Pháp thoại “Chất liệu xây dựng xã hội bền vững theo lời Phật dạy”

3/05/2020 6:36
Sáng nay, vào lúc 8g30 - 03/05/2020 Thầy Trí Chơn đã có buổi thuyết giảng trong tuần lễ Phật Đản PL.2564 trên Giác Ngộ Online với chủ đề “Chất liệu xây dựng xã hội bền vững theo lời Phật dạy”.


Thầy nói trong Thông điệp Phật đản mà Đức Pháp chủ vừa ban hành,  ngài có nhắc đến phẩm kinh Đại Bát Niết Bàn, trong Trường Bộ kinh  về lời dạy của đức Thế Tôn.


Bảy pháp bất thối là nền tảng xây dựng một đất nước, một xã hội hùng cường, vững mạnh. Bảy pháp này gói gọn trong bốn yếu tố: 


I. Nghệ thuật xây dựng cộng đồng vững mạnh (1. Gặp nhau trong tinh thần hòa hợp; 2. Chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp).


II. Mọi sinh hoạt trong đời sống xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật để hướng thiện cho người dân (3. Thượng tôn pháp luật).


III. Sống với những giá trị về đạo đức, văn hóa ứng xử cần được phát huy (4. Thiếu nhi, thiếu nữ và phụ nữ luôn được bảo hộ; 5. Các bô lão được kính trọng).


IV. Sức sống tâm linh trong cộng đồng, xã hội của bất kỳ quốc gia nào cần phải có (6. cơ sở tôn giáo được cúng dường, tôn trọng; 7. Các bậc thánh tăng chứng đạo được đảnh lễ, ngưỡng mộ). 


Đây là bốn yếu tố được đức Phật đã nhấn mạnh trong bảy pháp bất thối.



 

Cấu trúc xã hội được hình thành, kết nối xây bằng nhiều sắc thái khác nhau. Có ba thành tố chính: thứ nhất là đời sống gia đình; thứ hai, mối tương quan trong công ăn việc làm và thứ ba, sự tương tác giữa cá nhân với môi trường xã hội.

 

Về đời sống gia đình, tài sản lớn nhất trong một gia đình là những thành viên trong gia đình ấy, là chất lượng hạnh phúc bên trong mỗi gia đình. Hạnh phúc của gia đình là nền tảng xây dựng hạnh phúc của cộng đồng, xã hội. Mỗi gia đình là một tế bào trong xã hội, giống như mạng lưới đẹp được kết đều với nhau và ta chính là mắc xích tạo nên cấu trúc xã hội ấy. Nhưng “cơ chế” trong tự thân con nguời thường thích được nuôi dưỡng bản ngã, thích những cái mới lạ, dần lãng quên hạnh phúc đích thực ngày nào. Thế nên, tâm ban đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hàn gắn những vết thương. Có một sự thật nhạt nhòa mà ta đã vô tình quên lãng đó là “sự biết ơn”. Ta sẵn sàng nói lời cảm ơn với một người xa lạ nhưng lại lạnh nhạt, vô tình với những người thân, ta quên hẳn ơn nghĩa ngày nào. Vậy nên hãy quay về những ngày tháng đầu tiên, hãy sống với lòng biết ơn người thân để xây dựng hạnh phúc gia đình cho thật bền lâu. Tuy nhiên, cuộc sống này vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nếu đã không thể hàn gắn, làm mới cho nhau thì hãy lưu tâm rằng “đến với nhau trong tinh thần hòa hợp thì chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp”, như vậy cũng đã tốt cho xã hội.

 

Về môi trường kinh tế làm ăn - yếu tố thứ hai giúp xây dựng đời sống xã hội. Nói đến kinh tế là nói đến người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người sử dụng lao động, tài sản của mình không chỉ là cơ sở vật chất, công ty, máy móc... mà nhân viên là tài sản của mình, khách hàng cũng là tài sản của mình. Nếu mình trân quý công ty, sự nghiệp như thế nào thì mình cũng trân quý nhân viên, khách hàng như thế ấy. Đối với người lao động, tài sản của mình không phải chỉ ở đồng lương thụ hưởng, mà tài sản của mình còn là nơi mình làm việc, là ông/ bà chủ. Hãy trân quý người tạo cho mình công ăn việc làm như trân quý công sức mà mình bỏ ra.


Yếu tố cuối cùng là mối tương tác trong đời sống xã hội. Mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi người với nếp sống khác nhau nhưng trong tổng hòa của xã hội nó có sự tương tác. Xã hội này đẹp hay xấu đều có bàn tay của chính mình góp phần vào. Ví như môi trường ô nhiễm, thử hỏi rằng xe mình chạy, hóa chất mình xài, miếng bánh mình ăn,...có thải ra môi trường những chất độc hại? Đẳng cấp của một người không nằm ở khối tài sản sở hữu mà là thái độ người đó sử dụng tài sản như thế nào. Đức Phật dạy phải biết sống thiểu dục tri túc. Tất cả những gì ta tiêu thụ đều tác động rất lớn đến môi trường xã hội. Ta càng củng cố cho mình nhiều tiện nghi thì ta càng làm tổn hại đến môi trường xung quanh. Hãy sống tiết kiệm, tối giản, chỉ đáp ứng những cái mình cần chứ không phải những gì mình muốn. Như vậy là ta cũng đã góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp phồn vinh.

 

Trước khi kết thúc buổi thuyết giảng, Thầy đã gửi lời chúc sức khỏe, an lạc, thảnh thơi đến với chư tôn đức Tăng, Ni và quý vị Phật tử trong mùa Phật Đản.

 

Thầy Trí Chơn giảng 


Trung Tuệ( lượt ghi)

 

Tin Tức Liên Quan