16 | Thích Nhất Hạnh - Bậc Thiền Sư Huyền Thoại Của Thời Đại

16/04/2022 12:33
Bài 16: Đến Đi Tự Ngươi

Buổi sáng giã từ, dường như có chút gì đó quyến luyến. Tôi nhìn quý thầy, cô tăng thân của Làng đượm chút trầm lắng trong khoảnh khắc chia tay, như muốn nói lời ước hẹn.


Hòa thượng trưởng đoàn đang tiến vào chùa Pháp Vân trong … chia tay


Tay trong tay


Bên nhau phút chia tay


Tình huynh đệ

Tại chùa Pháp Vân - xóm Thượng một lần nữa lại cùng nhau sum vầy nhưng không như khoảnh khắc nở hoa của ngày hội ngộ mà đó là phút tạ từ. Cũng với bàn Phật đó, những chiếc ghế đó và bấy nhiêu người đó nhưng môi không cười như phút đoàn viên mà chỉ có những ánh mắt từ bi nói câu ly biệt. Không như ngày đầu vị trí trung tôn nhường cho thiền khách, phút tiễn đưa Thầy ngồi giữa các vị pháp lữ linh sơn, thỉnh thoảng nói vài câu với Hòa thượng Trí Quảng, lúc thì cầm lấy bàn tay Hòa thượng Thiện Bình, lòng người như muốn chậm lại mà thời gian thì trôi đi vô tình. Sau các phát biểu của Hòa thượng trưởng đoàn và các bậc tôn túc trong đoàn nói lên cảm xúc của những ngày ở Làng Mai, Thầy tỏ lời cảm ơn và tặng quà đến đoàn. Mỗi vị được Thầy tặng một bức thư pháp do chính tay Thầy viết. Người được tặng đầu tiên là Hòa thượng Trưởng đoàn. Trước khi tặng, Thầy đọc câu thư pháp:

Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ

Làm người một kiếp cũng như không”.

Vốn xuất thân từ ngôi chùa cổ, thuở ấu niên đã học lễ nghi, những bài tán, những kệ thỉnh tôi được nghe, được đọc hầu như mỗi ngày. Nghe câu thư pháp này tôi thấy sao quá đỗi quen thuộc nhưng chưa hình dung xuất xứ. Cho đến một ngày nhận ra, mới biết Thầy chuyển ý từ một thi kệ trong khoa cúng. Nguyên văn chữ hán là:

Khổ hải thao thao nghiệp tự chiêu

Mê nhơn bất tỉnh bán phân hào

Kim sanh bất bả Di Đà niệm

Uổng tại nhân gian tẩu nhất tao”.



Hai câu cuối Kim sanh bất bả…” được hiểu là “Sống chẳng niệm A Di Đà Phật hiệu, uổng một vòng chơi nẻo nhân gian”. Và, Thầy đã dịch thoát ý là “Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ/ Làm người một kiếp cũng như không”.

Bức thư pháp tặng cho vị pháp hữu đường chủ Long Sơn - Nha Trang, Thầy ghi:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời”.

Đây là câu thơ trích trong truyện Kiều, là lời của Kim Trọng trong bữa tiệc đoàn viên, cả nhà sum hợp mừng gặp lại Kiều sau mười lăm năm lưu lạc. Tặng câu này, tôi hình dung Thầy có mối đạo tình sâu sắc với Hòa thượng Thiện Bình. Không sâu sắc sao được khi mà thuở tăng sinh cả hai cùng học chung một trường là Phật học đường Báo Quốc; và khi ra làm việc, hai ngài cùng chung phụng sự trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam.



Tặng thư pháp cho hòa thượng Phước Đường, Thầy viết:

Trước sau cho vẹn một lời

Duyên ta mà cũng phúc người phải không!

Đây cũng là câu thơ trong Kiều. Tứ thơ nằm ở đoạn đời Kiều rơi vào bế tắc, nàng có ý gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Sư Tam Hợp (tu theo Lão giáo) đã dự báo và nói cho Ni sư Giác Duyên biết chuyện để giải cứu. Ni sư Giác Duyên ngay sau đó đã thuê ngư phủ thả lưới tại sông này và đã vớt được Kiều. Thực ra, câu nguyên bản là: Trước sau cho vẹn một lời/ Duyên ta mà cũng phúc trời chi không!, Thầy đã đổi mấy chữ cuối phúc trời chi không” thành phúc người phải không”. Tôi không hiểu thiền ý của Thầy khi tặng cho Hòa thượng Phước Đường câu này. Chỉ biết là Hòa thượng Phước Đường xuất thân ở miền thùy dương cát trắng, học ở Phật học đường Hải Đức Nha Trang. Khoảng cuối thập niên 1980 ngài sang Pháp chung lo phật sự với pháp huynh là Hòa thượng Thiện Châu - khai sơn thiền viện Trúc Lâm, khi Hòa thượng khai sơn viên tịch thì ngài kế vị nơi này. Có phải ý Thy là cái duyên” Hòa thượng Thiện Châu khai sơn để rồi cái phúc” hòa thượng Phước Đường làm viện chủ, hay cái duyên” đoàn Giáo hội về Làng để cái phúc” được tương phùng thiền sư (?). 


Bức thư pháp tặng vị giáo phẩm của Phật giáo thủ đô, Thầy ghi:

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

Ta nhìn nhau tình huynh đệ bao la”.

Đây là đoạn đầu trong bài thơ Lửa Từ Bi do Vũ Hoàng Chương sáng tác. Bài thơ ra đời năm 1963 trong bối cảnh Bắc Nam bị chia cắt, Phật giáo miền Nam bị rơi vào Pháp nạn do sự kỳ thị tôn giáo của nền đệ nhất cộng hòa. Giới Phật giáo đã biểu tình bất bạo động mà đỉnh cao là sự tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. Ngọn lửa thiêng đã gây bàng hoàng nhân loi, làm chấn động thế giới khiến tác giả cho ra đời bài thơ bi tráng này.  Sân si là tâm mà từ bi cũng là tâm. Chỉ cần ánh sáng tuệ tâm được thắp lên thì bóng tối mê tâm tan biến, chỉ cần mở mắt nhìn nhau thì sân tâm rơi rụng và bầu trời tình huynh đệ rộng mở bao la. Tôi cảm được niềm hoan hỷ của Hòa thượng Bảo Nghiêm hiện rõ trên khuôn mặt khi nhận bức thư pháp này.



Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt…

Nhìn Hòa thượng Trí Quảng và Hòa thượng Bảo Nghiêm tôi nhớ ba năm trước đó - 2001, trong chuyến du hành đến Hàn Quốc mỗi chúng tôi đều được nhận thư pháp chữ Hán của Hòa thượng Bồ Thành, viện chủ chùa Quan Âm. Năm đó ngài đã gần 90, nay đã hơn 20 năm rồi, giờ thì có lẽ ngài đã… Hồi đó Hòa thượng Bồ Thành tặng Hòa thượng Trí Quảng bốn chữ “Giá Kiều Phật Pháp”, bốn chữ tặng Hòa thượng Bảo Nghiêm là “Tri Tâm Vô Trụ”, còn tôi là “Tự Tánh Bổn Không”. Trong lúc các bậc tôn túc nhận những bức thư pháp của Thiền sư, tôi vui vẻ với niềm hân hoan của các ngài. Cái khoảnh khắc đó “Tự Tánh Bổn Không” bỗng hiện về, khiến tôi càng thêm háo hức. Tôi không mơ đâu, tôi vẫn đang có mặt cho chính mình trong phút giây hiện tại, vậy tại sao tâm cứ đuổi bắt cái món quà chưa được Thầy công bố, lòng vẫn cứ hồi hộp như muốn biết bức thư pháp Thy tặng mình ghi câu gì. Và rồi cũng đến lượt, được Thầy mời lên, tôi quì xuống đón nhận. Trước khi trao, thầy đọc nội dung bức thư pháp: “Đến đi tự ngươi, đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại”. Đọc xong Thầy còn minh giải: Ai cũng có sự tự do và ai cũng có thể đến đi nơi chốn mình muốn đến, nếu mình thích thú”. Đọc xong, Thầy cầm bức thư pháp trao tặng trong khi tay Thầy kia đặt lên vai tôi, một cử chỉ thân thiện, ấm áp. Vâng, cái thân thì gặp ít nhiều giới hạn về sự đến đi nhưng cái tâm thì rõ ràng là hoàn toàn tự do trừ phi mình tự trói buộc mình. Cái đỉnh cao của sự tìm kiếm bên ngoài thì gian nan, mờ mịt trong khi đỉnh cao của lý tưởng thì mắt nhìn trời sáng, chân bước thong dong. Nhận được bức thư pháp của Thầy trong tôi dâng trào niềm vui. Nó như câu phú pháp, giúp tôi ngộ được hai chữ “đến đi” mà trước giờ chân bước rụt rè. Có những đỉnh cao nào có thích thú nhưng cũng phải trèo, trong khi những đỉnh cao đích thực của người tu thì lần mò, dọ dẫm. Cố nhiên, đây là đỉnh cao của chiếc áo nâu chứ không phải cái đỉnh cao mang lon, gắn hàm.



Đến đi tự ngươi…

Sau này chị Từ Dung (tức sư cô Linh Mẫn hiện nay) cho tôi biết câu “Đến đi tự ngươi…”  nằm trong bài Mây Trắng Thong Dong, bài thơ Thầy sáng tác năm 1978  truy tặng Hòa thượng Thiện Minh.

Ngẫm lại mấy bức thư pháp Thy tặng đoàn, mỗi câu đều có tứ riêng. Điều đáng nói là những câu tặng cho chư vị tôn túc là những câu Thầy mượn của tiền nhân. Duy nhất câu tặng tôi, nội dung là do Thầy sáng tác và thủ bút cũng lưu xuất từ mấy ngón tay hoa của vị Thầy chánh niệm.


Phút cuối_ Thiền sư và Tăng thân Làng Mai tiễn đoàn

Chia tay tại sân ga (từ phải qua) : thầy Pháp Độ, thầy Pháp Ấn, thầy Chỉnh Độ

Về lại quê nhà, bao kỷ niệm đều chôn vùi trong ký ức chỉ còn lại chồng sách thầy trao nơi thất Ngồi Yên và bức thư pháp nhận được ở chùa Pháp Vân là… “di sản vật thể” tôi còn lưu giữ đến giờ.

Trí Chơn

(Bài 17: Nhịp Cầu Hiểu Thương)

Tin Tức Liên Quan