Chùa Bằng: Ngày tu an lạc tháng ba năm Mậu Tuất

1/05/2018 1:13
Ngày 29 tháng 04 năm 2018, nhằm ngày 14 tháng 03 năm Mậu Tuất, đông đảo Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) từ sáng sớm để tham dự ngày tu bát quan trai theo lịch tu học hàng tháng.
Đúng 7h30' sáng, Đại đức Thích Thanh Hải - Giáo thọ sư chùa Bằng đã làm lễ niêm hương bạch Phật và đăng đàn truyền giới cho hành giả tu tập Bát Quan Trai giới.  
  
Sau đó, đại chúng đã trang nghiêm lắng lòng đón nhận bài pháp thoại của Thượng tọa Thích Trí Chơn - Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS quận 12 GHPGVN thành phố Hồ Chí Minh, Viện chủ Tổ đình Khánh An thuyết giảng với chủ đề “Hãy là vị Thầy giáo cho chính mình”.
Mở đầu bài giảng, Thượng tọa đã ôn lại kỉ niệm với đại chúng những ngày đầu Thượng tọa có duyên về với chùa Bằng, được sang Đền Thờ Tiên Triết Chu Văn An đối diện chùa, lúc đó mới biết nơi đây chính là quê hương của Ngài – một con người học rộng tài cao, đầy nghiêm khắc. Những bạn nhỏ nào có duyên được Ngài Chu Văn An dạy dỗ, uốn nắn đều trở thành những người ngoan hiền, tài giỏi. Tiếng tăm của Ngài vang khắp cả kinh đô xưa. Vì thế, nhà vua đã mời ngài Chu Văn An về làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy dỗ con của vua quan và các vị đại thần. Phương pháp giáo dục của ngài Chu Văn An là lấy đức làm đầu, ngay cả thái tử Trần Vượng sau này là vua Trần Hiến Tông cũng được sự đào tạo của Chu Văn An. Đến đời Dụ Tông, ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng thất trảm sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Ta có thể thấy ngài Chu Văn An không thành công lắm nơi chốn quan trường vì chính nghĩa khí, sự chính trực, vì con người tha thiết với dân tộc. Tuy nhiên, trên con đường giáo dục, ngài Chu Văn An chính là một hào quang sáng chói. Những người học trò giỏi của ngài Chu Văn An sau này đều trở thành những người nổi tiếng, làm quan như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… 
Mượn hình ảnh một nhà giáo thời phong kiến, Thượng tọa đã nhắc lại truyền Thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại hiện thực nền giáo dục hiện tại có nhiều khoảng xám đáng buồn trong thời gian gần đây. Học trò thì mất đạo đức như vụ trò lấy dao đâm Thầy (Quảng Bình), trò bóp cổ cô giáo ( Bến Tre); phụ huynh thì mất nhân cách như vụ: mẹ phụ huynh đánh cô giáo sẩy thai (Hải Phòng), phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi vì đã dám bắt con họ quì gối ( Long An); ngay cả thầy, cô giáo cũng đánh mất tư cách của nhà mô phạm như: cô bắt trò uống nước bẩn (Hà Nội), thầy giáo buôn ma tuý ( Nghệ An), thầy sàm sỡ nữ sinh (Bình Dương)… Theo thượng tọa, nền giáo dục nước nhà đã đến mức báo động. Qua đó, Thượng tọa đã nhắc lại Tam Cang trong Nho giáo là “Quân - Sư - Phụ” vẫn giữ nguyên giá trị trong thời đại này. Thầy giải thích thêm, vì chế độ phong kiến, quyền lực nằm trong tay vua nên “Quân” đứng đầu. Trong xã hội hiện đại quyền lực nằm ở Luật Pháp. Do vậy, yếu tố đầu là mọi người phải thượng tôn pháp luật, tiếp theo là phải tôn trọng Thầy như Cha nếu không muốn nói là phải hơn cả cha (vì Sư rồi mới tới Phụ). 
 Tiếp theo, Thượng tọa nhắc đến 5 nguyên tắc giáo dục của người xưa: Đức dục, Trí dục, Thể dục, Mỹ dục và Kỹ dục. Trong đó Đức đục nền tảng cơ bản. 
Cuối cùng thượng tọa nhắc đến giáo dục Phật giáo là trị tâm. Tất cả mọi lỗi lầm, tội ác ... đều từ tâm mà ra. Qua đó, Thượng tọa mong rằng “Mỗi con người hãy là thầy giáo cho chính mình, nghiêm khắc với chính mình thì ta sẽ có được nhân cách tốt”.
  
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Thượng tọa, toàn thể đại chúng tiếp tục trì tụng kinh Bổn Môn cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp hưng long.
Buổi chiều cùng ngày, dưới sự chủ lễ của quý Thầy, đại chúng tiếp tục trì tụng Kinh Dược Sư khép lại ngày tu an lạc tháng ba năm Mậu Tuất trong niềm hỷ lạc viên mãn.
  
 
 
Theo Chuabang.Com

Tin Tức Liên Quan