Bốn Tâm Vô Lượng Trong Ánh Sáng Niềm Tin!

17/06/2021 4:00
Đêm 16/06/2021 là đêm thứ hai với pháp thoại giảng về kinh Kàlama, Thời thiền và giờ pháp thoại đã có nhiều nghìn lượt người tham dự qua YouTube cũng như Fanpage; đặc biệt có hơn 100 hành giả dự thiền qua zoom. Hoan hỷ nhất là có những đạo tràng tu tập lên tới mấy chục vị cũng có mặt. Công phu tu tập này rất lợi lạc, xin gửi năng lượng an lành đến thế giới đang bất an vì dịch bệnh.





Trước khi giảng bài hai, Thầy Viện chủ đã điểm lại vài ý chính của pháp thoại trước đó.



Kesaputta là một thành phố có nhiều đạo sĩ, bà là môn đến đây truyền đạo. Nhưng họ không chỉ truyền bá tư tưởng, học thuyết của mình mà còn chê bai những chủ thuyết , tư tưởng của các tôn giáo khác, khiến chúng dân Kalama ở đây thắc mắc, hoang mang.  Họ đã đưa vấn đề này trình Đức Thế Tôn và được Ngài dạy: chớ vội tin những quan điểm, học thuyết, tư tưởng nào dù đó là truyền thống, truyền thuyết, kinh điển lâu đời, lời truyền tụng lâu năm … Muốn tin vào một vấn đề cần phải đối chiếu quan điểm, tư tưởng đó: thiện hay bất thiện, quần chúng tán đồng hay không tán đồng, bậc thức giả chỉ trích hay ca ngợi. Tuy nhiên đây là lớp vỏ bên ngoài mang hình thức xã hội. Vậy nên cần pháp quy chiếu thứ 2 là học thuyết đó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si. Người truyền giảng có giữ Năm nguyên tắc đạo đức không.

Với học thuyết có chứa tham sân si thì sẽ  không giữ thánh giới, chắc chắn sẽ mang lại đau khổ, hãy từ bỏ chúng. Với học thuyết nào ly tham, sân, si thì chắc chắn sẽ biểu hiện được thánh giới, hãy tin theo.

Pháp quy chiếu thứ ba để tin theo một tư tưởng mà Đức Phật dạy là Bốn tâm vô lượng.

Này các người Kalama vị thánh giả nào ly dục, ly tham, ly sân, ly si, chánh niệm tỉnh giác với tâm từ toả sáng một phương, hai phương, ba phương cho đến bốn phương, tỏa ra chiều ngang, chiều dọc, toả khắp mọi phương, tâm không sân hận, không ô nhiễm, thanh tịnh thì ngay tại đây có bốn điều an ổn. Với tâm bi, hỷ, xả cũng như vậy.

Từ bi hỷ xả không phải là lý thuyết suông trên kinh văn mà là sự thực tập thiền. Từ vô lượng là tình thương bình đẳng đến mọi loài chúng sinh, không điều kiện, không có thân sơ, không mong đáp trả. Thực tập tâm từ ( bi, hỷ, xả) rải khắp muôn nơi, muôn phương, đến tất cả mọi người, mọi loài.

Sống trên đời ai cũng có người thân, bạn bè nhưng đừng ngộ nhận đó là tâm từ. Tâm từ phải xuất phát từ trái tim của mình, không cần có bất cứ điều kiện nào. Thực tập tâm từ là thực tập sự bình đẳng đến với mọi đối tượng dù đó là ai.

Tâm Bi là lòng bi mẫn,  lòng trắc ẩn, biết chua xót, biết chạm đến trái tim mình khi ai đó buồn phiền khổ đau. Tâm bi có sự đồng cảm với những người khổ thân, khổ tâm, lao đao, lận đận, thiếu duyên, kém phước gặp những khổ đau tai nạn. “Sáng cho người niềm vui, Chiều giúp người bớt khổ” hay “Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc, Bi năng bạt  nhất thiết chúng sanh chi khổ”. 






Tâm từ có khả năng rải tình thương đến vạn loại chúng sinh, tâm bi giúp con người vượt qua đau khổ dù nhỏ nhất là lời an ủi, động viên trong lúc đang gặp khổ nạn.

Xã hội phát triển làm mất dần cảnh làng quê sống nghĩa tình, chăm sóc, chia buồn sẻ ngọt cùng nhau, hồn nhiên, thi vị, thơ trẻ. Cuộc sống càng hiện đại văn minh, vật chất lên cao, lòng bi mẫn bị thu hẹp, nhạt nhòa mất dần cái tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống hiện đại làm cho con người vô cảm, lòng bi mẫn bị tổn thương, tình người thắt lại, nỗi đau phơi bày khắp nơi , luật pháp chật vật không giải quyết được. Vì vật chất lên ngôi, vì bản ngã tham chấp, từ tâm bị thắt lại, bi tâm rỉ máu không thể giúp được người khác. Người đệ tử Phật cần thực tập tâm từ, tâm bi ngay từ hôm nay, chỉ cần xoay vào chính mình, nuôi dưỡng tâm từ bi nhằm lan tỏa đến môi trường xung quanh.

Tâm hỉ là sự hân hoan, phấn khởi, niềm vui. Thực tập sao cho tâm mình luôn có bình an, hoan hỉ, nuôi dưỡng tố chất thiện lành nuôi dưỡng trong tâm mình. Chỉ cần có ánh mắt thương trân quý, cần lắng nghe bằng sự thành tâm khẩn ý đối với cuộc đời…là có tâm hỉ rồi. Mình phải có an lạc, hoan hỉ mới hiến tặng được cho đời. Hoan hỉ với những thành tựu của người khác, tổ chức khác mới là đỉnh cao của sự hoan hỉ. Lấy niềm vui của người khác làm niềm vui cho mình mới đúng theo tinh thần Phật dạy.




Xã hội có phát triển, con người cần có sự cạnh tranh nếu biết thực tập tâm hỉ thì chúng ta sẽ thừa hưởng được những sản phẩm trọn vẹn nhất, an sinh xã hội tốt nhất còn không chúng ta chật vật trong sự ganh đua, tị hiềm đem đến sự bất an, đau khổ cho nhân loại.

Tâm xả là tâm không dính mắc, chấp thủ, không tham, buông xả. Chúng ta bị dính mắc bởi ngũ dục, dính mắc trong từng quan điểm, lý luận, câu chữ, ý tứ, câu cú để rồi làm khổ nhau. Mọi sự vật hiện tượng diễn ra “như nó đang là” nhưng ta nhìn bằng “cái ta đang là”. Vậy nên phiền não khởi sinh.

Bốn tâm vô lượng này rất cao quý, chính là bốn phạm trú, là nơi trú ngụ của chư thiên, phạm thiên, bậc thánh. Tu tập tâm từ đối trị với tâm tham, tu tập tâm bi đối trị với tâm sân, tu tập tâm hỉ đối trị với tâm ganh ghét, tật đố, tị hiềm; tu tập tâm xả đối trị tâm dính mắc, chấp thủ. Thực tập bốn tâm vô lượng để giúp mình, giúp đời.

Người thực tập bốn tâm vô lượng thì không giận, không hại, không ô nhiễm, hoàn toàn thanh tịnh, sẽ có bốn điều an ổn:

+ Nếu có đời sau, có quả báo các nghiệp thiện ác thì sau khi thân hoại mạng chung vị ấy sanh vào thế giới an vui.

+ Nếu không có đời sau, không có quả báu nghiệp thiện ác thì ngay bây giờ ở đây sống tự tại, an tịnh và vui vẻ.

+ Nếu làm điều ác nhưng tâm không khởi ác thì không chịu về đau khổ nghiệp tạo ra.

+ Nếu không làm các điều ác thì các ông thấy thanh tịnh cả hai phương diện vô ý và cố ý thì sống hạnh phúc an lạc bây giờ ở đây, nếu có tái sinh sẽ sinh về tầng trời hay con người.



 

 Bài kinh  dạy chúng ta cần có tuệ, có quan điểm để nhìn khi lắng nghe một học thuyết, tư tưởng mà người ta đưa ra. Phải có tư duy, quan kiến bằng văn tuệ, tu tuệ , tư tuệ nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng bằng bốn tâm vô lượng để thấy được chân lý mầu nhiệm. Thế Tôn là người thấy được chân lý, thấy rõ nhân duyên, thấy được pháp, thấy tham, sân, si là gốc của tội lỗi; vô tham, vô sân, vô si là cội nguồn bình an. Sống vô tham, vô sân, vô si chứa đựng tinh thần vô ngã, chạm được vô ngã tức là cầm được con dấu của  Thế Tôn đóng lên trang giáo pháp của đời. 

Quảng Thức



 

Tin Tức Liên Quan