Lộ Trình Tu Tập!

25/06/2021 6:22
Diễn biến phức tạp của Covid cũng khiến ta bất an nhưng một mặt nào đó cũng là dịp để ta có được những ngày tháng bình yên, có cơ hội để công phu tu tập.

Trên vai gánh nặng trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho đời nhưng không giúp được  gì cho xã hội liệu mình có xứng đáng là thích tử thiền môn?

Ngẫm lại những chuyện đang xảy ra, một phần do những hệ quả từ việc tiêu thụ thiếu chánh niệm của chúng ta. Máy móc chạy lâu ngày cũng cần tu sửa lại, sức khỏe con người đến lúc nào đó cũng rệu rạo đau nhức, thiên nhiên cũng cần có những khoảng lặng nhất định để cân bằng sinh thái.

Tự nhiên vốn đã trung hoà, thuận theo tự nhiên thì chúng ta luôn có bình an, hạnh phúc đích thực. Những ngày tháng giãn cách xã hội vì dịch bệnh là cơ hội chúng ta quán chiếu soi xét lại mình, cho mình có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo nguồn năng lượng mới. “Đi ra bên ngoài không được thì hãy quay vào bên trong”,  “Muốn tìm kiếm âm thanh sắc tướng bên ngoài hãy mở đôi mắt trần ra; muốn khám phá nội tâm mình thì hãy quay vào bên trong theo dõi từng niệm sanh khởi, máy động của tâm thức”. Đó là lời nhắc nhở của Thầy Viện chủ Khánh An trong các buổi pháp thoại.Trong ta luôn có đầy đủ các yếu tố, các điều kiện để mình hạnh phúc nhưng sao ta lại tìm cầu những cái hư ảo bên ngoài.



Người học Phật tìm kiếm những cái hạnh phúc bên ngoài là chưa tìm đến cái chân hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự là tu tập, là  làm sao cho tâm bừng sáng nội tâm, thấy rõ con đường lý tưởng của mình, thấy được khổ, vô thường, vô ngã , thấy được nhân duyên có mặt trên cuộc đời mình. Để làm sáng tỏ lý tưởng đó cần phải có một lộ trình đi nhất định. Từ những cái căn bản, thô sơ bên ngoài cho đến cái vì tế bên trong. Thuở mới vào Chùa chúng ta tha thiết quỳ lạy Sư phụ chỉ để xin đi tu thôi. Hãy tìm lại trong lòng mình cụm từ “Xin đi tu” tha thiết kia có còn rõ nét không hay đã nhạt nhòa rồi. Ngày tháng qua mau, hãy luôn nuôi dưỡng ý niệm đẹp đẽ kia, hãy chăm sóc nó luôn có mặt bên mình để không cô phụ chí nguyện cao cả, đền đáp được bốn ân lớn. Thời gian trôi qua, cái chết cận kề, xem trong tâm mình đã chất chứa được những gì, thực tập có an vui hạnh phúc không, tâm thênh thang rộng lớn hay chất chứa những nỗi khổ niềm đau…




Trong Kinh Tâm Hoang Vu, Đức Phật đã hỏi đệ tử của mình làm sao để tu tập có hạnh phúc diệt trừ năm tâm hoang vu, đoạn trừ được năm triền phược. Tâm hoang vu là một trạng thái tâm còn hoang sơ đầy cỏ dại, là một chuỗi nhiễm ô. Đức Phật là bậc tỉnh thức hướng dẫn chúng ta đi trên lộ trình giác ngộ, giải thoát, nhưng chúng ta đã đặt trọn niềm tin vào bậc đạo sư chưa? Nếu còn nghi ngờ những lời dạy của ngài, những thành tựu trí tuệ giải thoát của Ngài thì đó là tâm hoang vu, đang xa dần với lý tưởng của mình. Hay những lời dạy của Đức Phật chúng ta đã trọn vẹn tin tưởng chưa? Chúng ta sống hoà hợp với đại chúng chưa? Những điều đó nếu niềm tin mình không đặt để trọn vẹn, không hoà hợp với nơi mình sinh sống thì càng xa rời với đạo. Thế mới thấy được lời dạy của bậc đạo sư luôn cảnh tỉnh sách tấn định hướng đường đi rõ ràng cho hành giả trên con đường tìm về bản thể chân như.



Công đức phát sinh từ niềm tin, niềm tin càng vững bền thì công đức càng tăng trưởng, công phu tu tập càng có hoa trái. Đoạn trừ những tham dục, mê chắp vào sắc thân, ăn uống có chừng mực, chẳng cầu phước báu nhân thiên, tâm như hư không, thênh thang rỗng lặng như con gà mẹ đang ấm trứng đến ngày, đến khắc gà con tự biểu hiện. Người tu mỗi ngày công phu thiền định, chấp lao phục dịch, sống hoà hợp trong tăng thân tinh cần, tỉnh thức đến một lúc nào đó thành tựu được đạo quả. Không còn làm gã cùng tử lang thang tìm hạt ngọc trong túi áo, không phải tốn công uổng phí đi tìm những cái bên ngoài, quay vào bên trong ngồi thong  dong tự tại , chiêm nghiệm những gì đang xảy ra để thấy được tâm mình, thấy được tâm là thấy đạo, giác đạo.

Quảng Thức




Tin Tức Liên Quan