Nuôi lớn tình thương

11/06/2021 4:12
Trong mỗi chúng ta ai cũng có tình thương, dù nhiều hay ít, đong đầy hay mỏng manh tình thương luôn có mặt. Con cái đôi khi trách hờn, giận ghét mỗi khi cha mẹ không đáp ứng những nhu cầu của mình. Kéo theo hệ lụy không quan tâm, hỏi thăm chăm sóc … Thế nhưng sâu thẩm bên trong trái tim cha mẹ vẫn luôn soi chiếu theo dõi bước đường ta đi hằng ngày. Con cái có thể bỏ rơi cha mẹ bất cứ lúc nào nhưng vòng tay yêu thương của Cha mẹ vẫn luôn dang rộng ôm ấp mỗi khi con cái quay về.


Đức Thế Tôn là một người cha vĩ đại nhất của nhân loại bởi tình thương chưa bao giờ ràng buộc giới hạn, chưa bao giờ đặt điều kiện, cũng chẳng phải phân biệt ngằn mé. Tình thương ấy được chuyên chở qua lời dạy của người bàn bạt trong kinh văn tình thương ấy càng thêm lớn rộng.


Trái tim lớn hướng đến hạnh nguyện lớn, trái tim bao dung nên nhìn đâu Ngài thấy ai cũng đáng thương yêu nuôi dưỡng. Một chặng đường mang giáo pháp, sự hiểu biết thương yêu của Ngài đến với mọi người là một bài học sống động cho bốn chúng noi theo. Ngài dạy những điều nhỏ nhất từ việc đi, đứng, nằm ngồi, cách ăn uống, hành xử, rửa bát , nấu cơm…kể cả việc đại tiện, tiểu tiện. Mỗi bước chân tỉnh thức của Ngài đặt đến những nơi du hoá đều trở thành thánh địa. Không phải ngẫu nhiên ta nói như vậy mà bước chân ấy đặt trong sự tỉnh thức, an lạc, vững chãi, thảnh thơi…đã nhiếp phục quần chúng bằng uy nghi đĩnh đạc, phong thái thanh tao, toát lên sự điềm tĩnh, đánh động tâm cung  kính quy ngưỡng đến với mọi người.




Trong thời đại công nghệ thông tin truyền thông phát triển vượt bậc, không thể phủ nhận những giá trị hiện thực mà công nghệ thông tin mang lại cho chúng ta. Nếu không có thông tin truyền thông thì chúng ta không thể theo dõi những thông tin quan trọng của hệ thống luật pháp; nếu không có truyền thông thì mình không biết tình hình dịch bệnh diễn ra  phức tạp; nếu không có truyền thông thì mình không thể thực thi những quy định của chính phủ về việc cách ly, đeo khẩu trang, phòng chống dịch bệnh; nếu không có truyền thông thì mình không thể nghe được pháp thoại trực tuyến, chia sẻ giáo pháp kinh nghiệm tu tập đến hội chúng… Tích cực là thế nhưng truyền thông không khiến bao nhiêu người khổ đau bế tắc bởi những hệ lụy, kỹ xảo, ứng dụng thông minh của công nghệ. Việc cắt ghép hình ảnh, cắt ghép âm thanh từ việc chia sẻ của một người nào đó làm bóp méo đi sự thật khiến người ta phải lao đao khổ sở từ những việc không đâu.


Đứng trước những điều như vậy, trước những lời đồn bậc đạo sư lại nói: Đừng nghe lời đồn, giáo pháp của ta đến để mà thấy, mà chứng nghiệm; tin ta mà không nghe theo ta là đang phỉ báng ta. Trong bài Kinh Kalama Đức Phật dạy đại chúng rất rõ về 10 điều có nên tin hay không trước những lời nói dù đó là bậc Sa môn:


Này người Kalama, các con chớ có tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; chớ có tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ có tin bởi vì đó là lời đồn; chớ có tin bởi vì điều đó đúng với sách vở và kinh điển truyền tụng; chớ có tin bởi vì nó nghe có vẻ hợp lý; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ có tin bởi vì lý luận logic và suy diễn; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình; chớ có tin bởi vì người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; chớ có tin bởi vì người đó là thầy của mình”.


Đứng trước một vấn đề, một quan điểm hay chủ thuyết nào chúng ta hãy lắng nghe bằng văn tuệ rồi mới suy tư bằng tư tuệ, hành trì bằng tu tuệ. Nếu nghe bằng tình cảm, nghe bằng sự cuồng tín thì chúng ta không thấy rõ được căn nguyên nguồn gốc của mọi vấn đề. Niềm tin đó phải đặt trong hệ quy chiếu là bậc thức giả, bậc trí giả tán đồng, hoan hỷ, mang lại hạnh phúc cho nhiều người, đem bằng tâm vô tham, vô sân , vô si cảm nhận thì mới có giá trị tu tập.


Những lời dạy này nếu không xuất phát từ tình thương lớn của Bậc Đạo Sư thì chúng ta sẽ không biết đâu là lối thoát, con đường tu tập chân chánh mang lại hạnh phúc cho số đông, cho chư thiên và con người. 


Mỗi ngày tư duy thiền quán, chiêm nghiệm lời Phật dạy, xông ướp những tinh hoa giáo điển để nuôi dưỡng tình thương mà Đức Thế Tôn đã trao truyền. Có như vậy chúng ta mới xứng danh là thích tử thiền môn, tiếp nối hạt giống Thánh tăng, biến nơi mình đang ở tu tập thành thánh địa. Chư Phật đã đi, chư Tổ đã bước thì tại sao mình không thể tiếp nối được sự nghiệp ấy của Quý Ngài chứ?


Quảng Thức

Tin Tức Liên Quan