Nhớ ông Kostas Sarantidis và những ngày ở Hy Lạp

30/06/2021 11:50
Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập quả là một con người đặc biệt. Nhớ về ông, nhớ tới câu chuyện với ông trên chính quê hương ông cách đây tròn 10 năm khiến tôi thực sự xúc động.

Ngày 7/1/2011, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quyết định Quốc tịch Việt Nam cho ông Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Cuộc đời làm báo, tôi may mắn được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tiếp xúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực - Đó là hạnh phúc của người làm nghề. Và, ở một đất nước xa xôi - Hy Lạp, tôi đã may mắn được gặp, trò chuyện cùng ông. Nguyễn Văn Lập - người mang 2 Quốc tịch Việt Nam và Hy Lạp. Một người đặc biệt được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Hữu duyên thiên lý

Tháng 9 năm 2011, trong một chuyến di dài ngày tới 6 nước Châu âu, tôi đã có may mắn sang Hy Lạp. Đây là chương trình ngoài kế hoạch trong chuyến công tác của tôi.

Mọi sự “Hữu duyên” khởi phát từ chính những người lãnh đạo ở cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Séc mà cụ thể là Hội Phật tử Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng Hòa Séc làm cầu nối.

Nói là Hữu duyên, là bởi khi sang Cộng hòa Séc những ngày đầu tháng 9/2011, đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp, đã có cơ duyên dự Lễ Vu Lan báo hiếu do Đại đức Thích Trí Chơn, Ủy viên TWGHPG Việt Nam, cố vấn Hội phật tử Việt Nam tại Cộng Hòa Séc, Trụ trì chùa Giác đạo thành phố Cheb lúc bấy giờ, chủ trì buổi lễ. Xúc động trước một ngày lễ Trọng dành cho những bà con yêu kính đạo Phật, tri ân công đức Tổ tiên, hướng về quê hương đất nước, chớp lấy cơ hội, đề đạt nguyện vọng cũng như mong muốn của Cộng đồng người Việt ở Hy Lạp. Cùng với đó là sự trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp, Hội người Việt Nam, Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, nên chuyến đi Hy Lạp được thiết lập và diễn ra nhanh chóng và tôi may mắn được tách chuyến công tác đi theo đoàn sang Hy Lạp.



Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và ông Nguyễn Văn Lập (tên Hy Lạp là Kostas Sarantidis), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, hồi năm 2018. (Ảnh: Ngự Bình/TTXVN)

Hy Lạp những ngày khó quên

Từ Cộng Hòa Séc tới Hy Lạp là nửa đêm. Athen thật lung linh huyền ảo. Lúc ấy khoảng hơn 2h sáng, nhưng đường phố vẫn nhộn nhịp.

Đoàn của chúng tôi do Đại đức Thích Trí Chơn làm trưởng đoàn, chị Tạ Phạm Bích Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc, làm phó đoàn và cũng là người chăm lo cho đoàn đi, đồng thời cũng là MC của Lễ Vu lan báo hiếu tại Hy Lạp.

Xe từ sân bay đón chúng tôi về nghỉ tại dinh thự của gia đình vợ chồng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam, lúc bấy giờ là Đại sứ Vũ Bình và phu nhân - Nguyễn Ngọc. Hiện Anh Vũ Bình đang làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản. Điều này với tôi thật quá bất ngờ và xúc động, bởi trước đó, tôi đã may mắn nhiều lần được làm việc cùng với anh Vũ Bình khi anh còn ở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, rồi cùng anh một chuyến công tác sang Cộng hòa Séc dự “Cuộc gặp mặt Thanh niên sinh viên toàn Châu âu”, năm 2007. Gặp lại anh lần này (2011) quả là điều thú vị mà tôi cho đó là sự Hữu duyên.

Thời gian sang Hy Lạp không nhiều, nên chiều hôm sau buổi Lễ Vu lan báo hiếu được gấp rút tiến hành, vì trước khi bay từ Séc về Hy Lạp, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Vũ Bình, đã kịp sắp xếp công việc cụ thể để buổi lễ được diễn ra trang trọng, tôn nghiêm và ấm áp tình người, tình quê hương.

Sau phần nghi thức ngoại giao, Đại đức Thích Trí Chơn giới thiệu để bà con người Việt ở Hy Lạp có cái nhìn tổng quan về đạo Phật, về tình hình Phật sự ở trong nước và ở nước ngoài. Có lẽ xúc động nhất chính là khi Đại đức giảng giải về ý nghĩa của Lễ Vu lan báo hiếu trong đạo Phật mà lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Hy Lạp được thực hành.

Là người dẫn chương trình nhiều sự kiện quan trọng của cộng đồng người Việt ở Séc và các sự kiện diễn ra ở Châu âu có sự tham dự của Hội người Việt hay Hội Phụ nữ, Hội Phật tử ở Séc tham gia tổ chức, nhưng có lẽ với chị Tạ Phạm Bích Thủy đây cũng sẽ là kỷ niệm khó quên. Chị Thủy đã không chế ngự nổi cảm xúc khi dẫn chương trình tới phần nghi thức cài hoa hồng đỏ cho những ai còn cha - mẹ và cài hoa hồng trắng cho những ai mà cha mẹ đã sớm rời cõi tạm. Cảm xúc ùa về, khiến tất cả mọi người tham dự đều nghẹn ngào, thổn thức cùng những giai điệu âm nhạc thấm đẫm tình mẫu tử, tự tình dân tộc.

Người Việt ở Hy Lạp chỉ có khoảng 600 người. Đời sống của bà con ổn định và phát triển, tuy nhiên do điều kiện và hoàn cảnh sống nên bà con ít có điều kiện gặp gỡ hay chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống ở nơi xa xứ. Không xúc động sao được khi trước kia, người Việt ở Hy Lạp chỉ sinh hoạt theo nhóm, hay sinh hoạt riêng lẻ trong những gia đình nhỏ, thì kể từ khi có Đại sứ quán - cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hy Lạp, bà con đã có chỗ dựa tinh thần vô cùng to lớn - mà sự gắn kết, lan tỏa tình dân tộc giữa Việt Nam - Hy Lạp và các nước Châu Âu, phải kể đến vai trò của Đại sứ Vũ Bình và phu nhân trong nhiệm kỳ của ông ở tại Hy Lạp. Chính vì thế, bà con ai cũng rưng rưng khi nghĩ về quê hương, đất nước, nghĩ về gia đình của mình ở Việt Nam, bởi đó là Tổ quốc, là cội nguồn dân tộc.

Quê hương trong trái tim mỗi người

Lắng lại sau Lễ Vu lan báo hiếu, chúng tôi có 2 ngày vừa làm việc vừa tham quan những danh lam thắng cảnh ở Hy Lạp.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời kỳ cổ đại, vùng đất này để lại nhiều di sản, thành tựu văn hóa, khoa học, nghệ thuật... cho nhân loại tới tận ngày nay.

Nhắc tới Hy Lạp, có rất nhiều điều để nói, để kể, nhưng có một người Hy Lạp mà Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới biết tới; người Việt Nam kính trọng, tri ân, đó là ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập. Một người đặc biệt được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Sở dĩ tôi ngồi viết lại những cảm xúc này cũng là bởi tôi đã rất bàng hoàng khi hay tin ông Nguyễn Văn Lập vừa qua đời. Vẫn biết, tuổi cao, sức yếu - ông tạ thế ở tuổi 94, nhưng tôi rưng rung, cảm xúc rối bời khi viết lại những kỷ niệm khó quên về cuộc phỏng vấn ông lần đầu tiên vào năm 2011, trên chính quê hương ông - Hy Lạp, sau khi ông nhận được Huân chương Hữu nghị do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng vào hồi đầu năm 2011. Sau đó, năm 2013, ông vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngược dòng thời gian, trong lần trả lời phỏng vấn ấy, ông cho biết, ông sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở miền bắc Hy Lạp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị buộc tới Đông Dương để tham gia cuộc chiến chống phát-xít Nhật.  Tới Sài Gòn năm 1946, chứng kiến những hành động tàn phá, giết chóc của quân xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội, ông đã quyết định đi theo Mặt trận Việt Minh ở Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 108 và trở thành Bộ đội Cụ Hồ với tên gọi Nguyễn Văn Lập. Năm 1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1958, ông kết hôn - vợ ông là một người con gái Hà Nội và sinh được bốn người con. Ông tâm sự: “Tôi yêu Việt Nam và chưa bao giờ muốn rời xa Việt Nam. Việt Nam là Tổ quốc của tôi”. Tuy nhiên, do còn có mẹ già ở Hy Lạp đã nhiều năm mất liên lạc, nên năm 1965, ông cùng vợ và các con rời Việt Nam về Hy Lạp. Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, mắt ông long lanh cố ngăn những giọt nước trực trào ra khóe mắt, bởi với ông 2 tiếng Việt Nam thật thiêng liêng. Ông bảo: “Cả đời tôi lúc nào cũng nghĩ tới Việt Nam, ngủ cũng mơ về Việt Nam. Nhớ đến nỗi mà có lúc khóc vì mình ở xa quá. Đáng lẽ tôi sống ở Việt Nam mới phải, nhưng mà vì hoàn cảnh gia đình, vì con cái nên phải chịu theo con. Hơn 60 năm cuộc sống vợ chồng, gia đình có lúc vui, lúc buồn, các con cháu đông đủ, quây quần có nhau. Tôi hạnh phúc, nhưng tôi luôn nhớ về Việt Nam - Tổ quốc của tôi”. Sau này, trong một lần trả lời Đài Truyền hình Việt Nam, ông từng nhắn nhủ: “Các con ạ! Bố nhắc lại nếu như Bố chết ở Việt Nam, hãy để bố ở đó - điều này Bố đã bàn với mẹ rồi!”.

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập quả là một con người đặc biệt. Nhớ về ông, nhớ tới câu chuyện với ông trên chính quê hương ông cách đây tròn 10 năm khiến tôi thực sự xúc động. Kostas Sarantidis là người Hy Lạp, nhưng ông nói tiếng Việt rõ từng dấu giọng, bằng một giọng nói trầm ấm, tròn đầy, như tình yêu của ông dành cho đất nước Việt Nam vẫn luôn tròn đầy cho tới khi rời cõi tạm.

Xin được bái biệt ông về miền cực lạc trong an lành!

 


Tin Tức Liên Quan