Pháp Ấn giải thích: “Người ta cài chuông
mặc định, cứ đúng giờ là chuông đổ như thể có người sinh hoạt bình thường nhưng
thực tế là không có ai ở và cũng không có ai đến đây”…
Đó là ngày cuối đoàn được đi dạo chơi một số nơi trước khi rời Làng.
Trí Chơn
(Bài 16: Đến Đi Tự Ngươi)
Tin Tức Liên Quan
- 14 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 7/04/2022 5:27)
- 13 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 4/04/2022 9:24)
- Cho ngày tháng trôi đi ... ( 1/04/2022 7:33)
- 12 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (29/03/2022 7:58)
- 11 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (24/03/2022 4:27)
- 10 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (19/03/2022 3:09)
- 9 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (14/03/2022 3:54)
- 8 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại (11/03/2022 6:16)
- 7 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 6/03/2022 1:45)
- 6 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại ( 4/03/2022 3:39)